(HBĐT) - Sớm nay trời se lạnh, đám trẻ đầu ngõ nhốn nháo vây quanh đốm lửa được nhóm bằng ít gỗ vụn của bác thợ mộc già, Thảo nghe chúng kháo nhau: "Trường tao hôm nọ có một cây bằng lăng to bị gió quật đổ, cây ấy mà đốt thì chắc cháy được lâu lắm”. Một đứa tỏ ra thông thạo: "Cây bằng lăng không cháy mấy đâu, chắc chỉ toàn khói thôi”. "Sao mày biết?” - có đứa vặn lại. "Thì… cây nào có hoa đẹp chắc gỗ sẽ không tốt”…


C.B (ST)

Những lời nói vu vơ của đám trẻ như vọng vào lòng Thảo, sắc hoa ấy là biết bao kỷ niệm buồn vui tuổi học trò… 

Chính cô cũng chẳng thể tin nổi mình sẽ trở thành một giáo viên, lại còn là giáo viên giỏi của huyện. Nơi Thảo sống là một thị trấn nhỏ khá xa thành phố, nhưng cuộc sống khá bình yên. 

Mười năm trước, khi còn là một cô học trò miền núi, mẹ là giáo viên tiểu học, bố cô làm vườn, từ nhỏ, hai chị em Thảo lúc nào chân tay cũng lem luốc đất đồi đỏ au. Lên 5 tuổi, chẳng biết vì sao, bố mẹ cô đã khai đủ tuổi để cô vào ngồi lớp 1 với cái đám "anh chị” trong xóm. Suốt những năm đi học, dù làm văn hay giải toán, nhảy cao, nhảy xa hay chạy dài, nói tiếng Anh…, việc gì Thảo cũng là người không nhất thì nhì trong lớp. 

Vào học THPT trường huyện, Thảo được một người bạn trai để ý mà lại là một "hot boy” của trường. Thoạt đầu, cô chẳng mấy cảm tình với đám trai thị trấn lắm bởi đứa nào cũng béo trắng, quần áo đắt tiền và ham chơi. Trông chúng nó không khác gì con chuột bạch nuôi nhốt trong lồng. 

Chiều Chủ nhật cũng là ngày giỗ bà nội, Thảo ra trường muộn. Cô hớt hải đạp xe hơn 10 km ra thị trấn. Con đường từ nhà đến trường mấy bữa nay thường bị tắc phải cấm đường để các chú công nhân nổ mìn phá đá. Thị trấn giờ gà lên chuồng nhá nhem, kẻ xuôi người ngược đến hoa mắt. Thảo quyết định đi qua cái ngõ hẹp là lối tắt về khu trọ, vừa lách được bánh xe ra, cô đâm vào một cái xe đạp đi cắt phía trước mặt. Hai cái thùng sơn phía sau chiếc xe kia đổ ra bắn tung tóe vào cả quần áo cô. Thảo nhận ra cái mùi của nước gạo, bỗng rượu…

Thế là từ đó cô với Tuấn thân nhau. Hóa ra, chiều tối nào cậu ta cũng đi khắp các nhà quen xin nước gạo, cơm canh thừa về phụ mẹ nuôi đàn lợn. Nhìn Tuấn thư sinh, trắng trẻo lại học giỏi, ai ngờ cậu ấy mồ côi bố từ sớm. Tuy học khác lớp nhưng hai đứa vẫn hay gặp nhau. Với mọi người thì Tuấn rụt rè, Thảo thì lạnh lùng khó gần, vậy mà khi hai đứa găp nhau lại tự nhiên nói cười. 

Thảo nghe nói, trong đợt thi thử vừa rồi, điểm môn toán của Tuấn thấp nhất khóa. "Đấy! Đỏ cái này thì đen cái kia, trai gái lắm vào”- tụi con trai mỗi khi thấy Thảo đi thường hay bóng gió như thế. Cô căm ghét bọn chúng, cô và Tuấn không phải là mấy đứa hư hỏng quen cập kè. Nhưng đúng là đợt này Tuấn lơ là chuyện học thật. Không biết vì bận việc nhà hay vì sao mà có vẻ Tuấn hờ hững cả với cô.

Cuối cùng, Thảo cũng nhận được từ Tuấn một câu trả lời: "Tuấn sẽ không thi đại học, Tuấn đi bộ đội. Mẹ Tuấn giờ yếu rồi, Tuấn đi học mẹ tự lo cho mình còn khó thì lấy tiền đâu lo ăn học cho Tuấn…”.

Đến kỳ thi tốt nghiệp THPT, các môn khác đều suôn sẻ nhưng riêng môn Toán đúng là cửa ải lớn nhất. Ngồi cùng  phòng thi nên run rủi thế nào, đến buổi thi Toán thì Tuấn lại ngồi gần cô. Ngay từ lúc phát đề, liếc nhìn sang cô đã biết cậu ta đang run. 

Cả phòng thi im phắc, thi thoảng có tiếng ai đó thở dài. Đang mải tính toán nhưng Thảo vẫn biết đó là... Bỗng nhiên, cô nghe thấy tiếng cậu ta gọi khẽ:

- Thảo…

Thảo quay sang đã thấy Tuấn đặt giữa chỗ ngồi của hai người một bông hoa bằng lăng rất đẹp. Giám thị coi thi hôm ấy là một cô giáo đã có tuổi và một thầy giáo trẻ. Thầy có vẻ lơ là nhưng cô giáo thì khá tinh, mấy lần lượn qua chỗ hai người ngồi với ánh mắt dò xét.

Thảo đã giải xong mấy bài khó nhất, chăm chú xem lại kết quả sau khi đã lén lấy một mảnh giấy nhỏ xíu, ghi kết quả rồi đặt dưới bông bằng lăng. Chắc vì quy định phòng thi không được có các vật lạ, cô giám thị bước đến định nhặt bông hoa ném ra cửa thì thầy giáo trẻ bước đến:
- Sao đấy chị? 

Thảo bỗng nghe thấy tiếng cô giáo nói khẽ: "Hình như có cái gì đó giữa hai đứa, tại sao nó để bông hoa bằng lăng kia?”. Tim Thảo như muốn bắn ra khỏi lồng ngực. Từng ấy năm đi học, đây là lần đầu tiên cô làm một việc cảm thấy xấu hổ nhất, nhưng nếu cô không giúp Tuấn, chắc chắn Tuấn sẽ không qua được môn Toán. Chỉ là mấy con số thôi mà - Thảo tự an ủi - còn bài toán cho cuộc đời phía trước, có lẽ Tuấn sẽ phải tự giải một mình. "Có lẽ… chỉ là tuổi mộng mơ áo tím thôi chị à” - thầy giáo nói xong khẽ mỉm cười liếc nhìn chiếc áo màu tím của Thảo. Có điều, cả buổi thi hôm ấy, cô thấy Tuấn không hề động tới bông hoa dù biết chắc cậu ta cũng nhìn thấy miếng giấy đó.

Kỳ thi qua đi, Thảo tốt nghiệp và thi vào một trường đại học sư phạm. Tuấn phải thi lại lần hai mới đủ điểm tốt nghiệp. Không biết vì lẽ gì, sau cái buổi thi môn Toán ấy, giữa hai người có một sự ái ngại. Ra trường, Thảo về một thị trấn nhỏ ở quê để thi tuyển biên chế, Tuấn chắc cũng đang đóng quân ở một nơi nào đó. Như một thói quen, trong những giờ coi kiểm tra, Thảo thường bâng khuâng nhìn ra sân trường nơi có hàng bằng lăng tím. Có lẽ chỉ loài hoa ấy hiểu có một lần trong đời cô đã làm cái việc đáng xấu hổ. Không biết ngày đó Tuấn nghĩ gì? Tuấn sợ liên lụy đến cô hay cảm thấy xấu hổ vì sự giúp đỡ ấy chăng?

Sân trường hôm nay nhộn nhịp bởi có đoàn sinh viên về tham gia các hoạt động xã hội. Từ bao giờ cô mới được sống lại không khí sôi nổi của thời sinh viên. Các bạn sinh viên có lẽ chỉ kém Thảo chừng dăm, bảy tuổi nhưng lễ phép chào "cô” khi nhìn tấm thẻ đeo trên ngực áo Thảo. Sau những tiết mục văn nghệ là bài phát biểu của giảng viên trưởng đoàn. Đó là một người còn trẻ mặc áo sáng màu, nhẹ nhàng bước lên bục. Thảo đang mải xem chiếc điện thoại đột nhiên nghe một giọng nói ấm áp vang lên. Mắt cô như mờ đi… Trời ơi là Tuấn. Cô bé sinh viên có khuôn mặt xinh xắn ngôi gần cô thủ thỉ với bạn: "Thầy Tuấn ngày xưa từng qua lính nên nhìn "chất” thật mày nhỉ?” Thảo bàng hoàng. Vậy là Tuấn đã vượt qua tất cả để có ngày hôm nay. Nếu như hôm ấy, Tuấn nhận sự giúp đỡ của cô thì biết đâu… Thảo lặng lẽ náu mình giữa đám đông cho đến khi đoàn xe ra khỏi sân trường. Hàng bằng lăng trong gió se lạnh miên man bao kỷ niệm…

Truyện ngắn của Bùi Việt Phương

Các tin khác


Miền sóng xanh

(HBĐT) - Cũng không thể ngờ, tôi lại có dịp trở lại làng chài này, dù thâm tâm chẳng bao giờ quên, cùng bao dự định muốn gặp lại. Làng Bãi Dương… Ừ, sau mấy chục năm chứ ít đâu. Ngày nào về đây cùng anh Lam và thằng em họ, tôi mới chỉ là đứa trẻ 12 tuổi ngây dại. Giờ tóc muối tiêu rồi.

Đừng “phũ” với thiên  nhiên!

Bác ạ! Gớm ! Sáng sớm bác làm gì mà em gọi mãi không nghe máy thế?

Quán nước ven đường

(HBĐT) - Mấy ngày nay, sức khỏe bà Miên có vẻ khá hơn. Sáng bà dậy sớm, lại loạt xoạt tiếng chổi quen thuộc ngoài hiên. Khi đứa cháu nội bê đĩa bánh cuốn mời, bà vẫn xơi được 5 - 7 miếng. Rồi bà bảo cô con dâu mở ti vi. Tiếng phát thanh viên đang giới thiệu về một bài hát truyền thống cùng giai điệu trữ tình vang lên, khiến căn nhà thêm vui, thêm ấm. Nắng đã chảy tràn trên những hàng cau và giàn trầu trước nhà. Tiếng ve ran phía vườn xa vọng lại. Cả nhà mừng thầm khấp khởi.

Lá phiếu

Tháng 5, nhìn những thửa ruộng bậc thang đã thấy ưng bụng lắm rồi. Đúng là có dầm mưa dãi nắng mới có lúc thảnh thơi chờ đổ thóc vào thùng. Dưới suối bọn trẻ con chí chóe nô đùa, trên sàn mấy cụ già bỏm bẻm nhai trầu, uống nước trà xanh trong sắc chiều Tây Bắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục