Điệu múa quạt ma của người Mường

Điệu múa quạt ma của người Mường

(HBĐT)- Chuyện cũ kể rằng: tiếng hát, điệu múa của người Mường có từ lâu lắm rồi, từ thời “Đẻ đất, đẻ nước” tạo ra đất mường. Ngày ấy Dạ Dân gánh một gánh nặng những tiếng hát, điệu múa đi gieo khắp cả vùng quê của người Mường. Tiếng hát thường tình tứ, những điệu múa rộ ràng, uyển chuyển hoà cùng với tiếng cồng, tiếng chiêng, ngân vang xa mãi từ mường này tiếp sang mường khác không dứt. Người mường Bi có múa và biết múa từ đấy.

 

Một đặc điểm nổi bật về múa ở mường Bi là các thể loại múa đều được đưa vào sử dụng phục vụ trong tang ma. Cần lưu ý, trong đám tang, đặc biệt các đám tang nhà lang, mọi thành phần, mọi hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian của dân tộc đều đưa vào nghi lễ. Hay còn nói cách khác có thể xem đám tang là thời điểm quy tụ sự tham gia có hiệu quả nhất các thành phần cơ bản văn hoá dân gian: Nghệ thuật biểu diễn: Múa, nhạc, hát…; văn học: mo; nghệ thuật tạo hình: trang trí, đạo cụ, quần áo…; môi trường tiến hành tang lễ: trong nhà sàn, cánh đồng…; các món ăn dân gian cơ bản…

 

Như vậy nghệ thuật múa trong tang lễ chiếm một vị trí khá quan trọng, một thành phần không thể thiếu được. Những điệu múa không còn được gọi là múa nữa mà chuyển sang gọi là tế.

 

Kết quả bước đầu sau 2 lần điền dã sưu tầm ở vùng Bi, gặp gỡ các nghệ nhân các xã: Phong Phú, Địch Giáo, Tuân Lộ, Phú Vinh, Phú Cường cho phép chúng tôi công bố một số tư liệu về múa ở vùng Bi như sau:

 

1. Múa cờ

 

Múa cờ còn gọi là tế cờ, cũng như các múa: tế vật phẩm, tế quạt ma, tế gươm giáo… dùng trong tang lễ, nhưng múa cờ chỉ dùng khi có tang lễ của nhà lang.

 

Nhà lang chia ruộng cho những người tham gia múa cờ và coi họ là lính múa nhà lang. Tuỳ từng loại người được hưởng phần ruộng phu, ruộng công hay ruộng nóc nhà hoặc ruộng nhà ậu. Bởi vậy, khi nhà lang có tang, những người dân này phải đến hầu hạ phục dịch suốt thời gian làm ma và có nhiệm vụ bảo vệ đưa người nhà lang sang thế giới bên kia an toàn, không bị ma quỷ quấy nhiễu. Đây là điệu múa tập thể có số người tham gia khá đông, khoảng từ 60 đến 70 người trở lên, được tổ chức chặt chẽ có quy mô lớn.

 

Điệu múa biểu thị uy quyền nhà lang thông qua những người lính múa. Người múa theo hiệu lệnh, dưới sự chỉ đạo của cai bách (người coi lính) múa theo nhịp chiêng, trống, gõ từng tiếng một.

 

Hiệu lệnh: Quân ta người nào ở đâu, chú ý đứng nghiêm, cờ cắm trước mặt. Chuẩn bị, bắt đầu.

 

Nhấc cờ - Bật cờ xuống - Quấn cờ - Dựng cờ lên - Vác cờ lên vai - Quay mặt bên phải. (Người múa chạy quanh nhà xe, theo hướng phải ba vòng, đường chạy dích dắc hình chữ A).

 

Đứng nghiêm (dừng lại) - Giơ cờ lên - Bật cờ xuống - Thả cờ - Dựng cờ lên - Cắm cờ trước mặt. Hết.

 

Múa cờ được làm lại nhiều lần, trang phục quần áo kiểu lính mầu đỏ. Địa điểm múa ở khu vực quanh chỗ để nhà xe ngoài cánh đồng. Điệu múa đòi hỏi sự đồng đều và nghiêm túc, không nhốn nháo lộn xộn.

 

2. Múa quạt ma

 

Múa quạt ma còn gọi là tế quạt ma, điệu múa được thực hiện ngay từ những ngày đầu có lang, cho đến khi đưa người quá cố ra nghĩa địa.

 

Người múa quạt ma gồm tất cả các dâu trong gia đình, sắp xếp theo thứ tự từ dâu ở bậc lớn nhất trong họ (dâu cả), đến các dâu thứ thấp hơn ở hàng dâu con, dâu cháu, dâu chắt… đứng theo vị trí xung quanh quan tài. Số người  múa tuỳ thuộc vào số dâu trong gia đình.

 

Động tác múa còn đơn giản, phù hợp với mọi lứa tuổi. Người múa quay mặt phía thầy mo, tay cầm cán quạt che trước ngực, cách ngực khoảng 4cm, tay còn lại cầm gậy chống đầu xuống đất. Múa theo tiếng trống, tiếng chiêng và nhịp bài mo.

 

Sau mỗi lần thầy mo đọc xong 1 câu, hay một đoạn mo, tay ông lại giơ cao lên rung chiếc chuông. Người múa từ từ đưa thẳng tay quạt về phía trước, hơi xê ra phía bên cạnh để quạt ngang tầm mặt. Khi khuỷu tay đưa ra gần thẳng thì lấy đà guộn nhẹ quạt. Đầu quạt quay dần chúc vào phía người, khuỷu tay kéo vào đưa quạt về vị trí ban đầu.

 

Múa theo thứ tự từ dâu cả đến hàng dâu tiếp theo lần lượt cho đến hết. Múa kiểu đuổi nhau hình sóng lượn, người sau làm động tác chậm hơn người trước một chút. Cứ múa như vậy khoảng 5-7 lần thì đồng loạt chuyển tay cho đỡ mỏi.

 

Các đạo cụ gồm có:

- Quạt: Làm bằng tàu lá cọ, lá tách nhỏ dùng làm sợi đan theo kiểu xoáy trôn ốc tạo dáng quạt hình tròn.

 - Một chiếc gậy dài 1,5 m còn gọi là tôl lại, làm bằng cành tre thẳng. (Gậy này thường dùng để bôi sáp làm trơn sợi trên khung cửi). Đầu gậy buộc một cái kéo một chiếc lá tay ma- loại lá dây leỏơ rừng trông giống hình tay người. Người buộc kéo và lá tay ma phải do bà mụ trong ban tang lễ buộc.

- Một chiếc ghế hình trụ, mặt trên nhỏ hơn mặt đáy làm bằng mây, song và tre. Ghế đặt trước những người múa.

 

Múa quạt ma tỏ rõ ân nghĩa và tình cảm thiêng liêng của người sống với người đã khuất. Dâu hiền quạt mát cho linh hồn người chết thanh thản trước khi đi sang thế giới khác. Do vậy điệu múa này luôn luôn bám sát quan tài, được thực hiện ở hai nơi: trong nhà sàn và ngoài cánh đồng.

 

Múa quạt ma trong lễ rước nhà xe, về động tác cơ bản giống như trong nhà sàn, chỉ thêm bước đi (chân đi miết trên mặt đất, bước đi dò dẫm) và tay trái vác gậy trên vai.

 

3. Múa dâng lễ vật

 

Múa dâng lễ vật còn gọi là lễ tế vật, được thực hiện ở trong tang lễ. Đây cũng là dịp biểu lộ lòng thành kính của những người còn sống đối với người đã mất. Tất cả những món ăn dân gian truyền thống ngon nhất đều được đưa làm lễ vật cũng tế hương hồn người chết.

 

Tham gia múa tế vật gồm những chàng trai trong mường. Số người tham gia múa nhiều hay ít tuỳ thuộc vào gia đình có đám tang giàu hay nghèo, thường thường có 12 thanh niên tham gia.

 

Động tác múa dâng lễ vật đơn giản. Hướng mặt nhìn về phía bàn thờ hoặc phía nhà xe. Người múa hai tay nâng bưng mâm lễ vật ngang tầm trán, dâng về phía trước.

 

Đội hình cứ 3 người một hàng, dàn hàng ngang mang cùng một thứ lễ vật tiến đến bàn thờ, vái ba vái rồi từ từ lui về vị trí cũ. Lần lượt sau đó đến hàng hai, ba, bốn… làm như hàng một, chí có khác mang thứ lễ vật khác, bao giờ hết lễ vật mới thôi.

 

Điệu múa dâng lễ vật phải hết sức đều, nghi thức trang trọng.

 

Trang phục: đầu vấn khăn trắng, áo dài mầu nâu nhạt (không đội mũ). Múa trên nhà sàn, và khi có lễ rước nhà xe.

 

4. Múa mặt nạ

 

Múa mặtu nạ còn gọi là tế mặt mẻ. Điệu múa nhắc lại cảnh sinh hoạt của tổ tiên xã xưa theo trí tưởng tượng, cùng diễn trong tang lễ.

 

Tham gia múa là những chàng trai Mường khoẻ mạnh, nhanh nhẹn, thông minh và có tài bắt chước giọng. Động tác múa đơn giản. Người múa đeo mặt nạ. ( Những mặt nạ mang hình thù mặt người, hoặc loài vật như khỉ, gà, chó, trâu bò,…) Động tác cơ bản theo hình thức mô phỏng, bắt chước các loài vật, có thể múa tuỳ hứng và được phép ứng tác tại chỗ.

 

Người diễn lúc đứng, lúc quỳ, lúc thì chống xuống đất cả hai tay, quay bên phải, quay bên trái. Có lúc nằm lăn, hò reo rồi đứng lên nhảy múa bằng cách hai tay khua lên trời rất say sưa, thoả mãn. Lại có lúc người múa chạy vòng tròn rồi ôm nhau quay, hoặc nhấc bổng nhau lên khỏi mặt đất….

 

Múa trong khi có lễ rước nhà xa. Nơi diễn trên khoảng đất rộng rãi, đám ruộng bằng phẳng ngoài cánh đồng. Quần áo múa mặc theo tang lễ, áo ngắn bình thường, có thắt một giải lụa màu xanh lá mạ.

 

Ở xã Phú cường có múa mặt nạ kết hợp với múa kiếm ( 1 nam và 1 nam đóng giả nữ cầm  2 kiếm múa) theo nhịp trống, chiêng.

 

Nhìn chung các loại tế nêu trên ( mà chúng tôi gọi là múa) các động tác vũ đạo còn đơn giản, lại bị bó trong môi trường diễn ra tang lễ, bị quy định chặt bởi các nghi thức không khỏi làm hạn chế người múa, ít gây xúc cảm thẩm mỹ nghệ thuật. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, những tư liệu múa ít ỏi trên lại có giá trị lớn trong việc nhìn nhận và đánh giá đúng loại hình nghệ thuật múa của người Mường. Chắc chắn nghệ thuật múa của người Mường không còn là một ẩn số nữa.   

 

 

                                  

                                                                              HBĐT tổng hợp

 

 

 

Các tin khác

Trang phục của phụ nữ Tày ( Đà Bắc)
Lễ rước kiệu Thành Hoàng làng trong Lễ Hội Khai hạ ở Mường Bi
Một góc bản Thái Pom coọng
Ông mo luôn đóng vai trò quan trọng trong các phần lễ hội của người Mường

Lễ cơm mới mường Piệng

(HBĐT) - Mường Piệng là một vùng giáp mường Vang, nhiều phong tục tập quán giống mường Vang, trong đó có lễ cơm mới. Lễ này gồm có trầu cau, nước lã xúc miệng, cơm nếp mới, cá, rượu cần, rượu chai.

Tục ăn trầu của người Mường

(HBĐT) - Hiện nay, tục ăn trầu của người Mường không còn phổ biến, chỉ còn lại một số người già ở các vùng Mường còn giữ nếp ăn trầu. Tuy nhiên, trầu cau vẫn giữ vai trò quan trọng trong đời sống văn hoá; trong tất cả mọi nghi lễ trong đời sống của người Mường.

Lễ cưới của người Mường Bi

(HBĐT) - Tổ chức lễ cưới là một bước ngoặt có ý nghĩa rất quan trọng trong một đời người và cũng là ngày vui nhất, kỷ niệm sâu sắc nhất của một đôi nam nữ sau khi đã ăn hỏi, phải tiếng “chơi với nhau cho nên cửa, dộng với nhau cho nên nhà”. Tuỳ từng dân tộc, từng vùng, từng giai đoạn lịch sử mà lễ cưới diễn ra có khác nhau. Tìm hiểu lễ cưới giúp chúng ta nhận ra nếp sống của con người trong xã hội ấy.

Trang phục của dân tộc Thái ở Mai Châu

(HBĐT) - Bộ trang phục duyên dáng, gọn gàng bó sát người làm nổi lên những đường cong khoẻ khoắn tuyệt đẹp của những cô gái Thái; trang phục của nam giới thì giản dị, gần gũi với môi trường cảnh quan, không sặc sỡ và cầu kỳ…

Tinh hoa cạp váy người Mường

Ngay từ thời sinh viên khi nghe thầy kể về sự độc đáo của cạp váy dân tộc Mường đã khiến chúng tôi tò mò và thích thú. Khi bắt đầu tìm hiểu, tôi mới biết được: cạp váy của người Mường là cả một kho tàng, là cả một nghệ thuật - nghệ thuật tạo hình. Cái riêng, cái độc đáo nhất của trang phục được thể hiện ở cạp váy. Chính cạp váy đó là điểm khác biệt nhất, không lẫn với trang phục của các dân tộc khác

Khu mộ cổ Đống Thếch - chốn đất thiêng của người Mường Động

(HBĐT) - Mường Động không chỉ nổi tiếng là một trong bốn trung tâm Mường xưa kia mà còn được biết đến bởi sự huyền bí của khu mộ cổ Đống Thếch, nơi chôn cất của dòng họ Đinh thời quan lang và là dấu tích về một thời phồn vinh, thịnh vượng của người Mường Động khi xưa. Khu mộ cổ đã được bộ VH – TT công nhận là di tích khảo cổ cấp quốc gia vào năm 1997

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục