Lễ khởi công xây dựng phục hồi tôn tạo di tích Đình Xàm, xã Phú Lai (Yên Thuỷ).

Lễ khởi công xây dựng phục hồi tôn tạo di tích Đình Xàm, xã Phú Lai (Yên Thuỷ).

(HBĐT) - Hòa Bình là tỉnh có ít di tích loại Đình, Đền, Miếu - Đình Xàm xã Phú Lai, huyện Yên Thủy thờ thành hoàng là người bản địa, còn lưu giữ được 11 bản sắc phong (sớm nhất cuối thế kỷ XVIII muộn nhất vào năm 1925). Những yếu tố trên có thể coi đình Xàm là một di sản văn hóa quý giá giữa vùng Mường cổ của Hòa Bình.

 

Cũng như nhiều ngôi Đình khác ở Hòa Bình, Đình Xàm đã bị chiến tranh tàn phá những năm 50 của thế kỷ XX, nhưng những dấu tích còn lại như nền Đình cũ được vây quanh bằng những viên đá xanh, các chân tảng bằng đá xanh có hình khối chứng tỏ ngôi Đình này rất lớn.

 

Theo các tài liệu hán nôm, và các cụ cao tuổi cho biết Đình được xây dựng vào năm Thiệu Trị thứ 5 (1845). Đình thờ thành hoàng là nhân thần, người địa phương tên tục là Bùi Văn Khú (Đô Khú) cùng vợ là Thiên tinh công chúa. Tương truyền: Bùi Văn Khú sinh vào đầu thế kỷ XVIII, ở xóm Xàm, xã Phú Lai, huyện Yên Thủy. Được bẩm thụ tư chất thông minh, khỏe mạnh lớn lên gặp lúc vận nước nguy nan, thù trong giặc ngoài liên miên. Vào khoảng năm 1750, tham gia quân đội lập được nhiều công lớn. Khi đất nước bình yên, thù trong giặc ngoài đã tạm dẹp, ông được vua ban áo gấm, vàng bạc và gả công chúa cho. Lúc đó nhà vua có hai nàng công chúa xinh đẹp, hai chị em đều đã đến tuổi cập kê. Nhà vua có ý gả cô chị cho ông, nhưng nàng chê quê ông cách trở, nên từ chối ông, chỉ cô em là ưng ý. Ngày rước vợ về quê công chúa chị cũng đưa tiễn em về nhà chồng. Được chứng kiến cảnh sắc quê hương em rể thanh bình, trù phú, sơn thủy hữu tình, người và muôn vật vui hoà. Nàng sinh lòng oán tiếc, song đám cưới trên đường trở về Kinh, nàng đã gieo mình xuống suối Uổm (suối con gái) để tự vẫn. Lạ thay ở khúc suối này tự mọc lên rất nhiều những tảng đá có hình thù kì dị, khiến cho dòng nước khi chảy qua chỗ này như thét, như gào khóc than cho một kiếp hồng nhan sớm tàn phai. Cũng từ câu chuyện này, mà về sau nhân dân 3 xóm: Xàm, Đình, Rò có tục chị gái không đưa em gái về nhà chồng và tục đó tồn tại cho tới tận ngày nay.

 

Sau khi được Nhà vua gả công chúa làm vợ, ông được phong tước lộc, cắt đất cho cai quản một vùng Mường thuộc 3 xóm: Xàm, Đình, Rò ngày nay và tặng chiếc trống đồng để làm hiệu lệnh. Năm 1998, một gia đình ở xóm Xàm đào đất làm móng nhà đã tìm thấy chiếc trống. Hiện nay, chiếc Trống đang được bảo quản tại Bảo tàng tỉnh Hoà Bình.

 

Khi 2 vợ chồng ông mất, được nhân dân khu vực mai táng tại khu vực gò Mè, thuộc xóm Xàm. Hiện hai ngôi mộ này vẫn còn, nhân dân quanh vùng vẫn thường lui tới hương khói. Để tưởng nhớ công trạng của ông với quê hương đất nước nhân dân  đã lập Đình thờ để thờ phụng và cũng là nơi lưu giữ những kỷ vật của ông. Đô Khú trở thành vị vua tinh thần của cả khu vực, tiếp tục được các đời vua phong sắc. Trong đó có một lá cờ thêu 8 chữ vàng “Đô Khú Đại vương Thượng đẳng tối linh”.

 

Đình Xàm hiện còn lưu giữ 11 bản sắc phong sắc sớm nhất năm Cảnh Hưng thứ 14 (1783) đến nay đây là bản sắc phong sớm nhất của tỉnh Hòa Bình, sắc muộn nhất vào năm Khải Định thứ 9 (1924) Nội dung các bản sắc như sau:

 

Năm Cảnh Hưng thứ 14 (1783), tháng 7 ngày 26 sắc rằng: Sắc phong thành hoàng Đô Khú Đại vương cùng công chúa Thiên Tinh. Núi sông ví như thần của sông biển, danh thơm tiêu biểu khác thường. Tính lương thiện, nhân từ vốn bẩm sinh từ nơi nhị khí đức độ, tài năng siệu việt ngang với sự hiển đạt uy danh của bách thần. Sự truyền ghi đó đã được soi tỏ, huống nữa việc khen tặng đâu có quá lời để nối truyền mãi vua tiến phong.

 

Vương vị đặt nơi chính điện, lễ lạt long trọng được phong tặng cho Thụy Hiệu hay tặng 3 mỹ tự “Thông Đô Thiên thành hoàng” và sắc phong cho công chúa Thiên Tinh “Thiên Tinh Uyển mỵ công chúa”…

 

Năm Thiệu Trị thứ 6 (ngày 24 tháng 11 năm 1846), nhân cha là Minh Mệnh tròn 50 tuổi là phúc lớn của thiên hạ, theo ân điển đó ban bảo chiếu lễ long đăng trật gia tặng “Bảo an chính trực chi thần”. Ân chuẩn cho xã Phú Lai, huyện Phụng Hoá thờ cúng. Cùng năm đó vào ngày 26 tháng 12 vua Thiệu Trị lại ban thêm “Bảo an chính trực hựu thiện chi thần”.

 

Đến năm Tự Đức thứ 3 (1849) ngày 26 tháng 11 lại ban thêm hai mỹ tự “Bảo an chính trực hựu thiện đôn ngưng chi thần”.

 

Năm Tự Đức thứ 31 (24/11/1879), nhân dịp nhà vua mừng tuổi 50  phong “Bảo an chính trực hựu thiện đôn ngưng thành hoàng chi thần”.

 

Năm Đồng Khánh thứ 2 (1/7/1886) giữ nguyên mỹ tự cũ, sắc thêm “Dực Bảo Trung hưng chi thần”.

 

Năm Duy Tân thứ 3 (11/8/1909) sắc ban “Dực Bảo Trung Hưng thành hoàng chi thần”. Cũng năm này 11/8/1909, nhân dịp Duy Tân nguyên niên làm lễ lớn tấn quang sắc cho công chúa Thiên Tinh “Uyển Mỵ Dực Bảo Trung hưng Thiên Tinh công chúa chi thần”.

 

Năm Khải Định thứ 9 ngày 25 tháng 7 năm 1924, nhân dịp nhà vua 40 tuổi theo ân điển đó ban bảo chiếu sắc “Bảo an chính trực hựu thiện đôn ngưng Dực Bảo trung hưng Đô Khú thành hoàng tôn thần”. Cũng ngày 25/7/1924, vua Khải Định tặng thêm cho công chúa Thiên Tinh mỹ tự “Dực Bảo trung hưng Thiên tinh công chúa tôn thần”. Tặng thêm “Trai tĩnh trung đẳng thần”.

 

Nhằm tri ân những người có công hộ quốc cứu dân, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân trong và ngoài khu vực. Được sự nhất trí của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình sáng ngày 07 tháng 12 năm 2010, huyện Yên Thủy cho tiến hành khởi công xây dựng, tu bổ, tôn tạo phục dựng lại ngôi Đình trên địa điểm cũ. Với nguồn kinh phí đầu tư của Nhà nước được phê duyệt gần 11,4 tỷ đồng. Theo thiết kế, Đình mới được xây hình trên cơ sở kiến trúc và kết cấu của ngôi đình xưa, Đình hình chữ Đinh gồm nhà hậu cung và nhà Đình, 2 hạng mục này có tổng diện tích 230m2, nhà thủ từ diện tích 27,6 m2 và có tường bao xung quanh Đình.

 

Đình không chỉ là nơi thờ phụng thành hoàng, vị thần của Làng mà còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa gắn bó với một cộng đồng cư dân mang đặc trưng văn minh lúa nước Việt Nam. Văn hóa Đình thuộc văn hóa dân gian là nét đẹp văn hóa, là di sản quý của dân tộc rất cần đuợc gìn giữ và phát huy. Việc xây dựng tu bổ tôn tạo di tích Đình Xàm đã đáp ứng đuợc nguyện vọng của nhân dân, góp phần bảo tồn gìn giữ vốn di sản văn hóa quý gía của dân tộc.

 

 

 

                                                                     HBĐT tổng hợp

 

Các tin khác

Hang Chổ được xếp hạng di tích khảo cổ học cấp quốc gia năm 2000.
Di tích ghi dấu chiến công diệt xe tăng của anh hùng Cù Chính Lan nằm ở dốc Giang Mỗ cạnh đ¬ường 6A (cũ) thuộc địa phận xóm Giang Mỗ, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1993.
Được xếp hạng di tích khảo cổ học cấp quốc gia năm 1995.
Bản Lác nằm trong thung lũng Mai Châu xinh đẹp.

Sơ bộ tìm hiểu việc đặt tên các khu dân cư cổ truyền của người Mường ở tỉnh ta

(HBĐT) - Tên gọi hay việc đặt tên địa danh, tên cho các KDC của người Mường trước tháng 8/1945 rất đa dạng, phong phú, song tựu chung lại đều được đặt hết sức tự nhiên tùy theo địa hình, địa vật nơi đó hoặc chỉ cần căn cứ vào các đặc điểm hay các cây bản địa phổ biến mang tính đặc trưng cho khu vực đó. Song cũng có những làng mường được đặt tên theo dạng tên chữ, tất nhiên là chữ trong văn bản của Nhà nước phong kiến đặt cho các KDC của người Mường để nhằm mục đích quản lý hành chính và thu thuế khóa, song các tên gọi này thường rất xa lạ với chính người dân nơi đó nên nó không sống được trong giao tiếp, ứng xử và gọi tên trong dân gian Mường.

Bảo tồn cây thị nghìn tuổi ở Chiềng Châu

(HBĐT) - Qua thị trấn Mai Châu đến đầu xã Chiềng Châu, mỗi lần đi qua đây tôi đều chú ý đến một cây thị. Nhìn từ xa cây đứng sừng sững giữa đất, trời và chứng kiến bao thăng trầm của mảnh đất này. Nhiều người bảo cây thị là hồn của người Mai Châu. Dù đi đâu, những người sinh ra và lớn lên ở đây cũng nhớ về cây thị.

Chùa Hang và Hang Chùa

(HBĐT) - Hang Chùa còn có tên là: Văn Quang Động, Chùa Hang là tên th¬ường gọi của ngôi chùa được xây dựng trong động Văn Quang, xưa kia chùa có tên chữ là: Thanh Lam Tự. Di tích Chùa Hang và Hang Chùa cách trung tâm thành phố Hoà Bình khoảng 85 km về phía Nam, cách thị trấn Hàng Trạm, huyện Yên Thuỷ khoảng 5 km, cách thị trấn Nho Quan tỉnh Ninh Bình khoảng 13 km.

Giới thiệu về văn hóa dân tộc Tày ở Đà Bắc

(HBĐT) - Năm 2011, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành thực hiện Đề tài khoa học “Điều tra văn hóa phi vật thể dân tộc Tày huyện Đà Bắc”. Kết quả đã thu thập được rất nhiều tư liệu về văn hóa dân gian truyền thống của nhóm người Tày ở huyện Đà Bắc. HBĐT xin giới thiệu bài viết từ Trang thông tin điện tử của Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hòa Bình giới thiệu về một số nét văn hóa tiêu biểu của người dân tộc Tày huyện Đà Bắc.

Những chiếc chiêng cổ nhất

(HBĐT) - Hội thảo khoa học về Không gian văn hóa cồng chiêng Mường tổ chức tại Hòa Bình trong dịp tỉnh tổ chức Lễ hội văn hóa cồng chiêng lần thứ I. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa và nghệ nhân đã tham dự với những tham luận và đề xuất với các cơ quan chuyên ngành quản lý Văn hóa Du lịch lịch sử, giá trị văn hóa cồng chiêng của người Mường nhằm phát huy di sản quý báu này của dân tộc Mường – một trong số những dân tộc cổ truyền và chiếm số lượng lớn ở nước ta. Báo HBĐT xin giới thiệu bài viết của tiến sĩ Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á.

Nâng niu những hiện vật trong cuộc kháng chiến chống Mỹ

(HBĐT) - Dù đã trải qua 37 năm nhưng thắng lợi và những đóng góp to lớn của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mãi mãi là những trang sử hào hùng. Bởi vậy, góp nhặt những hiện vật ghi dấu chiến công là việc làm cần thiết mà Bảo tàng tỉnh đã và đang duy trì để khi có điều kiện sẽ trưng bày, giới thiệu nhằm tuyên truyền về truyền thống cách mạng cho thế hệ mai sau.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục