Bao năm qua, người dân Thung Rếch - Tú Sơn (Kim Bôi) cần mẫn bên những bãi mía, nương ngô để vượt đói, thắng nghèo. ảnh: Lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền xã Tú Sơn kiểm tra chất lượng giống ngô mới.
(HBĐT) - Đã nhiều lần lỗi hẹn, cho tới một ngày gần đây, chúng tôi mới có dịp ngược dốc “con đường tình yêu” của nhạc sỹ Huy Tâm để đến với Thung Rếch, một miền đất trù phú và gợi nhiều cảm xúc ở xã Tú Sơn (Kim Bôi). Xóm làng bình yên với những bãi mía, nương ngô trải dài ngút mắt dưới ánh nắng ban mai còn đẹp hơn bức tranh, hình ảnh mà chúng tôi đã từng tưởng tượng. Đón chúng tôi là ánh mắt, nụ cười hồn hậu của người dân nơi đây. Nhìn sâu vào những đôi mắt ấy và qua những câu chuyện tâm tình gợi mở mới thấy hết sự rắn rỏi, cương trực và một sự khát vọng lớn lao đang trỗi dậy ở vùng đất, những con người nơi đây.
Khát vọng vượt đói, thắng nghèo
Khát vọng này có ở trong tâm khảm của mỗi con người nhưng có lẽ cháy bỏng, mãnh liệt hơn với người dân Thung Rếch. Điều này hoàn toàn dễ hiểu bởi họ là những con người đã phải vượt bao gian khó để xây dựng cơ đồ, biến những khoảng rừng lau lách thành những bãi mía, nương ngô, những nếp nhà đầm ấm. Cách đây ngót 20 năm về trước, khoảng 50 hộ gia đình ở các xã Vầy Nưa, Đồng Ruộng, Tân Dân... (Đà Bắc) thuộc diện di rời vùng lòng hồ sông Đà đến đây định cư lập nghiệp. Hầu hết các hộ gia đình đều là đồng bào dân tộc Dao.
Nhưng những ngày đầu tiên ấy là những ngày khó khăn đến cùng cực mà mỗi lần nghĩ đến bất cứ ai trong số người dân nơi đây cũng phải lắc đầu ngao ngán. Thung Rếch vốn là vùng đất có khí hậu mát mẻ, đất đai màu mỡ, chỉ có một vấn đề là thiếu nước. Những hộ đi tiền trạm đã đến đây bằng hành trang gọn nhẹ chỉ bao gồm: cuốc, xẻng, dao, rựa, xoong nồi... để phục vụ cho lao động và sinh hoạt hàng ngày. Họ căng những tấm bạt hoặc sử dụng cỏ tranh, lá cọ làm lán để ở. Không thể dùng trâu, bò để thay sức người, ngày đi phát lau, sậy khai hoang, đêm về gối đầu lên đất mà ngủ. Đất màu tươi tốt, phát dọn đến đâu cỏ lại mọc lại ngay đến đấy, mấy tháng trời làm chưa ra sản phẩm, đói, khát, nhiều hộ không trụ lại được đành phải tiếp tục di rời đi nơi khác. Chỉ có những người đi tiên phong như các ông Bàn Văn Kim, Bàn Văn Thân, Bàn Văn Hương và Lý Văn On... là vẫn kiên trì với quyết tâm biến lau sậy thành khoai, bắp, biến tấc đất thành tấc vàng.
Mới lập làng, phải nương tựa vào nhau mà sống chứ không thể mạnh ai nấy chạy. Các ông nghĩ vậy rồi chụm đầu lại bàn bạc cắt cử nhau, nhóm này tiếp tục phát lau sậy lấy đất, nhóm kia đi mượn trâu, mượn cày về cày xới, một nhóm khác nữa được phân công đi đào củ mài làm lương thực và các ông quay về quê cũ vận động nhân dân quyên tiền mua 600 m ống dẫn nước về tận lán trại để dùng. Cuối cùng họ đã tồn tại được và cho đến năm 1994 có thêm nhiều hộ gia đình khác rời quê cũ đến đây lập nghiệp.
ông Bạch Đức Dục, Bí thư Đảng ủy xã Tú Sơn cho biết: năm 1994 có 127 hộ gia đình với 394 khẩu chính thức được di dời từ vùng lòng hồ sông Đà về Thung Rếch. Cũng từ đó tên xóm, tên làng mới được đặt ra. Trước đó, ở Thung Rếch đã 2 xóm là Thung Mường và Thung Dao nên khi đặt tên xóm mới, cấp uỷ, chính quyền và người dân đều cùng suy ngẫm, chọn ra một cái tên đầy ý nghĩa- xóm Kim Bắc (tên gọi tắt của 2 huyện Kim Bôi và Đà Bắc). Vì số dân cư ngày càng đông nên từ 1 HTX Kim Bắc lớn được chia thành những xóm nhỏ (từ Kim Bắc 1 đến Kim Bắc 5). Di dân về vùng đất mới theo chủ trương của Đảng, Nhà nước nên những người dân nơi đây không hề đơn độc. Từ năm 1993, BQL 127 đã tiến hành quy hoạch tất cả các KDC, đất sản xuất, đất trồng rừng để người dân yên tâm sản xuất. Cũng bắt đầu từ năm 1993, con đường lên Thung Rếch đã được sửa sang, nâng cấp, ban đầu là rải cấp phối, đến năm 1995 được rải nhựa từ chân dốc trở lên và đến năm 1996 - 1997 bắt đầu làm đường cấp phối xung quanh xóm. Hệ thống nước gồm bể trữ, ống dẫn nước cũng được đầu tư từ năm 1994 - 1995. Ban đầu, các hộ gia đình mới di cư đến được Nhà nước đầu tư cho cây mận hậu để trồng, người dân cũng tích cực áp dụng kỹ thuật do cán bộ KN-KL hướng dẫn và chăm sóc cây chu đáo nhưng có lẽ do khí hậu không thích hợp nên cây phát triển chậm, còi cọc hiệu quả thu hoạch thấp.
Vậy là đã trụ lại đến 3 năm, người dân Kim Bắc vẫn chưa biết trồng cây gì, nuôi con gì hay làm nghề gì để vượt đói, thắng nghèo. Đang loay hoay tìm hướng làm ăn thì đến năm 1996, Nhà nước có chính sách bảo vệ rừng khoanh nuôi với 50.000 đồng/ha/năm và hỗ trợ 5 triệu đồng cho việc trồng rừng. Có chính sách gợi mở, các ông Bí thư chi bộ, già làng, trưởng bản lại họp bàn rồi quyết định vận động các hộ gia đình mua giống cây luồng về trồng vừa có thể phát triển kinh tế bằng việc bán măng, vừa có tác dụng giữ nguồn nước. Từ đó việc trồng và bảo vệ rừng trở thành phong trào, người dân vừa trồng, vừa nghe ngóng giá cả thị trường nên trồng cây gì cho có giá trị dần dần người dân đã đưa được những giống cây có hiệu quả kinh tế cao vào phủ xanh đất trống. Với ruộng, nương, vì thiếu nước, nên hầu hết người dân trong vùng đều chọn ngô, mía là cây trồng chủ lực. Mới đầu, do vẫn quen với tập quán gieo trồng cũ chọc lỗ, tra hạt, giống lại cũ nên năng suất thấp nhưng theo năm tháng, tập quán này cũng được thay đổi, người dân đã từng bước áp dụng tiến bộ KH-KT vào sản xuất. Hiện, cả vùng thung có 7 xóm với trên 400 hộ gia đình đã luôn sử dụng hết công suất khoảng 600 ha đất bưa bằng để trồng ngô, mía, dong riềng, cây ăn quả... Chỉ chuyên tâm với nghề trồng trọt, chăn nuôi nhưng đời sống của người dân đã có những tiến bộ vượt bậc. Riêng xóm Kim Bắc 1, theo Bí thư chi bộ xóm Bàn Văn Phong, đến nay, thu nhập bình quân đầu người đã đạt từ 9 - 10 triệu đồng/ người/năm. Trong số mấy chục nóc nhà trên có 4 hộ thu nhập 100 triệu đồng trở lên/năm. Nhiều năm qua, Thung Rếch đã được biết đến là một vùng đất trù phú. Khát vọng vượt đói, thắng nghèo đã giúp người dân nơi đây biến ước mơ từng bước trở thành hiện thực.
Một cuộc sống đầy đủ, sung túc hơn
Mời chúng tôi chén nước chè xanh và bắp ngô nướng ngọt thơm, bà Lý Thị Xuân - một người dân ở xóm Kim Bắc 1 tâm sự: ngày còn sống ở Vầy Nưa, chúng tôi sống dựa vào đồi nương, đã quen với tập quán sản xuất ấy rồi nên đến đây trồng mía, trồng ngô cũng không vất vả lắm. Hơn thế, ở đây đất đai bằng phẳng không gian sống cũng thoáng đãng hơn, nông sản chúng tôi làm ra đến đâu có người đến thu mua, tiêu thụ đến đó. Chỉ phiền một nỗi chúng tôi khát nước. Năm 2008, gia đình tôi đã phải cố chắt bóp để bỏ ra 9 triệu đồng khoan giếng lấy nước sinh hoạt, còn nhiều hộ khác vì nhiều lý do chưa tìm được nguồn nước sinh hoạt ổn định nên đời sống hết sức khó khăn. Theo như phản ánh của người dân và các đồng chí Bí thư chi bộ, trưởng xóm, chúng tôi được biết: thông qua các dự án 327, 747, năm 1993 - 1994 và năm 2007, Thung Rếch đã được Nhà nước đầu tư xây dựng các công trình nước công cộng. Thế nhưng, do việc khảo sát không chặt chẽ dẫn đến việc xây dựng không đúng địa điểm, không khai thác được nguồn nước, chất lượng công trình, vật tư, thiết bị dẫn nước cũng không đảm bảo, đến năm 2009 đã rơi vào tình trạng hỏng hóc không sử dụng được. Khi chúng tôi có mặt ở đó đã được chứng kiến 3 bể nước ở Kim Bắc 3 và 3 bể nước ở xóm Kim Bắc 4 đang trong tình trạng cạn khô, còn các xóm khác chúng tôi không có điều kiện tới nơi để chứng kiến.
Một vấn đề khó khăn nữa đã và đang hàng ngày tác động trực tiếp đến người dân đó là hệ thống đường giao thông nông thôn cũng trong tình trạng không đảm bảo vì đã lâu không được đầu tư, nâng cấp. Cả vùng thung có 7 km đường trục chính đã được rải cấp phối từ những năm 1996 - 1997, đến nay đã bong tróc hết phần mặt trở nên thụt lồi, mấp mô. Đặc biệt, có một đoạn đường dài 790m tại xóm Kim Bắc 1, nhiều năm trong tình trạng lầy lội, xe cộ không thể đi qua, mới đây, KDC đã phải bán đi miếng đất hơn 2.000 m với giá 8 triệu đồng để lấy nguồn kinh phí dành cho việc nâng cấp con đường đảm bảo việc đi lại cho bà con. Xóm Thung Mường, 1 KDC sở tại mới đây đã làm được một việc hết sức có ý nghĩa là vận động các doanh nghiệp chuyên thu mua ngô, mía ủng hộ từ 1-2 triệu đồng, mỗi hộ gia đình tự nguyện đóng góp 450.000 đồng và ngày công để rải đá 3,8 km đường trục chính và các đường nhánh trong KDC. Đó là một việc làm tốt, những KDC khác cũng muốn học tập nhưng vì cuộc sống của phần lớn các hộ gia đình còn khó khăn nên lực bất tòng tâm. Cuối năm 2010, huyện Kim Bôi đã duyệt xong quy hoạch và khởi công dự án rải nhựa để nâng cấp 7,6 km đường trục chính cho vùng thung. Thế nhưng, do tác động của lạm phát và một số nguyên nhân khách quan nên công trình đã bị giãn tiến độ trọng suốt thời gian dài khiến cho người dân nơi đây luôn ở trong tình trạng khắc khoải đợi chờ.
Một loại thiết chế nữa cũng trong tình trạng thiếu thốn đó là công trình lớp học, nhà ở cho giáo viên. Đến nay, vùng Thung Rếch đã có cơ sở vật chất dành cho 3 cấp học từ mầm non đến THCS. Tuy nhiên, vì nhiều lớp học được xây dựng từ năm 1995 nên đến nay cũng đã bị xuống cấp, đến năm 2004 có được đầu tư, nâng cấp nhưng lại không được trang bị thêm bàn ghế nên hàng năm phải huy động sức dân đóng góp để đảm bảo việc học tập cho con em. Hiện, một số xóm như Kim Bắc 3, Kim Bắc 4... vẫn chưa có lớp học mầm non, nhiều năm qua, các cháu phải “học nhờ” ở nhà văn hóa của xóm. Mặc dù đường xá đi lại khó khăn, nhưng nhiều năm qua con em vùng thung cũng đã có nhiều nỗ lực để khẳng định tinh thần hiếu học. Đến nay đã có 8 sinh viên là con em của vùng tốt nghiệp các trường ĐH trở về công tác ở các cơ quan, đơn vị của tỉnh, huyện. Hiện có 34 học sinh, sinh viên đang theo học ở các trường ĐH, CĐ, THCN. Mong muốn nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục, người dân nơi đây luôn mong mỏi có sự quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị để các thầy, cô giáo yên tâm cống hiến cho việc giảng dạy và con em trong vùng cũng lấy đó làm nguồn động viên, khích lệ để nỗ lực học hành.
Thúy Hằng
(HBĐT) - Đầu tháng tư, chúng tôi có dịp trở về Hà Tĩnh. Rời Hòa Bình trong tiết trời se lạnh của cái “rét nàng Bân”, đến vùng đất miền Trung đã là mùa hè oi ả với từng cơn gió Lào ngột ngạt. Nắng Hà Tĩnh, gió Hà Tĩnh, tình đất, tình người Hà Tĩnh đã cuốn hút chúng tôi đến với những tên đất, tên làng, tên đường, tên núi, tên sông.
(HBĐT) - Bây giờ đường vào Cuối Hạ, xã vùng sâu, đặc biệt khó khăn của huyện Kim Bôi đã thông thoáng, dễ đi hơn nhiều so với trước đây nhưng con đường phát triển của miền đất khó này vẫn còn nhiều gian truân. Những cảnh ngộ, nếu kể đến tận cùng dễ làm nhiều người thương cảm. Đồng thời, cũng tại nơi này đã sáng lên những tấm lòng, trái tim nhân ái…
(HBĐT) - Trong những năm gần đây, Pà Cò (Mai Châu) được nhắc đến là một nơi với “điểm nóng” về buôn bán, vận chuyển ma tuý trong tỉnh. Tuy vậy, gạt bỏ những định kiến, nơi đây đã và đang có những con người biết tránh xa những cạm bẫy, vượt qua khó khăn, làm nên những điều có ích cho quê hương - Sùng A Pha, chàng thanh niên người Mông, xã Pà Cò là một người như vậy.
(HBĐT) - Trái ngược hoàn toàn với những hình dung ban đầu của chúng tôi khi người đàn ông có phong thái điềm đạm, quắc thước và rắn rỏi với mái tóc bạc trắng, đôi kính lão xệ xuống như được đỡ bởi gò má cao tự giới thiệu mình là Vũ Hữu Lùng ở xóm Nam Hòa, xã Xuất Hóa (Lạc Sơn) người mà chúng tôi đang tìm gặp. Dẫu ở cái tuổi 75 nhưng thật khó để nhận ra dấu hiệu tuổi tác trong công việc thường ngày, bình dị của người đàn ông này...
(HBĐT) - Cách đây 5 năm, Công ty CP gạch ngói Quỳnh Lâm (TPHB) gặp nhiều khó khăn khi nhận chuyển giao công nghệ lò gạch kiểu đứng hiệu suất cao. Các phương tiện máy móc cũ phục vụ SX lại không phù hợp với lò gạch kiểu đứng. Công ty nhiều tháng phải ngừng sản xuất bởi tỷ lệ gạch hư hao lớn, chiếc máy EG10 khi đó trị giá 1,2 tỷ đồng dùng không phù hợp, nếu bỏ đi, Công ty chịu khoản nợ rất lớn.
(HBĐT) - Dù đã quen với khúc nhạc “vô thường” của những tay đàn lão luyện. Nhưng chẳng hiểu sao khi ngồi trước họ, tôi cứ bị cuốn theo những ngón đàn đôi lúc còn ngượng ngập, run rẩy, những gam nhạc thăng, giáng đôi lần vấp váp, lỡ nhịp và cuốn theo cả những cảm xúc vừa mơ hồ, vừa hiện hữu trên khuôn mặt đau đáu khát vọng của Thuận...