(HBĐT)- Đã khuya rồi mà Hương không sao chợp mắt được. Không phải vì ngày mai được đi chợ Tết. Hương nhìn lên mái nhà rồi co tròn trong chiếc chăn bông, dưới là chiếc đệm bông lau trải trên sàn, gió dưới sàn vi vu. Hương nghĩ một ngày đi xe về quê có đến trên 100 km nên tối về mới ngấm mệt, may mà Hương không say xe, nếu say thì còn mệt lả hơn nữa.
Năm nay, Hương đã bước sang năm thứ tư của đại học y Hà Nội. Mỗi lần về quê, Hương thường khám - chữa bệnh, thăm nom bà con thôn, bản hay tư vấn cho bà con dùng thuốc cho đúng bệnh. Hương được bà con tấm tắc khen là bác sĩ của quê mình đẹp người, đẹp nết. Nghe bà con khen, Hương mừng nhưng lại nghĩ được lời khen đã quý nhưng cái quý hơn là đem sự hiểu biết của mình phục vụ bà con lúc về quê. Hương nhớ mãi, hồi còn học phổ thông, cái đêm 30 trời tối như mực, mưa phùn lất phất, đường trơn. Chị Mận xóm bên đau đẻ, cả nhà, cả xóm lo lắng lấy võng cáng ra bệnh xá xã. Bệnh xá đêm 30 vắng người lại đưa nhau cáng chạy bộ về bệnh viện huyện với đoạn đường trên 10 km. Đến nơi, nhờ bác sĩ trực, đỡ thằng bé ra đời sau lúc giao thừa năm Kỷ Mão, năm cầm tinh con mèo, năm nay, cháu bé đã học lớp 6. Nhìn cảnh gian nan đó, Hương mơ ước học tập để sau này trở thành thầy thuốc quê hương. Nghĩ vậy, Hương thiếp đi lúc nào không hay. Ngoài trời đêm 28 tháng chạp, trời tối đen, gió nhẹ thổi những tàu cau, cành ổi, lao xao, đường làng, tổ điện nông thôn Tết đến mắc mấy bóng để soi sáng đường thôn, đội tuần tra đi lại cho tiện, giữ gìn an ninh an toàn mấy ngày Tết vui xuân. Đầu hồi nhà, gà vỗ cánh gáy sáng, trời đã tờ mờ, đồng hồ đã chỉ hơn 5giờ sáng, Hương còn ngái ngủ trời lại rét nên cố nán ngủ thêm. Dưới sân, dưới sàn nhà Hương, nghe tiếng bố mẹ quét dọn. Sắp đặt nong, tấm phản để lau lá dong, vo gạo nếp chuẩn bị gói bánh. Tiếng bà vọng vào:
- Cái Hương dậy đi để cùng bà đi chợ Tết. Chợ Giát quê mình những ngày giáp
Tết là đông vui lắm đấy.
Nghe tiếng bà gọi, Hương chồm dậy:
- Vâng, có cháu đây, bà chờ cháu một lúc.
Bà Hương năm nay bước sang tuổi 73 cũng sinh năm Kỷ Mão, đã móm mém, cười lộ vài cái răng đen.
Nghe bà cháu nói chuyện, bố mẹ Hương bảo:
- Bà cần gì bảo cháu nó phóng xe vèo một tý là xong hay để chúng con mua cho chứ già rồi, đi lại lập cập, ngã thì khổ con cháu.
Thấy bà không nói gì, cứ lặng lẽ chuẩn bị cho buổi đi chợ Tết nên bố mẹ Hương không dám ngăn, còn Hương thì thích thú, mỗi năm có một lần chợ Tết, chợ quê vui mà chân chất tình cảm, gặp nhau là hỏi thăm Tết chuẩn bị đến đâu rồi. Hương nở nụ cười vì được bà tin tưởng. Dìu bà bước xuống màn thang, bố Hương gọi Hương đến giao nhiệm vụ chớ có theo bầu, theo bạn đàn đúm lâu ngày gặp nhau rồi bỏ lạc bà giữa chợ đông. Phải cầm tay bà đi cẩn thận, cấm nhớn mắt nhìn ngang, nhìn ngửa... mẹ Hương còn day day ngón tay lên trán con gái âu yếm dọa:
- Nếu bà làm sao thì mày...
Hương vâng dạ lia lịa.
- Bố mẹ cứ yên tâm, con sẽ làm vệ sĩ tích cực cho bà.
Mới tảng sáng mà người đi chợ đã đông. Hương một tay xách cái làn, một tay dắt bà, con đường đi ra chợ đã được rải bê tông, tiếng người nói, cười, tiếng chân nhộn nhịp. Những chú gà trống cố dướn cổ ra khỏi lồng tre gáy te te báo sáng. Nhưng cuộn lá dong vẫn còn ngậm sương đem về phiên chợ. Những gánh bưởi, cam một màu chín vàng, những gánh chuối xanh, gánh hồng chín mọng đang chen nhau vào kịp chợ. Anh thanh niên người Dao, lưng gùi đầy quả phật thủ, đặc sản vùng cao phảng phất mùi thơm, len người bước vội.
Hương nhìn dãy quán mái ngói mới xây chạy dài. Ngọn đa, cành đa tỏa che các mái quán, bà bảo cây đa có dễ hàng trăm năm rồi vẫn thế, vẫn xum xuê cành lá và thân cây xù xì to mấy người ôm không xuể, những rễ phụ thõng từ trên cao xuống như những cánh tay.
Bà nhìn cây đa, mắt già nheo nheo, bà nói:
- Năm cách mạng về, cây đa này là nơi xuất hiện trên cao lá cờ đỏ sao vàng. Thấy cờ cách mạng, cả làng, cả bản náo nức, đêm về đỏ đèn, đỏ đuốc, những bước chân rầm rập, tiếng cồng, tiếng trống vang vọng núi rừng. Đứng trên gò đất cao dưới bóng cây đa là bác Chẩy nói rõ nước mình được độc lập, dân khỏi nô lệ, Chính phủ về rồi, Cụ Hồ về rồi. Bà nhớ rất rõ cây đa làng ta một chứng tích của một thời đấu tranh cách mạng.
Chợ càng gần đến trưa càng vui, càng đông, hàng nối hàng, ngang dọc. Bà đến hàng thổ cẩm, cầm tấm vải, hỏi mua. Hương hỏi bà:
- Bà mua những mấy mét, nhiều thế?
- Cháu thử đoán bà mua để làm gì?
Hương cười, ôm vai bà:
-Ôi, cháu chịu thôi.
Bà cười:
- Cháu gái ngốc, bà sẽ may làm vỏ chăn. Ruột bông quê mình mà có vỏ là vải thổ cẩm như vậy vừa đẹp, vừa ấm, vừa bền.
Đến hàng tranh, bà nhìn rồi lẩm bẩm:
- Toàn là tranh cô gái, nhà lầu, ôtô, bà muốn mua tranh dân gian thôi.
Hương nhìn ra phía xa rồi dắt bà ra đó, ở đây toàn tranh dân gian:
- Đám cưới chuột, hứng dừa, cá chép, gà trống. Bà chỉ vào bức tranh con mèo đang vờn chuột. Mắt mèo sáng, lưng cong lên, đuôi dựng đứng, một chân đang vờn, ba chân co chụm lại. Bà ưng ý, năm mão, năm cầm tinh con mèo, bà mua về treo cho đúng cái Tết Tân Mão.
Bà nói với Hương:
- Tết con mèo, bà cũng cầm tinh con mèo (Kỷ Mão), cháu cũng tuổi mèo (Đinh Mão) treo tranh con mèo là ý nghĩa lắm đây.
Bà cười, nụ cười mãn nguyện của người già giữa cái nắng hiếm hoi của những ngày đông cuối năm.
Đến hàng chiếu, những chiếc chiếu hoa sặc sỡ, đủ kích cỡ, màu sắc. Người bán giới thiệu đây là chiếc cói Kim Sơn (Ninh Bình), đây là chiếu cói Nga Sơn (Thanh Hóa). Chiếu nào cói cũng đều, dệt dày và mịn. Có chiếc in chữ thọ ngay ngắn, có chiếc in đôi chim bồ câu cùng ngậm sợi tơ hồng cạnh chữ song hỷ đỏ như son. Bà trả tiền mua đôi chiếu chữ thọ, Hương lấy làm e ngại, chợ đang đông vác chiếu kềnh càng khó chịu lắm, nhưng chiều ý bà, Hương ôm chiếu, tay dắt bà. Giữa đám đông, có mấy thanh niên đang mua quần áo, nói lời bông đùa:
- Em ơi, bán chiếu không, anh mua, anh sẽ mua cả.
Hương đỏ mặt, đi sát vào bà bước vội. Nghe lời trai bông đùa cháu gái mình, bà lại nhớ chuyện năm xưa, cái năm cách đây hàng nửa thế kỷ, bà rầm rì kể:
- Ngày đó, phiên chợ Tết, bố mẹ sai bà xách lồng gà trống choai, gà dò ra chợ bán, gặp mấy anh trai làng đi chơi chợ. Hồi đó đi mua thì ít mà đi chơi chợ thì nhiều. Mấy chàng trai trêu bà:
- Ún à, bán gà, eng mua cho, nếu ún bằng lòng, eng mua cả.
Hương hỏi bà:
- Thế bà có bán được gà không?
- Đồ “phải gió”, họ chỉ trêu còn mua bán gì đâu. Cuối cùng rồi bà cũng bán lồng gà cho người ở xuôi lên.
Mặt trời đã lên đỉnh đầu, Hương giục bà về. Trên đường về thôn xóm, hàng hóa trên tay, trên vai, trên xe đạp, xe máy nhộn nhịp đi về. Đến nhà, ngõ đã được dựng lá cờ, cờ đang bay nhẹ trong nắng trưa mùa đông. Cả nhà đang chuẩn bị cho một cái Tết ấm no, đủ đầy.
Bước lên màn thang, thả người ngồi xuống ghế, duỗi đôi chân cho đỡ mỏi, Hương thấy vui. Niềm vui chợ quê thân tình, ấm áp.
Văn Song (T.T.V)