Anh rào đón gần xa: "Năm nay thấy cụ nhà mình tâm trạng quá, nên có thêm các chú chắc chắn sẽ thấy ấm lòng hơn… Mấy hôm nay lại thấy cụ mang đồ chú Hà ra phơi phóng, rồi ngồi tỉ mẩn chuốt từng nếp áo, nếp quần. Bộ quân phục hải quân đã phai cũ lắm rồi”. Anh Hà là con út của gia đình, lính hải quân đã hy sinh trên biển cách đây cũng mấy chục năm rồi. Thời mà các phương tiện thông tin đại chúng đang dồn dập các bản tin về biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc với những cụm từ quen thuộc như "điểm chốt”, "điểm tựa”, biên cương… Còn về biển đảo, quen và thường xuyên nhất vẫn là bài hát "Nơi đảo xa” của nhạc sĩ Thế Song. Sau này, tần suất tuyên truyền về biển đảo mới dày và phong phú hơn. Anh là lính công binh, nhưng lại có chuyến đi biển dài ngày và vĩnh viễn nằm lại với biển khơi.
Anh Hà không cùng lứa với chúng tôi, nhưng hồi còn thanh thiếu niên vẫn có nhiều cuộc tham gia cùng nhau. Người miền núi trung du nhưng anh lại có tài bơi lặn. Nghĩ những buổi nhóm choai choai trèo lên cây gạo ở bờ sông rồi nhảy xuống mà nhớ. Cũng là chơi dại. Hun hút cao, sâu mấy chục mét. Mạnh bạo đó, cũng vì thế mà đi đâu, làm gì cũng thấy tự tin. Tôi nhớ nhất lần anh một mình dám đương đầu với mấy tên trai làng bên dám "cấm vận” chuyện trai lạ tán gái làng mình. Từ vụ đấy, việc thăm hỏi, các mối quan hệ anh em bạn bè giữa các xóm hanh thông hơn. Anh không cao lắm, tròn lẳn như nắm cơm vậy sao mà có đôi chân nhanh thoăn thoắt, ra và vào, công thủ toàn diện. 3 thằng kia bị khuất phục, nhưng anh cũng phải bóp thuốc hết tuần. Sau lần đó, mớ tóc xoăn, dài lãng tử của anh được cắt tỉa gọn hơn, nhìn rõ phong độ. Nhìn bên ngoài có vẻ "phớt ăng lê” nhưng anh lại là người sống tình cảm. Hồi anh mới nhập ngũ ít gửi thư về cho mẹ, cho anh trai lắm vì không muốn biểu lộ tình cảm, nhưng khi gửi về cho nhóm bạn anh cũng không giấu nổi lòng mình. Anh bảo, nói tâm tư để mẹ và gia đình biết mọi người sẽ không yên tâm. Chuyện bà cụ Hóa hay đau khớp gối mỗi khi thay đổi thời tiết, món cụ ăn hay dị ứng được anh chia sẻ kỹ lắm... Cả chuyện hôm lên đường, không muốn cụ đưa tiễn, dùng dằng dễ mủi lòng lắm. Còn lại là những câu chuyện nơi đóng quân, tình đồng đội; chuyện nắng gió, sóng bão, lên rừng xuống biển... Ừ, chí làm trai mà. Ngán gì... Anh Hóa có lần nhắc về em trai khiến mấy thằng chúng tôi cũng rơm rớm nước mắt: "Hồi nhỏ, gánh lúa, gánh củi… chú ấy bao giờ cũng tranh gánh nhiều hơn các anh, các chị. Bảo em khỏe, cứ để em giúp. Mặc dù mẹ luôn nhắc, còn nhỏ tuổi làm nặng quá là "chột” lớn đấy. Ăn thì luôn nhường món ngon cho mẹ, cho chị… Trước mấy ngày lên đường còn lên đồi lấy cho mẹ bó lá thuốc ngâm chân”. Anh Hà là thế đấy…
Bà cụ Hóa giờ đi lại phải có người dìu nhưng vẫn cố vịn vai các cháu ra khu bàn thờ. Nhìn một lượt cụ nhắc: "Anh cả Hóa… chai nước biển đâu?”. Vợ anh Hoá lập cập chạy đến và đỡ lời: "Bà ơi, con đặt ở phía ảnh chú út đó”. Lúc ấy nét mặt bà cụ như dãn ra thư thái hơn. Không gian như lắng lại trong mùi hương trầm. Lọ hoa cúc trắng xen lẫn những cành lưu ly tím.
Năm có, năm không nhưng năm nào cũng vậy, cụ không quan tâm đến các con cháu bày biện mâm cao cỗ đầy thế nào, nhưng cụ chỉ chăm chăm vào chai nước lấy từ biển. Hồi cụ còn khoẻ, nhúc nhắc đi biển cùng con cháu, cụ bao giờ cũng mang về chai nước biển và đặt lên bàn thờ. Gần 10 năm nay cụ không đi nữa nhưng luôn nhắc con cháu chuyện đó. Anh Hoá rơm rớm nước mắt: "Lần đi biển ở miền Trung cả nhà tôi tá hoả khi nửa đêm tỉnh dậy không có cụ ở phòng. Cả mấy người nháo nhác chạy đi tìm. Ra bãi biển, mọi người đứng như trời trồng khi thấy cụ ngồi im phăng phắc trên bờ kè, mặt hướng về biển khơi, cùng những lời khấn thủ thỉ…”. Đêm đó, gió lồng lộng thổi, còn sóng biển trào trắng bờ…
Anh Hóa là một doanh nhân khá thành đạt, nên việc tổ chức cho gia đình đến các vùng biển để du lịch là điều không khó. Nhưng chuyến đi biển đó là chuyến cuối. Những mùa hè sau, nói thế nào cụ cũng thoái thác đổ lỗi cho xương cốt, mình mẩy đau nhừ, say xe. Sau này, qua kênh các bạn già của cụ, gia đình mới biết được lý do cụ không đi biển vào những mùa tiếp theo. Cứ nghĩ đi về miền biển để được gần con hơn, nhưng đến rồi mới thấy thế nào là nghìn trùng sóng vỗ, nghìn trùng cách xa. Càng không thể kìm nén nổi… Cho nên những năm sau này cụ không thể trở lại… Nhưng chai nước biển thì không thể không có.
Hôm nay ngày giỗ anh Hà… Chẳng có nước mắt đắng đót rơi trên gò má đã nhăn nheo, ánh mắt thì cũng đã mờ đục, hướng về chốn chốn xa xăm, mông lung nào đó, nhưng tôi như đang thấy sóng vỗ trong lòng cụ. Đứng cạnh khung ảnh anh, tay áp lên chai nước biển, cụ như đang thầm thì điều gì đó. Anh Hà vẫn trẻ trung, khỏe khoắn và mạnh mẽ trong mắt cụ như ngày lên đường. Hồi đó anh ngoài 20 với nụ cười thật sáng trong nắng sớm đầu xuân… Anh đi mà chưa một lần trở về thăm mẹ, thăm quê hương.