Hàng trăm chiếc thuyền tại hai bến cảng Bích Hạ và Thung Nai đã sẵn sàng đưa đón khách du lịch mùa lễ hội đền Bờ năm 2014 (Ảnh: Du khách xuống thuyền du xuân tại cảng Thung Nai).
(HBĐT) - Du sơn, ngoạn thủy trên vùng hồ Hòa Bình trong mùa xuân, đặc biệt là tháng giêng này đã trở thành lịch trình không thể thiếu của nhiều người dân Hòa Bình và đông đảo du khách thập phương. Đến vùng hồ Hòa Bình trong mùa xuân sẽ được tận mắt ngắm nhìn nước hồ trong xanh màu ngọc bích, những đảo núi nhấp nhô, huyền ảo như vịnh Hạ Long, những ngôi nhà sàn bình yên bên sườn núi… Đến vùng hồ trong những ngày này còn được cùng dòng người vui với mùa lễ hội đền Bờ; được tìm hiểu văn hóa, lịch sử tâm linh đầy huyền thoại về Bà chúa thác Bờ giúp vua Lê đánh giặc…
Đầu xuân, năm nay thời tiết đẹp, có nắng ấm nên ngay từ mùng 2 Tết, nhiều người đã chọn hướng xuất hành du xuân vùng hồ Hòa Bình và đi lễ đền Bờ. Chị Bùi Thị Tuyết ở phường Tân Hòa (thành phố Hòa Bình) cho biết: Năm nào, gia đình chị cũng du xuân vùng hồ và đi lễ đền Bờ. Năm nay, gia đình chị tổ chức đi sớm từ mùng 2 Tết. Năm nào cũng đi nhưng mỗi lần du ngoạn vùng hồ chị và các thành viên trong gia đình lại có những cảm nhận thú vị khác. Năm trước, gia đình chị chọn mùng 6 Tết du xuân vùng hồ, thời tiết không được đẹp như năm nay nhưng khi về chị viết thông tin và đăng ảnh lên mạng Facebook, bạn bè chị ở Hà Nội và nhiều nơi khác đều khen đẹp, thú vị, hấp dẫn nên đã đăng ký chương trình năm nay cùng gia đình chị tham gia du xuân. Đặc biệt, du xuân hướng này còn được kết hợp với đi lễ cầu may nên mọi người đều thấy hào hứng, yên tâm, phấn khởi lắm.
Phong cảnh hữu tình và cuộc sống thanh bình của người dân vùng hồ Hòa Bình.
Hiện nay, du lịch vùng hồ Hòa Bình du khách có thể lựa chọn 2 hướng đi, một là xuất phát từ cảng Bích Hạ (xã Thái Thịnh, thành phố Hòa Bình - cách trung tâm thành phố gần 10 km). Hướng xuất phát này được nhiều bạn trẻ lựa chọn bởi lịch trình sẽ có khoảng 2 giờ đồng hồ ngồi thuyền vãn cảnh sông nước và thời gian trên thuyền có thể tổ chức các hoạt động tập thể; tìm hiểu thông tin đời sống, văn hóa của người dân vùng hồ… Hướng thứ hai mà hiện nay nhiều người lựa chọn đó là hướng đi về cản Thung Nai (xã Thung Nai, huyện Cao Phong). Đi hướng này, du khách sẽ được kết hợp thăm quan các điểm du lịch văn hóa trên tuyến đường vào bến như: thăm quan bản Mường Giang Mỗ, bảo tàng Không gian văn hóa Mường, Tượng đài Anh hùng Cù Chính Lan… Ngoài ra, tuyến đường này còn giúp du khách rút ngắn được thời gian ngồi trên thuyền (chỉ mất khoảng 20 phút ngồi trên thuyền) khi đến với những điểm du lịch của vùng hồ.
Anh Bùi Văn Nghiêm, chủ thuyền chạy bến Thung Nai nhiều năm chia sẻ: Đầu xuân, năm nay thời tiết đẹp nên lượng khách thăm quan sớm và đông hơn mọi năm. Từ mùng 4 Tết đến rằm, anh đã có lịch chạy thuyền kín. Thuyền của gia đình anh và các gia đình khác trong bến đều được trang bị chu đáo từ hình thức đến các dịch vụ đi kèm như: dịch vụ ăn uống cho du khách có nhu cầu trên thuyền; liên hệ địa điểm thăm quan, ăn, nghỉ tại các đảo trên lòng hồ… Hiện nay, mực nước hồ cao nên du khách xuống thuyền không phải đi bộ và leo dốc nhiều để lên đền. Đền bà chúa thác Bờ cũng đã được trùng tu, xây dựng thêm các hạng mục và không gian thoáng đãng hơn. Đặc biệt, anh Nghiêm cho biết, các thuyền chạy bến này năm nay đều phải ký cam kết bảo đảm an toàn khi lưu thông và có đầy đủ các trang bị như áo phao, phao cứu sinh trên thuyền.
Yên tâm ngồi trên những chiếc thuyền khá đẹp, tiện nghi, du khách được thỏa lòng, chiêm ngưỡng cảnh sắc nên thơ, trữ tình của vùng hồ mùa xuân; được thưởng thức những đặc sản đặc sắc rất riêng của vùng hồ Hòa Bình như: các loại cá đặc sản nướng, măng luộc, rau rừng; được cảm nhận nét văn hóa đậm bản sắc truyền thống được lưu giữ trong lòng người dân hiếu khách… Tuyến du xuân vùng hồ còn hấp dẫn nhiều du khách bởi nơi đây lưu giữ lịch sử, huyền thoại về Bà chúa thác Bờ giúp vua Lê đánh giặc. Mỗi người sẽ được cảm nhận, trải nghiệm và thấu hiểu, yêu thương, trân trọng hơn quê hương, đất nước mình qua những truyền thuyết về ông Đùng, bà Đùng là những ông thần, bà thánh thương dân, có ý định ngăn sông Đà cho nước vào ruộng khô cằn để dân trồng, cấy. Công việc đứt gánh giữa đường, những cục đất, đá khổng lồ rơi xuống thành đồi núi, trong đó có núi Đúng; sự tích đền Bờ hay còn gọi là sự tích bà Chúa Thác Bờ còn gắn liền với cuộc chinh phạt đánh giặc của vua Lê Lợi vào mùa xuân năm 1431. Khi đoàn quân của vua Lê đến thác Bờ đã được sự ủng hộ và giúp đỡ của nhân dân trong vùng...
Du ngoạn vùng hồ Hòa Bình những ngày đầu xuân thực là chuyến du lịch mang nhiều ý nghĩa. Với mỗi du khách một lần đến đây đều cảm nhận sự thư thái, yên bình đến trong trẻo để mỗi người đều thầm hẹn một ngày trở lại với những chuyến khám phá, du ngoạn vùng hồ.
Hồng Duyên
(HBĐT) - 20 năm trước, tháng 12/1993, ông Đinh Công Đốc đã từ trần, khép lại những năm tháng tận tâm tận lực cống hiến cho cách mạng. 5 năm sau ngày ông mất (tức tháng 4/1998), con cháu ông được đón nhận niềm vinh dự: Nhà nước tặng thưởng Huy chương Kháng chiến hạng nhất, ghi nhận ông Đinh Công Đốc đã có thành tích trong cuộc kháng chiến lâu dài và anh dũng của dân tộc.
(HBĐT) - Từ xa xưa, bà con đồng bào dân tộc vùng cao Mai Châu dựng nhà giữa hoang sơ núi rừng, súng săn là một vật không thể thiếu trong mỗi gia đình. Súng cùng bà con lên rừng săn thú, súng được giữ trong nhà đề phòng thú dữ tấn công. Trong kháng chiến chống Pháp, súng cùng bà con hăng hái tham gia các chiến dịch bảo vệ bản làng, quê hương. Hòa bình lập lại, cuộc sống đã có nhiều đổi thay, súng săn được treo như vật kỷ niệm trong mỗi gia đình. Súng được coi như là bảo vật, là tài sản quý, thậm chí là vật thiêng trong mỗi gia đình. Nhưng hôm nay, vì trật tự an toàn xã hội, vì tính nghiêm minh của pháp luật, hơn 3.600 khẩu súng các loại đã được bà con nhân dân huyện Mai Châu tự giác giao nộp cho chính quyền.
(HBĐT) - Nằm ở tỉnh Kiên Giang với diện tích 567 km2 và có chiều dài 65 km, Phú Quốc là hòn đảo lớn nhất của Việt Nam. Với vẻ đẹp thiên nhiên hiếm có, từ lâu, Phú Quốc được mệnh danh là “hòn ngọc” của Tổ quốc.
(HBĐT) - Sau một năm làm lụng vất vả, Tết đến, ai ai cũng đều lo thu xếp công việc để sửa soạn cho mình một cái Tết đầy đủ, đầm ấm, nhiều niềm vui. Dù là người có gia đình vợ con hay còn son rỗi đều có một ý nghĩ chung là về quê đón Tết, vui xuân cùng gia đình. Điều này đã trở thành một tập quán tốt đẹp của người Việt Nam. Vì quê hương là nơi chôn rau, cắt rốn, nơi có cha mẹ họ hàng, người thân. Nơi lưu giữ bao kỷ niệm thời ấu thơ... “Quê hương là đường đi học/con về rợp bướm vàng bay...”, vậy thì làm sao mà quên được. Người xa quê càng lâu càng mong mỏi nhớ về quê hương da diết. Ngày về, bước chân vào đầu ngõ ai chẳng xốn xang trong lòng.
(HBĐT) - Một người quen thân là thầy giáo Bùi Duy Luyến, thổ công ở xã vùng 135 Quý Hòa (Lạc Sơn) nhắn tin: Lên đi, mùa này hoa đào ở xóm Dọi đã nở, nhiều hộ chuẩn bị cho các phiên chợ Tết rồi đấy. Hoa đào..., sứ giả của mùa xuân nơi vùng cao ngút tầm mắt dưới núi đồi này đã làm cho lòng người thêm rộn ràng trước những thời khắc kỳ diệu của thiên nhiên.
(HBĐT) - Từ trung tâm huyện Yên Thủy đến xã chưa đầy 10 km nhưng cũng phải mất gần nửa giờ đồng hồ đi trên tuyến đường quanh co, khúc khuỷu, chúng tôi mới đến được Đoàn Kết. Khác với trí tượng tượng về sự đìu hiu, bình lặng. Trước mắt chúng tôi là vùng quê náo nức tiếng cười của những đám trẻ túm năm, tụm ba khoe nhau quần áo mới. Những khúc ca xuân rộn ràng dưới nếp nhà. Tiếng máy, tiếng xe sình sịch trên công trường hối hả những ngày cuối năm. Nhiều gia đình tất bật chỉnh trang nhà cửa chuẩn bị đón tết. Đón khách với nụ cười hiền lành vốn có, người quen của tôi phấn chấn: “Nông thôn bây giờ khá hơn rồi. Nhiều gia đình năng động, giỏi giang lắm, thu nhập cả trăm triệu đồng/vụ cũng có rồi đấy".