Đại biểu HĐND tỉnh nêu cao vai trò, trách nhiệm, tích cực tham gia chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XVI.
Dành nhiều thời gian cho thảo luận tại tổ, kỳ họp này, 55/64 đại biểu tham góp ý kiến vào các báo cáo của UBND tỉnh, báo cáo của các ngành và các dự thảo Nghị quyết trình tại kỳ họp. Quá trình thảo luận có đối thoại và tranh luận công khai. Các ý kiến quan tâm nhiều tới phần hạn chế, yếu kém trong báo cáo Bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT -XH năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT -XH 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2018, theo đó chỉ rõ: Công tác cải cách hành chính (CCHC) được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác chỉ đạo, điều hành nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy Nhà nước, hướng tới sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển KT -XH của tỉnh. Tuy nhiên, năm 2017, chỉ số CCHC cấp tỉnh (PAR index) đứng thứ 55/63 tỉnh, thành phố (chỉ số này không chỉ thấp mà còn giảm tới 18 bậc so với năm 2016); chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đứng thứ 52/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, cần làm rõ nguyên nhân để khắc phục. Đề nghị UBND tỉnh đánh giá thêm về tình trạng ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi. Hiện tượng doanh nghiệp không muốn vào các KCN do đâu? Tình trạng doanh nghiệp khai thác vật liệu xây dựng không tuân thủ quy trình gây tai nạn lao động khi nào được kiểm soát? Tình trạng vi phạm hành lang an toàn giao thông còn phổ biến...
Theo đó, các đại biểu đề nghị bổ sung một số nội dung vào nhóm giải pháp phát triển KT -XH 6 tháng cuối năm 2018 như: Tăng cường kiểm soát hoạt động khai thác khoáng sản để tăng thu ngân sách cho Nhà nước. Có giải pháp quy hoạch bài bản, đúng quy định để tạo sự đồng thuận trong nhân dân trong việc chuyển khu xử lý rác thải về xã Hợp Thịnh, huyện Kỳ Sơn. Có lộ trình triển khai, thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, tăng cường công tác phối hợp giữa chính quyền và doanh nghiệp, liên kết tạo đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Hiện, nợ đóng thuế quá lớn, cần có giải pháp để xử lý. Có giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thu hút đầu tư. Có chính sách ưu đãi nguồn lực cho các địa phương có lợi thế về du lịch...
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Phạm Thanh Bình, Phó trưởng Ban Pháp chế - HĐND tỉnh thẳng thắn: Tỉnh cần nghiên cứu, tiến tới có thể sẽ thu phí sử dụng lề đường, hè phố dùng để kinh doanh dịch vụ theo quy hoạch, kế hoạch của TP Hòa Bình, như đường Cù Chính Lan, đường Đà Giang, một số đường bên bờ trái sông Đà để tăng thu cho ngân sách Nhà nước và quản lý tốt hơn trật tự đô thị. Hiện, tại khu nhà ở chuyên gia sông Đà cũ, thuộc Công ty CP Đầu tư phát triển nhà và xây dựng Hòa Bình quản lý, nhiều hộ dân tự ý xây dựng, cơi nới lấn chiếm đất lưu không, đất sinh hoạt chung của khu chung cư, người dân đã phản ánh đến UBND phường, UBND thành phố nhưng không cơ quan nào giải quyết. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp rà soát, kiểm tra xử lý. Từ ngày 1/7/2018, Công ty thủy điện Hòa Bình quy định cấm người và các phương tiện không có trách nhiệm đi vào khu vực công trình thủy điện. Việc này khiến người dân ở TP Hòa Bình bị bất ngờ, nhiều người bức xúc vì không còn được đi bộ, tập thể dục lên mặt đập. Hơn thế, dịp lễ, tết không được lên Tượng đài Bác Hồ để thắp hương như thường lệ. Vấn đề này, UBND tỉnh cần có ý kiến với Công ty thủy điện Hòa Bình để có quy định phù hợp hơn, giảm nhiệt những bức xúc trong nhân dân.
Phần chất vấn, các ý kiến cô đọng, xúc tích, đi vào những vấn đề đang nổi cộm tại địa phương, được cử tri và nhân dân trong tỉnh đặc biệt quan tâm như: Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường tỉnh 433 từ TP Hòa Bình đi Đà Bắc, chậm tiến độ do đâu, khi nào sẽ hoàn thành? Dự án cải tạo nâng cấp đường 12B đã được nhân dân một số xã, thị trấn huyện Kim Bôi ứng mặt bằng để thi công. Theo đó, cung đường đã hoàn thành đi vào khai thác từ năm 2013, nhưng đến nay mới chi trả được 24 tỷ đồng tiền đền bù cho dân, số tiền còn thiếu là 57, 6 tỷ đồng khi nào sẽ chi trả hết? Khi thi công dự án khu Trung tâm đa chức năng Quỳnh Lâm đã lấp toàn bộ hệ thống kênh dẫn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp của 23 hộ dân xóm Đằm, xã Dân Chủ, TP Hòa Bình với diện tích 1,4 ha, đã 4 - 5 vụ không canh tác được. Vậy, tỉnh có chủ trương thu hồi 1, 4 ha đất này bổ sung vào dự án không, nếu có bao giờ sẽ thu hồi? Có chính sách gì hỗ trợ các hộ dân có diện tích đất không canh tác được hay không? Công trình kè bảo vệ dân cư ở các xóm Bờ, Săng Trạch, xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc khởi công tháng 10/2011, đến năm 2013 thì tạm dừng vì thiếu vốn. Việc thi công dang dở dẫn đến nguy cơ sạt lở cao (đợt mưa lũ năm 2017 đã có 6 hộ phải di dời và một số hộ phải kè ổn định tại chỗ). Đề nghị UBND tỉnh và các cơ quan chức năng cho biết phương án giải quyết đối với các hộ bị ảnh hưởng. Xem xét tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thiện công trình như đã được phê duyệt để người dân yên tâm sinh sống vào lao động sản xuất.
Các cơ quan được chất vấn đã trả lời đầy đủ, giải trình khá rõ ràng những vấn đề mà đại biểu và cử tri quan tâm, thẳng thắn nhận trách nhiệm và cam kết thực hiện trong thời gian tới. Đặc biệt, trong lời phát biểu (sau phần thảo luận và chất vấn và trả lời chất vấn), Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Quang đã thẳng thắn nhận trách nhiệm thuộc về Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh trong công tác chỉ đạo, điều hành để xảy ra những tồn tại, hạn chế như đại biểu nêu. Đồng thời nêu rõ các nhóm giải pháp, những phần việc cụ thể mà UBND tỉnh sẽ chỉ đạo, điều hành quyết liệt để tạo sức bật cho phát triển KT -XH những tháng cuối năm 2018. Trong đó, việc nâng cao chỉ số CCHC cấp tỉnh (PAR index), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được ưu tiên hàng đầu để thu hút đầu tư. Điều hành tốt việc thực hiện Chương trình xây dựng NTM, giải phóng mặt bằng. Huy động các nguồn lực tiếp tục triển khai thi công, có chính sách hỗ trợ hộ dân bị ảnh hưởng bởi các dự án kè có nguy cơ sạt lở cao trên địa bàn. Giải quyết dứt điểm những kiến nghị nhiều lần của cử tri về hỗ trợ chính sách ngành nông nghiệp. Đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng giao thông chậm tiến độ, gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của nhân dân. Kiến nghị với Trung ương bố trí nguồn kinh phí, chi trả kịp thời tiền đền bù, giải phóng mặt bằng cho các hộ bị thu hồi đất cho dự án cải tạo, nâng cấp đường 12B…
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Quang đề nghị: Trong thời gian tới, các đại biểu HĐND tăng cường tiếp xúc với cử tri, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân; nghiên cứu, tìm hiểu, nắm bắt thực tiễn đời sống xã hội để phản ánh, kiến nghị kịp thời với HĐND, UBND tỉnh và các cơ quan liên quan để tháo gỡ, tạo sự thông thoáng cho phát triển KT -XH của tỉnh.