(HBĐT) - Lướt qua góc chợ nơi bán hàng hoa quả, khứu giác tôi bị đánh thức bởi mùi hương quen mà lạ. Ngoái nhìn, thị giác tôi lập tức bị cuốn hút bởi chiếc sọt tre xinh xắn đựng những quả tròn lẳn, vàng ươm. Thị…! Tôi thốt lên như chỗ không người rồi quay lại vồ vập, hít hà.



Những quả thị đẹp mắt vẫn tỏa hương thơm trong nhịp sống hiện đại. 

Chị bán hàng nhanh nhảu: Thị nhà chị đấy thơm lắm, mua đi em.
Vâng! Mua chứ. Lâu lắm rồi em mới thấy quả thị. Bỗng chốc tôi thấy chị bán hàng thật gần gũi, thân quen. 
Chọn những quả chín mọng, to tròn, vàng ươm không vết nám tôi rảo bước về nhà trong cảm xúc lâng lâng khó tả. Dễ hiểu thôi, bởi trong hương thị nồng nàn là khoảng trời đầy ắp những kỷ niệm tuổi thơ tôi. 
Lớn lên trong những câu chuyện cổ tích của bà, tôi đã có "cảm tình” với quả thị ngay từ thuở lên 5. Bởi, trong suy nghĩ non nớt của con trẻ tôi cứ ngỡ trong quả thị là cô Tấm dịu hiền, nết na, xinh đẹp. Lớn lên một chút tôi hiểu rằng chuyện cổ tích là chuyện tưởng tượng trong dân gian và chuyện cô Tấm bước ra từ quả thị thực ra là phép nhân hóa trong văn học để chuyện thêm phần sinh động. Thế nhưng thị vẫn là thị, vẫn là loại quả mà tôi yêu và bằng mọi cách phải giữ bên mình để ngắm, để ngửi và khi chín mềm thì có thể thưởng cái vị ngòn ngọt, chan chát, thanh thanh mà không loại quả nào có được.
Nhà tôi không có thị. Cây thị cổ thụ là của nhà bác hàng xóm, nghe nói đến gần trăm tuổi nên khá cao và xum xuê cành, nhánh. Bởi thế lũ trẻ chúng tôi không được phép leo trèo để hái quả mà chỉ chờ thị rụng để nhặt hoặc chờ có người lớn hái về. Thế nên mỗi buổi sáng tinh sương tôi lại tha thẩn ra gốc thị và lẩm nhẩm câu thần chú của bà cụ tốt bụng trong chuyện cổ tích Tấm Cám: "Thị ơi thị rụng bị bà/ Bà để bà ngửi chứ bà không ăn”!.
Thị nhặt về hay xin về tôi để trên bàn học, ở đầu giường hay bất cứ chỗ nào có thể thưởng thức được mùi hương thoang thoảng. Bước chân vào giảng đường đại học trong hành trang của tôi vẫn mang theo quả thị thơm hương. 
Thời gian đằng đẵng trôi, cuốn vào công việc mưu sinh ở nơi phố thị, tôi ít về quê hơn và mỗi lần về lại quáng quàng thăm cô dì, chú bác nên chẳng còn thời gian chờ … thị rụng. Vài năm sau, làng tôi bước vào lộ trình xây dựng nông thôn mới, đường liên xóm được bê tông hóa, mở rộng khang trang vì thế cây thị nhà bác hàng xóm cũng bị đốn chặt. Hẳn nhiều nơi khác cũng vậy, hoặc vì lý do giá trị kinh tế không cao nên dẫu đến chợ huyện, chợ xã trong những ngày thu Tháng Tám cũng chẳng mấy khi gặp người bán thị. Cứ thế theo dòng chảy của thời gian, hương thị trong tôi dần trở thành hoài niệm.
Và nay tôi bắt gặp trên phố mùi hương nồng nàn trong gió thoảng - hương thị. Tôi thoăn thoắt "nhặt” thị từ chiếc sọt tre của chị bán hàng đem về thưởng thức. Lũ trẻ ngắm nhìn những trái vàng ươm, tròn lẳn xuýt xoa: Tuyệt quá! Đã thơm lại còn đẹp mắt!. Nhìn các con đón nhận món quà quê, tôi thực sự thấy nhẹ lòng và ngẫm: Thơm từ trong câu chuyện cổ tích, không gian của làng và càng nồng nàn hơn khi được đặt trong không gian nhà cao tầng ở nơi phố thị… hương thị sẽ còn phảng phất mãi với thời gian, trong tâm hồn mỗi người con đất Việt.

Lam Nguyệt 
(Hội Nhà báo tỉnh)


Các tin khác


Dòng sông mùa gió

(HBĐT) - Hoàng hôn dần buông trên những ngọn núi, ngọn đồi sau nhà và lan trên những cánh đồng bãi. Gió vi vút thổi qua những hàng cây trước nhà, khiến không gian đỡ cô quạnh. Vừa ở thị trấn về, ông Thái thấy cửa nhà vắng hoe nên gắt:

Vầng trăng tháng 7

(HBĐT)-Tháng 7, qua những ngày oi bức nắng nóng sẽ đến những cơn mưa ngâu trút nước dầm dề. Trăng tháng 7 cũng mang chính hoài niệm u buồn. Vầng trăng tháng 7 về trên các nghĩa trang khắp cả nước, từ nghĩa trang Trường Sơn, Khe Sanh, Đường 9 đến thành cổ Quảng Trị, bàng bạc màu vàng nhạt trên sông Thạch Hãn đến ngã ba Đồng Lộc, Truông Bồn. Trên khắp đất nước hình chữ S quật cường, đầy dũng khí đều mang trên mình những gương dũng cảm hy sinh cho đất nước trường tồn. Tháng 7 về, những bông hoa loa kèn dưới trăng như đoàn quân nhạc cất lên bản hùng ca. Trăng tháng 7 về trên nghĩa trang Đồng Lộc lại nhớ các nữ thanh niên xung phong:

Thạch Sanh tân truyện: Tham thì thâm

(HBĐT) - Thấy cuộc sống của chàng rể quý và con gái yêu chỉ trông chờ vào những gánh củi và muông thú trong rừng sâu, núi thẳm còn nhiều kham khổ, phụ vương cũng trăn trở lắm. Nhằm tạo điều kiện cho con cháu có thêm thu nhập, vua cha khuyên nhủ: Con làm hồ sơ thành lập doanh nghiệp xây dựng, cố gắng chăm chỉ, quản lý chặt chẽ, chịu khó lấy công làm lãi. Công trình thì không sợ thiếu đâu, đấu thầu hay chỉ định thầu ta sẽ hỗ trợ, chỉ cần làm ăn nghiêm túc, đừng có tham lam quá mà xà xẻo, bớt xén, ảnh hưởng đến chất lượng công trình ta sẽ không nương tay đâu.

Mùa hoa năm ấy

(HBĐT) - Sớm nay trời se lạnh, đám trẻ đầu ngõ nhốn nháo vây quanh đốm lửa được nhóm bằng ít gỗ vụn của bác thợ mộc già, Thảo nghe chúng kháo nhau: "Trường tao hôm nọ có một cây bằng lăng to bị gió quật đổ, cây ấy mà đốt thì chắc cháy được lâu lắm”. Một đứa tỏ ra thông thạo: "Cây bằng lăng không cháy mấy đâu, chắc chỉ toàn khói thôi”. "Sao mày biết?” - có đứa vặn lại. "Thì… cây nào có hoa đẹp chắc gỗ sẽ không tốt”…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục