(HBĐT) - Trước yêu cầu nhiệm vụ mới của cách mạng, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, 2 tỉnh Hà Tây và Hòa Bình được hợp nhất thành tỉnh Hà Sơn Bình. Ngay sau khi được Trung ương chỉ định, Ban Tỉnh ủy Hà Sơn Bình đã mở hội nghị lần thứ nhất (3/1976), kịp thời đề ra nghị quyết về phát triển KT-VH năm 1976. Trong không khí mới, Tỉnh ủy và nhân dân Hà Sơn Bình hăng hái thi đua lao động sản xuất nhằm đạt được nhiều thành tựu trong phát triển, chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV. Có thể nói, những năm đầu tách tỉnh, tuy hậu quả chiến tranh còn nặng nề lại gặp thiên tai nặng nhưng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong tỉnh nhà đều nỗ lực phấn đấu vươn lên…
Trong giai đoạn 1976-1990, nhân dân Hòa Bình đã có những đóng góp đáng kể cho nền công nghiệp hóa nước nhà. Trong đó, đóng góp quan trọng nhất trong 15 năm hợp tỉnh là sức người, sức của vào công trình Thủy điện Hòa Bình. ảnh: H.D
Tháng 11/1976, Đại hội Đảng bộ tỉnh vòng 1 và tháng 4/1977, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Sơn Bình lần thứ nhất vòng 2 đã diễn ra. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của tỉnh, biểu hiện sự nhất trí, đoàn kết cao, đánh dấu bước trưởng thành của Đảng bộ sau 1 năm hợp nhất, tạo ra những thuận lợi, bước phát triển mới, tạo cơ sở để Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh phát triển KT-XH; xóa bỏ nghèo nàn, lạc hậu, đưa sự nghiệp cách mạng ở địa phương tiến lên.
Trong giai đoạn 1976 - 1990, nhân dân Hòa Bình đã cùng tỉnh nhà nỗ lực triển khai, thực hiện tốt kế hoạch 5 năm 1976 - 1980, 1981 - 1985 và 1986 - 1990. Dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội IV của Đảng cũng như các tỉnh khác trong cả nước, sau 5 năm nhập tỉnh, nhân dân Hòa Bình đã khắc phục được hậu quả chiến tranh, ổn định và đẩy mạnh sản xuất, hướng trọng tâm là phục vụ nền kinh tế nông - lâm nghiệp. Phong trào hợp tác hóa ngày càng phát triển. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhân dân Hòa Bình đã có những đóng góp đáng kể cho nền công nghiệp hóa nước nhà. Trong đó, đóng góp quan trọng nhất trong 15 năm hợp tỉnh là về sức người, sức của vào công trình thủy điện Hòa Bình. Theo số liệu thống kê năm 1976, công tác chuyển dân, giải phóng mặt bằng công trường và lòng hồ sông Đà là 3.526 hộ, trong đó có 540 hộ tại mặt bằng và 2.896 hộ ở vùng ngập lòng hồ. Qua 3 lần điều tra phát sinh ở lòng hồ sông Đà, tổng số hộ phải di chuyển 4.596 hộ, trong đó, vùng ngập lòng hồ sông Đà 4.020 hộ; riêng huyện Đà Bắc 2.930 hộ với 18.400 nhân khẩu. Trong quá trình giải phóng mặt bằng và lòng hồ sông Đà, một khối lượng lớn tài sản, nhà cửa, công trình của nhân dân, của tập thể, của Nhà nước phải bỏ lại là 519.661 m2 (nhà ở, chuồng trại, trường học, trạm xá, nhà kho, chuồng trại HTX); cùng 234 km đường giao thông, 18 công trình hồ, đập, trạm bơm… Thành công này ghi nhận sự hy sinh của nhân dân các huyện Kỳ Sơn, Mai Châu, Đà Bắc, Tân Lạc, thị xã Hòa Bình khi đó…
Trong giai đoạn 1981 - 1985, quán triệt Nghị quyết Đại hội lần thứ V của Đảng, Đảng bộ Hà Sơn Bình đã có phương hướng cụ thể để tổ chức thực hiện tốt những nhiệm vụ KT-XH của kế hoạch 5 năm 1981 - 1985. Với định hướng cụ thể của tỉnh, nhân dân các dân tộc của các huyện thuộc tỉnh Hòa Bình đã thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, mục tiêu của kế hoạch KT-XH 5 năm. Tổng sản lượng lương thực quy thóc giai đoạn 1981 - 1985 của 10 huyện, thị xã thuộc Hòa Bình (cũ) đạt 134.348 tấn (năm 1981) và đạt 243.471 (năm 1985). Tỉnh đã thực hiện hiệu quả Chỉ thị 100 của Ban Bí thư và Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị… Trong 5 năm 1981 - 1985, sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế, thể thao… cũng có đóng góp nhất định trong việc xây dựng nền văn hóa mới, con người mới. Hệ thống giáo dục từ mẫu giáo đến phổ thông cơ sở, PTTH và công tác xóa mù chữ được chú trọng. Đến năm học 1985 - 1986, toàn tỉnh có 475 trường, trong đó, phổ thông cơ sở có 431 trường, PTTH có 44 trường…
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI năm 1986 đã mở đầu cho thời kỳ đổi mới ở nước ta. Quán triệt đường lối đổi mới của Đảng ta, cũng như nền tảng phát triển 10 năm trước, Tỉnh ủy và các cấp chính quyền tỉnh Hà Sơn Bình đã có chủ trương: tổ chức toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong tỉnh thực hiện tốt kế hoạch 5 năm 1986 - 1990. Căn cứ vào đặc điểm, tình hình của tỉnh, nhân dân các dân tộc Hòa Bình thực hiện 3 chương trình kinh tế lớn: sản xuất lương thực, thực phẩm; hàng tiêu dùng và xuất khẩu. Giá trị tổng sản lượng nông nghiệp trong 5 năm thực hiện đường lối đổi mới từ 102.051 tấn (năm 1986) lên 111.206 tấn (năm 1990). Các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh địa phương quản lý có đến năm 1990 là 13 đơn vị (ở các huyện Kỳ Sơn, Lương Sơn, Yên Thủy, Kim Bôi, Lạc Thủy, Lạc Sơn và thị xã Hòa Bình). Hàng xuất khẩu tuy chưa nhiều nhưng bước đầu đã có nhiều mặt hàng xuất khẩu (mây, tre đan, cau quả, chè khô, lạc nhân, dầu trẩu, quế, cánh kiến trắng). Tổng giá trị đạt năm 1986 là 1.238 USD, năm 1990 là 2.714 USD. Ngành giao thông vận tải được khôi phục và xây dựng mới trên tuyến đường bộ 3.852 km; xây dựng lại các cầu đường bộ, các bến phà và đường sông dài 190 km. Về văn hóa, giáo dục từng bước có sự chuyển biến. Ngoài ra, tỉnh ta chú trọng xây dựng nếp sống văn hóa mới, nếp sống trật tự nơi công cộng, vận động thanh - thiếu niên thực hiện nếp sống lành mạnh. Đẩy mạnh các phong trào múa hát tập thể, TD-TT, bài trừ các hủ tục lạc hậu. Tận dụng các cơ sở văn hóa đã có, từng bước xây dựng cơ sở mới cho công tác giáo dục thế hệ trẻ. Do đó, đời sống nhân dân các dân tộc trong tỉnh đỡ khó khăn hơn. Nhiều nơi tương đối ổn định và được cải thiện một bước. Nhìn chung, kế hoạch 5 năm 1986-1990 mở đầu cho thời kỳ đổi mới mà trọng tâm là đổi mới kinh tế đã được BCH Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hòa Bình thực hiện tương đối có kết quả đã tạo ra những chuyển biến quan trọng.
Thành tựu bước đầu thực hiện đường lối đổi mới trong kế hoạch 5 năm (1986-1990) đã đem lại những kết quả trên các lĩnh vực KT-XH, KH-KT, đời sống, sức khỏe nhân dân được cải thiện, tạo đà cho những bước phát triển tiếp theo nhằm thực hiện đường lối của Đảng, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đó cũng là tiền đề quan trọng để khi tái lập tỉnh (tháng 10/1991), Hòa Bình tiếp tục trụ vững và vượt qua những khó khăn, thách thức để vươn lên trong phát triển KT-XH, AN-QP trong suốt 25 năm qua.
Bùi Văn (TH)
(HBĐT) - 25 năm qua, sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trong tỉnh đã phát triển vượt bậc, đạt nhiều thành tựu. Đã khống chế được những bệnh dịch nguy hiểm, những bệnh đặc thù của địa phương như sốt rét, bướu cổ, loại trừ đậu mùa, thanh toán bại liệt. Các chỉ tiêu về sức khỏe của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Các bệnh dịch truyền nhiễm như bạch hầu, uốn ván, ho gà, sởi, tỷ lệ tử vong mẹ, tử vong trẻ sơ sinh đều giảm.
(HBĐT) - Sau hiệp định Giơ ne vơ, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng. Nhiệm vụ đặt ra cho toàn Đảng, toàn dân là nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, ổn định đời sống xã hội, đấu tranh thống nhất nước nhà. Trong giai đoạn 1954 - 1965, tỉnh Hòa Bình không ngừng củng cố chính quyền nhân dân, ổn định đời sống, khôi phục và phát triển KT -XH. Cùng miền Bắc là hậu phương vững chắc cho miền Nam.
(HBĐT) - Sau 25 tái lập tỉnh, GD&ĐT tỉnh ta đã không ngừng đổi mới, phát triển và đạt được những thành tích đáng kể. Bộ mặt các nhà trường khang trang, sạch đẹp. Quy mô trường, lớp phát triển phù hợp, huy động tối đa trẻ em đến trường học tập. Chất lượng GD &ĐT được nâng lên rõ rệt. Công tác phổ cập giáo dục đạt được nhiều thành quả quan trọng. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được quan tâm, chăm lo đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp GD &ĐT.
(HBĐT) - Thắng lợi của chiến dịch giải phóng Hòa Bình đã giải phóng thị xã Hòa Bình và một vùng lãnh thổ rộng khoảng 1.000 km2 với 2 vạn dân. Tuy vậy, đoạn đường 21, vùng chợ Bến vẫn bị giặc chiếm đóng. Như vậy, trên địa bàn Hòa Bình vừa có vùng giải phóng rộng lớn, vừa có một khu vực nhỏ đang bị địch chiếm đóng.
(HBĐT) - Theo số liệu của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, tính đến hết ngày 31/8, BTC cuộc thi tìm hiểu lịch sử “Tỉnh Hòa Bình – 130 năm xây dựng và phát triển 1886-2016” đã nhận được 29.885 bài dự thi.
(HBĐT) - Thời kỳ mới tái lập tỉnh, mạng lưới bưu chính viễn thông tỉnh ta nhỏ bé, công nghệ lạc hậu, nhiều huyện không có đường thông về tỉnh, nhiều thị trấn huyện không nhận được báo trong ngày. Đến nay, hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin (CNTT), bưu chính- viễn thông phát triển nhanh, phủ kín toàn tỉnh với chất lượng dịch vụ ngày càng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH và nhu cầu sử dụng của nhân dân.