Từ khi cây ngô trở thành cây trồng chủ lực đã đem lại sự thay đổi đáng kể trong đời sống của người dân xóm Lanh, xã Cao Sơn (Đà Bắc).
Không có gì ngạc nhiên khi bước vào ngôi nhà xây rộng rãi, có đầy đủ tiện nghi hiện đại của gia đình anh Đinh Văn Thông ở xóm Nà Chiếu. "Đó là thành quả, công sức của gia đình trong những năm qua. Nhà tôi được như ngày hôm nay là nhờ cả vào cây ngô”, anh Thông chia sẻ. Cuộc sống gia đình anh cùng với các hộ dân ở xóm Nà Chiếu hoàn toàn phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Trước đây do chỉ tập trung trồng dong riềng, việc tiêu thụ khó khăn, thị trường đầu ra không ổn định nên cũng như nhiều gia đình trong xóm, xã, cuộc sống của gia đình anh Thông gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, từ khi chuyển đổi sang trồng cây ngô lai, đời sống gia đình anh Thông từng bước đổi thay. Với diện tích hơn 2 ha, bình quân mỗi năm gia đình anh có nguồn thu hơn 100 triệu đồng. Nhờ vậy, gia đình anh đã từng bước vươn lên thoát nghèo, tạo lập cuộc sống ổn định.
Hiện nay, cả xóm Lanh có 70 hộ, tổng diện tích gieo trồng ngô 40 ha. Bình quân mỗi hộ có 0, 5 ha. Do phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nên năng suất ngô ở xóm Lanh bình quân đạt từ 50 - 55 tạ /ha, nhiều hộ do chăm sóc tốt đạt năng suất, sản lượng cao hơn. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Bàn Văn Xuân, Phó Chủ tịch UBND xã Cao Sơn cho biết: Hiện nay, tổng diện tích đất trồng cây hàng năm của xã có 1.518 ha. Trong đó, cây trồng chính là lúa, ngô, sắn, dong riềng... Trong đó, ngô được xác định là cây trồng chủ lực theo hướng sản xuất hàng hoá.
Để phát triển cây trồng theo hướng hàng hóa, trong những năm qua, Cao Sơn đã phát huy lợi thế, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ KH -KT, đưa các giống mới có năng suất cao vào gieo trồng, tăng cường thâm canh, tăng năng suất, sản lượng cây trồng. Nhờ vậy, hàng năm, Cao Sơn duy trì diện tích trồng lúa từ 140 - 160 ha, sản lượng đạt từ 500 - 800 tấn /năm; cây ngô duy trì diện tích từ 800 - 850 ha, sản lượng hàng năm đạt từ 3.000 - 4.500 tấn /năm; cây dong riềng duy trì từ 300 - 350 ha trồng thâm canh, xen ghép với cây ngô, hàng năm đạt sản lượng từ 1.500 - 1.800 tấn /năm.
Cùng với đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ, Cao Sơn còn tạo điều kiện, hỗ trợ người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, các chương trình đầu tư mở rộng diện tích sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng một cách đa dạng. Nổi bật nhất là việc Cao Sơn đã chuyển đổi thành công một số diện tích đất trồng ngô, sắn, dong riềng kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả và cây lâm nghiệp. Trong đó, đáng kể là việc chuyển đổi thành công 121 ha cây ăn quả có múi ở các xóm: Sơn Phú, Sèo, Nà Chiếu. Hiện đã có 15 ha cho thu hoạch.
Bên cạnh đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hoá, những năm qua, Cao Sơn đã tập trung phát triển, mở rộng chăn nuôi. Hàng năm duy trì tổng đàn trâu, bò, dê, lợn với tổng đàn 4.311 con.
Có thể nói, từ một xã nghèo nhưng do biết vận dụng, khai thác hiệu quả tiềm năng về đất, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, Cao Sơn đã trở thành vùng đất trù phú. Qua thống kê, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 36,87%, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 20 triệu đồng /năm. Toàn xã có trên 70% hộ có nhà xây kiến cố. Các công trình hạ tầng xã hội đường giao thông, điện, trường học, nhà văn hoá... tiếp tục được đầu tư hoàn thiện. Qua đó góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Mạnh Hùng