Khu vực xây dựng kho hóa chất bảo vệ thực vật gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân xóm Mỵ Thanh (Mỵ Hòa-Kim Bôi)
(HBĐT) - Mỵ Thanh (Mỵ Hòa - Kim Bôi) có 65 hộ, hơn 320 nhân khẩu nhưng có tới 16 người bị ung thư và 4 người đã tử vong vì căn bệnh nan y này. Không ít người mới ở tuổi 45-47 bỗng chốc liệt giường hoặc tập tễnh chống nạng vì tai biến, đột quỵ. Không chỉ lo lắng cho hiện tại mà người dân xóm Mỵ Thanh còn trăn trở cho tương lai bởi những căn bệnh quái ác đang từng ngày đe dọa cướp đi sinh mạng của cả người già và trẻ nhỏ. Anh Nguyễn Tiến Hanh, một người dân xóm Mỵ Thanh cho biết: “Gia đình ông Nguyễn Văn Khải lúc nào cũng như ngồi trên “chảo lửa” vì mấy năm nay vợ ông, bà Hoàng Thị Non, 75 tuổi suốt ngày đêm vật vã vì bị bệnh hạ tiểu cầu và cháu ông Nguyễn Văn Huy, mới 7 tuổi bỗng dưng tóc bị rụng từng mảng. Chung quy lại là cuộc sống ở đây cả không khí, đất và nước đều bị ô nhiễm nặng nề từ kho thuốc bảo vệ thực vật do Nông trường Thanh Hà để lại.
Sinh ra và lớn lên tại Mỵ Thanh, ông Phạm Hồng Phát cho biết: Trước đây, xóm Mỵ Thành là đội 5 của Nông trường Thanh Hà. Kho hóa chất bảo vệ thực vật do nông trường xây dựng vào khoảng năm 1965. Diện tích khu vực xây dựng kho gần 3000m2 và kho chứa thuốc bảo vệ thực vật rộng khoảng 300 m2 . Trong kho chứa nhiều loại hóa chất độc hại như vofatoc, DT sữa, B 58, 666, lưu huỳnh, phèn xanh, thuốc diệt cỏ… Quá trình quản lý, sử dụng vỏ bao bì vứt bữa bãi, những thùng chứa hóa chất bị mọt rỉ nhưng chẳng mấy ai quan tâm. Đến năm 1991, nhà kho được thu hẹp lại, nhưng mọi chuyện dường như đã quá muộn, các loại hóa chất độc hại đã ngấm sâu vào lòng đất, nguồn nước, còn không khí trong khu vực lúc nào cũng nặng nề, khó chịu”.
Quả đúng như lời anh Phát nói, mặc dù chúng tôi đến Mỵ Thanh vào đúng ngày tiết trời vẫn se lạnh, mưa phùn nhưng không khí ở đây vẫn nồng nặc mùi thuốc sâu. Ông Nguyễn Văn Khải, phàn nàn: “Vào những ngày trời nắng, hanh khô, mọi người chỉ muốn ra khỏi làng cho đỡ bức bối vì càng nắng to không khí càng bị ô nhiễm nặng hơn và lan rộng hơn”.
Đưa chúng tôi đến khu vực kho hóa chất bảo vệ thực vật cũ, anh Nguyễn Tiến Hanh cho biết “Điểm xây dựng kho nằm trên đỉnh đồi, có vị trí cao nhất trong khu vực xóm Mỵ Thanh. Chính vì vậy, mức độ ảnh hưởng càng rộng. Đã có một số đoàn công tác của tỉnh, huyện về lấy mẫu nước, mẫu đất để xét nghiệm và đều xác định đất, nước ở đây nhiễm hóa chất độc hại nghiêm trọng.
Tình trạng ô nhiễm môi trường đã ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân Mỵ Thanh, nhất là những hộ nằm trong bán kính khoảng 200 m nơi có kho hóa chất bảo vệ thực vật. Bởi các giếng nước ở đây không thể sử dụng được hoặc bất đắc dĩ cũng chỉ dám dùng để giặt giũ, còn nước ăn phải đi xin các hộ khác cách xa 300 - 400 m nên phải sử dụng hết sức dè sẻn. Nguồn nước bị ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu còn khiến những hộ ở gần kho thuốc cũ thất thu trong nuôi trồng thủy sản như cá ở ao nhà ông Thước, bà Huệ khi mổ ra mang và ruột vẫn còn mùi thuốc sâu nên không ai dám ăn.
Trước thực trạng đó, Ban quản lý xóm Mỵ Thanh đã nhiều lần báo cáo, kiến nghị với UBND xã Mỵ Hòa và các cấp có thẩm quyền với mong muốn được đầu tư xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt và có kinh phí để xử lý diện tích đất bị ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu tại địa điểm trước đây xây dựng kho. Ông Trần Trung Toán, Phó Chủ tịch UBND xã Mỵ Hòa kiến nghị: Việc xây dựng công trình cấp nước cho xóm Mỵ Thanh đã trở nên cấp bách và hết sức cần thiết và đó thực sự là nguyện vọng thiết tha của người dân xã Mỵ Thanh nói riêng và xã Mỵ Hòa nói chung. Có như vậy sản xuất và đời sống của dân cư trên địa bàn mới ổn định và phát triển. Có lẽ do quá bức bối với tình trạng “sống chung” với hóa chất độc hại đã kéo dài hàng chục năm qua người dân ở đây đã sưu tầm nhiều loại văn bản của Trung ương, của tỉnh. Đưa cho tôi xem Quyết định số 1946/QĐ-TTg ngày 21/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Kế hoạch xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên phạm vi cả nước” và công văn số 1480/UBND-NNTN ngày 6/12/2013 của UBND tỉnh “Về việc xử lý ô nhiễm tại kho thuốc bảo vệ thực vật trước đây trên địa bàn tỉnh và xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt tại xóm Mỵ Thanh”, anh Nguyễn Tiến Hanh giãi bày: “Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là các chủ trương, chính sách của Nhà nước sớm được thực thi, có như vậy, sản xuất và đời sống của dân cư trên địa bàn mới ổn định và phát triển”.
Đức Phượng
(HBĐT) - Trời đẹp quá lên mặt đập thôi, tranh thủ ghi lại những khoảnh khắc đẹp để còn nhớ! Không biết tự bao giờ nhóm “nghệ sỹ nhiếp ảnh” nửa mùa chúng tôi tạo ra thông lệ đó. Chỉ biết rằng nếu không ngắm, không chụp sẽ thấy tiếc vì bức tranh kỳ ảo mà đất trời và thiên nhiên đã ban tặng. Cũng dòng sông ấy (sông Đà), nhưng dòng nước không chảy lại hai lần, ánh mặt trời cũng khi tỏ khi mờ và sắc cầu vồng cũng có lúc sắc nét, lúc lại mờ phai. Có lẽ đó cũng là cảm nhận chung của những người cầm máy hiện đang sinh sống trên đất Hòa Bình nên ngày càng có thêm nhiều những bức ảnh đẹp ghi lại những khoảnh khắc diệu kỳ trên dòng sông ánh sáng.
(HBĐT) - Theo các tài liệu, những câu chuyện kể và truyền thuyết trong dân gian có đến 2 nàng công chúa được gả về làm dâu xứ Mường. Hai nàng công chúa, hai mối duyên tình, hai số phận khác nhau. Người đã đi hết con đường tình với người mình yêu, người dang dở trong sự tiếc nuối... Trải qua biết bao thăng trầm, biến cố của lịch sử, câu chuyện về 2 nàng công chúa được gả về làm dâu xứ Mường không phải ai cũng biết.
(HBĐT) - Một chiếc chiêng có đến 4 âm với các âm độ cao thấp khác nhau, chính vì vậy, chỉ cần dùng một chiếc chiêng này thôi người nghệ nhân đã có thể chơi được tiết tấu đơn giản của một làn điệu xéc bùa. Theo tiến sỹ Quách Văn Ạch - nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh, nguyên Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, “ở Hoà Bình, đây có thể xem là chiếc chiêng độc đáo có một không hai”.
(HBĐT) - 20 năm trước, tháng 12/1993, ông Đinh Công Đốc đã từ trần, khép lại những năm tháng tận tâm tận lực cống hiến cho cách mạng. 5 năm sau ngày ông mất (tức tháng 4/1998), con cháu ông được đón nhận niềm vinh dự: Nhà nước tặng thưởng Huy chương Kháng chiến hạng nhất, ghi nhận ông Đinh Công Đốc đã có thành tích trong cuộc kháng chiến lâu dài và anh dũng của dân tộc.
(HBĐT) - Từ xa xưa, bà con đồng bào dân tộc vùng cao Mai Châu dựng nhà giữa hoang sơ núi rừng, súng săn là một vật không thể thiếu trong mỗi gia đình. Súng cùng bà con lên rừng săn thú, súng được giữ trong nhà đề phòng thú dữ tấn công. Trong kháng chiến chống Pháp, súng cùng bà con hăng hái tham gia các chiến dịch bảo vệ bản làng, quê hương. Hòa bình lập lại, cuộc sống đã có nhiều đổi thay, súng săn được treo như vật kỷ niệm trong mỗi gia đình. Súng được coi như là bảo vật, là tài sản quý, thậm chí là vật thiêng trong mỗi gia đình. Nhưng hôm nay, vì trật tự an toàn xã hội, vì tính nghiêm minh của pháp luật, hơn 3.600 khẩu súng các loại đã được bà con nhân dân huyện Mai Châu tự giác giao nộp cho chính quyền.
(HBĐT) - Nằm ở tỉnh Kiên Giang với diện tích 567 km2 và có chiều dài 65 km, Phú Quốc là hòn đảo lớn nhất của Việt Nam. Với vẻ đẹp thiên nhiên hiếm có, từ lâu, Phú Quốc được mệnh danh là “hòn ngọc” của Tổ quốc.