Để tìm vàng, người dân đã phá tan hoang các khu vườn trong xóm Ngành.
(HBĐT) - Những tiếng súng chát chúa nổ trong đêm, những tiếng hò hét đuổi đánh nhau của đám thanh niên xăm trổ đầy mình cùng sự phẫn nộ của người dân khi bị những đối tượng ngoài địa bàn cấm đoán, dọa dẫm khi họ dám bén mảng tới vỉa đá nghi là có vàng... đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân xóm Ngành, xã Tiến Sơn (Lương Sơn) thời gian qua. Nhưng đó chưa phải là tất cả...
“Bão vàng”!
Ba tiếng súng nổ chát chúa trong đêm ngày 12/6/2013 cùng với cuộc hỗn chiến giữa đám thanh niên là những đối tượng ngoài địa bàn xã xăm trổ đầy người vác dao, kiếm rượt đuổi, uy hiếp người dân trong ngày 21/6 vừa qua chính là đỉnh điểm gây lên sự xáo trộn trong cuộc sống người dân xóm Ngành thời gian qua.
Sở dĩ xảy ra chuyện như vậy theo anh Nguyễn Mạnh Thỏa, Trưởng xóm Ngành là do trong quá trình thi công hạng mục đập công trình hồ Ngành trên địa bàn xóm đã phát hiện một vỉa đá nghi có vàng. Từ khi phát hiện vỉa đá nghi có vàng, đơn vị thi công không đẩy nhanh tiến độ mà lại tập trung máy móc, phương tiện múc vỉa đá nghi có vàng chở ra ngoài địa bàn xã, đi đâu không ai rõ. Điều đó đã gây bức xúc trong nhân dân bởi trước khi tiến hành thi công, đơn vị thi công đã cam kết chỉ đổ đất, đá trong phạm vi bán kính 2 km trên địa bàn xã. Chính sự khuất tất đó đã làm cho người dân phản ứng. “Mâu thuẫn đó càng trở nên căng thẳng khi họ cứ ngang nhiên chở cả xe đất, đá có nghi vàng đi mà không ai cấm cản. Trong khi đó, người dân đi “mót” lại bị đối tượng ngoài địa bàn chẳng rõ được thuê đến ngăn cấm” - ông Nguyễn Quang Thịnh, Bí thư chi bộ xóm Ngành lý giải.
Trao đổi với chúng tôi, cả ông Bí thư chi bộ và Trưởng xóm Ngành đều khẳng định chắc chắn là trong đất, đá chở ra khỏi địa bàn xóm, xã có vàng. Vì “khi chưa phát hiện vỉa đá nghi có vàng thì bao nhiêu đất, đá, họ đổ hết tại xóm, còn khi phát hiện ra vỉa đá nghi có vàng, họ không đổ đất, đá thải tại địa bàn nữa. Nếu không có vàng, người ta cứ đổ đất, đá ngay tại xóm theo cam kết, việc gì phải lén lút chở ra khỏi địa bàn xã, đi đâu không ai rõ. Việc này, tôi nghĩ cơ quan chức năng cần phải vào cuộc để làm rõ” - ông Thịnh bức xúc.
“Chính những câu chuyện “nóng sốt” về vỉa đá nghi có vàng và câu chuyện về những người nhặt được vàng đã làm đảo lộn cuộc sống, cuốn người dân đi theo “giấc mơ vàng” và làm cho tình hình ANTT ở xóm trở nên phức tạp, nhất là khi những đối tượng ngoài địa bàn mang súng, dao, kiếm về tranh giành lãnh địa, xẻ thịt miếng đất màu mỡ này” - Nguyễn Mạnh Thỏa chia sẻ. Sự phức tạp đó đã được thể hiện bằng “cuộc chiến” súng gậy, gộc và đao, kiếm giữa hai nhóm đối tượng là người ngoài địa bàn để tranh giành địa bàn khai thác. Ba tiếng súng cộng với tiếng hò hét, đuổi nhau rầm rập của cả trăm con người giữa đêm khuya ngày 12/6/2013 khiến người dân xóm Ngành được một phen thất kinh. Tuy nhiên, theo Trưởng Công an xã Tiến Sơn Nguyễn Văn ăm, sau khi xảy ra vụ xô xát giữa 2 nhóm đối tượng ngoài địa bàn ở xóm Ngành, UBND huyện đã đình chỉ thi công công trình hồ xóm Ngành để giải quyết. Cùng với đó, Công an huyện đã được tăng cường lực lượng xuống phối hợp để đảm bảo ANTT. Tuy vậy, đến ngày 21/6/2013, khi công trình vừa được thi công trở lại, hai nhóm đối tượng trên tiếp tục dùng gậy gộc, dao, kiếm uy hiếp người dân, tranh giành xe chở đất, đá từ công trường ra. Sau khi bị uy hiếp, đã có khoảng 500 người dân xóm Ngành và xóm Ngăm bao vây nhóm đối tượng đã gây ra một cuộc hỗn chiến lớn. Trong cuộc hỗn chiến này, lực lượng Công an đã bắt được 11 đối tượng ngoài địa bàn cùng một lượng lớn hung khí gồm gậy, gộc, dao, kiếm, phớ mà các đối tượng dùng để uy hiếp người dân.
Nỗi ám ảnh vùng quê nghèo
Về xóm Ngành chiều 28/6/2013, khi nỗi ám ảnh về cuộc hỗn chiến đã qua nhưng vẫn còn đó “giấc mơ vàng” của người dân. Trong khí trời u ám cùng cơn mưa xối xả nhưng vẫn không cản được dòng người theo nhau về phía khu vườn ở ngay trên lối vào công trình hồ Ngành.
Trong khoảnh vườn khoảng dăm chục m2 nhòe nhoẹt bùn đất dưới mưa là hàng chục con người cả già lẫn trẻ đang đào bới cần mẫn. Tất cả mọi viên đá dù lớn, bé đều được rửa sạch, săm soi kỹ lưỡng từng góc cạnh để tìm kiếm vận may. Trong đám người ấy chỉ có một người đàn ông dửng dưng ngồi nhìn mưa và theo dõi cuộc săn tìm vận may ngay trên mảnh vườn nhà. Đó là anh Nguyễn Văn Tường. Lý giải việc hàng chục con người đang đội mưa, đào bới, xăm soi, anh Tường cho biết: Cách đây ít ngày, tôi có nhờ đám lái xe chở ít đất, đá từ công trình đổ xuống đây để san lấp lấy mặt bằng. Người ta nghĩ rằng trong số đất, đá đổ vào đây có vàng nên mới đổ xô đến đào bới suốt những ngày qua. Toàn là người trong xóm nên tôi cũng chẳng cấm cản làm gì, cứ để họ đào. Cũng chẳng rõ có được gì không.
Không đủ kiên trì để tỉ mẩn đào bới trong khoảnh vườn đã bị lật đi, lật lại cả chục lần, ông Nguyễn Văn Năng, năm nay đã ngoài 60 tuổi đã đội mưa, đi ngược về phía công trình hồ Ngành để mót tìm những viên đá nghi có vàng còn rơi vãi. Nhìn ông cụ lầm lũi trong mưa, anh Thỏa cười buồn: Thật ra, chuyện ai được vàng hay giàu có, số trời đã định rồi. Cứ nghĩ nhặt đá là có vàng thì lấy đâu ra. May mắn chỉ là hiếm hoi được mấy người. Trong xóm, nhiều người làm vàng nhưng có mấy ai được đâu, thậm chí có người còn mắc nợ, mãi không trả được.
Nhìn đám người đội mưa, đào xới đống đất dẻo quánh mò tìm từng viên đá trong nỗi thất vọng, ông Bí thư Chi bộ xóm Ngành nặng trĩu ưu tư: Cho đến nay, sau những bạo biến, chẳng biết cuộc săn tìm những viên đá nghi có vàng đến bao giờ mới chấm dứt. Cứ thế này, đồng áng bỏ bê rồi đây biết lấy gì mà ăn. Thêm nữa ở hạng mục đập tràn công trình hồ Ngành, múc sâu đến 4 - 5 m để tìm vàng, khi thi công lại chẳng biết làm có đảm bảo chất lượng, lu lèn cẩn thận hay không. Họ mà làm ẩu thì cũng nguy lắm, bởi trữ lượng nước hồ lên đến cả triệu m3 lại ở cao trên đầu xóm. Chẳng may xảy ra sự cố, nước cuốn trôi cả xóm.
Nỗi ám ảnh nơi xóm nghèo không phải chỉ trong ngày một, ngày hai và cũng không phải là sự vô lý!
Mạnh Hùng
(HBĐT) - Theo thông lệ, cuối tháng 5 là thời điểm một năm học kết thúc, phần đông trẻ em đều háo hức đón nhận kỳ nghỉ hè để được xả hơi sau những tháng ngày đèn sách với biết bao nhiêu áp lực. Trái ngược với tâm trạng vui mừng của con cái, hầu hết các bậc phụ huynh lại băn khoăn, lo lắng hè về con em mình sẽ chơi gì, học gì và phải quản lý ra sao. Bên cạnh đó, chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp những hình ảnh hết sức xúc động, đó là những học trò nghèo tranh thủ 3 tháng nghỉ hè phụ giúp bố mẹ để góp phần giảm bớt gánh nặng cho gia đình.
(HBĐT) - Với người dân xã Cao Sơn (Đà Bắc) những cơn giông, lốc liên tục xảy ra trong 2 ngày 17 và 18/5 vừa qua có lẽ là những cơn giông, lốc khủng khiếp nhất từ trước đến nay. Nó không chỉ gây thiệt hại về hoa màu, nhà cửa mà con người cũng đã trở thành nạn nhân.
(HBĐT) - Thành phố Hồ Chí Minh tháng 5, hoa phượng vĩ đỏ rực trên nền trời trong veo, xanh thẳm, thanh bình. Bến cảng Nhà Rồng in bóng nước sông Sài Gòn lung linh trôi lững lờ, đẹp như mơ gợi nỗi nhớ da diết đến nao lòng về vị Cha già kính yêu của dân tộc. Xúc động trào dâng khi hòa cùng dòng người tấp nập đến thăm bến Nhà Rồng - nay là Bảo tàng Hồ Chí Minh, địa danh lịch sử và thiêng liêng dường như đã in đậm trong tim mỗi người con dân đất Việt.
(HBĐT) - Tháng1/1983, công trình nhà máy thủy điện Hòa Bình bắt đầu tiến hành ngăn sông đợt I, đó cũng là thời điểm người dân bản Nưa, xã Vầy Nưa (Đà Bắc) rời quê cha đất tổ nhường ruộng đất, vườn tược cho công trình thế kỷ. Đã an cư trên vùng đất mới hơn 30 năm nhưng cuộc sống của người dân bản Nưa còn nhọc nhằn lắm. Cả bản có 67 hộ, 288 nhân khẩu nhưng chỉ có 30 ha đất để trồng ngô, sắn. Vì vậy, ngoài số tiền ít ỏi từ kinh phí Nhà nước hỗ trợ quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ hàng năm cùng chút ít thu nhập từ bán măng, luồng, đời sống của người dân ở đây chủ yếu dựa vào đánh bắt thủy sản, nuôi cá lồng trên vùng hồ Hòa Bình.
(HBĐT) - Ngày ấy, họ đều ở cái tuổi 20. Hừng hực sức trẻ, hừng hực quyết tâm chiến đấu. Dẫu cho phía trước là gian khó với “mưa rừng, cơm vắt, máu trộn bùn non”. Nhưng chẳng có ai lùi bước. Người trước ngã xuống, người sau lại tiếp bước tiến lên... để làm một Điện Biên Phủ (ĐBP) huyền thoại, một ĐBP gây chấn động địa cầu cách đây 59 năm.
(HBĐT) - 59 năm đã trôi qua kể từ ngày chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954) nhưng với những người lính bộ đội Cụ Hồ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ ở thành phố Hòa Bình luôn tràn đầy cảm xúc khi nhớ lại những năm tháng đầy gian khổ, hy sinh nhưng rất tự hào. Họ khắc ghi trong lòng để thêm yêu, thêm trân trọng những gì đang có và nỗ lực hết mình để tiếp tục đóng góp cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.