(HBĐT) - Tên gọi hay việc đặt tên địa danh, tên cho các KDC của người Mường trước tháng 8/1945 rất đa dạng, phong phú, song tựu chung lại đều được đặt hết sức tự nhiên tùy theo địa hình, địa vật nơi đó hoặc chỉ cần căn cứ vào các đặc điểm hay các cây bản địa phổ biến mang tính đặc trưng cho khu vực đó. Song cũng có những làng mường được đặt tên theo dạng tên chữ, tất nhiên là chữ trong văn bản của Nhà nước phong kiến đặt cho các KDC của người Mường để nhằm mục đích quản lý hành chính và thu thuế khóa, song các tên gọi này thường rất xa lạ với chính người dân nơi đó nên nó không sống được trong giao tiếp, ứng xử và gọi tên trong dân gian Mường.

 

Thực trạng ngày nay cho thấy, nhiều KDC của người Mường người dân hầu như không hiểu ý nghĩa của tên gọi làng quê mình, đó là do người Mường xưa không có chữ viết, quá trình truyền miệng lâu dài, qua nhiều đời dẫn đến các điển tích, điển cố dần bị phai nhạt, thất truyền.

 

Trong khuôn khổ một bài viết ngắn, tác giả chỉ xin sơ lược qua cách thức đặt tên cho các KDC cổ truyền của người Mường.

 

a. Đặt tên làng Mường theo các loại cây thực vật:

 

 

Đặt tên theo các loại cây bản địa khác biệt với các vùng khác hay mọc nhiều ở nơi đó, đây là cách đặt tên thường gặp trong việc xưng gọi các KDC của người Mường.

 

Mường Rống Láo - nay là xóm Láo, xã Vũ Lâm (Lạc Sơn). Láo trong tiếng Mường chỉ cây nứa, trước đây, vùng này có một khu rừng nứa nguyên sinh xanh tốt. Khi người Mường định cư nơi đây đã đặt tên quê mình theo cây đó. Rống Láo có nghĩa là lưng cây nứa. Ngày nay, nơi đây được đổi tên thành xóm Quyết Tiến, một khẩu hiểu theo kiểu xung trận. Như vậy, vùng này được đặt tên theo một loại cây phổ biến trong vùng.

 

Mường Vôil - nay là xóm Vôi, xã Liên Vũ (Lạc Sơn). Ngay sau KDC này có một quả đồi đất cao hơn 600 m so với mực nước biển gọi là đồi Đội, đây là quả đồi đất cao nhất trong vùng. Dưới chân đồi Đội có một loại nứa rất đặc biệt, thân cây không to lắm, cây già có màu vàng óng rất đẹp người Mường gọi là câyl láo Vôil, cây nứa vôi. Loại nứa này ngày xưa được nhân dân quanh vùng khai thác về đan các loại bồ rất đẹp, có màu vàng óng dùng cho phụ nữ đựng quần áo, chăn màn… Tên Mường vôil - Mường Vôi được lấy theo loại nứa đó.

 

b. Đặt tên mang ý nghĩa phản ánh một sự kiện đã qua ở vùng đó:

 

Đặt tên theo các sự kiện lịch sử diễn ra trong quá khứ, đây là cách đặt tên thường gặp trong cách đặt tên làng Mường. Thông thường cách đặt tên loại này thường kèm theo một truyền thuyết dân gian truyền miệng mọi người trong vùng thường kể cho nhau nghe.

 

Mường Bi - tên cổ của vùng mường rộng lớn tại huyện Tân Lạc có nhiều truyền thuyết truyền miệng nói về lai lịch của tên gọi. Một truyền thuyết xuất phát điển tích về nhà lang, một truyền thuyết xuất phát từ cơn đại hồng thủy.

 

Truyền thuyết thứ nhất kể rằng, hai đứa con Vua Đinh khi cha bị cướp ngôi đã chạy loạn lên đất Mường Thàng làm lang ở đó. Hai anh em không ở chung được với nhau nên đã bày ra cách bắn bia đá, ai bắn trúng, người đó ở lại Mường Thàng, ai không trúng sẽ phải ra đi. Tấm bia đá đặt xa trên đó chỉ khoét một lỗ nhỏ đủ cho mũi tên cắm được vào. Người em vốn tinh mắt, giỏi săn bắn nên đã bắn trúng nên ở lại Mường Thàng, người anh phải đi sâu vào trong chân núi đi ăn đất lập nên Mường Bi. Dù phải ra đi vào Mường Bi nhưng do người anh là bề trên nên dòng lang mang họ Đinh Thế, người em ở lại chỉ được mang họ Đinh Công.

 

Truyền thuyết thứ hai kể rằng, vùng Mường Bi xưa là thung lũng mọc rất nhiều cây gọi là cây bi, toàn là cây cổ thụ. Trong một trận đại hồng thủy, nước lụt dâng cao, dân Mường Bi chết hết, chỉ còn sót lại có hai người, một là người phụ nữ người Mường và một người đàn ông là chú khách đi qua. Cả hai nhờ leo trú trên ngọn cây bi mọc cao hơn nước lụt nên mới thoát chết. Sau đó hai người lấy nhau đẻ ra con cái vì tưởng nhớ đến cây bi đã cứu mình nên đặt tên mường là Mường Bia. Từ bia ấy là do từ bia được nói lái đi mà thành.

 

Cây bi xưa mọc rất nhiều, tiếng phổ thông gọi là cây phay. Đây là loại cây có thân to, tròn, mọc thẳng, thớ gỗ to, lõi cây màu đen rất đẹp. Ngày nay được dùng để làm sập, làm phản. Người Mường nơi đây rất quý trọng cây này và chọn làm cây khoét quan tài cho người chết yên nghỉ. Chính vì lẽ đó, người ta gọi nơi đây là Mường Bi.

 

Truyền thuyết vẫn chỉ là truyền thuyết, song rõ ràng, truyền thuyết thứ nhất là nhằm tôn vinh dòng dõi nhà lang thể hiện rất rõ qua chi tiết mình là con Vua Đinh và việc đi ăn đất. Truyền thuyết thứ hai có thể sinh ra trong thời kỳ Bắc thuộc khi mà kẻ xâm lược sử dụng các điển tích, các truyền thuyết dân gian với mục đích thâm độc nhằm đồng hóa dân tộc sở tại. Câu chuyện thứ ba nghe có vẻ giản đơn, ngắn hơn nhưng rõ ràng thực tế và không có các tình tiết thêu dệt.

 

Mường Bưng - nay là xóm Bưng, xã Hương Nhượng lại có tích kể về anh em một gia đình nọ trong Mường có công đánh giặc. Mỗi khi quan giặc qua sông để tiến vào Mường đều bị ba anh em đánh tan phải rút chạy, bọn giặc kháo nhau, bảo rằng vào Mường đó bị ba anh em đánh chặt bịt kín như bưng, chúng không làm gì được. Cái tên Mường Bưng có từ đó.

 

Mường ải - nay là xóm ải, xã Phong Phú (Tân Lạc) là cái tên có từ thời Lê. Dân gian kể lại rằng, Vua Lê (không rõ là vị nào) đi lên Tây Bắc đánh giặc qua Mường Bi cho dựng ải, dựng lũy, tên Mường ải xuất phát từ đó. Tại khu vực này có một khu đống mộ Mường cổ người ta khai quật được rất nhiều các vật dụng thời Lê, trong đó có nhiều dấu chia cơm của binh lính thời Lê sơ.

 

Làng Cò Lũy - nay là xóm Lũy, xã Phong Phú ngay gần kề xóm ải cũng được đặt tên theo truyền thuyết Vua Lê đi đánh giặc có đắp lũy ở nơi đây. Cò trong tiếng Mường còn có nghĩa là bãi gò đất, rừng cây nhỏ. Như vậy, làng Cò Lũy còn mang sắc thái yếu tố địa hình.

 

c. Đặt tên theo hình dạng địa hình:

 

Việc đặt tên KDC theo địa hình cũng được người Mường sử dụng khá nhiều và thường gặp trong khu vực người Mường sinh sống.

 

Làng Mường Cọil - nay là xóm Cọi, xã Hương Nhượng. Làng Mường Cọi Wènh nay là xóm Cọi, xã Yên Phú là hai KDC cách xa nhau và cùng ở trên bờ con sông Bưởi thuộc huyện Lạc Sơn. Cọil trong tiếng Mường chỉ một bãi gò đất nổi cao hơn so với địa hình xung quanh. Các Cọil này thường được gọi là các gò đất gần bờ sông, suối.

 

Do cư trú ở vùng đồi núi nên các thung lũng, ruộng lúa hẹp kẹp giữa các quả đồi, núi là loại địa hình phổ biến, người Mường gọi loại địa hình này là rộc nên cái tên này được nhiều KDC dùng lấy làm tên cho mình. Tại xã Xuất Hóa có một KDC gọi là Mường Rộc - xóm Rộc cách đó không xa chừng gần 20 km về phía tây, trên xã Ngọc Sơn cũng có một KDC lấy tên là làng Rộc nay gọi là xóm Rộc. Tại xã Bình Hẻm cũng có làng Rộc nay là xóm Rộc. Xã Hữu Lợi (Yên Thủy) có làng Rộc nay là xóm Rộc.

 

Việc dựa phỏng theo địa hình, địa vật nơi cư trú được người Mường sử dụng đặt tên cho làng mường thể hiện ở nhiều nơi rất rõ như ở xã Định Cư có một KDC nằm trên sườn núi đá vôi người Mường gọi là Mường Lơớ - nay là xóm Lở. Lơớ là một từ trong danh từ Đải Lơớ trong tiếng Mường chỉ thác nước, vì KDC này ở ngay trên một ngọn thác nước vào mùa mưa chảy rất đẹp nên họ lấy luôn đó đặt tên cho mường mình.

 

Mường Khụ - là tên vùng mường cổ nay bao gồm 3 xã Ngọc Lâu, Ngọc Sơn, Tự Do, 3 xã này ở trên đỉnh một dãy núi cao. Khụ trong tiếng Mường là danh từ chỉ đá, Mường Khụ tức là mường trên núi đá…

 

d. Đặt tên theo nguồn nước, giếng nước:

 

Các nguồn nước mạnh tự phun trong lòng đất lên chiếm vị trí quan trọng trong đời sống người Mường, họ gọi đó là các vỏ tác - vó nước. Nước có vị trí rất quan trọng trong đời sống người Mường, không chỉ nuôi sống con người, nó còn là nguồn cung cấp cho đồng ruộng, mường nào có nhiều nguồn nước, nơi đó sẽ dồi dào nước thuận lợi trong việc cấy, cày, gieo lúa. Việc lấy tên các Vó nước đặt tên cho KDC cũng được sử dụng. Ngay trong huyện Lạc Sơn có thể kể ra một số KDC như: làng Vỏ Nàng - nay là xóm Vó Nàng, xã Chí Thiện; làng Vỏ - nay là xóm Vó trên, xã Nhân Nghĩa, làng Vỏ Có - nay là xóm Vó, xã Mỹ Thành…, đều là những làng mường cổ lấy tên nguồn nước để đặt tên cho làng mường. Tại huyện Tân Lạc, xã Nam Sơn, Bắc Sơn còn có những KDC lấy luôn tên nguồn nước như: Rác Lạc, Rác Lặn… 

 

Đặc điểm các làng mường lấy tên vó - đặt tên theo nguồn nước thường có địa hình đồng ruồng bằng phẳng, rộng rãi hơn các làng mường khác, nguồn nước nơi đó dồi dào hơn các nơi khác xung quanh, làm ruộng cấy lúa có nhiều thuận lợi hơn, chỉ sau làng Chiềng. Việc đặt tên có ngầm ý ca ngợi quê hương mình, đồng ruộng mình phì nhiêu, nguồn nước dồi dào, dễ làm ăn và có phần giàu có hơn các mường khác.

 

đ. Nhận xét chung và vấn đề đặt tên các KDC ngày nay:

 

Các làng Mường cũng như mỗi con người khi sinh ra, hình thành nên đều có tên để xưng gọi. Cách đặt tên cho các KDC của người Mường ban đầu nghe rất tự nhiên và có vẻ ngẫu hứng, song qua nhìn kỹ lại thấy nó hoàn toàn có chủ ý và dựa theo những “nguyên tắc” khá cơ bản, đó là dựa theo địa hình, địa vật, loài cây thực vật đặc trưng ở đó, đặt tên theo nguồn nước, theo các điển tích, điển cố truyền miệng… Đây là cách đặt tên dân dã, gần gũi với đời sống nên có sức sống rất lâu bền trong dân gian. Điều này thể hiện rất rõ trước cách mạng Tháng Tám năm 1945, các Nhà nước phong kiến miền xuôi cố gắng áp đặt các tên tổng, xã… lên các KDC vùng người Mường, song các tên đó chỉ tồn tại trên giấy tờ hành chính rất xa lạ với cư dân bản địa, hầu như không vào được đời sống và người dân Mường chủ yếu là cam chịu chứ hầu như không chấp nhận.

 

Mục đích chính của những cái tên nhằm gợi nhớ về hoàn cảnh lịch sử, địa hình, địa vật của từng làng quê ngầm ý gợi lên tình yêu quê hương, giáo dục con cháu dù đi xa vẫn nhớ về quê hương.

 

Tuy vậy, do hoàn cảnh truyền miệng lâu dài, không có chữ viết nên các KDC làng mường hầu như không mấy ai nhớ nổi các “điển cố”, điển tích, lịch sử, ý nghĩa của tên gọi làng mường của mình. Điều này dẫn đến việc suy diễn, hiểu sai dẫn đến sự “xét lại” tên KDC đổi tên gọi khác… Điều này đã, đang diễn ra trong đời sống như ở huyện Lạc Sơn, xã Vũ Lâm có làng mường Rống Láo nay người ta đổi tên thành xóm Quyết Tiến. Các KDC mới thành lập trong quá trình tách, giãn dân hay tái định cư để lấy đất xây dựng các công trình. Các KDC mới được đặt tên nghe rất kêu, song chẳng ăn nhập gì với văn hóa bản địa như xóm Trung Sơn, Tiền Phong…

 

 

 

                                                          Bùi Huy Vọng

                             (Xóm Bưng, xã Hương Nhượng, Lạc Sơn)

 

Các tin khác

Gốc cây thị khoảng 13 người ôm không xuể.
Hang Chùa được xếp hạng là di tích danh thắng cấp quốc gia.
Các em nhỏ dân tộc Tày ở Đà Bắc.
Chi tiết một chiếc chiêng Mường cổ gần ngàn năm tuổi.

Nâng niu những hiện vật trong cuộc kháng chiến chống Mỹ

(HBĐT) - Dù đã trải qua 37 năm nhưng thắng lợi và những đóng góp to lớn của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mãi mãi là những trang sử hào hùng. Bởi vậy, góp nhặt những hiện vật ghi dấu chiến công là việc làm cần thiết mà Bảo tàng tỉnh đã và đang duy trì để khi có điều kiện sẽ trưng bày, giới thiệu nhằm tuyên truyền về truyền thống cách mạng cho thế hệ mai sau.

“Đánh thức” thương hiệu rượu cần Hòa Bình

(HBĐT) - Không biết từ bao giờ rượu cần đã có trong đời sống của người Mường Hoà Bình. Đây là một nét văn hóa cộng đồng không thể thiếu trong sinh hoạt hàng ngày, trong những dịp cưới hỏi, lễ, tết... Trong bộn bề cuộc sống hiện đại, rượu cần đang dần được đánh thức.

Địa bàn phân bố dân tộc Mường Hòa Bình

(HBĐT) - Sự phân bố dân cư Mường ở Hòa Bình gắn liền với nguồn gốc lịch sử, môi trường tự nhiên của khu vực cũng như tập quán sản xuất và sinh hoạt của dân tộc Mường.

Nhà máy thủy điện Hòa Bình

(HBĐT) - Nhà máy được xây dựng trren sông Đà tại thành phố Hòa Bình, cách thủ đô Hà Nội 76 km về phía tây (cách thành phố Hòa Bình 2 km về phía tây bắc).

65 năm nhớ về đoàn quân Tây Tiến

(HBĐT) - Thời gian thấm thoắt trôi đi, mới đó mà đã 65 năm, kể từ ngày chỉ huy mặt trận miền Tây, Tư lệnh chiến khu là thiếu tướng Hoàng Sâm và phái viên Chính phủ (cố vấn) Lê Hiếu Mai dẫn đầu các đoàn quân lên Hòa Bình, Mộc Châu (Sơn La), Sầm Nưa, Hủa Phăn nước bạn Lào… giữ yên biên giới Việt - Lào và Việt - Trung, một vùng Tây Bắc rộng lớn của nước ta.

Chiến thắng Tu Vũ - mở đầu thắng lợi chiến dịch giải phóng Hòa Bình

(HBĐT) - Sau chiến thắng Biên giới (23/10/1950), ta chủ động chuyển sang tiến công địch trên khắp các chiến trường, quyền chủ động về chiến lược của địch trên chiến trường Bắc Bộ đã mất. Tuy lực lượng của địch trên chiến trường Đông Dương còn đông (gần 25 vạn tên) nhưng không đủ để làm nhiệm vụ chiếm đóng và cơ động. Để gỡ thế bí, địch phải điều chỉnh lại thế trận, rút 29 vị trí ở hữu ngạn sông Hồng, trong đó có hàng loạt vị trí ở Hòa Bình về phòng thủ đồng bằng Bắc bộ. Ngày 8/11/1950, địch rút chạy khỏi Hòa Bình, “Bức tường thép bên sông Đà” bị sụp đổ, Hòa Bình được giải phóng lần thứ nhất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục