Gần 60 hộ gia đình xóm vạn chài thuộc tổ 4, phường Tân Thịnh (TPHB) quanh năm lênh đênh trên sông nước.

Gần 60 hộ gia đình xóm vạn chài thuộc tổ 4, phường Tân Thịnh (TPHB) quanh năm lênh đênh trên sông nước.

(HBĐT) - Chân chẳng bước đi trên đất, đầu ngấp nghé chẳng tới trời. Cả cái xóm vạn chài thuộc tổ 4, phường Tân Thịnh (thành phố Hòa Bình) với hơn 200 con người chỉ bám, níu với đất bằng một sợi dây cũng mong manh như chính những ước mơ truyền đời của những kẻ “lang bạt kỳ hồ” suốt đời chỉ mơ “một tấc đất để cắm dùi” cho cuộc sống đỡ chông chênh, tủi cực.

 

Chỉ một, hai sải chèo nhưng xóm vạn chài với gần 60 hộ gia đình là một thế giới khác lạ, tách biệt hẳn với nhịp sống sôi động ở giữa phố phường nhộn nhịp. Với những con người ấy, thế giới của họ, cuộc sống của họ bao đời nay vẫn dập dềnh theo sông nước; dập dềnh theo nhịp thời gian chậm trôi theo dòng chảy Đà Giang. Cuộc sống, mưu sinh của hơn 200 con người ở đây dường như chỉ gói gọn trên dòng sông, trong những ngôi nhà nổi lúp xúp nghèo và lênh đênh trên những mạn thuyền xuôi ngược dòng Đà Giang đã trở nên hiền hòa đi qua bao mùa thác lũ. Đó là nơi họ đã bám trụ từ khi sinh ra, lớn lên lấy vợ, gả chồng, sinh con và cũng chính trong cái lênh đênh vô định ấy có cả những cụ ông, cụ bà đã sống cả cuộc đời lênh đênh với   sông nước đến khi “nhắm mắt, xuôi tay”.

Tôi hay lân la, hỏi chuyện và không ít lần được trải nghiệm cái cảm giác chông chênh của sóng của gió như đời anh vạn chài giữa nơi phố thị nhưng nếu có hỏi, tôi cũng xin chịu, chẳng biết gốc gác, tổ tông của xóm vạn chài này ở đâu và họ từ đâu đến. Điều đó cũng đã một đôi lần được nghe các bậc cao niên trong cái xóm vạn chài này kể khi những chén rượu đã ngà say. Nghe trong cái cảm giác chếnh choáng của kẻ yếu bóng vía bị sóng nước dập duềnh nhấn chìm trong những cơn say, tôi cũng không dám chắc mình còn nhớ chính xác những điều họ nói. Chỉ biết rằng những người dân thuộc xóm vạn chài phường Tân Thịnh có gốc gác, xuất thân xa xưa từ làng Trung Hà, huyện Ba Vì, tỉnh Sơn Tây (cũ). Cũng chẳng ai biết từ khi nào và nguyên cớ nào mà những người dân làng Trung Hà khi xưa ấy đã rời bỏ làng mạc, bước lên thuyền để đời nối đời gắn với dòng sông, gắn với những mưu sinh nhọc nhằn. Theo các cụ cao niên trong xóm thì xóm vạn chài đã trải qua hàng chục thế hệ mưu sinh trên dòng Đà Giang. Với người dân vạn chài, ngoài nghề đạp chèo, giăng câu, thả lưới, họ cũng chẳng biết làm gì hơn. Thuở trước, cái làng chài này ở đoạn cuối sông, nơi dòng sông Đà hợp lưu với sông Hồng tại ngã ba Bạch Hạc (Việt Trì) rồi cứ ngược dòng lên mãi và điểm cuối là phía hạ lưu con đập của hà máy Thủy điện Hòa Bình. Trên bước đường mưu sinh từ ngã ba Bạch Hạc đến khu vực hạ lưu Nhà máy Thủy điện Hòa Bình ở mỗi nơi, họ dừng lại là một làng chài mới được hình thành. Cứ như vậy tụ họp rồi lại phân tách. Đến nay, dọc tuyến Đà Giang này có cả chục xóm vạn chài. Tuy nhiên, làng chài ở phường Tân Thịnh (TPHB) là nơi lớn nhất, tụ họp đông nhất, cũng có một điều đặc biệt là ở các làng chài trên dòng Đà Giang đa phần những người dân đều có quan hệ họ hàng máu mủ. Thế nên, tính cố kết cộng đồng, tinh thần đoàn kết giúp nhau trong khó khăn, hoạn nạn luôn là niềm tự hào của mỗi người dân làng chài.

 

 

Mưu sinh với sông nước, trước đây, cuộc sống của người dân vạn chài thường không ổn định, cuộc sống cứ lênh đênh theo con nước nay đây, mai đó, thế nên nói đến làng chài là nói đến những khó khăn, thiệt thòi và cả những kỳ thị cay độc đầy uất ức, tủi hổ. Đến khi thị xã Hòa Bình nâng cấp lên thành phố vào năm 2006 đã có chủ trương tiếp nhận các hộ dân xóm vạn chài đang lưu trú ở khu vực hạ lưu Nhà máy Thủy điện Hòa Bình vào diện thường trú của phường Tân Thịnh. Từ đây, cuộc sống người dân xóm vạn chài mới chính thức có nơi để bám víu, có nơi để khai sinh cho những đứa trẻ được sinh ra trên sông nước. Vui hơn cả là khi trở thành công dân thành phố, điện đã được kéo đến từng nhà và con em vạn chài được lên bờ đi học. Dẫu thế, cuộc sống mưu sinh vẫn trên bến, dưới thuyền, chủ yếu dựa vào đánh bắt cá, thu nhập của cả xóm bấp bênh theo từng con nước. ở đây, gia sản của các hộ dân đều chằn chặn giống nhau: một ngôi nhà nổi dập duềnh theo con nước cho khoảng 2 - 3 thế hệ cùng chung sống; một chiếc thuyền dùng để đánh bắt cá, đi lại và một lũ trẻ lốc nhốc đang tuổi ăn, tuổi học.  Những thế hệ tiếp nối ra ở riêng thường không ở lại làng chài. Sông Đà còn tiếp nối ở bậc thượng lưu, nơi ấy cũng đang có những đứa con làng chài trần mình để mưu sinh giữa mênh mang sông nước với ước vọng đổi đời vẫn nổi trôi trên những con thuyền bồng bềnh được truyền từ đời ông, đời cha tiếp đến đời con, cháu.

 

Dẫu thế, đến giờ, làng chài cũng đã qua rồi cái thời kỳ khó khăn. Nói về cái thời gian khó ấy, có lẽ không ai hiểu bằng cụ Ngô Văn Tám. Dù cho năm nay đã bước sang cái tuổi 85 nhưng trí nhớ của ông lão thuyền chài này vẫn còn sáng, những câu chuyện ông kể vẫn còn dí dỏm như thủa nào. Nhấp ngụm trà nhạt, ông lão cười buồn: Đời vạn chài có khác gì mấy anh digan sống đời du mục, vì mưu sinh có mấy khi ở lâu một chỗ, cứ phải lăn lóc nay đây, mai đó, trần mình để kiếm miếng ăn trong cuộc sống lúc nào cũng óc ách sóng nước dưới chân và gió ràn rạt thổi trên đầu. ấy vậy mà tính đến nay cũng đã gần 40 năm, vợ chồng lão bỏ cảnh sống du mục để về định cư ở khúc sông này. Cứ ở mãi dưới sông có lẽ nghèo mãi thôi mà nếu có kéo nhau lên bờ chẳng khá hơn được. Đời vạn chài chỉ gắn với sông nước, sống nhờ sông nước. Cũng vì thế mà ước mong lên bờ của dân vạn chài đời nối đời chỉ là ước nguyện dở dang.

 

      

 

Quả thực, ở xóm vạn chài này, rất khó để đánh giá ai nghèo khổ hơn ai bởi, tất cả 58 hộ gia đình với hơn 200 con người đều như nhau, sống bám vào sông. Hướng mặt ra sông với những cơn gió lộng thổi bạt mấy tờ giấy ghi chép trong cuốn sổ cũ kỹ vào sâu trong nhà thông thống ra phía bếp, ông lão gãi tay lên mái đầu tóc đã bạc trắng như cước thở dài: Từ miếng cơm, manh áo đến mớ rau, viên thuốc đều trông cả vào mấy con cá, con tôm đánh bắt được từ dưới dòng sông. Nhưng cá, tôm ngày càng cạn kiệt khiến cuộc sống ngày càng khó khăn hơn. Khó từ cái ăn, cái mặc đến khó cả chuyện học hành. Việc học chữ của gần 60 đứa trẻ đang trong độ tuổi đến trường của xóm vạn chài này cũng trôi nổi, dập duềnh không khác gì thân phận chúng. Nhìn những đứa trẻ đang vô tư chạy nhảy nơi mái đê đã được bê tông hóa sạch sẽ, bà Lê Thị Sinh ngán ngẩm: Đời cha, đời chú cực khổ đã đành, chẳng lẽ đến đời con cháu cũng vẫn khổ, vẫn luôn day dứt với khát vọng lên bờ mãi sao?! Thú thực, cho đến bây giờ, chúng tôi không chỉ thèm được lên bờ mà chúng tôi còn thèm tất cả những gì mà con người đáng được hưởng thụ ở xã hội hiện nay. Chúng tôi chỉ mong khi đau ốm không phải chèo thuyền đi tìm thầy thuốc, con trẻ ngay từ khi sinh ra không còn phải đánh cược mạng sống với cuộc mưu sinh. Khi những người già như chúng tôi nằm xuống, bà con chòm xóm không phải nối thuyền, ghép bè để đưa tang và hơn nữa khi chết cũng phải có chỗ để chôn...

 

Cứ mỗi năm trôi qua, ước nguyện ấy lại càng thôi thúc những người dân xóm vạn chài. Nhưng rồi nhiều năm qua, ước nguyện ấy vẫn đang còn dang dở. Cư dân xóm vạn chài vẫn tiếp tục mưu sinh với sông nước. Chẳng có sự lựa chọn nào hơn. ước vọng lên bờ. ước vọng đổi đời. Mãi vẫn chỉ là ước vọng từ năm này qua năm khác, từ thế hệ này qua thế hệ khác, dở dang và chưa trọn vẹn. Mang tâm nguyện ấy của người dân xóm vạn chài đến với cấp ủy, chính quyền phường Tân Thịnh thì được đồng chí Phan Thị Bích, Bí thư Đảng ủy phường chia sẻ: thực tế là phường không có thẩm quyền và chức năng để giải quyết chuyện đất ở cho người dân xóm vạn chài. Nhưng trong những năm qua, phường cũng đã có văn bản kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền giải quyết. Trong công tác quản lý hành chính, cấp ủy, chính quyền địa phương cũng đã có những hoạt động cụ thể để kéo họ lên bờ như tạo điều kiện để con họ được học hành; mở lớp xóa mù chữ cho hàng chục người dân vạn chài và thành lập tổ phụ nữ xóm vạn chài...

 

Có thể nói, những nỗ lực đó của cấp ủy, chính quyền địa phương dù kết quả đạt được mới chỉ ở mức độ nhất định nhưng cũng đã mở ra một cuộc sống mới bớt đi sự chông chênh, tủi cực cho người dân xóm vạn chài ở khúc sông này.

                                                                             

 

                                                                                 Mạnh Hùng

 

Các tin khác

Bà Nguyễn Thị Kim Lai, nhân vật nữ du kích trong bức ảnh nổi tiếng “Giải giặc lái Mỹ” hiện nghỉ hưu và sinh sống tại TP. Hà Tĩnh.
Cô giáo Phạm Thị Hương và các đồng chí lãnh đạo xã tới thăm hỏi, động viên  gia đình bà Bùi Thị ẹng cùng hai cháu mồ côi ở xóm Má (Cuối Hạ).
Sùng A Pha bên vườn trè san tuyết xã Pà Cò.
Vũ Hữu Lùng phục chế xe đạp.

Người kỹ sư mang lại niềm tin cho Công ty

(HBĐT) - Cách đây 5 năm, Công ty CP gạch ngói Quỳnh Lâm (TPHB) gặp nhiều khó khăn khi nhận chuyển giao công nghệ lò gạch kiểu đứng hiệu suất cao. Các phương tiện máy móc cũ phục vụ SX lại không phù hợp với lò gạch kiểu đứng. Công ty nhiều tháng phải ngừng sản xuất bởi tỷ lệ gạch hư hao lớn, chiếc máy EG10 khi đó trị giá 1,2 tỷ đồng dùng không phù hợp, nếu bỏ đi, Công ty chịu khoản nợ rất lớn.

Khúc ghi ta “vô thường” của những nỗi đau

(HBĐT) - Dù đã quen với khúc nhạc “vô thường” của những tay đàn lão luyện. Nhưng chẳng hiểu sao khi ngồi trước họ, tôi cứ bị cuốn theo những ngón đàn đôi lúc còn ngượng ngập, run rẩy, những gam nhạc thăng, giáng đôi lần vấp váp, lỡ nhịp và cuốn theo cả những cảm xúc vừa mơ hồ, vừa hiện hữu trên khuôn mặt đau đáu khát vọng của Thuận...

Chuyện ít biết về người lái máy bay đầu tiên cho không quân Việt Nam

(HBĐT) - Bao nhiêu năm nay có một người phụ nữ sống trong xóm nhỏ heo hút ở xã Phú Thành, huyện Lạc Thuỷ ngày ngày bán xôi sáng ở đầu xóm. Lúc rảnh rỗi, bà lại trồng hoa hồng và chăm con mèo cho khuây khoả nỗi nhớ cha. Nhưng ít ai biết được quá khứ của bà và người cha là ông Schulze, người Đức đã có nhiều cống hiến cho cách mạng.

Chuyên án bắt cóc con tin và hành trình truy bắt đối tượng gây án

(HBĐT) - Vào 18h30’ ngày 3-3-2012 tại bản Lũng Xá, xã Loóng Luông, huyện Mộc Châu, Sơn La đã xảy ra vụ dùng súng, khống chế, bắt cóc bé gái 6 tuổi của 1 gia đình người Mông.

Mía tím - một năm lận đận với đầu ra

(HBĐT) - Thời tiết đang ấm dần, tạo thuận lợi cho việc thu hoạch mía tím. Tuy nhiên, trong những ngày vừa qua, việc tiêu thụ mía trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra hết sức ảm đạm, người trồng mía vẫn ngậm ngùi bán đi những ruộng mía tím mơn mởn với giá rẻ, nhiều diện tích vẫn không có người hỏi mua khiến người trồng mía hoang mang, lo lắng.

“Bảo tàng sống” về văn hóa Mường

(HBĐT) - Người Mường biết đánh chiêng có hàng vạn, nhưng người biết giữ phách cho giàn chiêng và làm được việc dậyl chiêng thì đếm trên đầu ngón tay. Đặc biệt là dùng tay xoa vào núm chiêng để ngân lên tiếng thì độc nhất vô nhị chỉ có ông Nguyễn Văn Thực ở xóm Chăm, phường Thái Bình (TPHB). Người vừa biết chơi các loại nhạc cụ dân tộc Mường, vừa biết làm nhà táng, đồ mỹ nghệ thì cũng chỉ có già Thực. Ông như một “bảo tàng sống” về văn hóa Mường.” - Đó là nhận xét của NSƯ.T, nhà nghiên cứu VHDG Bùi Chí Thanh về người nghệ nhân đầu tiên của tỉnh vừa được phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian Việt Nam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục