Người lao động tại các điểm khai thác than trên địa bàn xã Cuối Hạ không được trang bị bảo hộ lao động.

Người lao động tại các điểm khai thác than trên địa bàn xã Cuối Hạ không được trang bị bảo hộ lao động.

(HBĐT) - Đã gần một tháng trôi qua, nhưng không khí tang tóc, nặng nề vẫn bao trùm trên địa bàn xã Cuối Hạ (Kim Bôi), nhất là ở 3 xóm Thông, Khoang, Pang- nơi có 6 lao động bị nạn do nổ khí mê tan tại lò than vỉa 8, xóm Vọ thuộc Công ty cổ phần khoáng sản Kim Bôi quản lý sáng ngày 28/10/2013.

 

Anh Nguyễn Văn Xuân, người được giao nhiệm vụ quản lý tại vỉa 8 cho biết: “Trước khi  lao động vào lò để khai thác than, khoảng 7 giờ chúng tôi cho đóng điện để thông gió. Có tổng số 6 lao động xuống lò. Đến khoảng 9 giờ thì sự cố xảy ra. Ngay lúc đó chúng tôi đã xuống lò và dùng tời có móc thùng đưa 6 lao động lên mặt đất từ độ sâu khoảng 90m. Sau 30 phút toàn bộ 6 lao động được đưa ra khỏi hầm lò và đưa đi cấp cứu tại Viện Bỏng quốc gia (Hà Nội). Tại ca làm việc có tổng số 11 người, gồm tôi và chủ lò là anh Nguyễn Đức Phụng, 3 người trên cửa lò và 6 người dưới hầm lò. Việc xảy ra nổ khí mê tan khi chúng tôi đang khai thác than là sự cố đáng tiếc ngoài ý muốn. Hiện đơn vị đang tập trung để cấp cứu, chăm sóc các nạn nhân tại bệnh viện. Các cơ quan chức năng đã niêm phong điểm mỏ xảy ra sự cố để tiếp tục điều tra, làm rõ vụ việc”.

 

6 người bị nạn trong vụ nổ khí mê tan tại vỉa than số 8  là: Bùi Văn Hoài, sinh năm 1993; Bùi Văn Hưng, sinh năm 1977; Bùi Văn Nguyên, sinh năm 1978; Bùi Văn Chính, sinh năm 1987 ở xóm Thông; Bùi Văn Quỳnh, sinh năm 1988 ở xóm Khoang; Quách Công Phương, sinh năm 1992 ở xóm Pang (xã Cuối Hạ - Kim Bôi). Theo ông Lê Văn Nghĩa, Phó Giám đốc Công ty cổ phần khoáng sản Kim Bôi, cả 6 lao động bị nạn do nổ khí mê tan đều là lao động thời vụ nên không ai có bảo hiểm thân thể hay bảo hiểm y tế.

 

Trong thực tế, những lao động tại các mỏ than trong khu vực xã Cuối Hạ làm việc trong điều kiện hết sức vất vả và nguy hiểm. Đơn cử như tại vỉa than số 8, để làm ra sản phẩm người lao động phải xuống giếng lò sâu khoảng 23 m rồi đi vào hầm lò sâu khoảng 70m mới đến được vỉa để khai thác than. Trước khi lao động xuống lò, việc đảm bảo an toàn duy nhất của chủ lò là đóng điện bơm gió. Tại điểm mỏ không được trang bị hệ thống giám sát cảnh báo khí mỏ tự động nên nguy cơ ngạt khí, nổ khí metan có thể xảy ra bất cứ lúc nào mà không ai có thể lường trước được. Thu nhập của người lao động được tính theo khối lượng sản phẩm với giá 250.000 đồng/1m3. Bởi vậy, dù có nỗ lực đến mấy thì thu nhập bình quân cũng chỉ được khoảng 200.000 đồng/người/ngày.

 

Thực trạng đó đã đặt ra vấn đề hết sức quan ngại về an toàn lao động, phòng chống cháy nổ ở các mỏ than. Những lao động ở đây đa số là người địa phương làm việc theo thời vụ nên trình độ, kinh nghiệm, tác phong công nghiệp còn hạn chế, thiếu thận trọng trong thao tác, chủ quan, vi phạm quy trình, quy định, nội quy an toàn và sự phối hợp công việc trong nhóm thợ. Bên cạnh đó chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, công tác triển khai biện pháp kỹ thuật thi công, biện pháp kỹ thuật an toàn của doanh nghiệp, các ngành chức năng chưa được thường xuyên, liên tục, thiếu kiên quyết trong việc xử lý khi phát hiện có sai phạm. Đa số thiết kế kỹ thuật, phương án tổ chức sản xuất của doanh nghiệp ở các mỏ đều chưa đầy đủ và chưa phù hợp với điều kiện thực tế sản xuất. Thậm chí doanh nghiệp còn thờ ơ với nhiệm vụ đảm bảo an toàn lao động, phòng chống cháy nổ. Công tác quản lý, tổ chức điều hành sản xuất chưa đầy đủ theo thiết kế và quy trình kỹ thuật. Đặc biệt, công tác tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện an toàn lao động cho người lao động chưa được coi trọng đúng mức. Người lao động chưa được trang bị đầy đủ về bảo hộ lao động theo quy định.

 

Theo lãnh đạo Phòng LĐ,TB-XH huyện Kim Bôi, đến nay, 4/6 người bị nạn trong vụ nổ khí metan đã tử vong và 2 người vẫn đang tiếp tục được điều trị tại Viện Bỏng quốc gia. Từ sự việc đáng tiếc này đòi hỏi các đơn vị khai thác than phải thực hiện tốt quy định của pháp luật liên quan đến an toàn lao động. Cần có đủ các hồ sơ, sổ sách theo dõi và quản lý. Xây dựng đầy đủ kế hoạch an toàn vệ sinh lao động, kế hoạch thủ tiêu sự cố. Có các quy trình, quy định, biện pháp kỹ thuật an toàn cho người lao động. Lắp đặt đầy đủ hệ thống giám sát cảnh báo khí mỏ tự động. Có giải pháp cải thiện điều kiện làm việc, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, chăm lo sức khỏe cho người lao động. Các ngành chức năng, cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các cơ sở SX-KD trong việc chấp hành, thực hiện các quy định của pháp luật về công tác AT-VSLĐ nhằm ngăn ngừa nguy cơ tai nạn lao động có thể xảy ra, nâng cao ý thức trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động trong công tác AT-VSLĐ. Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về pháp luật lao động trên địa bàn tỉnh nói chung và công tác AT-VSLĐ tại các điểm khai thác khoáng sản nói riêng. Quan tâm nâng cao chất lượng quản lý, giám sát của đội ngũ cán bộ làm công tác AT-VSLĐ. Đặc biệt, đây không phải là lần đầu tiên ở các mỏ than khu vực xóm Vọ xảy ra sự cố nghiêm trọng nên đã có nhiều ý kiến của dân cư trên địa bàn kiến nghị các ngành chức năng tiến hành kiểm tra và kiên quyết đóng cửa những mỏ đang khai thác nhưng không đảm bảo an toàn để đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe cho người lao động.

 

 

                                                                          Đức Phượng

 

 

 

Các tin khác


Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục