(HBĐT) - Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Sơn Nam, một người bạn cũ từ TP Hồ Chí Minh trở về quê hương "rừng cọ, đồi chè” Phú Thọ đúng vào tháng 3. Bạn chia sẻ dòng trạng thái trên facebook: Cũng hơn 10 năm rồi mới được đứng dưới cây gạo cổ thụ ngay đầu làng vào đúng dịp tháng 3. Là một sự ngẫu nhiên, nhưng cũng như sự sắp đặt để khơi gợi lại kỷ niệm. Chẳng nhớ ai đã trồng và trồng năm nào mà khi lớn lên, đi học đã thấy cây gạo xù xì, vươn cao. Hồi nhỏ, chỉ quan tâm những tổ chim la đà trên cành cao.




Ảnh: Hoa gạo tháng 3... gợi về tuổi thơ và kỷ niệm của những người xa quê
Lớn lên rồi bỗng nhận ra, cứ vào tháng 3, hoa gạo đỏ rực như những nốt nhạc đỏ, chấm lên trời cao. Trên trời, mây trắng, mây xanh như làm nền cho những đốm lửa in trời trong một ngày nắng nhạt… Gặp lại quê hương, gặp lại tuổi thơ, gặp lại hình ảnh mỗi buổi đi học về, cả nhóm lại hò nhau, vui đùa nhặt những bông gạo đỏ rực rải trên mặt đất… Bao lớp người cất bước ra khỏi làng cũng đều đi dưới cái màu đỏ chân chất, dân dã, không mỹ miều ấy.
Hoa gạo, hoa pơ-lang, hoa mộc miên..., dù nhiều tên khác nhau nhưng cảm nhận về màu đỏ ấy chỉ có một. Cũng là điều kỳ diệu của thiên nhiên. Vào tháng 3, khi hoa gạo nở đỏ rực trên những triền đê, đồng bãi, bờ sông, sau lưng đồi... cũng là lúc cánh đồng ngô, lúa, vạt dâu tằm lên xanh mơn mởn và hoa rừng, hoa sở nở trắng trời... Bức tranh đó thật đẹp và trường tồn mãi trong lòng. Màu đỏ ấy là nỗi nhớ rưng rưng về tuổi thơ, về bạn bè một thuở của những người đang đi trên bên kia con dốc cuộc đời; là hoài niệm của những người con xa quê lâu ngày chưa trở lại... Còn gì nhớ bằng năm nào, người lính ra trận chia tay người yêu bên gốc gạo đầu làng. Là đám trẻ mải mê ngắm đàn sáo núi về đậu rợp cành mùa hoa nở và thỉnh thoảng đón nhận những bông hoa gạo xoay tròn rơi xuống lộp độp đỏ mặt đất, đỏ mặt sông. Là những tràng hoa xâu vội của đám trẻ sau những buổi chiều đi học về.
Cũng tháng 3 nào, những năm gian khó, bà và mẹ tất tả chợ búa sớm hôm. Trên đường về, từ xa, dù bụng đói, khát nước, nhìn thấy hàng hoa gạo đơm lửa trên con đường dẫn về xóm, bà và mẹ thấy như đã trở về ngôi nhà xưa. Cây gạo, hoa gạo như linh hồn của làng quê thôn dã, đã và đang trở thành tứ cho bao thi nhân, nhạc sĩ, họa sĩ... Bao người cũng chẳng từng thổn thức đọc những câu thơ khi đi dưới những bông gạo đỏ: "Mỗi độ tháng ba về/ Ai vãi lửa đam mê vào trời cháy bỏng/ Tu hú kêu, tu hú kêu/ Hoa gạo nở, hoa gạo đỏ/ Đỏ như màu mơ ước của con tim”. Màu đỏ thẫm đó cũng chính là ước mơ, hoài bão, khát vọng của tuổi trẻ trước mỗi lối rẽ cuộc đời. Thi sĩ Hoàng Cầm cũng chẳng từng rung động: "Hoa gạo đầu đình vẫy mãi người xa quê".
Hoa gạo... một phần không thể thiếu đối với bất cứ ai từng sống nơi thôn quê. Qua bao năm tháng, mỗi khi tháng 3, hoa gạo như nhắc nhở mọi người về hồn quê hương, ký ức, khát vọng cùng sự thôi thúc cho những chân trời phía trước.


Tản văn của Bùi Huy

Các tin khác


Những “chiến sĩ” áo trắng…

(HBĐT)-Những ngày cuối tháng 2, khi đất trời vẫn còn vương đậm hương mùa xuân….thì cả xã hội lại hướng về nghề y, về những người thầy thuốc - những người coi sự nghiệp trị bệnh cứu người là trách nhiệm, là lẽ sống của mình. Tháng 2 năm nay, đối phó với dịch bệnh, các y, bác sĩ luôn là những người âm thầm chịu nhiều áp lực, vất vả, thậm chí là nguy hiểm nhất. Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (Covid-19) đang diễn ra, càng cho thấy những phẩm chất đáng quý của đội ngũ nhân viên ngành Y.  Họ thực sự là những "chiến sĩ” áo trắng quả cảm, qua đó làm đẹp thêm hình ảnh người chiến sĩ áo trắng trong tâm trí mỗi người dân.

Vì em thương anh

Truyện ngắn của Thu Đình

(HBĐT) - Sen… Sen! Hình như anh kia mới vào làm bảo vệ ở xí nghiệp may mình thì phải? Mà tao để ý, sao thấy anh ấy lúc nào cũng đeo khẩu trang?           

Xuân không muộn

(HBĐT) - Đúng nửa đêm, sau hơn 2 ngày đêm lăn lóc trên chuyến xe giường nằm từ miền Trung, anh đáp xuống bến xe phố huyện. Giờ này, đường vắng hoe hoét. Có chút lành lạnh nên cánh xe ôm cũng đã tản về nhà từ lâu rồi. Nhưng bù lại đèn đường được trang hoàng mới, nhấp nháy rực rỡ nên khiến lòng thêm vui. Đi bộ cũng không phải là vấn đề quá khó đối với anh. Qua khúc ngoặt thị trấn là rẽ về làng rồi.

Tết trồng cây nhớ lời Bác dạy

(HBĐT) - Mỗi mùa xuân sang, Bác Hồ mong mỗi người dân ta đón Tết cổ truyền dân tộc trong mùa xuân vui vẻ và với những ngày đầu năm cần có việc làm thiết thực: Tết trồng cây.

Khúc vườn xuân

(HBĐT) - Trước Tết Âm lịch, lại có dịp trở lại khu vườn quê nhà. Yên bình và cũng râm ran niềm vui. Phía ngõ xa xa, lũ trẻ đang chơi nhảy dây, trốn tìm. Còn con suối trước hiên nhà, nước trong vắt đang rộn ràng tiếng cười, tiếng nói của các bà, các chị, trong khi bàn tay thì thoăn thoắt nhặt, rửa lá dong... Bên hàng xóm, một giọng nam trung khá hay cất lên bài "Lời tỏ tình của mùa xuân”. Họ đang tập hát chuẩn bị cho đêm diễn văn nghệ cuối năm…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục