Các chuyên gia khảo cổ học từ Nhật Bản và Malaysia đến nghiên cứu, tìm hiểu bộ di cốt đười ươi tại Bảo tàng tỉnh.

Các chuyên gia khảo cổ học từ Nhật Bản và Malaysia đến nghiên cứu, tìm hiểu bộ di cốt đười ươi tại Bảo tàng tỉnh.

(HBĐT) - Hai bộ di cốt hóa thạch khá hoàn chỉnh của đười ươi (có tên khoa học là Pongo.SP) được phát hiện cách đây vừa tròn 16 năm (vào ngày 18/12/1997) tại hang núi Sáng, xã Cao Răm (Lương Sơn) đã gây chấn động giới khảo cổ trong nước và thế giới. Phát hiện này đã làm thay đổi những quan điểm khoa học trước đó về nguồn gốc, sự phát triển, tồn tại của loài đười ươi ở Việt Nam và các khu vực khác trên thế giới. Tuy được coi là “viên kim cương quý” của ngành khảo cổ học nhưng 16 năm qua, bộ di cốt này vẫn nằm lặng lẽ tại Bảo tàng tỉnh với bụi bặm của thời gian.

 

Ngọn núi Sáng và phát hiện gây chấn động thế giới

 

Núi Sáng thoạt nhìn cũng bình thường như bao ngọn núi ở vùng Cao Răm. Phía sau cái vẻ bình thường đó lại ẩn chứa một truyền thuyết về ngọn núi thiêng mà cho đến bây giờ đã bị mai một theo thời gian và trí nhớ của con người.

 

Tên gọi núi Sáng bắt đầu từ khi nào chẳng  ai rõ. Nhưng qua câu truyện truyền miệng trong dân gian, cách đây đã lâu lắm rồi khi những cư dân đầu tiên đến vùng đất Cao Răm để vỡ hoang phát nương tra hạt trồng, cấy đã hoảng hồn với quầng sáng chói ở lưng chừng ngọn núi giữa đêm tối mịt mùng. Nhìn về nơi sáng chói, những người cao niên trong làng bảo, đó là nơi rồng ở. Chẳng rõ thực hư ra sao nhưng ai cũng sợ phạm vào điều linh thiêng. Theo lẽ thường, đứng trước những điều không thể lý giải, người ta đã thần thánh hóa ngọn núi và coi đây là ngọn núi thiêng của cả vùng, không ai dám mạo phạm. Cũng từ đó, ngọn núi được gọi với cái tên là núi Sáng. Theo các cụ cao niên kể lại, núi Sáng là một ngọn núi thiêng, do vậy, hàng năm, dân làng đều làm lễ cúng thần núi cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi...

 

Cuộc sống đổi thay, khi con người không còn tin vào những điều thần bí thì ngọn núi thiêng cũng dần bị xâm phạm. Trải qua hàng trăm, hàng nghìn năm miệng hang ở lưng chừng núi vẫn là nơi không có dấu chân người bởi chẳng ai đủ dũng khí đu mình giữa lưng chừng núi với vách đá dựng đứng để vào hang với những rủi ro không biết trước. Tuy nhiên, những bí ẩn tồn tại từ thủa khai thiên lập địa trong lòng hang núi Sáng đã được một nhóm người dân trong quá trình đi rừng phát hiện, làm rõ. Đó là ngày 18/12/1997, anh Bùi Văn Long cùng 4 thanh niên xóm Sáng trong quá trình đi rừng đã tìm cách vào được trong hang. Tại đây, sau khi mò mẫm, khám phá, cả nhóm đã hoảng hồn khi phát hiện một chiếc đầu lâu còn nguyên vẹn nằm tận dưới đáy hang. Cho rằng đã có một vụ án mạng nghiêm trọng xảy ra và hang trên núi Sáng được hung thủ chọn là nơi che giấu tội ác, 5 người đã mang theo hộp sọ vội vã trở về báo cho chính quyền rồi xã báo lên huyện, Công an huyện đã cử cán bộ về điều tra. Trong khi người dân còn rộ lên tin đồn về một vụ án mạng khủng khiếp, hộp sọ trên đã được lực lượng Công an chuyển giao cho Bảo tàng tỉnh khi giám định pháp y cho thấy đây không phải là xương người mà là di cốt của một loài động vật lạ. Chị Nguyễn Thị Thi, Giám đốc Bảo tàng tỉnh nhớ lại: ngay khi nhận mẫu vật từ Công an huyện Lương Sơn, chúng tôi cũng khá bối rối khi chưa thể xác định đây là loài động vật gì. Do vậy, sau đó 1 tuần (ngày 24/12/1997), dù trời mùa đông rét tê da, cứng thịt nhưng anh em vẫn vào hang núi Sáng thu hồi toàn bộ phần di cốt còn lại để đưa về nghiên cứu.

 

Sau đó, Bảo tàng tỉnh đã phối hợp với Viện khảo cổ học nghiên cứu, giám định. Kết quả thật bất ngờ khi cho thấy toàn bộ phần xương cốt được tìm thấy ở hang núi Sáng là di cốt của 2 cá thể đười ươi là loài động vật có cùng nguồn gốc với loài người. Trong đó, một bộ còn khá nguyên vẹn là di cốt của một cá thể đười ươi đã trưởng thành và một không còn nguyên vẹn là di cốt của một cá thể đười ươi chưa trưởng thành. Phát hiện trên đã gây chấn động giới khảo cổ học thế giới.

 

“Viên kim cương" trong bóng tối

 

Với phát hiện trên, các nhà khoa học đầu ngành trong và ngoài nước đều nhất trí cho rằng, việc phát hiện di cốt đười ươi ở Cao Răm là một phát hiện khảo cổ học đặc biệt quan trọng. Giáo sư Hà Văn Tấn, nguyên Viện Trưởng Viện khảo cổ học cho rằng, đây là một phát hiện khảo cổ học rất lớn; lần đầu tiên ở Việt Nam tìm thấy di cốt hóa thạch khá hoàn chỉnh và nguyên vẹn của một loài động vật quý hiếm trên thế giới. Nó chẳng những là cứ liệu khoa học để tiếp tục nghiên cứu sự tồn tại của đười ươi ở Việt Nam thế cánh tân (Pléistocene) mà còn bổ sung, chỉnh lý lại những quan điểm khoa học trước đó về nguồn gốc, sự phát triển, tồn tại của đười ươi ở Việt Nam và các khu vực khác trên thế giới.

 

Theo các nhà khoa học trong và ngoài nước, những di cốt đười ươi hoá thạch tại hang núi Sáng rất có giá trị. Chúng là những hoá thạch khá hoàn chỉnh và nguyên vẹn của loài động vật quý hiếm trên thế giới. Hoá thạch này đã cung cấp cho các nhà khoa học nhiều thông tin có giá trị và quan trọng về lịch sử loài đười ươi cũng như về diễn biến môi trường cổ ở Việt Nam và Đông Nam á; về lịch sử môi trường và quá trình hình thành và phát triển của con người ở Việt Nam. Trong lịch sử tiến hoá của loài linh trưởng, cách ngày nay khoảng 10 triệu năm, lúc này con người và đười ươi cùng chung một gốc loài vượn cổ, sau đó tách ra thành hai ngành. Một ngành phát triển thành người (qua quá trình lao động) và một ngành mãi mãi là đười ươi, vượn, khỉ như ngày nay. Như vậy, từ những cứ liệu trên có thể thấy 2 bộ di cốt đười ươi ở hang núi Sáng là họ hàng thân thuộc với loài người  từ cách đây 10 triệu năm về trước. Nói như Giáo sư Hà Văn Tấn, việc phát hiện 2 bộ di cốt đười ươi rất có giá trị giúp cho các nhà khoa học nghiên cứu về lịch sử phát triển loài người và lịch sử môi trường cổ ở Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam á nói chung. Đây được ví như viên kim cương đối với ngành khảo cổ học.

 

Không thể phủ nhận những giá trị to lớn mà bộ di cốt đười ươi mang lại đối với nền khảo cổ học nước nhà. Tuy nhiên, nói như chị Nguyễn Thị Thi, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, có một điều đáng buồn là trong những lần được Bảo tàng mang ra trưng bày, giới thiệu, bộ di cốt này cũng chẳng nhận được mấy sự quan tâm của công chúng. Đáng buồn hơn nữa là hiện nay do cơ sở vật chất của đơn vị còn thiếu thốn, tạm bợ nên việc giữ gìn, bảo quản những hiện vật quý nói chung và bộ di cốt đười ươi vẫn còn những hạn chế nhất định, chưa tương xứng với giá trị vốn có của các mẫu vật. Cơ sở vật chất thiếu thốn, tạm bợ nên bộ di cốt đười ươi cùng với hàng trăm hiện vật quý vẫn đang nằm lặng lẽ với bụi bặm thời gian là điều không tránh khỏi.

 

 

                                                                             Mạnh Hùng

 

 

 

 

Các tin khác


Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục