Mặc dù tuổi đã cao nhưng bà Nguyễn Thị Vuông vẫn thường xuyên gặp gỡ hội viên phụ nữ xóm Gốc Đa, xã Hợp Thành (Kỳ Sơn) trao đổi về xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.
(HBĐT) - Người nữ du kích, người bà, người mẹ Nguyễn Thị Vuông hôm nay đã bước sang tuổi 83 nhưng vẫn còn đó sự nhanh nhẹn, tháo vát và một trí nhớ tuyệt vời. Trí nhớ đó khắc sâu một miền nhớ về những ngày tháng cách đây hơn 60 năm...
Khi đó, nữ du kích Nguyễn Thị Vuông ở xóm Gốc Đa, xã Hợp Thành, huyện Kỳ Sơn được nhân dân, du kích trong vùng và nhiều đơn vị bộ đội biết đến bởi bà là một đội trưởng của đội du kích dũng cảm, mưu trí, lập được nhiều thành tích xuất sắc trong việc phối hợp, dẫn đường cho bộ đội tập kích, quấy rối, tiêu hao, tiêu diệt địch trên các đồn, bốt quan trọng. Khi quân địch đánh chiếm trục đường 6 và chiếm thị xã Hòa Bình, đội du kích của bà sau khi bảo vệ nhân dân đi sơ tán an toàn, bà cùng tổ du kích bám trụ lại chiến đấu bảo vệ thôn xóm. Nhiều lần tổ du kích của bà đã dẫn đường cho bộ đội tìm trận địa phục kích đánh ca nô giặc trên sông Đà. Tàu thuyền của địch thường tiếp tế bằng đường sông từ mạn Tu Vũ lên thị xã Hòa Bình và ngược lại. Nắm được quy luật hoạt động của tàu thuyền địch trên sông Đà, tổ phục kích của bà đã phối hợp với du kích Yên Mông, Mông Hóa cùng bộ đội đã phục kích, chiến đấu bắn cháy, bắn chìm và làm bị thương nhiều tàu thuyền của địch trên đoạn từ phà Thia đến Mỵ. Cứ mỗi lần tàu thuyền của địch bị ta tiêu diệt ban ngày thì ban đêm, du kích và nhân dân các xã ven xông lại ra thu chiến lợi phẩm như: súng, đạn, quân trang, quân dụng về để sử dụng đánh giặc. Sau những trận bị phục kích như vậy, tàu thuyền của địch không dám nghênh ngang đi sát bờ như trước nữa mà thường phải đi ở giữa sông và có pháo binh, tàu bay yểm trợ mới dám đi...
Đầu năm 1948, bà Vuông được điều động lên làm cán sự của Huyện đội Kỳ Sơn, làm công tác vận động quần chúng, xây dựng phong trào chiến tranh nhân dân, chiến tranh du kích ở các xã. Nhờ có kinh nghiệm thực tế trong chiến đấu, bà Vuông đã nhanh chóng truyền đạt, hướng dẫn cho du kích ở các xã về cách nắm địch và đánh địch mà tiêu biểu là đội du kích xã Yên Mông do được bà Vuông hướng dẫn, điển hình là việc tổ du kích gồm 3 chị: Nở, Môn và Thụ đã tự tổ chức đặt mìn phục kích đánh toán địch từ trên phà Thia xuống đi càn vào xóm làm bị thương một số tên, trong đó có tên quan ba Tây bị thương nặng.
Do có nhiều thành tích xuất sắc, tinh thần dũng cảm trong chiến đấu, bà Vuông đã có nhiều đóng góp cho cách mạng, cho chiến thắng giải phóng quê hương Hòa Bình năm 1952.
Đã hơn 60 năm trôi qua nhưng ký ức của bà lại trở nên thật gần với kỷ niệm vui sướng, hạnh phúc nhất trong đời là hai lần bà được gặp vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu - Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bà Vuông tâm sự: Năm 1950, tại Đại hội đại biểu phụ nữ lần thứ I tại Việt Bắc, bà vinh dự được cùng 4 chiến sỹ tiêu biểu trong cả nước về dự Đại hội. Bà còn nhớ rõ, lúc đó, bà rất tự hào diện bộ trang phụ dân tộc Mường, được đứng trò chuyện cùng Bác. Điều vui sướng và hạnh phúc nhất lúc đó đối với bà không phải là được Bác tuyên dương, khen ngợi những chiến công của bà và đội du kích ở Hòa Bình đạt được mà điều lớn lao nhất bà nhận được đó là tình cảm ấm áp, yêu thương của một người Cha và những lời dạy bảo ân cần mà sâu sắc của một người thầy vĩ đại. Sau đó 9 năm, năm 1959, bà lại được gặp Bác khi bà đang đi học ở Hà Nội. Bà được cùng đoàn đại biểu học sinh đến dự hội nghị có Bác. Lần gặp này bà cũng lại không giấu nổi niềm xúc động và khắc ghi ý chí quyết tâm nỗ lực học tập, lao động, cống hiến nhiều hơn nữa cho quê hương.
Hôm nay, những người con của quê hương Hợp Thành có mặt đông vui trong ngôi nhà ấm áp của mẹ Vuông để được nghe, được nhớ về những ngày tháng lịch sử hào hùng của quê hương, của những người chiến sỹ như mẹ Vuông... Tấm gương của mẹ về sự nỗ lực trong chiến đấu, học tập, lao động sản xuất xứng đáng với sự tin tưởng của vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu mà bà đã được gặp cách đây hơn 50 năm sẽ được những người phụ nữ của quê hương hôm nay khắc ghi, tiếp bước trong công cuộc xây dựng hình ảnh người phụ nữ năng động, sáng tạo, xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Hồng Duyên
(HBĐT) - Chân chẳng bước đi trên đất, đầu ngấp nghé chẳng tới trời. Cả cái xóm vạn chài thuộc tổ 4, phường Tân Thịnh (thành phố Hòa Bình) với hơn 200 con người chỉ bám, níu với đất bằng một sợi dây cũng mong manh như chính những ước mơ truyền đời của những kẻ “lang bạt kỳ hồ” suốt đời chỉ mơ “một tấc đất để cắm dùi” cho cuộc sống đỡ chông chênh, tủi cực.
(HBĐT) - Đầu tháng tư, chúng tôi có dịp trở về Hà Tĩnh. Rời Hòa Bình trong tiết trời se lạnh của cái “rét nàng Bân”, đến vùng đất miền Trung đã là mùa hè oi ả với từng cơn gió Lào ngột ngạt. Nắng Hà Tĩnh, gió Hà Tĩnh, tình đất, tình người Hà Tĩnh đã cuốn hút chúng tôi đến với những tên đất, tên làng, tên đường, tên núi, tên sông.
(HBĐT) - Bây giờ đường vào Cuối Hạ, xã vùng sâu, đặc biệt khó khăn của huyện Kim Bôi đã thông thoáng, dễ đi hơn nhiều so với trước đây nhưng con đường phát triển của miền đất khó này vẫn còn nhiều gian truân. Những cảnh ngộ, nếu kể đến tận cùng dễ làm nhiều người thương cảm. Đồng thời, cũng tại nơi này đã sáng lên những tấm lòng, trái tim nhân ái…
(HBĐT) - Trong những năm gần đây, Pà Cò (Mai Châu) được nhắc đến là một nơi với “điểm nóng” về buôn bán, vận chuyển ma tuý trong tỉnh. Tuy vậy, gạt bỏ những định kiến, nơi đây đã và đang có những con người biết tránh xa những cạm bẫy, vượt qua khó khăn, làm nên những điều có ích cho quê hương - Sùng A Pha, chàng thanh niên người Mông, xã Pà Cò là một người như vậy.
(HBĐT) - Trái ngược hoàn toàn với những hình dung ban đầu của chúng tôi khi người đàn ông có phong thái điềm đạm, quắc thước và rắn rỏi với mái tóc bạc trắng, đôi kính lão xệ xuống như được đỡ bởi gò má cao tự giới thiệu mình là Vũ Hữu Lùng ở xóm Nam Hòa, xã Xuất Hóa (Lạc Sơn) người mà chúng tôi đang tìm gặp. Dẫu ở cái tuổi 75 nhưng thật khó để nhận ra dấu hiệu tuổi tác trong công việc thường ngày, bình dị của người đàn ông này...
(HBĐT) - Cách đây 5 năm, Công ty CP gạch ngói Quỳnh Lâm (TPHB) gặp nhiều khó khăn khi nhận chuyển giao công nghệ lò gạch kiểu đứng hiệu suất cao. Các phương tiện máy móc cũ phục vụ SX lại không phù hợp với lò gạch kiểu đứng. Công ty nhiều tháng phải ngừng sản xuất bởi tỷ lệ gạch hư hao lớn, chiếc máy EG10 khi đó trị giá 1,2 tỷ đồng dùng không phù hợp, nếu bỏ đi, Công ty chịu khoản nợ rất lớn.