Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đóng góp vào tổng giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng của tỉnh đạt 48,86%. Ảnh: Công ty Dệt Kim Hòa Bình (KCN bờ trái sông Đà) giải quyết việc làm cho hơn 400 lao động địa phương.
Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh đã quán triệt, triển khai, xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội (NQĐH) đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, NQĐH Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI; Nghị quyết Hội nghị T.Ư 3, 4, 5, 6, 7 (khóa XII). BCH Đảng bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành để thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ. Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động, theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, tập trung giải quyết những vấn đề từ thực tiễn phát sinh, tạo bước chuyển tích cực trong công tác xây dựng Đảng, đưa các Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.
Đến hết năm 2018, đã có 6 chỉ tiêu đạt mục tiêu NQĐH gồm: Tổng vốn đầu tư toàn xã hội; tỷ lệ bao phủ BHYT; hộ nghèo giảm bình quân; chất thải y tế được xử lý; tỷ lệ che phủ rừng; tỷ lệ tổ chức cở sở Đảng đạt trong sạch, vững mạnh. 9 chỉ tiêu nếu duy trì được mức độ phát triển thì đến năm 2020 sẽ đạt và vượt kế hoạch gồm: GRDP bình quân đầu người; kim ngạch xuất nhập khẩu; xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM); lao động nông nghiệp trong tổng lao động; lao động qua đào tạo; tỷ lệ bác sỹ và tỷ lệ giường bệnh trên một vạn dân; tỷ lệ dân nông thôn được cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý. Còn 5 chỉ tiêu nếu thực hiện quyết liệt các giải pháp đột phá thì đến năm 2020 sẽ đạt gồm: Tốc độ tăng GRDP bình quân; cơ cấu kinh tế đến năm 2020; thu ngân sách Nhà nước; số doanh nghiệp hoạt động hiệu quả; tỷ lệ đô thị hóa.
Cụ thể, kinh tế tăng trưởng khá (năm 2018 đạt 8,36%, đứng thứ 19/63 tỉnh, thành phố, thứ 4/14 tỉnh trung du miền núi phía Bắc, thứ 2/6 tỉnh Tây Bắc). Năm 2018, thu nhập bình quân đạt 50,07 triệu đồng/người, cao hơn bình quân chung của khu vực miền núi phía Bắc và bằng khoảng 83% GDP bình quân đầu người của cả nước. Thu ngân sách Nhà nước trung bình hàng năm tăng 10,25%, năm 2018 đạt gần 3.400 tỷ đồng, đứng thứ 7/14 tỉnh trung du miền núi phía Bắc, thứ 3/6 tỉnh Tây Bắc.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Đến hết năm 2018, ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 50,21%, ngành nông, lâm - thủy sản 21,24%, dịch vụ 28,55%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 38.805 tỷ đồng, bình quân hàng năm đạt 12.935 tỷ đồng. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 18%/năm. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 21%, hoàn thành việc lập và công bố Quy hoạch chi tiết 8 khu công nghiệp, 15 cụm công nghiệp; tỷ lệ đóng góp các khu, cụm công nghiệp vào tổng giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng đạt 48,86%. Kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng bình quân 29,47%/năm, năm 2018 đạt 636,05 triệu USD, đứng thứ 6/14 tỉnh trung du miền núi phía Bắc, thứ 2/6 tỉnh Tây Bắc.
Kết cấu hạ tầng giao thông được đầu tư cải tạo, nâng cấp, hoàn thành xây dựng tuyến đường Hòa Lạc - TP Hòa Bình; mở rộng, nâng cấp QL 6, 21 và các công trình giao thông nông thôn...
Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới. Đến nay, diện tích cây ăn quả có múi toàn tỉnh đạt 9,8 nghìn ha, chiếm 5% diện tích cây ăn quả có múi toàn quốc, giá trị sản phẩm thu được khoảng 400 - 500 triệu đồng/ha. Giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản năm 2018 đạt 197 triệu đồng. Chương trình xây dựng NTM khởi sắc. Trong 3 năm có thêm 31 xã về đích NTM, nâng tổng số xã NTM là 63 xã, đạt 32,98% tổng số xã, đứng thứ nhất so với 6 tỉnh Tây Bắc. Tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 96,3%, đứng thứ 3/6 tỉnh Tây Bắc. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 14,9%. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 44%. Giải quyết việc làm trung bình mỗi năm cho trên 16.000 lao động. Độ che phủ rừng duy trì ổn định trên 51%. Nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư có năng lực đã nghiên cứu khảo sát và triển khai các dự án đầu tư vào những lĩnh vực tỉnh có tiềm năng, lợi thế như: Nông nghiệp, dịch vụ; đầu tư vào Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình và điểm du lịch quốc gia Mai Châu; nhiều dự án nghiên cứu và triển khai đầu tư dọc đường Hòa Lạc - Hòa Bình, các vùng động lực kinh tế và các địa phương trong tỉnh. Riêng năm 2018, các dự án được cấp chủ trương đầu tư và cam kết đầu tư vào địa bàn với số vốn lên tới 4 tỷ USD vào những lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, hứa hẹn tạo ra sự chuyển mình mạnh mẽ trong những năm tới.
Hiện nay, Đảng bộ tỉnh đang chỉ đạo rà soát các chỉ tiêu phát triển KT-XH để có giải pháp quyết liệt trong thực hiện các chỉ tiêu NQĐH Đảng bộ tỉnh đã đề ra, theo hướng duy trì 6 chỉ tiêu đã đạt, tiếp tục phấn đấu hoàn thành 9 chỉ tiêu dự báo đến năm 2020 sẽ đạt và vượt kế hoạch, tập trung cao độ để thực hiện hoàn thành 5 chỉ tiêu dự báo khó đạt. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết xây dựng Quy hoạch tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2030. Rà soát các quy hoạch ngành, lĩnh vực để điều chỉnh, bổ sung hoặc loại bỏ cho phù hợp với thị trường và quyền kinh doanh của doanh nghiệp.
Lãnh đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ một cách thực chất những ách tắc đối với các hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh. Tập trung hỗ trợ thủ tục đầu tư cho một số dự án đầu tư chiến lược có sức lan tỏa chuyển dịch mạnh mẽ về KT-XH.
Cơ cấu lại đầu tư công theo hướng ưu tiên đầu tư các dự án quan trọng; hoãn, giãn tiến độ thực hiện công trình, dự án chưa bố trí đủ vốn, chưa thực sự cấp bách. Siết chặt kỷ luật tài chính, đảm bảo mục tiêu sử dụng ngân sách Nhà nước tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định. Huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng bằng các hình thức phù hợp, giảm tỷ trọng vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Đẩy nhanh các công trình hạ tầng giao thông theo hướng kết nối, liên thông và đồng bộ, phấn đấu hoàn thành cơ bản cầu Hòa Bình 3, đường thành phố Hòa Bình - Ngòi Hoa (Tân Lạc), đường nối thị trấn Vụ Bản, huyện Lạc Sơn đi đường Hồ Chí Minh. Khởi công hồ chứa nước Cánh Tạng, huyện Lạc Sơn. Tập trung xây dựng khu công nghiệp Mông Hóa và Yên Quang...
Tiếp tục tái cơ cấu nông nghiệp gắn với thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM; phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ có lợi thế so sánh, có giá trị gia tăng cao. Khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực du lịch sinh thái, đô thị, tạo động lực tăng trưởng.