(HBĐT) - Những bàn tay nam thanh, nữ tú nắm chặt say điệu xòe, điệu khắp đối đáp tình tứ được cất lên kéo dài đến tận đêm về sáng… hòa trong tiết xuân của đất trời, người Thái ở Mai Châu đón Lễ cơm mới. Trước đây, người Thái không ăn Tết Nguyên đán như người Việt, Lễ cơm mới được xem là nghi lễ lớn nhất trong năm. Tuy đã có nhiều giao thoa, tiếp biến với văn hóa của các dân tộc khác, song cho đến nay, Lễ cơm mới của người Thái ở huyện Mai Châu vẫn còn giữ được những nét độc đáo, riêng biệt.
Tết cơm mới, ông Mo có vai trò quan trọng trong việc làm lễ cúng vía người đã khuất về vui với con cháu.
Trao vinh hạnh cho con dâu gia đình “đăng cai” làm ló
Lễ cơm mới (khau mờ) khép lại chu trình sản xuất 1 năm của người Thái ở Mai Châu. Khau mờ khác khau hạch (ăn mừng cơm mới). Với mỗi gia đình người Thái, khau hạch diễn ra 2 lần mỗi năm, đó là lúc gia chủ ăn bát cơm chiêm, cơm mùa đầu tiên, họ làm mâm cỗ cúng tưởng nhớ tổ tiên, ăn mừng sản vật nông nghiệp vừa thu hoạch. Trong khi đó, khau mờ mỗi năm chỉ diễn ra đúng 1 lần, trong khoảng từ tháng chạp đến tháng ba, tức là từ lúc kết thúc vụ mùa đến mở đầu việc làm rẫy cho mùa sau. Thu mùa xong, anh em ruột họp nhau lại cắt cử người đứng ra làm Tết cơm mới. Khác người xuôi, ngày tổ chức Lễ cơm mới không thống nhất chung cho các gia đình người Thái mà tùy thuộc vào hoàn cảnh của người được cắt cử làm lễ. Sau khi chuẩn bị chu đáo mọi mặt, gia chủ chọn ngày lành tháng tốt để làm. Ngày khau mờ là niềm vui của cả cộng đồng dòng họ trong bản nhưng trách nhiệm lớn lao, vinh hạnh hơn cả vẫn là cô con dâu trong gia đình đăng cai làm lễ.
Chúng tôi đến Bản Lác, xã Chiềng Châu (Mai Châu) theo lời mời của ông Hà Công Tín - một người Thái gốc, nặng lòng với việc bảo tồn văn hóa truyền thống đúng dịp gia đình ông đến phiên tổ chức Tết cơm mới. Từ tờ mờ sáng, chủ nhà đã mời anh em họ hàng đến. Cô dâu khoác bộ quần áo lụa hoa dài, màu vàng, đỏ đến trước bàn thờ tổ tiên thay. Nơi ấy trong suốt năm cô dâu không được tới. Việc làm này có ý để cô dâu trình tổ tiên, xin phép về dự lễ. Mặc quần áo xong cô đeo vòng bạc vào cổ tay, đeo túi thổ cẩm đựng đồ trang sức, đáy có gắn hai răng nanh lợn rừng. Cô lấy thang leo lên gác với những bó lúa nếp hạt mẩy vàng xuộm xuống, đặt lên chõng tre. Mọi người cùng cô khiêng từ sàn xuống đất. Người khiêng phải tỏ vẻ nặng nhọc và nghỉ năm lần, ý muốn trình tổ tiên thấy con cháu làm được nhiều lúa, nhiều gạo.
Ông Hà Công Tín chia sẻ: Trao vinh hạnh này cho cô con dâu trong gia đình “đăng cai” làm lễ thể hiện sự tiến bộ của văn hóa Thái. Bởi rất nhiều dân tộc khác, mọi nghi lễ phải do đàn ông đảm nhiệm, vai trò của phụ nữ luôn bị xem nhẹ. Chính từ những truyền thống rất nhân văn đó, cho đến nay, trong gia đình người Thái, sự tôn trọng, bình quyền giữa đàn ông và phụ nữ vẫn luôn được thể hiện khá rõ.
Độc đáo đồ cúng Lễ cơm mới
Đặc trưng trong ẩm thực của người Thái ở Mai Châu nói riêng là xôi ngũ sắc. Khi ông Mo bày lễ dưới sàn nhà, cô con dâu nhanh chóng mang lúa đi xay, giã thành gạo. Sau đó, mang gạo ngâm nước lá cong cằm vò nát để có màu đỏ, màu tím. Muốn gạo có màu vàng ngâm nước nghệ, muốn màu đen dùng hạt nếp cẩm, phần xôi màu trắng là để nguyên nếp cái. Cô dâu đem gạo cho vào chõ gỗ đồ. Xôi chín dỡ ra, cô vừa cời, vừa quạt cho nguội. Tiếp theo, cô vớt từ chum ra những khúc cá muối chua, lấy lá chuối gói cá chua với bột gạo, ngoài buộc lạt. Lạt buộc lấy số lẻ (1 - 3 - 5 - 7 - 9). Cũng theo ông Hà Công Tín: Người Thái quan niệm số lẻ dành cho ma, vì vậy cúng cho ma phải dùng lạt số lẻ. Lạt buộc phản ánh sự phân biệt thứ bậc dòng họ trong xã hội Thái xưa kia. Họ quý tộc đứng đầu là họ Hà Công buộc 9 lạt, họ Hà Văn buộc 7 lạt, sau là các họ thường dân. Cá chua đồ chín cùng xôi đặt vào mâm cỗ.
Điều đáng chú ý là trong Lễ cơm mới các gia đình người Thái nhất nhất phải lấy cá để cúng, ngoài cá là thịt chim, thú rừng khô. Trong đồng bào Thái vẫn truyền miệng câu chuyện giải thích về vấn đề này, đó là: vào thời người và vật còn biết tiếng của nhau, có vợ chồng nhà kia sau mùa thu hoạch muốn làm mâm cơm cúng. Đêm đó, vợ chồng bàn nhau mai bắt con gà mái đang nuôi con làm vật cúng. Gà mẹ nằm dưới chuồng biết vậy đánh thức các con dậy dặn rằng: Ngày mai, người hóa kiếp cho mẹ rồi nên mẹ chỉ còn ở với các con đêm nay thôi. Mẹ đi, mẹ thương các con lắm. Mẹ mong các con no đói quấn quýt lấy nhau, con nào ngắn lông nằm trong, con nào dài lông nằm ngoài, chớ vì vắng mẹ mà anh em chia lìa nhau.
Nghe gà mẹ nói vậy, các con nức nở khóc. Người vợ biết chuyện mới tỉ tê với chồng: “Các con vật no đói cùng ta bao ngày, nay đến mùa thu hoạch chúng vui mừng đón đợi hạt lúa mới cũng như ta, lẽ nào ta lại giết chúng đi”. Người chồng thuận theo lời vợ không giết gà nữa. Sớm mai, hai vợ chồng cầm vợt ra suối xúc cá lấy thức ăn cúng tổ tiên. Tục kiêng giết vật nuôi trong nhà cúng tổ tiên trong lễ cơm mới có từ đó.
Nhân văn Tết cơm mới của người Thái ở Mai Châu
Mâm cơm cúng bày biện xong, ông Mo sẽ làm lễ cúng vía người đi xa về vui với con cháu. Đối với người Thái không làm giỗ vào ngày của người đã khuất. Hằng năm tất thảy đều nhân ngày khau hạch, khau mờ, ngày làm vía cũng như các ngày lễ khác để mời người đã khuất về chia vui.
Trong dịp lễ cơm mới, ông Mo kể chuyện xa xưa cho cả cộng đồng dòng họ nghe. Chuyện trời đất sinh ra như thế nào? Và người Thái múa giáo lên Mường Bôn, Mường Trời chặt rễ cây si quấn tắc họng Bôn, họng Trời ra sao? Mở được họng Trời rồi, Trời nổi sấm cho muôn loài nghe. Trời tuôn nước cho muôn loài thấy, cho nước lênh láng khắp bản mường. Người Thái phải cho người xuống mua sắt của người Kinh về rèn thành rìu, mang rìu lên rừng chặt gỗ về làm đập, làm phai chặn nước lại. Rồi ông Mo lại kể chuyện người Thái làm mạ, đi cấy, chăm lúa. Tóm lại, phải vất vả lắm mới có hạt lúa đem về nhà làm tết. Cho nên con cháu phải biết ơn công sức của người làm ra hạt gạo nuôi sống mình.
Tết cơm mới là dịp để người dân vui chơi, biểu diễn văn nghệ góp phần bảo tồn các điệu múa truyền thống.
Tước bỏ những đoạn nặng về nghi lễ tôn giáo, phần còn lại của mo khau mờ là kể chuyện bằng văn vần, thông qua những hình tượng bay bổng, kỳ vĩ đã ca ngợi công cuộc đấu tranh liên tục của các thế hệ người Thái từ xưa đến nay nhằm biến đổi tự nhiên xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
Lễ cơm mới là ngày vui chơi giải trí. Trẻ em tụ tập đánh lẻ - trò chơi rất phổ biến ở các em 9 - 15 tuổi. Ngoài ra các em trai chơi đánh quay, đánh khăng… Chờ khi ông Mo cúng tổ tiên xong, các em là người được ưu tiên phá cỗ trước mọi người. Vừa ăn các em vừa reo hò vui vẻ. Nhà nào làm khau mờ không có nhiều trẻ em đến ăn cỗ làm vui coi như lễ năm ấy không tốt, năm sau phải tổ chức lại chu đáo hơn. Còn ở đầu chái nhà sàn, các thiếu nữ Thái cầm chày theo nhịp của người cầm chày cái, các cô diễn lại động tác giã gạo. Cùng với tiếng kể mo đều đều là tiếng trầm bổng của chày đánh máng có lót rơm ở dưới và tiếng thập thịch của những bước chân cô gái nhún nhảy.
Suốt thời gian lễ, mọi người nói với nhau những lời tốt đẹp. Tối đến các thành viên trong họ ngồi vào mâm cơm. Trước lúc ăn, cô dâu gói ít cá, ít cơm mang cho các vật nuôi trong nhà, đặc biệt mang cho con trâu, con vật vất vả cùng người bao lâu để có hạt lúa. Mọi người ngồi ăn. Rượu nhắm với thịt thú rừng khô. Xôi nhuộn màu có mùi thơm cay của gừng. Chỉ cần mở gói lá ra ta cảm nhận ngay hương vị vừa béo, vừa thơm, vừa bùi, vừa đậm ngọt của cá ướp chua đồ chín.
Cuộc rượu đang nồng, mâm hát được khơi lên. Các cây hát (khắp) nam, hát (khắp) nữ hát đối nhau cho đến tận sáng. Cô dâu quần chùng áo dài đi lại mời khách thể hiện tài giao tiếp của mình.
Trong tiếng cười nói chan hòa, ông Tín và người nhà cùng mời anh em, họ hàng những chén rượu cay nồng ấm, họ trao nhau những lời chúc tốt đẹp nhất cho năm mới. ông chia sẻ thêm: Lễ cơm mới dẫu chỉ diễn ra có một ngày một đêm và bó hẹp trong sự quần tụ của một dòng họ, nhưng ngày đó là niềm vui trọn vẹn nhất của mọi nhà trong họ, trong bản sau một năm làm ăn vất vả để nghỉ ngơi, vui chơi, để chế biến sản phẩm nông nghiệp, để tỏ lòng thành kính với tiên tổ. Ngày ấy là khoảng khắc giao cảm của mùa cũ với mùa mới, giao cảm giữa trời và đất, giao cảm giữa cõi sống và cõi chết. Khoảnh khắc tạo ra sự linh thiêng ấy gắn bó các thành viên trong cộng đồng với nhau để cùng hướng đến những điều tốt đẹp đặt ra trong cuộc đời của mỗi người dân tộc Thái.
Hải Yến
(HBĐT) - Tên gọi Lạc Sơn chính thức có từ ngày 22/6/1886, là một trong bốn phủ của tỉnh Mường (sau là tỉnh Hoà Bình) là: Vàng An, Lương Sơn, Lạc Sơn và Chợ Bờ. Dân cư của phủ Lạc Sơn lúc này có khoảng 3 vạn người (dân tộc Mường chiếm khoảng 80%). Năm 1908, phủ được gọi là châu. Châu Lạc Sơn được phân thành 4 tổng đó là: tổng Lạc Thành, tổng Lạc Đạo, tổng Lạc Nghiệp và tổng Lạc Thiện có 52 xã. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, từ châu được đổi thành huyện.
(HBĐT) - Thị xã Hoà Bình trước đây (nay là thành phố Hòa Bình) được thành lập năm 1896 theo sắc lệnh của toàn quyền Đông Dương. Trước năm 1896, trung tâm của tỉnh Mường Hoà Bình được đặt ở chợ Bờ. Sau khi bị nghĩa quân Đốc Ngữ tập kích mới dời về địa điểm hiện nay và mang tên thị xã Hoà Bình. Ngày 27/10/2006, thị xã được Chính phủ công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh.
(HBĐT) - Lương Sơn là huyện vùng thấp của tỉnh, nơi tiếp giáp giữa đồng bằng châu thổ sông Hồng và miền núi Tây Bắc - Bắc Bộ. Toàn huyện hiện có 19 xã và 1 thị trấn; dân số có gần 100 ngàn nhân khẩu. Trong đó, dân tộc Mường chiếm trên 66,4%, dân tộc Kinh chiếm 32%, dân tộc Dao chiếm 1,14%, còn lại là dân tộc khác…
(HBĐT) - Trò chơi dân gian của các dân tộc tỉnh ta khá đa dạng, phong phú. Chính điều đó đã làm cho văn hóa các dân tộc thiểu số có nét riêng biệt, độc đáo góp phần vào bức tranh chung của cả tỉnh. Bên cạnh đó, do điều kiện tự nhiên, xã hội, trình độ phát triển tương tự nhau, sống trong môi trường sinh thái giống nhau cộng với sự giao lưu qua lại nên các dân tộc cũng có một số trò chơi dân gian giống nhau. Trò chơi dân gian của các dân tộc ở Hòa Bình gắn bó với môi trường tự nhiên bao quanh họ, gắn bó với cuộc sống thường nhật với những đồ vật trong sinh hoạt thường ngày của họ. Cũng như nhiều phong tục khác, trò chơi dân gian của người Mường cũng có nhiều nét giống trò chơi dân gian của người Việt.
(HBĐT) - Sau 25 năm tái lập tỉnh, KT-XH của tỉnh đã đạt những thành tựu toàn diện, GDP liên tục đạt tốc độ tăng trưởng khá, với mức bình quân 8,72%/năm. Giá trị GRDP bình quân đầu người đến năm 2015 đạt 36, 5 triệu đồng, cao hơn mức trung bình khu vực miền núi phía Bắc 10, 5 triệu đồng và bằng 82% GDP bình quân đầu người cả nước, so với năm 1991 tăng gần 50 lần. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 12,26% (tiêu chí cũ).
(HBĐT) - Ngày 22/6/1886, Kinh lược Bắc Kỳ ký Nghị định thành lập tỉnh Mường gồm 4 phủ: Vàng An, Lương Sơn, Lạc Sơn và Chợ Bờ, tỉnh lỵ đặt tại chợ Bờ.