Anh Nguyễn Văn Việt chăm sóc nơi thờ tự  Mẹ Việt Nam Anh hùng và những người anh đã  hy sinh vì Tổ quốc.

Anh Nguyễn Văn Việt chăm sóc nơi thờ tự Mẹ Việt Nam Anh hùng và những người anh đã hy sinh vì Tổ quốc.

(HBĐT) - Một trong những gia đình “Cách mạng gương mẫu giai đoạn 2007-2012” của TP. Hòa Bình là anh Nguyễn Văn Việt, số nhà 35, tổ 15, phường Phương Lâm (con út của gia đình), hiện đang thờ cúng mẹ Việt Nam Anh hùng và 3 anh trai là liệt sỹ. Tuy nhiên, Tổ quốc và gia đình vẫn canh cánh một nỗi niềm chưa trọn vẹn với mẹ Việt Nam Anh hùng...

 

Năm lần tiễn con đi...

 

Mẹ Lê Thị Luận (1913-1990), quê ở gần cửa biển Lạch Trường (Hoằng Hà, Hoằng Hóa, Thanh Hóa), cách cầu Hàm Rồng hơn 10km về phía đông, nơi mà cùng với Hòn Gai, Cẩm Phả (Quảng Ninh) đã ra quân đánh thắng trận đầu cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ (ngày 5/8/1964). Mẹ sinh được 9 người con (6 trai, 3 gái). Nơi quê nghèo, trang trang cồn cát, nắng trải hàng Dương, chồng mất sớm, lại đông con, mẹ tần tảo sớm hôm rau cháo nuôi con khôn lớn.

       

Cứ tưởng cuộc đời của mẹ ấm áp mãi cùng con cháu nơi làng quê thanh bình, với mái rạ, ruộng lúa, vồng khoai Nhưng đất nước còn cách chia, bom đạn quân thù còn reo rắc khắp mọi miền Tổ quốc, cũng như bao bà mẹ Việt Nam lúc ấy, mẹ Luận đã dứt ruột tiễn đưa lần lượt 5 con trai lên đường tòng quân cứu nước.

       

Đầu tiên, người con thứ ba (nhưng là trưởng nam của mẹ), anh Nguyễn Văn ân, sinh năm 1944, nhập ngũ năm 1962, vào chiến trường năm 1963. Giấy báo tử của Cục cán bộ (Tổng cục Chính trị QĐND VN) ghi rõ: Liệt sỹ Nguyễn Văn ân hy sinh ngày 17/3/1969 tại mặt trận phía nam. Lúc hy sinh giữ chức vụ Tiểu đoàn phó của đơn vị thuộc KN.

        

Cuốn nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Văn Tâm đã được gia đình gìn giữ hơn 40 năm qua.

 

Năm 1965, mẹ và làng xóm tiếp tục tiễn đưa anh Nguyễn Văn Tư, sinh năm 1945 lên đường vào bộ đội. Theo bước anh trai, anh Tư cùng đơn vị vào Nam chiến đấu. Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chưa kịp về xây dựng quê hương, anh lại lên biên giới phía Bắc chiến đấu chống quân xâm lược bành trướng. Năm 1991, sau khi bị thương, anh mới được trở về với quê hương làng xóm.

        

Trường hợp người con thứ bảy (con trai là thứ ba) của mẹ Luận- anh Nguyễn Văn Tâm - thì thật là đặc biệt. Anh sinh năm 1954, lớn lên khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng. Giữa lúc nửa đất nước đang dồn sức xây dựng XHCN thì đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc. Phong trào tòng quân giết giặc sôi nổi khắp mọi vùng quê. Khí thế hừng hực dâng cao, chuyện nhiều thanh niên khai tăng tuổi, bỏ gạch đá vào túi quần để đủ cân nhập ngũ không phải là chuyện hiếm. Nhưng khai tăng đến 2-3 tuổi như anh Tâm thì thật là quá hiếm. Ngày 17/8/1969, khi mới 15 tuổi anh đã nhập ngũ vào đơn vị Đại đội 3, Tiểu đoàn 9, Sư đoàn 338. Sau 6 tháng huấn luyện tân binh, anh lên đường vào Nam chiến đấu. Năm 1971, đơn vị anh trở ra Bắc để bổ sung quân số và trang bị, sau đó tiếp tục quay vào chiến trường Quảng Trị - Thừa Thiên.  Nhờ một sự linh tính kỳ diệu nào đó mà anh đã trao cuốn nhật ký chiến trường cho em trai út (anh Nguyễn Văn Việt) với lời dặn dò Em giữ cho anh cuốn sổ này, nếu sau này anh được trở về sẽ giúp đỡ cho em. Nhờ đó mà bây giờ gia đình mới có được di bút của liệt sỹ Tâm. Trong một trận đánh ác liệt với kẻ thù, anh đã anh dũng hy sinh. Giấy báo tử của đơn vị ghi: Liệt sỹ Nguyễn Văn Tâm, cấp bậc Thượng sỹ, chức vụ Tiểu đội trưởng, đơn vị P4/HS, hy sinh ngày 14/12/1972 tại mặt trận phía Nam.

       

Tiếp đó, con trai thứ tư của mẹ - anh Nguyễn Văn Hữu (sinh năm 1956) cũng theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc lên đường vào bộ đội (Tiểu đoàn 40, Trung đoàn 116, Đoàn 27). Tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, trong trận đánh tiến công trường thiết giáp Biên Hòa của quân đội Sài Gòn, Hạ sỹ Nguyễn Văn Hữu đã anh dũng hy sinh trước ngày toàn thắng 30/4 chỉ có 22 ngày (8/4/1975).

         

Sau ngày toàn thắng, đất nước thống nhất, niềm vui chưa được bao lâu thì chiến tranh biên giới nổ ra, người con trai út của mẹ, anh Nguyễn Văn Việt lại lên đường nhập ngũ, là chiến sỹ trinh sát trung đoàn 801, sư đoàn 359. Sau một thời gian phục vụ trong quân đội, anh được chuyển ngành, hiện đang công tác tại phân xưởng Thủy lực (Công ty Thủy điện Sông Đà). Cư trú tại số nhà 35, tổ 15, TP Hòa Bình và là người thờ cúng mẹ Việt Nam Anh hùng và 3 liệt sỹ.

        

Các anh chị còn lại (con của mẹ Luận) đều tham gia dân quân trong thời lửa đạn, trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng. Còn mẹ, không quản tuổi cao, mẹ vẫn cùng làng nước tham gia sản xuất, giành hết thóc gạo bán cho Nhà nước nuôi quân, còn mình thì độn thêm khoai sắn với suy nghĩ mộc mạc, giản dị mà cao thượng: Để cho bộ đội ăn no mà chiến đấu vì các con của mẹ cũng trong đội ngũ ấy.

 

Ba lần khóc thầm lặng lẽ!

 

Hiếm có dân tộc nào trên thế giới lại trải qua nhiều mất mát, hy sinh vì độc lập tự do của đất nước như dân tộc Việt nam. Cũng hiếm có nơi nào trên thế giới lại có nhiều bà mẹ tự nguyện hiến dâng những giọt máu, những đứa con giứt ruột đẻ ra của mình cho Tổ quốc như những bà mẹ Việt Nam. Mẹ Luận là một trong số những bà mẹ bình dị mà vĩ đại như thế.

 

Năm lần tiễn con đi đánh giặc cuối trời xa, bằng ấy lần mẹ âm thầm nén thương nhớ vào trong. Ngày toàn thắng cùng niềm vui chung của dân tộc, mẹ hồi hộp mong ngóng, trông chờ từng dòng tin của những đứa con trở về đoàn tụ. Một tháng, hai tháng, ba tháng rồi hơn nửa năm mà vẫn biệt tin. Tết thống nhất đầu tiên (xuân Bính Thìn - 1976), mẹ Luận, người phụ nữ quê mùa, chưa thoát hẳn bình dân học vụ đã đọc những vần thơ rút từ gan ruột:

  …“Ba mươi, pháo nổ giao thừa.

Các con chiến đấu còn chưa thấy về…”

      

Mãi gần một năm sau, trong vòng 3 tháng, mẹ nhận liền 3 giấy báo tử của 3 con trai yêu quý: ngày 1/10/1976, đơn vị báo tử liệt sỹ Nguyễn Văn Hữu. Nỗi đau chưa kịp nguôi ngoai, thì ngày 1/12/1976, mẹ và gia đình nhận liền hai giấy báo tử của hai đơn vị liệt sỹ nguyễn Văn ân và liệt sỹ Nguyễn Văn Tâm. Dẫu biết rằng Tổ quốc đã ghi công những người con đã hy sinh vì nghĩa cả, là niềm vinh dự cho gia đình và quê hương, nhưng đây thật sự là nỗi đau quá lớn đối với mẹ. Chia sẻ với mẹ, chính quyền, đoàn thể cùng bà con họ mạc đã động viên, thăm hỏi, giúp đỡ mẹ gắng vượt qua mất mát quá lớn lao này.

 

Cảm kích trước sự hy sinh của mẹ, Đại tá Vũ Nhẫn (bạn chiến đấu cùng đơn vị với nguyên Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu) đã làm một bài thơ tặng cho mẹ Luận, trong đó có câu  Niềm thương nhớ con- dồn cho đất nước. Mẹ quay mặt vào đêm. Vâng! Mẹ đã kiên trinh trong lửa đạn và mẹ đã đứng vững trong nỗi đau này. Tấm gương của mẹ mãi để cho hậu thế noi theo.

 

Các anh ở đâu, sao chưa về với Mẹ!

 

Năm lần tiễn con đi, ba người hy sinh (chưa ai có gia đình riêng), một người thương binh nặng, mẹ vượt qua nỗi đau buồn vì biết rằng sự hy sinh của các con mình không uổng vì đã góp phần vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Chỉ có điều canh cánh đến tận lúc cuối đời là chưa có người con nào tìm được hài cốt. Mẹ gửi nỗi niềm vào câu thơ tự viết:

“Hồn các con ở đâu hãy bay về.

Với quê nhà, nơi đất tổ, ông cha!”

 

Chỉ có tấm lòng sâu thẳm của người mẹ đã mang nặng đẻ đau với các con mình mới thốt được những lời như thế. Do tuổi cao sức yếu, năm 1990 mẹ Luận từ trần. Năm 1994, Chủ tịch Nước CHXHCN VN Lê Đức Anh đã ký Quyết định truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho mẹ Lê Thị Luận.

 

Cả cuộc đời lam lũ, mẹ Luận đã dâng hiến cho Tổ quốc những đứa con yêu quý. Nhưng, các con mẹ còn nằm đâu đó giữa lòng đất nước, đến danh hiệu vinh quang mà Tổ quốc tặng cho, lúc sinh thời mẹ cũng không kịp nhận.

 

Đáp ứng nguyện vọng của mẹ trước lúc lâm chung, anh Việt (con út của mẹ) cùng gia đình được sự giúp đỡ của các cấp, các địa phương cùng đồng đội đã kỳ công tìm kiếm nhiều nơi nhưng đến nay vẫn chưa kết quả.

       

Phát huy truyền thống của mẹ và các anh, gia đình anh Nguyễn Văn Việt (CT TĐSĐ) và chị Lê Thị Lý (GV trường THCS Lý Tự Trọng) luôn gương mẫu trong cuộc sống với trách nhiệm nặng nề và vinh dự: Thờ cúng mẹ Việt Nam Anh hùng và 3 liệt sỹ và đã được tôn vinh là “Gia đình Cách mạng gương mẫu giai đoạn 2007-2012 của TP Hòa Bình”.

       

Là người đã tham gia vào giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến tranh trường kỳ giải phóng của dân tộc và là một trong những đồng đội của các anh, người viết những dòng này mong mẹ và các anh coi đây là nén nhang thơm tỏ lòng tri ân đối với mẹ và các anh vì những hy sinh lớn lao cho Tổ quốc. Người viết cũng mong các cấp cấp, ngành, cơ quan có trách nhiệm, các đồng đội của Liệt sỹ ân, Tâm, Hữu cùng gia đình sớm tìm được hài cốt các anh và đưa về bên mẹ cho thỏa nguyện ước mong của mẹ lúc sinh thời.

 

                                         Phóng sự của Đồng Thảo Hương

 

 

Các tin khác

Để tìm vàng, người dân đã phá tan hoang các khu vườn trong xóm Ngành.
4 gã “anh hùng” sau màn kịch cứu mỹ nhân đã phải hầu tòa và nhận những hình phạt thích đáng.
Tác giả tác nghiệp dưới độ sâu hơn 60 m trong lòng đất tại lò khai thác than thuộc thôn Đồi Hoa, xã Lạc Long (Lạc Thủy). (Ảnh: P.V)
Đoàn Báo Hòa Bình tham gia

Vỡ tan giấc mộng đổi đời

(HBĐT) - Đời sống kinh tế khó khăn, không có việc làm ổn định, cả tin theo những lời hứa hẹn, gần 50 người dân huyện Đà Bắc đã lén lút xuất cảnh lao động trái phép sang Trung Quốc. Tuy nhiên, thực tế không như mong đợi: công việc không phù hợp, lương thấp, bị giữ thu nhập, sống nơm nớp trong lo sợ vì có thể bị Công an Trung Quốc bắt giữ bất cứ lúc nào... Vỡ tan giấc mộng đổi đời, họ cuống quýt tìm đường trở về nước với hai bàn tay trắng.

Nỗi lo an toàn cho trẻ trong kỳ nghỉ hè

(HBĐT) - Theo thông lệ, cuối tháng 5 là thời điểm một năm học kết thúc, phần đông trẻ em đều háo hức đón nhận kỳ nghỉ hè để được xả hơi sau những tháng ngày đèn sách với biết bao nhiêu áp lực. Trái ngược với tâm trạng vui mừng của con cái, hầu hết các bậc phụ huynh lại băn khoăn, lo lắng hè về con em mình sẽ chơi gì, học gì và phải quản lý ra sao. Bên cạnh đó, chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp những hình ảnh hết sức xúc động, đó là những học trò nghèo tranh thủ 3 tháng nghỉ hè phụ giúp bố mẹ để góp phần giảm bớt gánh nặng cho gia đình.

Nỗi đau sau giông, lốc

(HBĐT) - Với người dân xã Cao Sơn (Đà Bắc) những cơn giông, lốc liên tục xảy ra trong 2 ngày 17 và 18/5 vừa qua có lẽ là những cơn giông, lốc khủng khiếp nhất từ trước đến nay. Nó không chỉ gây thiệt hại về hoa màu, nhà cửa mà con người cũng đã trở thành nạn nhân.

Thăm bến Nhà Rồng

(HBĐT) - Thành phố Hồ Chí Minh tháng 5, hoa phượng vĩ đỏ rực trên nền trời trong veo, xanh thẳm, thanh bình. Bến cảng Nhà Rồng in bóng nước sông Sài Gòn lung linh trôi lững lờ, đẹp như mơ gợi nỗi nhớ da diết đến nao lòng về vị Cha già kính yêu của dân tộc. Xúc động trào dâng khi hòa cùng dòng người tấp nập đến thăm bến Nhà Rồng - nay là Bảo tàng Hồ Chí Minh, địa danh lịch sử và thiêng liêng dường như đã in đậm trong tim mỗi người con dân đất Việt.

Nỗi niềm bản Nưa

(HBĐT) - Tháng1/1983, công trình nhà máy thủy điện Hòa Bình bắt đầu tiến hành ngăn sông đợt I, đó cũng là thời điểm người dân bản Nưa, xã Vầy Nưa (Đà Bắc) rời quê cha đất tổ nhường ruộng đất, vườn tược cho công trình thế kỷ. Đã an cư trên vùng đất mới hơn 30 năm nhưng cuộc sống của người dân bản Nưa còn nhọc nhằn lắm. Cả bản có 67 hộ, 288 nhân khẩu nhưng chỉ có 30 ha đất để trồng ngô, sắn. Vì vậy, ngoài số tiền ít ỏi từ kinh phí Nhà nước hỗ trợ quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ hàng năm cùng chút ít thu nhập từ bán măng, luồng, đời sống của người dân ở đây chủ yếu dựa vào đánh bắt thủy sản, nuôi cá lồng trên vùng hồ Hòa Bình.

Vang mãi chiến thắng tuổi 20

(HBĐT) - Ngày ấy, họ đều ở cái tuổi 20. Hừng hực sức trẻ, hừng hực quyết tâm chiến đấu. Dẫu cho phía trước là gian khó với “mưa rừng, cơm vắt, máu trộn bùn non”. Nhưng chẳng có ai lùi bước. Người trước ngã xuống, người sau lại tiếp bước tiến lên... để làm một Điện Biên Phủ (ĐBP) huyền thoại, một ĐBP gây chấn động địa cầu cách đây 59 năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục