Hình như ký ức, kỷ niệm là một loại gia vị thần kỳ hay sao ấy... Tôi đã ăn rất nhiều món ăn có cái tên nghe thật lạ, thật hay - những thứ mà ngày còn ở căn nhà tuổi thơ này chỉ có thể nghe hay nhìn thấy trên vô tuyến. Nhưng rốt cuộc lại chẳng có món ăn nào bì được bát canh rau, miếng cá kho của bà nội. Những món ăn được bà nấu bằng cả sự trông ngóng, tình yêu thương. Có lẽ nhà của ông bà là nơi duy nhất mà tôi không cần phải tính xem hôm nay ăn gì, vì thực đơn của bà luôn dựa theo sở thích của các cháu - những thói quen ăn uống ngày còn nhỏ. Chúng tôi có thể lớn lên, thay đổi khẩu vị và có thêm nhiều sở thích mới. Nhưng chỉ cần bước vào căn nhà tuổi thơ, dường như tôi lại được thu bé lại, khi mà mái đầu vẫn chỉ đứng đến ngang vai ông bà, bị bố mẹ mắng đôi câu là mếu máo chạy đến bên người tìm nơi bênh vực. Và cũng thế, vị giác như cũng có bộ nhớ của riêng nó, để biết rằng miễn là món ăn do bà nấu thì đều ngon hơn tất thảy sơn hào hải vị.
Tôi ngồi rửa bát ở nhà sau, trông ra khoảng sân nắng phủ dày. Thật chẳng sai chút nào khi gọi căn nhà của ông bà nội là một "chiếc rương cất giữ kỷ niệm”. Mọi thứ thuộc về nơi này, từ nhành cây, ngọn cỏ đều là nhân chứng cho một thời bé thơ của tôi. Nó nhắc tôi rằng trước khi là một người trưởng thành với biết bao lo toan, tôi cũng từng là một đứa trẻ, rằng tôi có thể gồng mình ở nơi thành phố lớn hoa lệ, nhưng về với nội, tôi được quyền nhỏ dại, được quyền vứt tạm những áp lực ra khỏi đầu, vô lo vô nghĩ ăn bữa cơm giản dị. Liệu dáng hình của đời người có phải là một hình tròn, giống như đường pitch bao quanh sân vận động? - nơi mà đích đến cũng chính là điểm bắt đầu. Càng lớn lên ta lại càng cố tìm kiếm những thứ thuộc về ngày xưa ấy. Trẻ con rồi sẽ thành người lớn, nhưng người lớn rồi nào có ai trẻ lại được. Chỉ có căn nhà của ông bà nội là vùng trời kì diệu, nơi thời gian được khóa lại vào cái ngày tôi còn là một đứa trẻ được ông nội cõng trên lưng.
Tôi chạm tay vào cánh cửa cũ kỹ, lớp sơn đã tróc từng mảng, chợt nhớ ra đây chính là nơi ẩn náu yêu thích của tôi mỗi lần chơi trốn tìm với mấy đứa em. Khi ấy chỉ cần đứng nép sau cánh cửa là chẳng ai có thể tìm ra, giống như vòng tay của ông bà nội ngày xưa ôm trọn được những ấm ức thơ ấu mà vỗ về. Rồi khi trưởng thành, cũng chính sự chở che hồi bé lại tiếp tục ru vỗ tôi mỗi khi mỏi mệt. Căn bếp nhỏ của ông bà vẫn thoang thoảng mùi khói bếp củi. Mỗi ngóc ngách của căn nhà dường như đều có một phần ký ức của tôi trú ngụ, kể cả đó là tiếng leng keng của chùm chìa khóa bà nội hay treo trên tay nắm cửa, tiếng bước chân ông nội trước kia vẫn thường chậm rãi đi dạo dọc vườn rau, hay tiếng gà cục tác trong ổ rơm. Tôi biết ơn biết mấy khi mình vẫn có một nơi để trở về - không phải để níu lấy quá khứ đã chảy trôi theo dòng thời gian tuyến tính, mà là để nhắc nhớ bản thân rằng mình luôn được yêu thương đến thế. Và tôi biết, ngày nào vẫn còn có thể ngồi cùng bà bên mâm cơm nóng hổi tình yêu thương, thì ngày ấy tuổi thơ tôi vẫn còn tiếp diễn.