Nhân dân thị trấn Lucban, tỉnh Quezon, Philippin đi bộ kêu gọi ủng hộ nạn nhân bão Haiyan.

Nhân dân thị trấn Lucban, tỉnh Quezon, Philippin đi bộ kêu gọi ủng hộ nạn nhân bão Haiyan.

(HBĐT) - Siêu bão Haiyan, cơn bão mạnh nhất trong lịch sử đã tàn phá nặng nề vùng miền Trung đất nước Philippin vào ngày 8/11. Chết chóc, tan hoang, đói khát, nước mắt là những gì mà cơn đại cuồng phong để lại. Song bên cạnh những giọt nước mắt, tình người đang được thắp sáng.

 

Thảm họa quốc gia

 

“Nhà cửa bị sập, cây cối bị bật tung gốc, xe ô tô bị lật ngửa… Những khu phố chỉ còn lại đống gạch vụn. Xác người chết từ trẻ con, người già đến cả thai phụ nằm la liệt, bốc mùi thối ngay trên đường. Thành phố biển Tacloban đã biến thành một thành phố chết.” – Anh Hoàng Nghĩa Cảng, cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Philippin vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại tình hình Tacloban sau siêu bão Haiyan 4 ngày. Anh cho biết: Ngay dưới trạm chờ xe buýt là một đống xác chết được cho vào bao nhưng thò chân ra. Nhiều người đổ ra đường cầu xin thức ăn, nước uống với bất cứ ai đi ngang qua. Một số lại bới tìm thực phẩm dưới các đống đổ nát, thậm chí trong các bãi rác. Chính quyền thành phố phải đào hai nghĩa trang tập thể để chôn các nạn nhân thiệt mạng.  

 

       

Cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Philippin trao hàng cứu trợ cho nạn nhân bão ở Tacloban.

 

Theo Hội đồng Quản lý và giảm thiểu nguy cơ thiên tai Philippin, siêu bão Haiyan là thảm họa tồi tệ nhất trong lịch sử. Thống kê số người thiệt mạng thay đổi liên tục. Mới đây nhất, cơ quan này công bố có gần 6.000 người chết, hơn 26.000 người bị thương, trên 1.700 người mất tích, hơn 4 triệu người phải di dời khỏi chỗ ở. Với sức gió 320 km/h, bão đã gây nước dâng, sóng lớn và san phẳng gần như tất cả những gì trên đường đi. Thiệt hại về kinh tế lên tới  27,8 tỉ peso, chưa tính thiệt hại về tài sản của các gia đình. Trong đó, ảnh hưởng nặng nhất là thành phố Tacloban. Đến nay, hơn 1 tháng sau bão, nơi đây vẫn ngổn ngang một bãi rác khổng lồ, xác chết vẫn được tìm thấy dưới đống đổ nát. Tuy nhiên, sự sống cũng đã bắt đầu hồi sinh. Phần lớn các cơ quan chính quyền đã hoạt động trở lại. Các khu chợ bán đầy rau, quả, thịt lợn, cá, bánh mỳ, khoảng 15% khu vực đã có điện. Thanh âm cuộc sống dần hiện hữu với tiếng xe tải chở các mảnh vỡ, tiếng xẻng xúc gạch vụn và tiếng búa đóng đinh sửa sang nhà cửa…

Ấm tình người

Sau bão, khoảng 3.000 người dân thị trấn Lucban, tỉnh Quezon, Philippin đã tập trung trước nhà thờ để cầu nguyện và tổ chức đi bộ quyên góp ủng hộ nạn nhân bão. Hòa vào dòng người tay cầm quả bóng bay trắng và hát bài “Hàn gắn thế giới” mới cảm nhận được sự xúc động, tình người ấm áp. Chị Flordeliza, giáo viên trường Đại học tổng hợp Nam Luzon cho biết: Chị mang theo bóng bay trắng để cầu cho linh hồn những nạn nhân bị thiệt mạng được siêu thoát và kêu gọi cả thế giới hãy chung tay giúp đỡ nạn nhân sống sót. Cách Tacloban hơn 1.000 km nhưng cứ vào ngày chủ nhật, nhân dân thị trấn lại đến nhà thờ cầu nguyện cho nạn nhân. Thị trưởng Lucban Celso cho biết, nhiều thanh niên thị trấn đã đăng ký làm tình nguyện viên đến vùng bão để cứu trợ nạn nhân. Thị trấn đã quyên góp ủng hộ được 13.759.000 peso và 100.000 đô la.

       

   Nạn nhân bão Haiyan tập trung chờ di tản tại thành phố Ormoc, tỉnh Leyte.

Không chỉ ở Lucban, khắp nơi trên đất nước Philippin luôn hướng về nhân dân vùng bão với những hoạt động như quyên góp ủng hộ, làm tình nguyện viên… và sắp tới, trong 9 ngày trước lễ Giáng sinh sẽ phát hành xổ số vì nạn nhân bão. Các tổ chức trong khu vực, quốc tế và nhiều nước trên thế giới đã ủng hộ tiền, lương thực, thuốc…, cử đoàn cứu trợ đến tận vùng bị ảnh hưởng bão. Cộng đồng quốc tế đã quyên góp được trên 80 triệu đô la ủng hộ. Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á cam kết cho Philippin vay 1 tỉ đô la để khắc phục hậu quả. Dù là nước cũng bị ảnh hưởng bởi siêu bão Haiyan nhưng Việt Nam vẫn vươn mình đến với người dân Philippin trong lúc hoạn nạn và ủng hộ 100.000 đô la, chưa kể các tổ chức, cá nhân tự quyên góp. Nhiều hàng cứu trợ cũng đã được chuyển bằng đường hàng không từ Hà Nội tới thủ đô Manila.

Nỗ lực “giải cứu” người Việt

 

Theo dõi liên tục diễn biến tình hình siêu bão, Đại sứ quán Việt Nam đã tích cực phối hợp với cơ quan chức năng Philippin tìm kiếm, cứu trợ nạn nhân người Việt. Chiều 13/11, anh Hoàng Nghĩa Cảng và Bí thư thứ nhất Dương Đình Chiên lên máy bay dân sự T130 mang theo 300 kg hàng cứu trợ gồm mỳ tôm, lương khô, thuốc, quần áo đến Ormoc – thành phố cũng bị ảnh hưởng bão nhưng nhẹ hơn Tacloban. Đây là nơi mà Đại sứ quán thông báo cho bà con người Việt vùng bão tập trung để di tản về tỉnh Cebu. “Vì đi máy bay dân sự nên chúng tôi phải đáp xuống tỉnh Cebu và đi phà qua một eo biển mới đến được Ormoc. Khi đến Cebu trời tối mịt, chúng tôi phải chờ đến 3h30’ ngày 14/11 và dùng nhiều biện pháp ngoại giao mới vượt qua được gần 600 người xếp hàng để lên phà. 8h30’, chúng tôi đến bến tàu Ormoc và gặp cứu trợ được 40 bà con người Việt. Họ đến được Ormoc nhờ sự cưu mang của một người Việt tên Hà sống tại đây nhưng vẫn còn 2 gia đình mắc kẹt ở Tacloban. Ăn vội bát mỳ tôm, chúng tôi lập tức lên đường bằng xe ô tô của anh Hà. Chiếc xe hết dầu, anh Hà phải đi gom từng tí từ các xe khác. Vượt qua 105 km, chúng tôi đến được thành phố chết lúc 14h30’. Ngồi trong xe ô tô, đóng kín cửa kính, đeo khẩu trang và bôi dầu gió nhưng mùi xác người chết vẫn nồng nặc. Hai gia đình người Việt sống ngay ở trung tâm thành phố, mất liên lạc với nhóm đồng hương nhưng may mắn không bị thương. Song tâm trạng họ hoảng loạn bởi sống giữa nơi không nước, không thực phẩm, nạn cướp bóc và số gạo chỉ còn đủ cho vài bữa. Chúng tôi đã vận động họ đi cùng về Ormoc và Cebu ngay để đảm bảo an toàn trong tình trạng đông nghịt nạn nhân di tản.” – Anh Cảng nhớ lại quá trình “giải cứu” nạn nhân.  

 

Một miếng khi đói bằng một gói khi no, tình cảm cố kết cộng đồng của người Việt được thắp sáng trong hoạn nạn nơi xứ người. “Nhờ sự đùm bọc của đồng hương và sự cứu trợ kịp thời của Đại sứ quán, chúng tôi mới thoát ra được vùng đất chết. Trong cảnh khốn cùng, người còn được vài tấm áo rách rưới sẻ chia cho người không còn gì. Một gói mỳ tôm được sẻ làm đôi… Người Việt ở Tacloban chủ yếu làm nghề bán hàng rong trả góp nên khi bão đến vừa mất nhà cửa vừa mất hết vốn liếng. Đến Ormoc trong tình trạng run lạnh vì ướt, tôi cảm động khi anh Hà – người cũng chịu ảnh hưởng bão đã nấu vội cho tôi bát mỳ tôm và cho quần áo để thay. Gia đình anh cũng là nơi trú chân của 40 người Việt chạy bão trước khi di tản đến nơi khác. ” – Nạn nhân Trần Văn Mẫn chia sẻ với cán bộ Đại sứ quán. Còn anh Đinh Văn Gìn cho biết: Sau bão, nhiều người phải đi bộ hàng trăm cây số, vào tận các ngõ ngách để tìm đồng hương. Gặp nhau, 5 - 7 người cùng chia một gói mỳ, chai nước. Chắc tôi đã chết vì đói, khát, cướp bóc nếu không có đồng hương.

 

Thoát khỏi Tacloban, đa số nạn nhân đều muốn trở về quê nhưng vướng là họ cư trú bất hợp pháp. Họ đến qua đường du lịch rồi ở lại làm ăn và không đóng phí gia hạn visa. Luật pháp Philippin quy định người nước ngoài cư trú, visa chỉ cấp trong 2 tháng, sau đó phải gia hạn với mức phí 2,8 - 3,8 triệu đồng/lần. Có người còn nợ tiền phí lên đến 100 triệu đồng. Khi làm thủ tục về nước, Cục Quản lý nhập cư Philippin truy thu đủ số tiền mới cấp phép. Đây là điều bất khả thi với nhiều người khi họ không còn tài sản. Trước tình hình đó, Đại sứ quán đã tích cực phối hợp với Cục nhập cư và Cục điều tra Philippin giải quyết những vấn đề liên quan. Sau nhiều nỗ lực, đến ngày 6/12 đã có 26 người được cấp phép về nước. Nước bạn cho “nợ” 800 triệu đồng tiền phạt. Đại sứ quán đang tiếp tục phối hợp với Cục nhập cư để giúp đỡ 5 nạn nhân bão người Việt khác có mong muốn trở về quê. Đồng thời, vận động Tổ chức di dân thế giới và Hội người Việt Nam ở Philippin tài trợ kinh phí ăn, ở, đi lại từ tỉnh Cebu về TP. Hồ Chí Minh cho các nạn nhân. 

 

 

 

                                                            Cẩm Lệ

                                          (PV Báo Hòa Bình từ Philippin)

 

 

Các tin khác

Gia đình anh Bùi Văn Linh, xóm Ve, xã Đông Bắc (Kim Bôi) phát triển mô hình chăn nuôi thỏ thương phẩm.
Cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho học sinh trường DTNT liên xã Pà Cò (Mai Châu).
Người lao động tại các điểm khai thác than trên địa bàn xã Cuối Hạ không được trang bị bảo hộ lao động.
Không gian nhà sàn - nơi thường xuyên diễn ra các sinh hoạt văn hóa của cộng đồng người Mường. Ảnh chụp tại xóm Đồi Thung, xã Quý Hòa (Lạc Sơn).

Khám phá danh thắng núi Đầu Rồng

(HBĐT) - Từ trung tâm thành phố Hòa Bình, theo QL6 vượt qua dốc Cun chừng 5 km là đến thị trấn Cao Phong thơ mộng. Chúng tôi không thể ngờ rằng, mảnh đất nổi tiếng về cam, mía này lại có thêm một tuyệt tác của thiên nhiên làm say lòng bất cứ ai đặt chân đến.

Nét đẹp dân ca Mường Vang

(HBĐT) - Cùng như nhiều xứ Mường khác trong toàn tỉnh, người Mường Vang (Lạc Sơn) vẫn giữ được văn hoá, tập quán, lễ tục sinh hoạt truyền thống “cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui, ngày lui, tháng tới...”, đặc biệt là trong dân ca, dân vũ. Hiện nay, nhờ sự giao thoa của nhiều nền văn hoá và sự phát triển mạnh mẽ của âm nhạc hiện đại đã tác động nhiều đến VHVN dân tộc Mường, tuy nhiên, người dân Lạc Sơn vẫn luôn giữ gìn và phát huy được nét đẹp trong dân ca của người Mường Vang.

Đang tiếp tục điều tra vụ cháy nhà sàn tại Bảo tàng không gian văn hóa Mường

(HBĐT) - Thời gian vừa qua, vụ cháy nhà sàn tại Bảo tàng không gian văn hóa Mường đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Theo lãnh đạo Bảo tàng không gian văn hóa Mường, nhà bị cháy là nhà Lang có tuổi thọ hơn 100 năm được mua từ gia đình bà Hà Thị Lợi ở Mường Chậm (Tân Lạc).

Ước nguyện giản dị của một cựu tù binh Phú Quốc

(HBĐT) - Vượt gần 2.000 km, đến một hòn đảo hoàn toàn xa lạ có tên Phú Quốc để rồi được biết về một con người đã, đang sống cạnh mình mấy chục năm chính là một cựu tù binh nhà tù Phú Quốc. Ông là thương binh Trần Quyết Thắng (ảnh) hiện đang sống tại thành phố Hòa Bình.

Gian nan vận động đối tượng truy nã ra đầu thú

(HBĐT) - Hang Kia (Mai Châu) cho đến giờ vẫn là một điểm nóng phức tạp về tình hình mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy. Tuy nhiên, điểm nóng này đang có dấu hiệu hạ nhiệt khi có sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cả người dân. Điều đó được minh chứng bằng việc có nhiều đối tượng có lệnh truy nã đặc biệt nguy hiểm về ma túy đã tự nguyện ra đầu thú.

Gặp lại “người Mường Hoà Bình” trên đất Hà Nội

(HBĐT) - Lần trở lại xã Yên Trung nay thuộc huyện Thạch Thất (thành phố Hà Nội) có cảm giác “lạ mà quen”. “Lạ” vì những sự thay đổi đáng mừng cho vùng đất 4 xã vùng bắc Lương Sơn (cũ), các địa danh đều đã gắn với đơn vị hành chính khác. “Quen” vì con người, cảnh sắc và tấm lòng những người nơi đây đều đã từng gặp từ thời trước ngày 1/8/2008 (ngày chính thức thuộc về Hà Nội theo nghị quyết của Quốc hội). Vậy cũng đã hơn 5 năm... kể từ khi các xã Yên Trung, Tiến Xuân, Yên Bình, Đông Xuân sáp nhập vào các huyện Thạch Thất, Quốc Oai (Hà Nội)

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục