Đoàn Báo Hòa Bình tham gia "Hành trình về nguồn" tại huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh).
(HBĐT) - Là hoạt động thường niên được khởi động từ năm 2006, năm nay, “Hành trình về nguồn” có sự tham gia của 20 báo các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc. Đặc biệt có ý nghĩa khi báo Quảng Ninh chọn địa điểm tổ chức là huyện đảo Cô Tô - nơi duy nhất được Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng ý cho dựng Tượng đài của mình khi Người về thăm cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên đảo vào ngày 9/1/1961. Năm nay là năm thứ tư Báo Hoà Bình tham gia “Hành trình về nguồn” với 5 thành viên. Tất cả đều lần đầu tiên ra đảo Cô Tô với sự hồ hởi, háo hức chờ đợi những trải nghiệm mới cùng chuyến hành trình khám phá biển đảo quê hương.
Cô Tô- hòn ngọc xanh giữa biển khơi
Trải qua một hành trình dài, buổi tuối đầu tiên, ĐVTN báo Đảng nghỉ một đêm tại huyện đảo Vân Đồn với ấn tượng khó phai với những hình ảnh đẹp của vịnh Hạ Long chộn rộn giữa mơ và thực với những tình cảm của thiên nhiên, con người Quảng Ninh. Từ bến Cái Rồng, thuyền lênh đênh rẽ nước ra khơi. Các thành viên đoàn Báo Hòa Bình hướng mắt ra khơi theo những cánh hải âu chao nghiêng mũi thuyền cùng hòa giọng hát ca khúc “Biển hát chiều nay”: “Chân trời rất xanh gọi nắng xôn xao/Con thuyền rất vui và gió hát ngọt ngào/ Môi cười rất xinh lung linh màu áo/Mây trắng gợn lên những cánh chim hải âu/Có gì sáng nay mà sóng xôn xao/Chân trời rất xanh màu nắng vẫn ngọt ngào/Câu hát gợi lên những khát khao đại dương… Ôi biển Việt Nam, ơi sóng Việt Nam/ qua bao nhiêu thăng trầm mà chiều nay vẫn dịu dàng…Biển xanh vẫn hát những lời yêu thương, biển lại hát tình ca, biển kể chuyện quê hương”… Bài hát trải dài trong lênh đênh sóng biển. Thật hạnh phúc và may mắn cho những ai được đến với Cô Tô. Gần 2 tiếng đồng hồ, Cô Tô hiện ra trong trập trùng sóng nước. Mây trắng lững lờ, trời xanh thẳm. Cô Tô được ví là “Hòn ngọc xanh giữa biển khơi”. Hình ảnh Cô Tô thân yêu được tái hiện đầy đủ và khá toàn diện hơn qua triển lãm ảnh ngoài trời tại khu vực khuôn viên di tích Tượng đài Hồ Chí Minh. Thông qua khoảng 60 bức ảnh với các chủ đề chính như: đảo Trần, giữ gìn biển đảo quê hương, cuộc sống thường ngày, trẻ em, chuyển giao thế hệ, đổi thay, hòn ngọc giữa biển xanh, chương trình hành trình vì biển đảo quê hương và dấu ấn Cô Tô đã giới thiệu đến người xem về huyện đảo trong thời kỳ đổi mới. Quá trình giữ biển đảo, chống chọi với thiên nhiên và xây dựng huyện đảo như ngày nay. Qua đó, chúng tôi phần nào cảm nhận được mảnh đất, cuộc sống con người nơi đây. Quần đảo Cô Tô có khoảng hơn 50 đảo, đá lớn nhỏ, nằm phía đông bắc của tỉnh Quảng Ninh với diện tích 46,2 km2. Với chiều dài biên giới biển trên 200 km nên Cô Tô có vị trí đặc biệt quan trọng về AN-QP. Huyện đảo Cô Tô được thành lập từ năm 2004, hiện có tổng số trên 1.500 hộ với gần trên 5.500 nhân khẩu. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện đảo Cô Tô đang đoàn kết tập trung khắc phục các khó khăn về điện, nước, giao thông, thực hiện công tác quy hoạch, xây dựng NTM, phát triển kinh tế hải sản, dịch vụ hậu cần nghề cá. Tập trung bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh qua và phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn… Cô Tô đang trở thành tâm điểm của du khách với điều kiện thiên nhiên còn nguyên vẻ hoang sơ. Những bãi cát trắng trải dài hàng cây số, bãi đá cùng với loại hình du lịch home stay đã và đang tạo được sức hấp dẫn du khách khi đến với “hòn ngọc xanh” Cô Tô.
Phóng viên báo các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc tác nghiệp tại huyện đảo Cô Tô.
Tuổi trẻ báo Đảng với biển đảo quê hương
“Hành trình về nguồn” năm nay được tổ chức vào dịp cả nước kỷ niệm 123 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một trong những hoạt động đầu tiên là lãnh đạo cùng hơn 200 ĐVTN báo Đảng các tỉnh đến dâng hương và báo công tại Tượng đài Bác Hồ trên đảo Cô Tô. Dưới tượng Bác sừng sững uy nghi, giữa biển trời Cô Tô trong xanh, tuổi trẻ báo Đảng như được truyền thêm sức mạnh để tiếp tục cống hiến xây dựng quê hương, Tổ quốc. Tổng Biên tập Báo Bắc Ninh Nguyễn Bá Sinh chia sẻ: Mỗi năm, chương trình “Hành trình về nguồn” được các đơn vị đăng cai tổ chức với nét độc đáo khác nhau. Chương trình đã diễn ra với mục đích rõ ràng, ấn tượng, càng ý nghĩa hơn khi mà năm nay chương trình được tổ chức tại huyện đảo Cô Tô, nơi tiền tiêu của Tổ quốc. Đây thực sự là đợt sinh hoạt chính trị có ý nghĩa sâu sắc với các bạn trẻ, nhằm giáo dục ý nghĩa về chủ quyền biển đảo đối với các ĐVTN.
Bình minh trên biển Cô Tô (ảnh: H Duyên)
Sau khi dâng hương, báo công tại Tượng đài Bác, đoàn chia làm 2 mũi. Mũi thứ nhất di chuyển đến thôn Trường Xuân, xã Đồng Tiến để tặng quà gia đình ông Trần Văn Oản, thương binh hạng 4/4. Sau đó đến thôn Hồng Vàn, tuổi trẻ báo Đảng các tỉnh phía Bắc và Công ty TNHH BHNT Prudential Việt Nam tại Quảng Ninh tặng gia đình chị Nguyễn Thị Minh ngôi nhà nhân ái trị giá 150 triệu đồng và các đồ dùng thiết yếu. Gia đình chị Minh là hộ đặc biệt khó khăn của thôn. Chồng chị mất trong một lần đi biển, bản thân chị không có việc làm ổn định lại phải nuôi 2 cô con gái nhỏ ăn học. Trong ngôi nhà mới còn thơm mùi vữa, chị Minh xúc động chỉ biết nói cảm ơn cả đoàn vì đây chính là ước mơ của gia đình chị trong nhiều năm qua. Càng về trưa, cái nắng trên đảo càng gay gắt nhưng không ngăn được lòng nhiệt huyết của mỗi đoàn viên khi mũi thứ 2 được phân công trồng cây sau tượng đài Bác Hồ. Gạt những giọt mồ hôi ướt đẫm, ĐVTN các Báo thoăn thoắt đào đất trồng cây. Báo Đảng mỗi tỉnh đều đem về đây loại cây đặc trưng của quê hương mình như: cây sa mộc từ Hà Giang, hoa ban Điện Biên, cây chè, cọ của vùng đất Thái Nguyên, Phú Thọ. Báo Hoà Bình mang đến Cô Tô 2 loại cây dổi và sấu… Buổi chiều cùng ngày, hàng trăm đoàn viên đã tham gia nhặt rác bãi biển và tổ chức các hoạt động giao lưu bóng đá, kéo co. Anh Nguyễn Huy Toán, Bí thư Đoàn Thanh niên Báo Hà Giang phấn khởi chia sẻ: Tôi rất vinh dự khi lần đầu tiên được tham gia “Hành trình về nguồn” của tuổi trẻ báo Đảng tại Cô Tô. Tham dự chương trình, tôi đã được tìm hiểu về mảnh đất Cô Tô giàu truyền thống và tiềm năng. Trong chuyến hành trình này, tôi đã tìm ra được nhiều đề tài hay để giới thiệu với người dân Hà Giang về huyện đảo xinh đẹp này.
Đêm giao lưu văn nghệ, dưới Tượng đài Bác Hồ, nhiều ca khúc ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu cứ ngân lên, vang vọng mãi. Cô Tô dường như đã gần hơn với đất liền trong tình cảm yêu thương bền chặt. Lãnh đạo và ĐV-TN các báo Đảng miền núi, trung du phía Bắc, nhiều đơn vị đã tham gia đóng góp, ủng hộ chương trình đưa điện lưới ra huyện đảo Cô Tô. Bên ánh lửa trại bập bùng trên bờ biển đầy gió, tuổi trẻ các báo Đảng đã “thức cùng Cô Tô”. Ở nơi đây, nhiều tình cảm, nhiều ngọn lửa trái tim, nhiệt huyết cùng biển đảo đã được thắp lên… Đến nay đã là năm thứ 8, “Hành trình về nguồn” được tổ chức, để lại ấn tượng khó quên trong lòng tuổi trẻ báo Đảng. Chuyến đi có nhiều hoạt động có ý nghĩa. Tuổi trẻ Báo Đảng đã có nhiều hoạt động thiết thực như tặng học bổng, tặng nhà tình nghĩa, tặng quà cho gia đình có công với cách mạng…Đây cũng là cơ hội để những nhà báo trẻ được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm làm báo, tìm hiểu về truyền thống lịch sử, các địa danh, di tích của các tỉnh. Từ đó phát huy tinh thần xung kích vì cuộc sống cộng đồng của ĐVTN các báo, hun đúc ngọn lửa, thực hiện những hoạt động, việc làm thiết thực hướng về biển đảo quê hương yêu thương, về Cô Tô thân yêu.
Hương Lan
(HBĐT) - Tháng1/1983, công trình nhà máy thủy điện Hòa Bình bắt đầu tiến hành ngăn sông đợt I, đó cũng là thời điểm người dân bản Nưa, xã Vầy Nưa (Đà Bắc) rời quê cha đất tổ nhường ruộng đất, vườn tược cho công trình thế kỷ. Đã an cư trên vùng đất mới hơn 30 năm nhưng cuộc sống của người dân bản Nưa còn nhọc nhằn lắm. Cả bản có 67 hộ, 288 nhân khẩu nhưng chỉ có 30 ha đất để trồng ngô, sắn. Vì vậy, ngoài số tiền ít ỏi từ kinh phí Nhà nước hỗ trợ quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ hàng năm cùng chút ít thu nhập từ bán măng, luồng, đời sống của người dân ở đây chủ yếu dựa vào đánh bắt thủy sản, nuôi cá lồng trên vùng hồ Hòa Bình.
(HBĐT) - Ngày ấy, họ đều ở cái tuổi 20. Hừng hực sức trẻ, hừng hực quyết tâm chiến đấu. Dẫu cho phía trước là gian khó với “mưa rừng, cơm vắt, máu trộn bùn non”. Nhưng chẳng có ai lùi bước. Người trước ngã xuống, người sau lại tiếp bước tiến lên... để làm một Điện Biên Phủ (ĐBP) huyền thoại, một ĐBP gây chấn động địa cầu cách đây 59 năm.
(HBĐT) - 59 năm đã trôi qua kể từ ngày chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954) nhưng với những người lính bộ đội Cụ Hồ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ ở thành phố Hòa Bình luôn tràn đầy cảm xúc khi nhớ lại những năm tháng đầy gian khổ, hy sinh nhưng rất tự hào. Họ khắc ghi trong lòng để thêm yêu, thêm trân trọng những gì đang có và nỗ lực hết mình để tiếp tục đóng góp cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
(HBĐT) - Hòa trong không khí hân hoàn chào mừng ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi về thăm Củ Chi - đất thép huyền thoại và anh hùng là một trong ba di tích được xếp hạng đầu tiên ở thành phố Hồ Chí Minh, là nơi thu nhỏ trận đồ biến hóa sáng tạo của quân và dân Củ Chi trong cuộc kháng chiến lâu dài, ác liệt chống kẻ thù xâm lược, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.
(HBĐT) - Tính ra, đã hơn một lần chúng tôi được đặt chân đến vùng đất biên giới (BG); được ôm cột mốc nơi biên cương vào lòng. Nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy thiếu một thứ gì đó. Phải chăng đó là lễ chào cột mốc của cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng (BĐBP) trên đường tuần tra bỉên giới. Có lẽ là vậy! Thoáng một nét mặt nghiêm trang của người chiến sỹ biên phòng khi đứng trước cột mốc BG, chúng tôi mới hiểu mỗi tấc đất quê hương thiêng liêng đến chừng nào.
(HBĐT) - Đã từng ghi nhớ là sẽ về Mường Chiềng (Đà Bắc) khi tháng tư về. ấy vậy mà chút nữa lại quên nếu như ông bạn không nhắc. Mường Chiềng - trung tâm cụm xã vùng cao của huyện Đà Bắc, dẫu đã nhiều lần đến nhưng chẳng lần nào lại có cảm giác nao nao khó tả như lần này. Có lẽ cũng tại suy nghĩ đây là chuyến đi để tìm lại những chiến sỹ dân quân, du kích xã Mường Chiềng năm xưa đã hạ gục một máy bay F4H của Mỹ cách đây vừa tròn 46 năm bằng một loạt đạn súng trường. Giờ chẳng rõ ai còn, ai mất...