Do không được chăm sóc nên cây chè ở xã Trung Thành mọc um tùm xen lẫn với cây dại, không đem lại giá trị kinh tế.
(HBĐT) - Nếu đem so với cây ngô và dong riềng là những loại cây trồng chủ lực ở Trung Thành, cây chè có giá trị trung bình gấp 4 - 5 lần. Dẫu vậy, trên vùng đất chè xưa của Đà Bắc vẫn đang có hàng chục ha chè dường như bị lãng quên, mọc thành rừng xen giữa những loại cây dại không tên trong nỗi nuối tiếc, xót xa của những người có tâm huyết với chè.
Niềm tự hào đã nhạt phai
Trở lại Trung Thành (Đà Bắc) sau khoảng thời gian 3 năm, nhiều thứ đã thay đổi nhưng cây chè vẫn vậy, vẫn hoang hóa xen lẫn với các loài cây dại. Dẫn chúng tôi ngược đường vào xóm Búa, Thượng nơi được xem là vựa chè của Trung Thành, anh dân quân xã Hà Văn Hạnh cứ thao thao nói về những thảm chè mọc đều tăm tắp và đẹp mơ màng khi mặt trời rọi nắng xuống màn sương còn giăng trên những búp chè non. Hỏi ra mới biết anh đang nói về những nương chè ở xóm Lang, xóm Quyết Tiến của xã Yên Hòa. Còn khi hỏi về chè ở Trung Thành, anh dân quân xã chỉ vào vạt chè trên sườn đồi nằm ngay cạnh con đường liên xã Trung Thành - Yên Hòa thủng thẳng bảo: ở Trung Thành, cây chè chỉ còn bấy nhiêu thôi. Theo hướng chỉ tay là vạt rừng tái sinh cây cao vượt quá đầu người còn lại lúp xúp những cây bụi có lác đác lẫn những cây chè, thấp ngang ngực, cao vượt quá con sào. Thoắt đấy mà anh dân quân Hà Văn Hạnh đã mất hút vào những lùm cây, chỉ còn định vị được vị trí qua cái âm điệu khàn khàn phát ra từ một lùm cây cách chỗ chúng tôi đứng không xa. Mất hút rồi xuất hiện trở lại với nắm búp chè non mởn trên tay, chìa ra và bảo: Chè ở đây tốt lắm nhưng chẳng có ai chăm sóc...
Đã từng được kỳ vọng là loại cây trồng mũi nhọn trong xóa đói - giảm nghèo cho người dân bởi cây chè phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở xã vùng cao này. Ngay từ những năm 1966 - 1967, Trung Thành đã được Nhà nước đầu tư trồng hàng chục ha chè và thành lập cả HTX, xây dựng xưởng chế biến chè hẳn hoi. Cây chè đã trở thành một sản phẩm hàng hoá đặc trưng được nhiều người biết đến. Với sản lượng ổn định, bình quân mỗi năm, HTX chè Trung Thành cung ứng khoảng 10 tấn chè búp khô cho các cửa hàng mậu dịch trong tỉnh và một số địa phương lân cận để bán phân phối cho người dân. Tuy vậy, theo ông Hà Văn Lá, Bí thư Đảng ủy xã Trung Thành thì đến khi hết chế độ bao cấp, HTX chè bị giải thể, xưởng chè bị phá, hàng chục ha chè bị bỏ hoang, mọc xen với lau, cỏ. Sản phẩm chè vùng cao Đà Bắc cũng biến mất từ đấy.
Kể từ đó, trong suốt một thời gian dài, cây chè đã không còn được quan tâm chăm sóc, kể cả khi nhận được sự đầu tư của Nhà nước từ các chương trình, dự án. Năm 2000, thực hiện Đề án 1119/1999/UBND của UBND tỉnh về “Khôi phục, phát triển quy hoạch vùng chè shan tuyết của tỉnh Hoà Bình”, Ban Định canh định cư (nay là Chi cục ĐC -ĐC thuộc Ban Dân tộc) tỉnh đã đưa cây chè shan tuyết lên các xã Trung Thành, Yên Hoà, Đoàn Kết, Đồng Ruộng... trồng theo mô hình phòng hộ với ý tưởng vừa trồng chè, vừa trồng rừng phòng hộ. Sau ý tưởng này được phát triển thành đề án xây dựng vùng chè sản xuất với mật độ từ 1 - 1, 2 vạn cây/ha. Mặc dù đã được tuyên truyền bằng nhiều cách như tập huấn chuyển giao kỹ thuật, xây dựng mô hình trình diễn, thậm chí dùng chính hiệu quả của các hộ gia đình trên địa bàn tham gia trồng chè ở các thôn, xóm nhưng đến nay, sau hơn 10 năm, phần lớn diện tích chè ở Trung Thành vẫn còn trồng theo mô hình phòng hộ không có sự quan tâm, đầu tư, chăm sóc, những cây chè khẳng khiu vươn mình trong hoang hóa, mọc lẫn với cây rừng chưa từng có bàn tay con người tác động. Nói về cây chè ở Trung Thành, ông Nguyễn Minh Hoà, Phó Giám đốc Công ty TNHH Phương Huyền tỏ ra tiếc nuối: từ năm 2006 đến nay, Công ty đã đầu tư thu mua sản phẩm chè búp tươi của người dân ở các xã vùng cao, trong đó có Trung Thành nhưng thực tế, hiệu quả không cao. Mặc dù vùng chè ở đây có diện tích khá lớn như ở Trung Thành có đến hơn 70 ha, với hơn trăm hộ trồng nhưng tính ra chỉ khoảng 1/3 số hộ có chè bán, hầu hết người dân vẫn duy trì trồng chè theo mô hình phòng hộ, cây chè trở nên hoang hóa và như bị lãng quên giữa bạt ngàn cây rừng, lau lách.
Lý giải về sự thờ ơ với cây chè, ông Xa Văn Sinh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Trung Thành cho rằng, trước đây, khi hết bao thời kỳ bao cấp, cây chè không có đầu ra ổn định luôn bị tư thương ép giá. Người dân lại cho rằng làm chè mất nhiều công sức hơn trồng ngô nên họ không tập trung đầu tư. Đối với cây ngô, người ta chỉ cần bỏ công trồng rồi thu hái, không phải chăm sóc như chè. Bên cạnh đó, cây ngô được tư thương đầu tư từ giống, phân bón, cho dân vay gạo và bao tiêu sản phẩm thế nên họ đã quay lưng lại với cây chè, tập trung vào cây ngô.
Sức hấp dẫn từ cây chè
Nói vậy, không phải tất cả mọi người dân ở Trung Thành, nhất là ở những xóm có truyền thống trồng chè từ xưa như xóm Thượng, xóm Búa và xóm Bay đều thờ ơ với cây chè. ông Hà Văn Lá, Bí thư Đảng ủy xã Trung Thành cho biết: từ khi xác định cây chè là một loại cây trồng mũi nhọn, cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân hiểu, thấy được giá trị của cây chè. Nhờ đó, tính đến nay cả xã đã có 120 hộ tham gia trồng chè, đã phát triển được 75 ha chè, trong số đó đã có 45 ha đã cho thu hoạch. Tuy vậy, cũng phải thừa nhận rằng về phía người dân vẫn còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước nên trong số 75 ha chè của xã mới chỉ có khoảng 30 ha là trồng theo mô hình sản xuất, còn lại người dân vẫn duy trì mô hình phòng hộ, để chè mọc hoang hóa không có sự chăm sóc. Do vậy, tính về hiệu quả kinh tế vẫn còn ở mức độ nhất định, chưa tạo được sự đột phá trong làm thay đổi đời sống người dân.
Nói về giá trị của cây chè, ông Hà Văn Lá cho rằng, theo tính toán, mỗi hộ chỉ cần có khoảng 2.000 - 5.000 m2 chè sản xuất, quanh năm làm không hết việc vì với cây chè có thể thu hái liên tục từ 6 - 8 tháng trong năm, nếu đầu tư tốt trung bình mỗi tuần hái một lứa. Hiện tại ở Trung Thành cũng đã có nhiều nhà đời sống khấm khá lên từ cây chè như gia đình ông Lường Văn Dân, Lường Văn Hậu ở xóm Búa, gia đình anh Lường Văn Liên, Lường Văn Thiên ở xóm Thượng... bình quân mỗi hộ có từ khoảng 2.000 - 5.000 m. Bình quân mỗi hộ trồng chè theo mô hình sản xuất mỗi tháng có nguồn thu ổn định từ 1 - 3 triệu đồng, cá biệt có hộ thu từ 4 - 6 triệu đồng /tháng như gia đình ông Lương Văn Hậu, Lường Văn Dân ở xóm Búa. Đứng ở góc độ là nhà kinh tế, ông Nguyễn Minh Hòa, Phó Giám đốc Công ty TNHH Phương Huyền cho rằng: Tính ra giá trị kinh tế từ việc làm chè lãi gấp 2 - 3 lần thâm canh ngô. Đầu tư cho cây chè ở Trung Thành là đúng hướng nhưng vấn để ở đây là sự tiếp nhận của người dân đối với cây chè như thế nào mà thôi. Cái khó nhất là người dân chưa tiếp cận được cách làm ăn kinh tế hàng hóa và nhiều người dân có thể chịu khổ được nhưng không chịu khó được để làm chè. Cùng chung quan điểm đó, ông Xa Văn Sinh, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã cho rằng, qua thực tế cũng đã chứng minh rất rõ là làm chè lãi hơn so với trồng ngô. Cho dù cây ngô năng suất có cao đến mấy, mỗi năm cũng chỉ thu được 2 vụ. Với cây chè, mỗi năm được thu liên tục trong thời gian 8 tháng. Hiện tại cây chè đã có đầu ra ổn định với giá cả thu mua hợp lý, làm giàu thì chưa tính đến nhưng để thoát nghèo bền vững đó không phải là mục tiêu xa vời.
Mặc dù vậy, với tư tưởng ăn xổi thì sự quan tâm của người dân ở Trung Thành đối với cây chè vẫn còn ở một mức độ nhất định. Dù so về giá trị kinh tế cây chè cao hơn gấp nhiều lần các loại cây nông nghiệp khác. Nói về vấn đề này, ông Hà Văn Lá, Bí thư Đảng ủy xã Trung Thành thừa nhận: Dù có điều kiện, có tiềm năng lớn nhưng xã chưa phát huy được lợi thế, giá trị của cây chè là vì người dân chưa chú trọng đúng mức, chỉ khai thác chứ chưa tập trung vào đầu tư. Một bộ phận lớn người dân vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước. Vì lẽ đó, cho đến tận bây giờ, ở Trung Thành vẫn còn những “rừng chè” đang bị lãng quên trong sự nghèo đói và bất lực của chính những người trồng chè.
Mạnh Hùng
(HBĐT) - Bây giờ đường vào Cuối Hạ, xã vùng sâu, đặc biệt khó khăn của huyện Kim Bôi đã thông thoáng, dễ đi hơn nhiều so với trước đây nhưng con đường phát triển của miền đất khó này vẫn còn nhiều gian truân. Những cảnh ngộ, nếu kể đến tận cùng dễ làm nhiều người thương cảm. Đồng thời, cũng tại nơi này đã sáng lên những tấm lòng, trái tim nhân ái…
(HBĐT) - Trong những năm gần đây, Pà Cò (Mai Châu) được nhắc đến là một nơi với “điểm nóng” về buôn bán, vận chuyển ma tuý trong tỉnh. Tuy vậy, gạt bỏ những định kiến, nơi đây đã và đang có những con người biết tránh xa những cạm bẫy, vượt qua khó khăn, làm nên những điều có ích cho quê hương - Sùng A Pha, chàng thanh niên người Mông, xã Pà Cò là một người như vậy.
(HBĐT) - Trái ngược hoàn toàn với những hình dung ban đầu của chúng tôi khi người đàn ông có phong thái điềm đạm, quắc thước và rắn rỏi với mái tóc bạc trắng, đôi kính lão xệ xuống như được đỡ bởi gò má cao tự giới thiệu mình là Vũ Hữu Lùng ở xóm Nam Hòa, xã Xuất Hóa (Lạc Sơn) người mà chúng tôi đang tìm gặp. Dẫu ở cái tuổi 75 nhưng thật khó để nhận ra dấu hiệu tuổi tác trong công việc thường ngày, bình dị của người đàn ông này...
(HBĐT) - Cách đây 5 năm, Công ty CP gạch ngói Quỳnh Lâm (TPHB) gặp nhiều khó khăn khi nhận chuyển giao công nghệ lò gạch kiểu đứng hiệu suất cao. Các phương tiện máy móc cũ phục vụ SX lại không phù hợp với lò gạch kiểu đứng. Công ty nhiều tháng phải ngừng sản xuất bởi tỷ lệ gạch hư hao lớn, chiếc máy EG10 khi đó trị giá 1,2 tỷ đồng dùng không phù hợp, nếu bỏ đi, Công ty chịu khoản nợ rất lớn.
(HBĐT) - Dù đã quen với khúc nhạc “vô thường” của những tay đàn lão luyện. Nhưng chẳng hiểu sao khi ngồi trước họ, tôi cứ bị cuốn theo những ngón đàn đôi lúc còn ngượng ngập, run rẩy, những gam nhạc thăng, giáng đôi lần vấp váp, lỡ nhịp và cuốn theo cả những cảm xúc vừa mơ hồ, vừa hiện hữu trên khuôn mặt đau đáu khát vọng của Thuận...
(HBĐT) - Bao nhiêu năm nay có một người phụ nữ sống trong xóm nhỏ heo hút ở xã Phú Thành, huyện Lạc Thuỷ ngày ngày bán xôi sáng ở đầu xóm. Lúc rảnh rỗi, bà lại trồng hoa hồng và chăm con mèo cho khuây khoả nỗi nhớ cha. Nhưng ít ai biết được quá khứ của bà và người cha là ông Schulze, người Đức đã có nhiều cống hiến cho cách mạng.