Lễ cúng của người Mường
(HBĐT) - Đối với người Mường, Tết Nguyên đán là cái tết quan trọng nhất, to nhất trong một năm, nhiều vùng chỉ ăn một cái Tết Nguyên đán chứ không ăn tết gì khác. Trong dịp tết Nguyên đán, mỗi nhà tổ chức một bữa tiệc dâng tổ tiên và thần thánh, bữa đó gọi là làm tết.
Bữa làm tết có thể làm cỗ dâng tổ tiên bằng thịt gà hoặc thịt lợn, xôi, rượu và các đồ lễ khác. Gia đình nào có cả một con lợn thịt trong dịp tết thì được coi là ăn nên làm ra, tổ tiên vui mừng, con cháu hoan hỉ, cỗ bàn đầy đặn, cửa nhà sáng sủa. Họ đi mời các chú bác, họ hàng, anh em làng bản đến dự và cùng tham gia chế biến món ăn, bày cỗ….
Đúng ngày làm tết mới mổ lợn, lợn thui xong mang ra suối mổ rồi về pha thịt chế biến, trong đó có món thịt luộc, quéch, chả rang, dồi, chả băm, nước canh miến với bí xanh, mộc nhĩ hoặc nước canh miến măng khô, món ớt, tiết canh ngách lưỡi…
Trong một mâm thờ gồm các lễ vật bánh chưng và mật, rượu chai, cơm nếp, thịt luộc, chả rang và dồi, nem, chả băm, canh miến, quéch, một số tiền, một bát nước lã, tăm, trầu cau, nước mắm, muối. Món thịt bày vào một mảnh lá chuối khoảng 30 x 40 cm, phía giáp cuống được quy định là phía dưới của lá thịt, cạnh đối diện quy định là cạnh phía trên của lá thịt. Họ chọn đủ miếng trong một con lợn để bày vào mảnh lá chuối theo hình quạt, hình tròn kiểu dẻ quạt gọi là lá thịt hoặc lá canh (người mường gọi thức ăn bằng thịt, cá là “canh”), ở giữa lá canh bày xương băm nhỏ, một miếng ruột già, một miếng thịt nạc, phía trên của lá thịt bày vài ba miếng gan quay ngược là để cho ma, thần ăn, trái với cho vía người và người ăn là bày những miếng gan ấy quay xuôi đầu nhọn, lá thịt để vào giữa mâm. Trong một mâm người ta thờ mấy vị thì được bày mấy lá thịt chông lên nhau và ngàn ấy đôi đũa. Cho nên cứ xem trong mâm có mấy đôi đũa thì biết là mâm ấy thờ mấy vị.
Mâm cỗ soạn đủ mốn rồi được bưng lên đặt vào vị trí của từng mâm trên bàn thờ. Người ta đặt những mâm dâng tổ tiên bên nội Bàn thờ tổ tiên được đặt ba mâm: Mâm ngoài cùng thờ bố mẹ, mâm thứ hai thờ ông bà, mâm thứ ba (ở trong cùng) thờ các cụ, kỵ. Ở mâm thờ các cụ, kỵ thì cơm không đong bằng bát, đúa không tính đôi mà cơm được nắm một nắm thật to, còn đũa thì để một nắm hàng chục đôi. Tiếng Mường gọi là “cơm cổ tũa nãm” tức “cơm đống, đúa nắm” để biểu thị mâm đó thờ rất nhiều cụ, kỵ mà con cháu đương thời không thể nhớ hết tên. (Trong bài o khấn thời người ta chỉ đọc tên mời đến đời cụ). Ở cửa vóng kê bàn thờ về phía trong, người ta bày các mâm thờ vua mỡi. Vóng trong cùng thờ hai mâm tổ tiên bên ngoại: bố mẹ vợ và ông bà ngoại chủ nhà. Vóng ngoài kê bàn thờ tổ tiên nội thờ hai anh em Thàn Kỳ Vi Bóng, Chàng Vàng, Sang Quan Lại Lệnh (Thần Kỳ Wi Pỏng ủn enh Chàng Wàng Khang Quan Lãi Lễnh), là thần che tránh tai nạn rủi ro cho con người khi ra xã hội, giúp người bảo vệ của cải vật chất trong nhà. Cửa vóng phía trái ngoài (bóng tlèo) đặt hai mâm thờ “Cun kép tả ngươi – Ba bố con Khồng Dofl”. Mâm bố Khồng Dòl đặt trên, mâm của hai con ông Khồng Dòl ở dưới. Ở đầu bếp đặt một mâm thờ ba vợ chồng vua bếp (một vợ hai chồng). Phía gian ngoài cùng (khoang tlèo) người ta dọn lễ vào nong, xếp một vài lá thịt, muối, bánh chưng nhỏ, cơm dọn nhiều năm nhỏ cho vía trâu bò hưởng. Dưới sân, người ta đặt lên miếu thờ ba vị thổ công. Tất cả công cụ lao động và đồ dùng quý trong nhà đều được dính những hòn cơm nhỏ để cho chúng “ăn tết”.
Các mâm lễ được đặt vào vị trí, ông mo xem xét thấy đã đủ lễ thì con cháu thắp hương để ông mo đóng vai con cháu trong nhà bắt đầu khấn lễ. Đầu tiên ông xướng tên và nơi ngự của các vị được thờ và lạy từng vị một. Tiếp đó là phần trình bày và lý do mời và dẫn dắt các vị về tận nhà chủ thờ. Các vị tổ tiên, thần thánh rửa chân, trèo thang len nhà, khấn chỉ vào vị trí mâm của từng vị để các vị ngồi đúng chỗ. Sau khi các vị đã an tọa, ông mo cùng tất cả con cháu trong nhà lạy cháo tổ tiên và thần thánh. Sau thủ tục lạy chào, ông mo bắt đàu khấn dâng. Tất cả con cháu vãn ngồi nguyên vị, lắng nghe lời mo. Lời mo mời các vị ăn trầu, nói chuyện với nhau cho vui. Ăn trầu xong mời xúc miệng bằng bát nước lã trong sạch và bắt đầu dâng bánh, dâng rượu. Dâng đủ 10 tuàn bánh thì xin mời các cụ “Thu lại một nếp, xếp lại một món” để tiếp tục xơi đến món thịt, rượu. Vừa ăn cơm và uống rượu nhấm nhót. Cứ hết một tuần con cháu lại lạy ơn tổ tiên, thàn thánh ba lần. Vì mỗi lần ăn uống nhắm nhót như vậy tổ tiên lại bênh vực con cháu một số việc. Con cháu như nhìn thấy rõ ràng tổ tiên, thần thánh đang ăn uống rất sinh động, vui vẻ và họ rất tin rằng sẽ được bênh bao phù hộ như lời khấn cầu. Dâng đủ 10 tuần cơm rượu thì được coi là các vị đã thật sự no say. Lời khấn lại thưa rằng:
“Cơm ăn không hết dậy thu vào sọt
Rượu uống không hết dậy thu vào vò
Thu hết lễ lạt con cháu dâng cho
Mang về biếu bố mẹ trong mường cái ma”
Rồi xin mời các cụ đứng dậy thu dọn đồ đạc trở về nơi ngự. Con cháu ở lại xin được “rút mâm lui, lùi mâm xuống”, hưởng những thức “còn lại” của việc thờ phượng đã xong. Con cháu rút mâm thờ về một chỗ, dồn xôi, thịt lại rồi dọn mâm cỗ đẻ bày ra mời mọi người ăn tết. Mâm cỗ bày ăn gồm tất cả các món có trong mâm thờ và thêm món ớt, món nộm thịt thủ lợn (món ngách lãi), các loại rượu thơm, rau đắng đồ. Nhưng cách bày khác hẳn mâm thờ. Mỗi mâm có lót một ngọn lá chuối cho kín. Khi đặt mâm cho người ăn quay phía ngọn lá vào phía trong (căn cứ vào phía trong và phía ngoài của nhà sàn). Giữa ngọn lá chuối, người ta đặt một lá thịt xếp hình tháp tròn, bì của miếng thịt luộc quay ra ngoài. Xung quanh lá thịt luộc, bày món đựng trong đĩa hoặc bát con. Mỗi món ít nhất hai đĩa hoặc hai bát. Canh miến múc mỗi người một bát con. Cơm nếp đong vào bát hoặc gói lá chuối, lá sung. Họ trải chiếu trên các cửa vóng rồi đặt các mâm cỗ lên. Trước khi ăn tất cả con cháu xếp hàng ngay phía dưới (tính từ trước đến sau nhà sàn). Lạy kính tuổi bậc cha mẹ, ông bà, các cụ. Người già đứng lên trên cảm ơn con cháu và chúc cho con cháu sang năm mới mạnh khỏe, làm ăn giàu có để nuôi nấng, cung phụng người già. Tiếp đó người ta mời nhau rửa tay (chậu nước được con cháu đặt sẵn ở phía ngoài cửa) rồi ngồi vào các mâm cỗ. Có một người thạo phong tục sẽ đứng ra xếp vị trí cho đúng thứ bậc của từng người. Đàn bà ngồi cung nhau ở những mâm phía trong. Đàn ông ngồi với nhau ở những mâm phía ngoài, trẻ con ngồi cùng với nhau ở những mâm giữa nhà hoặc phía dưới. Sau khi đã ổn định chỗ ngồi trong các mâm – tiếng mường gọi là “buông cỗ” – khách bắt đầu nói lời cảm ơn chủ nhà và chúc gia đình đại ý như sau:
“Năm cũ đã qua
Bước chân ra mùa năm mới
Gia đình tổ chức cái bữa hôm nay
Trước là dâng tổ tiên thần thánh
Để được phù hộ bênh bao
Cháu con mát mẻ khỏe mạnh
Dưới sân đầy lợn, đầy gà
Đồng nà ruộng lúa đầy thóc
Gấm vóc đầy cửa sáng nhà
….
Sau lại còn có mâm cỗ nhắm
Thiết đãi chúng tôi là ông, là bà
Là chú bác, anh em
Ăn uống nhờ no say
Xin cảm ơn cô chú
(Bác, bá, ông bà, các cháu)”
Chủ nhà đáp lại: “Vâng xin cảm ơn tiếng đẹp lời lành đầu năm của (chú, bác…)”
“Mỗi năm một kỳ
Lễ cúng không dám qua
Lễ ma không dám bỏ
Hôm nay, thờ phụng tổ tiên
Ơn các bố các mế
Các anh, các chị
Còn về ở chơi
Làm vui cho gia đình
Lẽ ra phải có
Đàng ăn sá uống ( Đồ ăn thức uống)
Thiết đãi anh em họ hàng mới phải
Nhưng đến bữa chẳng có gì
Chút cơm khô muối trắng
Thấy sao các bố các mế anh chị
Thương lấy gia đình chúng tôi là vậy
Để xin mời ở chơi (ăn uống)”
Sau thủ tục chào chúc tốt lành đó, người ta mời nhau uống chén rượu đầu tiên và húp canh miến, ăn rau thơm, ăn các món măng đắng, rau đắng (nếu có), ăn đến món ớt, món ngách vv…Vừa mời nhau ăn lại vừa mời nhau uống rượu. Động tác mời nhau là đưa hai tay ra phía trước, ngửa lòng bàn tay nâng nâng một cách chân trọng. Gắp vòng đi vòng lại những món vừa ăn, mãi rồi mới mời nhau gắp vào món giữa là món thịt luộc. Sự mời mọc diễn ra liên tục suốt cả bữa cỗ, gần như mỗi lần gắp là một câu mời rồi thường đang bộ mẹng, hát ví, mo kể chuyện tình…làm bữa ăn thêm hoan hỷ. Sự nhiệt tình của mọi người đem lại niềm vui thật sự cho các thành viên gia đình. Họ mong rằng năm nào cũng thế, tết đến phải được vui như thế.
Tan cuộc, mọi người xin phép chủ nhà ra về. Ông mo được biếu một gói thịt luộc (trong gói xếp hai lá thịt), một gói cơm, một hoặc hai chiếc bánh chưng, một chai rượu. Gia đình tiếp tục gói thịt luộc (mỗi gói một lá thịt) gói cơm, soạn bánh đi biếu các gia đình họ hàng, xóm bản và các thông gia. Trước đó ( trước lúc ăn) một số bố mế thuộc họ hàng gần mà không đến dự được thì được biếu một mâm do con cháu bưng đến tận nhà.
(HBĐT tổng hợp)
(HBĐT)- Chuyện cũ kể rằng: tiếng hát, điệu múa của người Mường có từ lâu lắm rồi, từ thời “Đẻ đất, đẻ nước” tạo ra đất mường. Ngày ấy Dạ Dân gánh một gánh nặng những tiếng hát, điệu múa đi gieo khắp cả vùng quê của người Mường. Tiếng hát thường tình tứ, những điệu múa rộ ràng, uyển chuyển hoà cùng với tiếng cồng, tiếng chiêng, ngân vang xa mãi từ mường này tiếp sang mường khác không dứt. Người mường Bi có múa và biết múa từ đấy.
(HBĐT) - Người Tày – Thái ở Đà Bắc có hai bộ phận: bộ phận đông nhất là người Tày – Thái, một bộ phận ít hơn là người Tày ở các tỉnh thuộc khu vực Việt Bắc tới. Trang phục của bộ phận người Tày giống như trang phục của người Tày giống như trang phục của người Tày ở các tỉnh thuộc khu Việt Bắc. Vì vậy, phần này chỉ tập trung trình bày về trang phục của người Tày – Thái ở Đà Bắc.
1/ Lễ nạ mụ:
Có dịp chúng ta vào bất kỳ một ngôi nhà sàn của người mường Bi nào hễ ngước nhìn lên mái gianh gian trong sẽ thấy những giỏ đan mắt cáo, nguyên liệu bằng tre nứa cắm ở phía trên đoàn tay, người mường gọi cái đó là nạ mụ ( giả làm mặt người giữ vía). Bao nhiêu nạ mụ là bấy nhiêu người con.
(HBĐT) - Bản Pom Coọng thuộc thị trấn Mai Châu, huyện Mai Châu, khiến ta tò mò ngay từ cái tên. Nơi mảnh đất này, người Thái đã biết làm du lịch từ chính cuộc sống thường ngày của họ.
Văn hoá ở Mường Bi có nhiều nét đặc sắc, nhiều sinh hoạt một thời đã lôi cuốn đông đảo cộng đồng xã hội người Mường tham gia, có giá trị nhất định phản ánh hiện thực xã hội Mường cổ và góp phần để chúng ta tìm hiểu những tư duy cổ xưa của người Mường. Những sinh hoạt ấy bộc lộ khá rõ trong các ngày lễ, ngày hội. Sau đây chúng tôi nêu một số lễ hội tiêu biểu:
(HBĐT) - Mường Piệng là một vùng giáp mường Vang, nhiều phong tục tập quán giống mường Vang, trong đó có lễ cơm mới. Lễ này gồm có trầu cau, nước lã xúc miệng, cơm nếp mới, cá, rượu cần, rượu chai.