4 gã “anh hùng” sau màn kịch cứu mỹ nhân đã phải hầu tòa và nhận những hình phạt thích đáng.
(HBĐT) - Cả 3 phiên tòa xét xử các bị cáo cùng một tội danh “Hiếp dâm trẻ em”. Nhưng lại ngập trong 3 thứ cảm xúc trái ngược: phẫn uất - xót xa - căm tức. Phẫn uất là bởi đứng trước vành móng ngựa là một người cha bất chấp luân thường đạo lý làm chuyện đồi bại với cả đứa con dứt ruột sinh ra; xót xa là bởi chiếc áo tù trở nên quá rộng với một đứa trẻ vừa tròn 14 tuổi đã phạm vào cái “tội của người lớn”; căm tức là bởi đứng trước vành móng ngựa là 4 gã trai làng với màn kịch “anh hùng cứu mỹ nhân” để hại đời cô bé vừa bước qua tuổi 12.
Những gã trai làng và nỗi ám ảnh tuổi thơ
Có lẽ cũng đã khá lâu rồi, phòng xử án TAND tỉnh mới lại có một phiên xử người đến xem kín chỗ. Trong đó có không ít người lặn lội đường xa, đến từ sớm để dự, bởi đây là một phiên toà đặc biệt. Phiên toà dành cho 4 gã “diễn viên” trong vở kịch “anh hùng cứu mỹ nhân” do chúng tự dựng để lừa một cô bé vừa bước qua tuổi 12 ra nơi vắng vẻ giở trò đồi bại.
Khi chiếc xe đặc chủng chở các bị cáo Bùi Đức Thịnh (sinh năm 1987), Bùi Văn Anh (sinh năm 1990), Bùi Văn Tùng (sinh năm 1989) và Chu Văn Tuấn (sinh năm 1989) đều trú tại xóm Hồi, xã Bắc Sơn (Kim Bôi) vừa dừng lại trước cửa phòng xử án; khi vừa thấy những bộ mặt nhâng nháo, lấc cấc của những gã trai làng, cô bé Bùi Thị Thu Hương (*) bất chợt rúm người, khuôn mặt non nớt sau một thoáng rùng mình hoảng sợ đã nép chặt vào cánh tay gầy của người mẹ. Có lẽ ký ức hãi hùng, đau đớn trong đêm ngày 22/9/2012 khi em bị 4 gã trai làng dựng màn kịch “anh hùng cứu mỹ nhân” lừa ra đồi vắng giở trò, hãm hiếp như chợt ùa về. Phiên toà bắt đầu, cả 4 “gã anh hùng” đều cúi gằm mặt nghe bản cáo trạng từ vị đại diện VKSND tỉnh và lí nhí trả lời những câu hỏi để làm rõ hơn hành vi đê hèn mà chúng gây ra trước HĐXX.
Trong lúc đó, ở phía sau có những đôi vai gầy nén đi tiếng khóc, giấu đi những giọt nước đang chảy dài từ đôi mắt trũng sâu tủi hổ. Đâu đó trong cái không gian phòng xử án bị giới hạn bởi những bức tường loang lổ cũ không ngớt tiếng xì xào: nhìn đứa nào cũng lấc ca, lấc cấc, gia đình lại buông lỏng quản lý, giáo dục, bảo ban và giám sát nếu không phạm tội này, chắc chắn chúng sẽ phạm tội khác. Kiểu gì mà chẳng phải ở tù. Bản án xứng đáng được dành cho 4 gã “anh hùng”, kẻ nhiều nhất 16 năm tù và gã ít nhất cũng nhận 10 năm tù. Nhưng phía sau bản án, những ký ức, nỗi ám ảnh của cô bé Bùi Thị Thu Hương chẳng biết đến bao giờ mới nguôi ngoai. Có lẽ đó mãi là một vết thương không lành.
“Thèm tình”, cha hiếp cả con gái
Bản án 20 năm tù cho Bùi Văn Hanh (sinh năm 1973) trú tại xóm Ngái, xã Yên Lập (Cao Phong) với nhiều người có mặt tại phiên tòa hình sự sơ thẩm mới đây đó là một bản án còn quá nhẹ cho những tội lỗi mà gã đã gây ra. Thẩm phán Trần Dũng Tiến, chủ tọa phiên tòa bức xúc: Trong số các hành vi phạm tội thì tội “Hiếp dâm trẻ em” là tội mà người đời lên án, khinh miệt, ghê tởm nhất. Pháp luật cũng trừng trị nghiêm khắc nhất đối với các đối tượng phạm vào tội này. Nhưng không thể tưởng tượng nổi đó lại là hành vi của một người cha dành cho con gái mình mỗi khi gã nổi hứng “thèm tình”.
Theo khai nhận tại phiên tòa, Bùi Văn Hanh cho biết, y và chị Bùi Thị Triển có với nhau 3 người con, lớn nhất sinh năm 1995, nhỏ nhất sinh năm 2012, còn cháu Bùi Thị Thanh (*) (SN 1997) là con gái thứ hai trong nhà. Kinh tế eo hẹp, quanh năm chỉ làm thuê nên gia đình Hanh hầu như chưa bao giờ đủ ăn. Trong khi vợ bỏ nhà đi làm ăn không rõ địa chỉ, Hanh cũng bỏ đi làm thuê ở Quảng Ninh. Sau đó, đến tháng 3/2012, y bỏ việc về nhà. Sau bữa cơm đoàn tụ, khi ở nhà chỉ còn có hai bố con, thấy con gái phổng phao lại có tý hơi men nên thú tính nổi lên, Bùi Văn Hanh đã ép con gái phải cho mình quan hệ tình dục. Dù hoảng loạn, chống trả quyết liệt nhưng sợ hãi trước lời đe dọa: “Mày không cho, tao giết”, đứa con gái đã nuốt nước mắt để mặc cha mình thực hiện hành vi bỉ ổi.
Sau buổi tối kinh hoàng đó, cô bé Thanh rơi vào trạng thái tâm lý hoảng loạn và sợ hãi. Cứ tối đến, Thanh lại trốn sang nhà họ hàng để tá túc. Lúc Thanh ngủ nhà bà ngoại, lúc sang nhà cậu mợ chơi. Tuy vậy, hôm nào Bùi Văn Hanh uống rượu vào mà không thấy Thanh ở nhà là y lại vác dao đi tìm về bằng được. Thường sau khi tìm được, y lại bắt con gái phải “chiều” mình. Tại phiên tòa, Bùi Văn Hanh thú nhận: tính từ thời điểm tháng 10/2011 đến tháng 4/2012, y đã xâm hại con gái 6 lần. Tuy nhiên, tại phiên tòa, Bùi Thị Thanh đã tố cáo: không nhớ đã bị cha đẻ ép phải quan hệ tình dục bao nhiêu lần. Sở dĩ chuyện này kéo dài mà không ai biết là bởi sau mỗi lần thực hiện hành vi thú tính, Hanh đều đe dọa nếu kể cho ai biết chuyện này thì y sẽ giết. Chính vì lý do này, Thanh chỉ biết âm thầm chịu đựng nỗi đau về thể xác và tinh thần trong nỗi hoang mang, tủi cực, nhục nhã.
Tại phiên tòa, trước những chứng cứ không thể chối cãi, Bùi Văn Hanh đã thừa nhận hành vi phạm tội. Mặc dù vị đại diện VKSND đề nghị xử phạt Bùi Văn Hanh mức án từ 18 - 19 năm tù. Nhưng xét thấy tính chất đặc biệt nghiêm trọng đối với hành vi phạm tội, HĐXX đã tuyên phạt Bùi Văn Hanh 20 năm tù.
Dẫu vậy, với nhiều người tham dự phiên tòa, đây là một bản án còn quá nương nhẹ cho hành vi thú tính của kẻ mà nạn nhân gọi là cha.
“Chiếc áo” quá rộng cho đứa trẻ phạm tội “người lớn”
Tính đến khi đứng trước vành móng ngựa, Bùi Văn Anh (sinh ngày 24/8/1998) trú tại xóm Đóng, xã Phong Phú (Tân Lạc) mới gần bước sang tuổi 15. Nhưng hành vi phạm tội của bị cáo đã gây bất ngờ cho cả HĐXX và cả những người có mặt tại phiên tòa.
Theo cáo trạng, vào khoảng 19h ngày 8/12/2012, trong khi đang xem ti vi cùng với em trai và cháu Đinh Thị Hường (*), sinh ngày 20/10/2009 - là hàng xóm, Bùi Văn Anh đi vào bếp lấy nước cho em uống. Thấy Bùi Văn Anh xuống bếp, cháu Hường cũng đi theo. Tại đây, sau khi quan sát không có ai nên đã nảy sinh ý định và thực hiện hành vi giao cấu với cháu Hường. Sự việc được phát hiện khi cháu Hường được mẹ vệ sinh đã khóc và kêu đau ở bộ phận sinh dục. Sau khi kiểm tra đã phát hiện ở bộ phận sinh dục ngoài của cháu Hường có vết sưng nề. Hỏi ra, cháu Hường nói là anh Anh đã làm đau. Sau đó gia đình đã đưa cháu Hường đi khám tại BVĐK Tân Lạc. Về phía gia đình Bùi Văn Anh, sau khi biết việc con mình có hành vi giao cấu với cháu Hường nên đã đưa con đến cơ quan công an để đầu thú. Tại cơ quan công an cũng như trong quá trình điều tra vụ án, Bùi Văn Anh đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Như vậy, hành vi của Bùi Văn Anh đã phạm vào tội “Hiếp dâm trẻ em”. Tính đến thời điểm bị Bùi Văn Anh xâm hại tình dục, cháu Hường mới có 3 tuổi, 1 tháng, 19 ngày. Còn Bùi Văn Anh khi phạm tội cũng mới có 14 tuổi, 3 tháng, 4 ngày.
Theo luật sư Lê Thị Hải Thiên, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hành vi phạm tội của Bùi Văn Anh là do trước đó bị cáo đã nhiều lần xem phim khiêu dâm trên Internet. Ở tuổi dậy thì đang có sự trưởng thành về tâm sinh lý nên đã tò mò và phạm tội. Đây là một bài học đau xót, sự cảnh báo nghiêm khắc cho việc quản lý giáo dục con cái của các bậc cha mẹ và sự giáo dục, định hướng cho trẻ đang trong độ tuổi hình thành nhân cách ở trong nhà trường.
Trong vụ án này, nhìn nhận một cách khách quan, Bùi Văn Anh cũng là một đứa trẻ đáng thương, bởi chính sự thờ ơ, không quan tâm, quản lý giáo dục của cha mẹ bởi bị cáo chưa nhận thức đầy đủ về tính chất, mức độ nguy hại mà mình gây ra và cũng chưa nhận thức được đầy đủ về pháp luật quy định người phạm tội “Hiếp dâm trẻ em” sẽ bị xử phạt bằng một mức án rất nghiêm khắc, kể cả người phạm tội đang ở tuổi vị thành niên.
Rồi đây sẽ có một bản án nghiêm khắc dành cho Bùi Văn Anh. Nhưng nhiều người vẫn tự hỏi liệu sau bản án Bùi Văn Anh có còn được phát triển toàn diện về tâm sinh lý, có trưởng thành, đủ bản lĩnh để đối mặt với những khó khăn trước mắt, hay sẽ là một đứa trẻ có những nhận thức lệch lạc với xã hội. Khi trong quá trình tạm giam chờ xét xử, Bùi Văn Anh cũng đang hàng ngày phải sống với những đối tượng có “thâm niên” phạm tội với đủ mánh khóe lừa lọc. Có ai dám chắc, trong môi trường đó, một tờ giấy trắng sẽ không bị vẽ lên những nét nguệch ngoạc. Quả thực, chiếc áo tù đã trở nên quá rộng đối với một đứa trẻ phạm tội “người lớn”.
Thay lời kết
Xung quanh những vụ án “Hiếp dâm trẻ em”, ông Vũ Duy Tôn, Phó Chánh án TAND tỉnh chia sẻ: Cuộc sống càng phát triển, lối sống thực dụng, coi thường pháp luật của bộ phận thanh - thiếu niên ngày càng lớn. Do vậy dẫn đến những hành vi phạm tội là điều không tránh khỏi. Do hạn chế về kiến thức pháp luật nên chúng không hiểu rằng những hành vi vi phạm pháp luật có thể gây ra hậu quả vô cùng lớn, ảnh hưởng đến chính tương lai của các đối tượng. Như trong các vụ án kể trên cả bị hại và bị cáo còn quá nhỏ tuổi nhưng tính chất của vụ việc vô cùng nghiêm trọng. Trong quá trình xét xử những vụ án như thế này, HĐXX cũng tích cực răn đe, cải huấn, giáo dục pháp luật cho các đối tượng và những người tham gia ngay tại phiên tòa. Chúng tôi cũng mong về phía nhà trường, gia đình, xã hội cần phát huy tốt hơn nữa vai trò trong quản lý, giáo dục con em để chúng có điều kiện phát triển toàn diện về tâm sinh lý một cách lành mạnh, có ý thức tuân thủ giá trị thượng tôn pháp luật. Có như vậy, những câu chuyện buồn mới không xảy ra.
(*) Tên các nhân vật đã được thay đổi
Mạnh Hùng
(HBĐT) - Với người dân xã Cao Sơn (Đà Bắc) những cơn giông, lốc liên tục xảy ra trong 2 ngày 17 và 18/5 vừa qua có lẽ là những cơn giông, lốc khủng khiếp nhất từ trước đến nay. Nó không chỉ gây thiệt hại về hoa màu, nhà cửa mà con người cũng đã trở thành nạn nhân.
(HBĐT) - Thành phố Hồ Chí Minh tháng 5, hoa phượng vĩ đỏ rực trên nền trời trong veo, xanh thẳm, thanh bình. Bến cảng Nhà Rồng in bóng nước sông Sài Gòn lung linh trôi lững lờ, đẹp như mơ gợi nỗi nhớ da diết đến nao lòng về vị Cha già kính yêu của dân tộc. Xúc động trào dâng khi hòa cùng dòng người tấp nập đến thăm bến Nhà Rồng - nay là Bảo tàng Hồ Chí Minh, địa danh lịch sử và thiêng liêng dường như đã in đậm trong tim mỗi người con dân đất Việt.
(HBĐT) - Tháng1/1983, công trình nhà máy thủy điện Hòa Bình bắt đầu tiến hành ngăn sông đợt I, đó cũng là thời điểm người dân bản Nưa, xã Vầy Nưa (Đà Bắc) rời quê cha đất tổ nhường ruộng đất, vườn tược cho công trình thế kỷ. Đã an cư trên vùng đất mới hơn 30 năm nhưng cuộc sống của người dân bản Nưa còn nhọc nhằn lắm. Cả bản có 67 hộ, 288 nhân khẩu nhưng chỉ có 30 ha đất để trồng ngô, sắn. Vì vậy, ngoài số tiền ít ỏi từ kinh phí Nhà nước hỗ trợ quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ hàng năm cùng chút ít thu nhập từ bán măng, luồng, đời sống của người dân ở đây chủ yếu dựa vào đánh bắt thủy sản, nuôi cá lồng trên vùng hồ Hòa Bình.
(HBĐT) - Ngày ấy, họ đều ở cái tuổi 20. Hừng hực sức trẻ, hừng hực quyết tâm chiến đấu. Dẫu cho phía trước là gian khó với “mưa rừng, cơm vắt, máu trộn bùn non”. Nhưng chẳng có ai lùi bước. Người trước ngã xuống, người sau lại tiếp bước tiến lên... để làm một Điện Biên Phủ (ĐBP) huyền thoại, một ĐBP gây chấn động địa cầu cách đây 59 năm.
(HBĐT) - 59 năm đã trôi qua kể từ ngày chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954) nhưng với những người lính bộ đội Cụ Hồ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ ở thành phố Hòa Bình luôn tràn đầy cảm xúc khi nhớ lại những năm tháng đầy gian khổ, hy sinh nhưng rất tự hào. Họ khắc ghi trong lòng để thêm yêu, thêm trân trọng những gì đang có và nỗ lực hết mình để tiếp tục đóng góp cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
(HBĐT) - Hòa trong không khí hân hoàn chào mừng ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi về thăm Củ Chi - đất thép huyền thoại và anh hùng là một trong ba di tích được xếp hạng đầu tiên ở thành phố Hồ Chí Minh, là nơi thu nhỏ trận đồ biến hóa sáng tạo của quân và dân Củ Chi trong cuộc kháng chiến lâu dài, ác liệt chống kẻ thù xâm lược, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.