Thành phố Hòa Bình hôm nay.

Thành phố Hòa Bình hôm nay.

(HBĐT) - Đến nay, vừa tròn 25 năm tỉnh Hoà Bình được tái lập. 1/4 thế kỷ qua là giai đoạn đánh dấu tiến trình phát triển vượt bậc và toàn diện trên mọi lĩnh vực của tỉnh Hoà Bình mà trong phạm vi bài viết này chỉ có thể khái lược một số thành tựu nổi bật.

Bài 2:  Khái lược thành tựu 25 năm  đổi mới và phát triển  

Với niềm phấn khởi của những năm được tái lập tỉnh, Đảng bộ và nhân các dân tộc tỉnh Hoà Bình đã phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, bất khuất vượt qua mọi khó khăn, thử thách, cần cù, hăng hái thi đua lao động - sản xuất, khai thác hiệu quả các thế mạnh như đất đai, rừng núi, nguồn lao động và trí tuệ xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Đến nay, đời sống kinh tế - văn hoá - xã hội, an ninh - quốc phòng của tỉnh có những bước tiến vượt bậc. Diện mạo đô thị, nông thôn đổi thay rõ nét, ngày càng khang trang, hiện đại.  

Cảm nhận về sự phát triển mạnh mẽ của tỉnh Hoà Bình sau 25 năm tái lập, ông Bùi Kim Thanh, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chia sẻ: Không thể hình dung nổi sự đổi mới và phát triển của tỉnh nhà về KT -XH đến mức độ lớn như ngày hôm nay. Sau 1/4 thế kỷ tái lập tỉnh, điều dễ nhận thấy nhất là sự đổi thay cơ sở vật chất, hạ tầng KT-XH. Nhà cửa, công sở được xây dựng theo quy hoạch vừa hiện đại, to đẹp, vừa mang đậm bản sắc của nền văn hoá xứ Mường nơi cửa ngõ Tây Bắc của Tổ quốc. Trụ sở Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, UB MTTQ và các sở, ban, ngành đã và đang được xây dựng  khang trang, hoành tráng. Khu vực Quảng trường trung tâm tỉnh đang được khẩn trương xây dựng trên diện tích hàng trăm ha toạ lạc trên đầm Quỳnh Lâm đầy lau sậy xưa. Cạnh đó là khu một cơ quan hành chính tỉnh mọc lên san sát, hiện đại, cao tầng mà nổi bật là toà tháp đôi sừng sững trụ sở Công an tỉnh. Cầu Hoà Bình được xây dựng kiên cố từ năm 2000 trở thành huyết mạch giao thông nối hai bờ sông Đà sau bao năm cách trở đò ngang. Dọc hai bên bờ sông giờ đây là những tuyến đường mới mở đã và đang tiếp tục được thảm nhựa hứa hẹn sầm uất dịch vụ - du lịch trong tương lai. Thành phố Hoà Bình và các thị trấn, thị tứ, khu công nghiệp mọc lên san sát nhà máy, cửa hàng, khách sạn, siêu thị, trung tâm thương mại, chợ trung tâm... Bộ mặt làng, bản, xóm, phố đổi thay bởi cơ man những công trình xây dựng kiên cố, khang trang, to đẹp. Điện lưới quốc gia đã đến 100% xã, phường, thị trấn, xóm, thôn, bản với 99,7% hộ gia đình có điện (năm 1992, toàn tỉnh mới có 55 xã, phường, thị trấn có điện với 38,8% số hộ có điện).  Đường ô tô đến khắp các xã và phần lớn các xóm, kể cả xóm đồng bào dân tộc ở vùng núi cao (năm 1991, toàn tỉnh có tới 21 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm). Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh có đường Hồ Chí Minh chạy qua; tuyến đường cao tốc Hoà Lạc kéo dài đến thành phố Hoà Bình đang khẩn trương thi công nối trung tâm tỉnh lỵ với vùng Thủ đô Hà Nội hứa hẹn mở ra cơ hội đột phá trong phát triển KT-XH. Các tuyến đường huyết mạch trong tỉnh như QL 6, đường 12 B, 21 A… được mở rộng, thảm nhựa mịn màng, êm thuận.  

Nhìn lại 25 năm tái lập tỉnh, một trong những thành tựu nổi bật là bước phát triển khá tốt của ngành nông nghiệp. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 1991 - 2015 đạt trên 5,15%/ năm; cơ cấu sản xuất nội ngành chuyển biến tích cực, tăng tỷ trọng lĩnh vực chăn nuôi. Sản xuất nông nghiệp từng bước gắn chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm; nhiều giống mới có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao được ứng dụng vào sản xuất. Diện tích gieo trồng cây lương thực hàng năm ổn định trên 75 nghìn ha. Diện tích cây ăn quả có múi phát triển nhanh, đến nay đạt trên 5.200 ha; đã hình thành vùng cam, bưởi, mía, chè... tập trung và mô hình liên kết sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao trên một diện tích canh tác. Sản lượng lương thực đạt 36,2 vạn tấn, tăng trên 2,6 lần so với năm 1991. Bình quân lương thực từ trên 450 kg/người/năm, tăng gấp 2,3 lần so với năm 1991. Khi tái lập tỉnh, tình trạng thiếu đói diễn ra trầm trọng ở nhiều nơi, tỉnh phải xin T.ư cứu trợ khẩn cấp cho hàng vạn người. Đến nay, an ninh lương thực được bảo đảm vững chắc, không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 13,7% năm 2015. Đây là một trong những thành quả quan trọng nhất ghi nhận sự nỗ lực vượt bậc của toàn Đảng bộ và nhân dân trong tỉnhứ. Rừng được chú trọng bảo vệ; kinh tế đồi rừng phát triển, hình thành vùng rừng kinh tế tập trung phục vụ công nghiệp chế biến gỗ. Độ che phủ đồi rừng được giữ ở mức ổn định 51,2%, cao gấp trên 1,7 lần so với ngày tách tỉnh. Đặc biệt, từ một tỉnh miền núi có sơ sở hạ tầng nông thôn nghèo nàn, đến nay đã có 16% xã đạt tiêu chí NTM và phấn đấu có thêm 12 xã cán đích trong năm nay, bình quân mỗi xã đạt 11,77 tiêu chí  NTM, là một trong những địa phương trong tốp đầu các tỉnh miền núi phía Bắc về thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM.  

Sản xuất công nghiệp khi tái lập tỉnh vô cùng nhỏ bé, đến nay đã chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo, giảm dần tỷ trọng công nghiệp khai thác khoáng sản. Ngành công nghiệp phụ trợ bước đầu phát triển, bên cạnh một số dự án đã sản xuất ổn định; năng lực sản xuất công nghiệp được nâng cao và phát triển nhanh trong chế tạo điện tử, máy móc, cơ khí, may mặc, khoáng sản, thức ăn gia súc, chế biến nông, lâm sản, thực phẩm. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2015 (tính cả Công ty thủy điện Hòa Bình) đạt 19.868 tỷ đồng. Năm 1991, trên địa bàn tỉnh chưa có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, đến hết năm 2015, toàn tỉnh thu hút được  421 dự án đầu tư, trong đó có 31 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 468 triệu USD và 389 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 45.975 tỷ đồng. Tỉnh đã hoàn thành quy hoạch 8 khu, 16 cụm công nghiệp, trong đó, đáng kể nhất là khu công nghiệp Lương Sơn đã lấp đầy trên 70% diện tích, khu công nghiệp bờ trái sông Đà lấp đầy hơn 60% diện tích đất. Từ chỗ không có doanh nghiệp tư nhân nào trong những ngày đầu tách tỉnh, đến nay trên địa bàn đã có gần 2.500 doanh nghiệp và trên 280 HTX xã được cấp giấy chứng nhận đăng ký.  

(Còn nữa) 

                                                                      Vũ Tùng (TH)

 

Các tin khác

Mái đá làng Vành xã Yên Phú (Lạc Sơn), di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia thuộc nền Văn hóa Hòa Bình.
Ngành GD - ĐT huyện Lạc Sơn đưa chiêng Mường vào các hoạt động ngoại khóa góp phần bảo tồn nền văn hóa dân tộc.
Hệ thống hang động phong phú ở Hòa Bình từng là nơi sinh sống của người Hòa Bình thời tiền sử.  ảnh: Một góc hang núi Đầu Rồng (Cao Phong).
Đội chiêng xã Dũng Phong (Cao Phong) thường xuyên   biểu diễn trong các ngày lễ, hội trên địa bàn huyện và tỉnh.

Bài 3: Các dân tộc ở Hòa Bình

(HBĐT)- Hòa Bình là một trong các tỉnh phía Bắc có nhiều dân tộc sinh sống. Theo số liệu tổng điều tra dân số tháng 4/1999, trên địa bàn tỉnh có 15 dân tộc sinh sống. Trong đó, đông nhất là các dân tộc Mường, Kinh, Thái, Tày, Dao, Mông...

Bài 2: Sơ bộ về vị trí địa lý tỉnh Hòa Bình

(HBĐT) - Tỉnh miền núi Hòa Bình nằm ở cửa ngõ vùng Tây Bắc của Tổ quốc, có vị trí quan trọng của vùng chuyển tiếp từ đồng bằng lên miền núi. Tỉnh có diện tích tự nhiên 4.596,4 km2; phía Bắc giáp tỉnh Phú Thọ, phía Đông giáp Thủ đô Hà Nội, phía Tây giáp tỉnh Sơn La; phía Nam và Tây - Nam giáp các tỉnh Ninh Bình, Hà Nam, Thanh Hóa. Tỉnh được thành lập từ ngày 22/6/1886. Từ năm 1896, địa giới của tỉnh cơ bản đã ổn định. Sau năm 1954, các châu được chuyển thành đơn vị hành chính cấp huyện. Sau năm 1976, hai tỉnh Hòa Bình, Hà Tây sáp nhập thành tỉnh Hà Sơn Bình. Năm 1991, tỉnh được tái lập.

Bài 1: Khái lược về sự hình thành tỉnh Hòa Bình

(HBĐT) - Năm 2016, tỉnh ta kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh (1886 - 2016), 25 năm tái lập tỉnh (1991 - 2016) và Lễ hội chiêng Mường lần thứ II. Nhân dịp này, Báo Hòa Bình tổng hợp, khái lược, giới thiệu về Dư địa chí tỉnh Hòa Bình nhằm góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh, cuộc sống, con người Hòa Bình trong chặng đường phát triển đã qua và hôm nay.

Bài 4: Kết cấu của dàn chiêng và trang phục trình diễn chiêng Mường

(HBĐT) - Trải qua hàng ngàn năm phát triển và định hình một dàn chiêng (gọi là phường sắc bùa của người Mường), phải có từ 4, 5, 7, 9 chiếc; hoàn chỉnh bộ phải đủ 12 chiếc. Ngoài ý nghĩa âm nhạc, dàn chiêng 12 chiếc còn được quan niệm của sự biểu hiện cho 12 tháng trong một năm. Dàn chiêng được chia đều ra làm ba bộ: Bộ chiêng Dàm còn gọi là chiêng Khầm có kích thước lớn thuộc âm khu trầm nhất trong dàn. Bộ chiêng Bồng còn gọi là chiêng Đục bồng, chiêng Bòng beng, thuộc âm khu trung trong dàn. Bộ chiêng Tlé còn gọi là chiêng Chót, chiêng Poóng, chiêng Đón, chiêng Lắc, thuộc âm khu cao nhất trong dàn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục