Truyện ngắn của Bùi Việt Phương
Cuối năm học, khi học sinh nghỉ hè, tôi đi tìm một người mà mình chưa từng được gặp. Lúc lên xe máy để ra ngã ba đón chuyến cuối về thành phố, anh trưởng thôn còn cố dặn với theo:
- Cũng chỉ láng máng tên thầy là Đạm thôi nhé, có khi bà con nói ngọng phải suy ra Đạo hay Đại gì đó nhà báo à?
Nhà báo nỗi gì? Tôi mới có một cái tin bé bằng bàn tay trên báo tỉnh. Mấy năm mang tiếng là học ở thành phố nhưng toàn cuốc bộ, buổi học buổi đi làm kiếm thêm có đi được đến đâu thăm thú. Tất cả những gì người ta còn nhớ về một ông thầy cả đời dạy học ở vùng sâu chỉ là như vậy.
Phải nghe kênh "thông tấn vỉa hè”, tôi chọn quán trà đá dưới cây bàng làm điểm bắt đầu của những hy vọng. Khi cái vị đắng chát còn chưa ngấm vào đến bụng tôi đã biết tỏng. Hóa ra, bà chủ quán vốn là một cô giáo về hưu non. Nhưng theo bà thì có lẽ, cả khu phố này không bói ra đâu một ông giáo dạy trên miền núi.
Ngày thứ hai thì tôi cũng lần ra được một manh mối. Ngôi nhà tôi bước vào có một người phụ nữ gầy guộc, mái tóc đã bạc và đôi mắt buồn. Cô con gái hay con dâu gì đó, tuổi chừng ngoài 30 rót trà cho tôi. Sau khi nghe chuyện, họ chỉ cho tôi bức ảnh trên tường. Chỉ cần nhìn vào khuôn mặt người đàn ông khắc khổ, mặc áo sơ mi trắng, một tay cắp cặp, một tay xoa đầu em bé chăn bò, tôi đã có một linh cảm đặc biệt.
Như trút bỏ được gánh nặng, tôi mở túi, cẩn thận lấy ra bức thư của gia đình bà Hon có mấy chữ xác nhận của anh trưởng xóm. Sợ vẫn chưa đủ để hai người phụ nữ hiểu ra câu chuyện, tôi thuyết trình một mạch về cái ơn mà gia đình bà Hon đối với thầy:
- Chuyện là những năm đó, thầy giáo lên đây dạy học. Vì thương bà con khó khăn, thầy tằn tiện tích góp để mua một con bê tặng cho gia đình nghèo khó nhất xóm. Nhưng khi con bê cái ấy đã được nhân lên thành một đàn bò, thầy lại chuyển về thành phố. Bà con biết ơn thày, nhờ tôi đến tìm. Trước là hỏi thăm gia đình, sau là để bà con dắt con bê về coi như trả cái ơn giúp nhau khi khốn khó.
Sáng hôm sau, còn đang ngáy o o sau mấy ngày tìm người thì anh trưởng xóm vào tận giường thúc tôi dậy.
- Họ lên rồi. Mình không phải dắt bê xuống phố. Nhưng sao chồng họ lại tên Đài hả nhà báo?
- Tôi thì cũng nghe anh nói. Về mặt từ ngữ nó không sai số là mấy. Chồng họ trước cũng dạy ở vùng này.
Cuộc gặp gỡ diễn ra suôn sẻ, tiếng cảm ơn, tiếng mời mọc lên thăm ồn ã. Nhưng đến khi cậu con rể của ông giáo cầm sợi dây thừng dắt con bê qua bếp thì bà cụ Hon mới lên tiếng:
- Ngày xưa cứ giời lạnh, cái mảnh đạn trong đầu ông giáo lại nhói lên. Như ông Tề Thiên Đại Thánh bị ông thầy Đường Tăng niệm chú ấy…
- Ơ này, cô con gái quặc lại, bà nói ai bị đạn vào đầu? Cha tôi làm giáo viên, làm đến cỡ Phó phòng Giáo dục, đánh đấm gì mà bị thương. Bà nói nói kiểu gì vậy.
Cái miệng tô son mà chua ngoa ấy tự nói lên cái sự nhầm lẫn. Tất cả đã hiểu ra, người thì ai về nhà nấy, bò cũng về chuồng. Còn tôi thì nhận đủ trách móc. Lên đây, tôi cũng chỉ là cái anh cán bộ tăng cường, lạ nước lạ cái. Dân nhờ gì thì làm, biết gì thì xắn tay áo mầy mò. Thế mà suýt nữa mất toi con bê của dân những mười mấy triệu, bằng nửa năm lương viên chức cấp xã của tôi.
Một hôm, tôi ghé qua nhà bà Hon tặng bà một lọ dầu gió. Ở cái vùng chưa có đường cho ô tô lên, một chút đồ dùng cũng thành món quà quý. Bà cảm động mời tôi ăn ngô luộc. Ngô đồi thơm và dẻo, tôi vừa nhai vừa hỏi chuyện. Bỗng, bà Hon tròn mặt nhìn tôi:
- Sao anh cán bộ giống một người thế?
- Bà thấy con giống ai? Con giống cha con chứ còn ai nữa, ai cũng bảo thế (tôi cười).
- Thì đúng anh giống cụ ông, nhưng thế thì cụ ông giống thầy giáo Đàm rồi.
Trời ơi, tôi nghe như không tin vào tai mình. Đàm là cha tôi, một ông giáo bao năm đi dạy học với cuộc sống nghèo khổ nhưng tâm huyết, thế mà cuối đời có một vết đen khó tẩy sạch.
Một ngày năm tôi mới học lớp 10, nghe tiếng mẹ tôi toáng lên trong nhà. Nhà tôi hình như chưa bao giờ có tiếng nói to đến thế. Bố tôi cắp cặp đi, hôm ấy là Chủ nhật, ông dạy xa nhà nên phải đi sớm. Trên thềm nhà là ảnh một người đàn bà ở miền núi thì phải. Mẹ tôi không nói gì nhưng các cô tôi từ ấy bắt đầu đay nghiến cha tôi. Một ông giáo mực thước là vậy mà đi cặp với một bà ở miền núi.
Tiếng gọi của bà Hon làm tôi sực tỉnh khỏi sự miên man:
- Anh cán bộ không nghe bác nói à?
- Ấy chết, cháu mải nghĩ.
- Vậy tôi kể lại lần nữa nhé.
Lời bà Hon như thước phim quay chậm. Cả cuộc đời cha tôi hóa ra lại gắn với vùng đất này. Ban đầu ông ngồi đợi ở trường. Học sinh xua trâu, bò, vác dao đi rừng qua chỗ ông đứng, chúng cứ cười cười. Học thì cũng thích nhưng đã no đâu. Trẻ con lớn lên không đi nương thì sau này sao biết làm mà ăn? Những câu hỏi và đáp án mà người dân nói với ông Đàm cứ khớp nhau như thế thì biết làm thế nào? Nhưng ông là người không bỏ cuộc. "Bác cho cháu đi học một buổi sáng, chiều tôi đi nương làm thay việc của cháu. Nào, ta thỏa thuận thế, được không?”.
Cầm lá thư từ tay tôi, đọc những nét chữ nắn nót mẹ tôi viết, anh trưởng thôn gật gù.
- Thế cũng được, trả bằng tiền cho tiện. Miễn là bà Hon trả được cho người mà bà mang ơn, sau này bà ấy có nhắm mắt cũng yên lòng.
Tôi đem món tiền ấy đến gặp Sáng - anh là hiệu phó phụ trách điểm trường mới này, cũng là bạn học với tôi. Tôi kể lại câu chuyện và nhờ anh làm cái việc mà cách đây gần hai chục năm cha tôi đã từng làm. Tìm một gia đình khó khăn để giúp họ thoát nghèo khó phần nào. Sáng cảm động nhưng vẫn nói đùa:
- Liệu có phải bảo họ đưa tấm ảnh để sau này còn nhớ ra nhau không đấy? Mà vợ ông cũng có tính hay đa nghi như mẹ chồng, khà khà…
Tôi cười. Tôi nhớ đến nụ cười của bà Hon. Nhớ đến câu nói của bà trước khi tôi ra về:
- Thầy Đàm chỉ lên đây dạy tăng cường vài tháng nhưng thầy kịp dạy cho cả dân bản lẽ sống chứ không chỉ dạy bọn trẻ đâu. Mà dân bản cần lẽ sống nhất đấy!
Tháng 5, nhìn những thửa ruộng bậc thang đã thấy ưng bụng lắm rồi. Đúng là có dầm mưa dãi nắng mới có lúc thảnh thơi chờ đổ thóc vào thùng. Dưới suối bọn trẻ con chí chóe nô đùa, trên sàn mấy cụ già bỏm bẻm nhai trầu, uống nước trà xanh trong sắc chiều Tây Bắc.