Người tiêu dùng ưa chuộng lựa chọn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ tại cửa hàng thị trấn Lương Sơn.
(HBĐT) - Đó là những mô hình có sự tham gia của hàng trăm, hàng nghìn nông dân cả ở vùng thấp, sâu, xa, cao. Việc sản xuất mang tính ổn định, vững bền hơn, hiệu quả kinh tế mang lại cũng rõ rệt. Những mô hình này đang góp phần không nhỏ, có tác dụng cổ vũ lớn lao, khích lệ nông dân tiếp cận thị trường, nắm bắt cơ hội làm giàu.
“Nông nghiệp hữu cơ” - mô hình đột phá
Có lẽ với người dân ở huyện Lương Sơn, cụm từ nông nghiệp hữu cơ giờ không còn lạ lẫm. Xuất hiện từ năm 2008, đến nay, chương trình sản xuất này đã thu hút được đông đảo hộ nông dân theo học và triển khai thực hiện. Kết quả đã thành lập được 1 HTX, 13 nhóm sản xuất với hơn 100 thành viên tham gia. Ông Đỗ Viết Liêm, Chủ tịch HND huyện chia sẻ: Từ chỗ mặt bằng canh tác chỉ khoảng 9 ha, đến nay, tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp hữu cơ toàn huyện đã nhân rộng được hơn 20 ha. Với việc hình thành tư duy sản xuất mới, thực hiện luân canh và phương pháp canh tác an toàn, giá trị thu nhập trên ha diện tích không dừng lại ở con số vài chục triệu đồng/ha. Theo thống kê mới đây, giá trị thu nhập/ha canh tác nông nghiệp hưu cơ đã đạt từ 450 - 700 triệu đồng.
Đáng kể là từ chỗ mạnh ai người nấy làm, mô hình nông nghiệp hữu cơ đã liên kết các nhóm hộ cùng sản xuất, đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn làm thế mạnh cung ứng ra thị trường. Chị Hoàng Thị Tư, một thành viên nhóm sở thích nông nghiệp hữu cơ trên cây rau xóm Đầm Đa 2, xã Hợp Hòa cho biết: Nhóm chúng tôi đã tiến hành canh tác không dùng phân bón hóa học, không có chất biến đổi gen nên thân thiện với môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Cho dù sản xuất theo phương pháp này bỏ công, bỏ sức nhiều hơn, phải bền bỉ cải tạo đất, quản lý sâu bệnh hại, bù lại, giá trị lợi nhuận có được cao hơn 30% so với cách làm cũ, an toàn với người sử dụng.
Đặc biệt, nếu như trước đây, thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chỉ bó gọn ở một số chợ trên địa bàn, thu nhập của nhà nông chẳng đáng là bao, từ sau khi có mô hình nông nghiệp hữu cơ, nhiều sản phẩm do bà con làm ra đã vươn tới thị trường trong, ngoài tỉnh, được người tiêu dùng gần, xa yên mến, tin dùng. Ngoài một số công ty có trụ sở tại Hà Nội hợp đồng đặt hàng thường xuyên, tại trung tâm huyện còn duy trì cửa hàng bán và giới thiệu nông sản hữu cơ. Với sức mua trên thị trường ngày càng lớn, việc cung ứng của bà con không gặp trở ngại nào. Không ít siêu thị lớn ở Hà Nội muốn làm khách hàng chính thức tiêu thụ các loại rau, củ, quả sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ.
Tư duy mới trong sản xuất ở vùng cao
Cùng thời điểm ra đời mô hình nông nghiệp hữu cơ, ở vùng cao các huyện Tân Lạc, Mai Châu... cũng bắt đầu hình thành vùng sản xuất và những mô hình mới. Đó là mô hình trồng su su lấy ngọn ở Ngổ Luông, Quyết Chiến, Lũng Vân (Tân Lạc), Ba Khan (Mai Châu), mô hình trồng tỏi tía ở Bắc Sơn, Nam Sơn (Tân Lạc), Noong Luông, Pù Bin (Mai Châu), mô hình chè shan tuyết ở Pà Cò (Mai Châu)... Năm 2008, được sự hỗ trợ của Trung tâm ứng dụng KH-CN tỉnh, nông dân xã vùng cao Quyết Chiến được tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật, đưa cây su su vào cơ cấu cây trồng, góp phần đẩy mạnh công cuộc XĐ-GN. Theo ông Bùi Văn Nhỏ - trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Lạc, trước đây, bà con vùng cao quen với nền sản xuất manh mún theo nếp cũ, sản phẩm làm ra chủ yếu để dùng trong gia đình, ít tiếp cận với thị trường hàng hóa. Được hỗ trợ chuyển giao, mô hình tỏi, su su lấy ngọn ở các xã vùng cao đã phát huy hiệu quả, mang lại thu nhập thường xuyên, ổn định cho hộ nông dân.
Theo thống kê chưa đầy đủ, tại các xã vùng cao của huyện Tân Lạc hiện có hơn 400 hộ tham gia các mô hình với diện tích hơn 50 ha su su và hơn 8 ha tỏi bản địa. Đáng mừng là với việc hình thành tư duy sản xuất mới, chỉ với vài nghìn m2 canh tác đã mang về thu nhập từ 10 - 15 triệu đồng/tháng cho nhiều hộ dân như ông Nguyễn Văn Quang ở xóm Biệng, xã Quyết Chiến, ông Đinh Văn Miêng ở xóm Chiềng, xã Lũng Vân. ông Miêng phấn khởi cho biết: mỗi kg ngọn su su có giá 6.000 đồng tại vườn, so với trồng ngô, nông dân có lãi gấp 4 - 5 lần lại dễ trồng, chăm sóc, phù hợp với điều kiện khí hậu vùng cao. Thêm vào đó, thị trường đầu ra của tỏi, su su ổn định, đã xuất hiện một số cơ sở thu mua, bao tiêu sản phẩm cho bà con. Thường có một số công ty, còn lại là thương lái nhiều vùng khác hợp đồng thu mua rau su su, tỏi. Làm như vậy, hộ sản xuất yên tâm bởi khâu vận chuyển tiêu thụ đã có doanh nghiệp và lái thương lo liệu.
Dịp cuối năm 2011, tại hội thảo về thông tin thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp tỉnh, các mô hình trồng su su lấy ngọn, tỏi bản địa các xã đã được đại biểu đánh giá cao với giá trị kinh tế vượt trội hơn hẳn các loại rau, củ, quả khác (đạt từ 200 - 250 triệu đồng/ha). Cùng với đó, những chuyển đổi trong tư duy, nhận thức canh tác của nông dân cũng được đánh giá tích cực, từng bước hình thành, tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất.
Thay lời kết
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Tứ, Giám đốc Sở NN&PTNT nhận định: Những mô hình được nhân rộng tạo lực đẩy quan trọng trong sản xuất nông nghiệp vùng cao, sâu, xa, góp phần làm cuộc sống người dân nơi đây thay da, đổi thịt. Cùng với tư duy mới, cách thức làm ăn mới, người dân tham gia là một trong những mắt xích đảm bảo chuỗi hợp đồng, cạnh tranh theo chuỗi thông qua sự liên kết, kết nối tạo ra thị trường hoàn chỉnh. Hiện nay, mô hình nông nghiệp hữu cơ, tỏi, su su đã tạo dựng được lòng tin của người tiêu dùng trong nước và cả nước ngoài, đang từng bước hình thành, xây dựng thương hiệu. Các mô hình cũng có ý nghĩa quan trọng hỗ trợ nông dân, những người yếu thế có điều kiện tiếp cận thương mại, thị trường, liên doanh, liên kết và ngày càng được hưởng lợi nhiều hơn từ thành quả lao động.
(HBĐT) - Đã nhiều lần lỗi hẹn, cho tới một ngày gần đây, chúng tôi mới có dịp ngược dốc “con đường tình yêu” của nhạc sỹ Huy Tâm để đến với Thung Rếch, một miền đất trù phú và gợi nhiều cảm xúc ở xã Tú Sơn (Kim Bôi). Xóm làng bình yên với những bãi mía, nương ngô trải dài ngút mắt dưới ánh nắng ban mai còn đẹp hơn bức tranh, hình ảnh mà chúng tôi đã từng tưởng tượng. Đón chúng tôi là ánh mắt, nụ cười hồn hậu của người dân nơi đây. Nhìn sâu vào những đôi mắt ấy và qua những câu chuyện tâm tình gợi mở mới thấy hết sự rắn rỏi, cương trực và một sự khát vọng lớn lao đang trỗi dậy ở vùng đất, những con người nơi đây.
(HBĐT) - Nếu đem so với cây ngô và dong riềng là những loại cây trồng chủ lực ở Trung Thành, cây chè có giá trị trung bình gấp 4 - 5 lần. Dẫu vậy, trên vùng đất chè xưa của Đà Bắc vẫn đang có hàng chục ha chè dường như bị lãng quên, mọc thành rừng xen giữa những loại cây dại không tên trong nỗi nuối tiếc, xót xa của những người có tâm huyết với chè.
(HBĐT) - Một “đại công trường” trải suốt một dải 3 km trên dòng suối Cháo (xã Kim Tiến - Kim Bôi) với hàng nghìn con người già có, trẻ có ngày đêm hừng hực khí thế, chung một quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khai thác cát phục vụ việc xây Lăng Bác. Có lẽ vẫn còn nguyên trong ký ức nhiều lớp người dân xã Kim Tiến, niềm tự hào đó như một ngọn lửa sáng truyền từ thế hệ này sang thế hệ kế tiếp.
(HBĐT) - Sau hơn 4 năm thi công, tuyến đường Tây Phong - Yên Thượng (Cao Phong) có tổng chiều dài hơn 14 km, giờ chỉ còn hơn 2 km đang thi công dở dang. Đến Yên Thượng có nhiều điều lạ lẫm đến khó tả. Ở Tây Phong là cảm giác nóng bức ngột ngạt của mùa hè nhưng lên đến vùng đất chiến khu xưa không khí vẫn còn se lạnh như những ngày đầu đông.
(HBĐT) - Chân chẳng bước đi trên đất, đầu ngấp nghé chẳng tới trời. Cả cái xóm vạn chài thuộc tổ 4, phường Tân Thịnh (thành phố Hòa Bình) với hơn 200 con người chỉ bám, níu với đất bằng một sợi dây cũng mong manh như chính những ước mơ truyền đời của những kẻ “lang bạt kỳ hồ” suốt đời chỉ mơ “một tấc đất để cắm dùi” cho cuộc sống đỡ chông chênh, tủi cực.
(HBĐT) - Đầu tháng tư, chúng tôi có dịp trở về Hà Tĩnh. Rời Hòa Bình trong tiết trời se lạnh của cái “rét nàng Bân”, đến vùng đất miền Trung đã là mùa hè oi ả với từng cơn gió Lào ngột ngạt. Nắng Hà Tĩnh, gió Hà Tĩnh, tình đất, tình người Hà Tĩnh đã cuốn hút chúng tôi đến với những tên đất, tên làng, tên đường, tên núi, tên sông.