Đền thờ Mẫu âu Cơ trong quần thể di tích thắng cảnh động Tiên.
(HBĐT) - Xa quê nhiều năm, xuân này, tôi mới có dịp trở lại quê nhà ăn Tết. Mấy cô bạn thuở thiếu thời hẹn hò: Mồng 4 tết đi hội chùa Tiên nhé, vui lắm!
Nghe nói đến chùa Tiên, ký ức tuổi thơ ùa về trong tôi. Ngày đó, chúng tôi mới chỉ là những cô, cậu học trò trường làng 11, 12 tuổi hiếu động, nghịch ngợm, ham tìm tòi khám phá. Khi nghe mọi người nói ở xã Phú Lão (Lạc Thủy) có động Tiên rất đẹp, tụi nhỏ chúng tôi háo hức lắm. Từ nhà đến động Tiên hơn 10 km, nhưng không sợ đường xa, mấy đứa choai choai chúng tôi rủ nhau trốn bố mẹ đạp xe đi cho biết động Tiên. Hình ảnh những hang động với nhiều nhũ đá đẹp, hồ nước to trong hang, tụi trẻ tha hồ leo trèo nghịch ngợm trên các mỏm đá, thích thú thi nhau lấy đá gõ lên vách hang, gõ lên những cột nhũ tạo nên âm thanh trầm bổng ngân vang đã trở thành một phần ký ức tuổi thơ khi tôi đi học rồi đi công tác xa nhà.
Vẫn tâm trạng háo hức như thuở nào khi nghe cô bạn hò hẹn, đúng ngày mồng 4 tết - ngày khai hội, chúng tôi hòa vào dòng người tấp nập từ khắp nơi đổ về đi hội chùa Tiên để được đắm chìm vào không khí lễ hội với khung cảnh sơn thủy hữu tình.
Du khách thập phương nô nức trẩy hội chùa Tiên.
Được xem là khu vực giao thoa giữa 2 miền văn hoá Kinh - Mường, là địa bàn cư trú của người nguyên thuỷ xưa, mang đậm dấu ấn của nền văn hoá Hoà Bình, động Tiên - Phú Lão gồm nhiều động nhỏ liên hoàn với nhau như động Tiên, đền Mẫu, Tam Bảo, động Chung, động Thượng, Quán Trình... Mỗi điểm đều chứa đựng trong đó những giá trị văn hoá vật chất và tâm linh đặc sắc với nhiều trầm tích còn nguyên bản, muôn hình dạng như hình bầu sữa mẹ, bọc trăm trứng, đài sen, nón ba tầng, suối vàng, suối bạc...
Từ nhiều năm nay, lễ hội chùa Tiên đã trở thành một trong những lễ hội lớn của tỉnh. Ngày khai hội được tổ chức vào mồng 4 Tết âm lịch, ngày này vốn là ngày mở cửa rừng của người dân địa phương, sau trở thành ngày khai hội. Hàng ngàn phật tử cùng du khách thập phương nô nức trẩy hội chùa Tiên, tham gia vào các hoạt động lễ hội mang đậm tính truyền thống dân tộc, tâm linh hướng thiện như dâng hương, hát Cung văn nhằm ca ngợi con người tiền sử xa xưa, cầu tài, cầu lộc, cầu mùa màng bội thu... Bắt đầu cuộc du sơn, du thuỷ tham quan vãn cảnh quần thể di tích bằng dâng hương tại đền Trình thờ tam vị đức Thánh ông đã có công khai phá vùng đất Nhượng Lão (nay là thôn Lão Ngoại). Đến đền Mẫu, nơi thờ Mẹ - một tín ngưỡng bản địa nguyên thủy của người Việt cổ. Phía sau ngôi đền là dãy núi với nhiều hang động tuyệt đẹp, thần bí, phía trước là dòng suối Khốm uốn lượn. Ngay dưới chân Đền là động Mẫu Long (còn gọi là động Mẫu âu Cơ), trong động là nơi ngự của Mẫu âu Cơ với bọc trăm trứng và cánh chim Lạc Việt. Đường lên động Tiên có 296 bậc uốn lượn theo dãy núi Tùng Xê. Động Tam Toà có 3 toà động đẹp lung linh huyền ảo, cửa động lộ thiên giữa sườn núi Rộc Đản. Từ cửa động có thể ngắm nhìn toàn cảnh vùng đất sơn thuỷ hữu tình đẹp như bức tranh thuỷ mặc. Bên trái động Tam Toà là động Linh Sơn Địa Mẫu thờ Địa Mẫu, người tạo ra thế giới này, bên phải là lối sang động Người Xưa (Hang Hồ) chứa đựng dấu tích và đồ dùng của người Việt cổ nên được gọi là động Người Xưa...
Với những giá trị lịch sử văn hoá, di tích khảo cổ học và danh thắng động Tiên đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách thập phương, góp phần vào phát triển KT-XH ở địa phương. Trong năm 2010 đã thu hút trên 300.000 lượt khách đến thăm quan, tổng thu các loại phí trên 7 tỉ đồng, tăng 87,41% so với năm 2009.
Đã trở thành truyền thống, mỗi độ xuân về, du khách muôn nơi lại cùng nô nức trẩy hội chùa Tiên tham quan vãn cảnh, tìm về với cội nguồn, cõi tâm linh hướng thiện. Chùa Tiên còn là điểm đến hấp dẫn của những người ưa thích thám hiểm, khảo cổ, nghiên cứu khi tìm đến với những dấu tích của người nguyên thủy xưa.
Hà Thu
(HBĐT) - Đối với người Mường, Tết Nguyên đán là cái tết quan trọng nhất, to nhất trong một năm, nhiều vùng chỉ ăn một cái Tết Nguyên đán chứ không ăn tết gì khác. Trong dịp tết Nguyên đán, mỗi nhà tổ chức một bữa tiệc dâng tổ tiên và thần thánh, bữa đó gọi là làm tết.
(HBĐT) - Trong những ngày đầu năm, các bản làng đều tổ chức nhiều hoạt động lễ, hội độc đáo mang tính cộng đồng cao và đậm đà bản sắc văn hóa của các dân tộc vùng Tây Bắc. Dọc tuyến QL 6 lên phía Tây Bắc, vào những ngày đầu xuân, có 3 lễ hội lớn được mọi người quan tâm, đó là lễ hội Khai hạ của đồng bào Mường, hội xên bản, xên Mường của đồng bào Thái và lễ hội Gầu Tào của đồng bào Mông.
(HBĐT) - Trống đồng là tài sản quý giá được coi là báu vật mà cha ông để lại cho chúng ta hôm nay, là biểu tượng của nền văn minh và văn hoá Việt Nam thời dựng nước. Hoà Bình là một trong những tỉnh phát hiện và lưu giữ nhiều trống đồng nhất trong cả nước.
(HBĐT) - Sau những kết quả thu được từ việc khai quật 9 trong số 20 địa điểm di tích hang động tại vùng núi đá vôi Hoà Bình, năm 1927, nhà khảo cổ học người Pháp- Madelene Colani đã đề xuất khái niệm “Văn hoá Hoà Bình” chia làm 3 giai đoạn: Hậu kỳ đồ đá, Tiền đá mối, Sơ kỳ đá mới.
(HBĐT) - Tại Mường Bi (Tân Lạc) vẫn còn nhiều gia đình còn giữ được những nóc nhà sàn, nhiều giá trị văn hoá cổ của người Mường, một trong những giá trị văn hoá đó là cách tính lịch riêng mà người Mường ở Mường Bi hay gọi là lịch Đoi loại lịch này hiện vẫn còn giữ gìn trong các gia đình trí thức truyền thống của người Mường hay những gia đình thuộc tầng lớp các thầy mo.
(HBĐT)- Chuyện cũ kể rằng: tiếng hát, điệu múa của người Mường có từ lâu lắm rồi, từ thời “Đẻ đất, đẻ nước” tạo ra đất mường. Ngày ấy Dạ Dân gánh một gánh nặng những tiếng hát, điệu múa đi gieo khắp cả vùng quê của người Mường. Tiếng hát thường tình tứ, những điệu múa rộ ràng, uyển chuyển hoà cùng với tiếng cồng, tiếng chiêng, ngân vang xa mãi từ mường này tiếp sang mường khác không dứt. Người mường Bi có múa và biết múa từ đấy.