Cũng giống như khu mộ cổ Đống Thếch, xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi), khu mộ cổ Đồng Cúi, xã Dũng Phong (Cao Phong) từng là khu mộ đá thâm u, kỳ bí tồn tại qua hàng trăm năm với nhiều hòn mồ còn sót lại.
(HBĐT) - Không gian thờ cúng linh thiêng, đậm chất huyền bí là những đặc trưng dễ nhận thấy trong tín ngưỡng thờ cúng của người Mường ở Hòa Bình. Trong đó, đáng chú ý nhất là tín ngưỡng thờ đá. Sống gắn bó với đá, khi về với Mường Ma, những phiến đá mồ như chiếc gối vĩnh hằng của người đã khuất...
Linh thiêng tín ngưỡng thờ Bụt đá
Qua giới thiệu, chúng tôi tìm về gặp ông Bạch Công Tân, xã Tú Sơn (Kim Bôi) là người nắm giữ gia phả, trông coi việc thờ tự của dòng họ, ông cho biết: Người thờ họ phải nắm vững kiến thức về thờ bụt đá cũng như các tín ngưỡng thờ cây, con của người Mường. Tổ tiên xa xưa của người Mường có cuộc sống gắn liền với các hang động. Ở trong hang thường có nhiều khối đá có hình thù đặc biệt. Qua nhiều câu chuyện dân gian truyền miệng, hình thành nên ý thức trong người Mường về việc thờ những hòn đá có hình thù kỳ dị, họ coi đó là những bụt đá.
Trong cộng đồng Mường, hầu như làng nào cũng có bụt đá, tuy nhiên, câu chuyện gắn với ông Bụt ở mỗi nơi lại khác nhau. Người già ở làng thường kể với con cháu mình rằng: khi khơi dòng lấy nước làm ruộng, gặp phải hòn đá chắn dòng, người dân bẩy đi chỗ khác để nước tiêu thông. Hôm sau, kỳ lạ thay, hòn đá lại trở về chỗ cũ. Người dân lại tiếp tục đẩy xa hơn nữa, nhưng liên tiếp nhiều ngày, hiện tượng hòn đá trở về chỗ cũ vẫn tiếp diễn. Theo lời thầy cúng, người dân bèn mang hòn đá đó về thờ. Từ đó, mưa thuận gió hòa. Cũng có nơi, chuyện về ông Bụt lại là... Có một bà cụ, ngày nước lũ dùng kha (cái vợt - PV) đi xúc cá. Bà bỗng xúc được hòn đá khá nặng. Bà vứt đi rồi lại xúc phải. Cứ thế đến lần thứ 3, thấy lạ quá, bà mới cầm lấy và nói là: nếu linh thiêng thì cho tôi được nhiều cá. Sau đó thì bà xúc được nhiều cá thật. Bà cụ nghĩ, có thể là hòn đá linh thiêng thật nên cầm về thờ phụng. Kể từ đó, hòn bụt rất linh thiêng, đặc biệt là chuyện liên quan tới mưa gió của làng.
Không biến chuyện thờ bụt đá thành một thứ tín ngưỡng mê tín, người Mường cư xử thân thiện với bụt đó, chủ yếu dùng những hình tượng này để giáo dục con cháu. Những cư dân Mường từ đời này sang đời khác luôn biết trân trọng những gì đang có, biết sống lễ phép có trên, dưới. Đó là ý nghĩa nhân văn đáng quý được gửi gắm vào Bụt đá của cộng đồng người Mường.
Đá trong đời sống của người Mường
Không chỉ tồn tại trong tín ngưỡng thờ cúng, đá gắn bó trong đời sống hàng ngày của mỗi cư dân Mường từ khi còn sống đến khi mất, hiện hữu trong những việc quan trọng của đời người. Vào bất kỳ gia đình người Mường gốc nào ta cũng dễ dàng bắt gặp những hòn “nục” có nghĩa là bếp - PV) bằng đá (giống như tín ngưỡng thờ 3 ông đầu rau của người Kinh, có hòn nục chủ và 2 hòn nục treo- PV). Người Mường rất cẩn thận khi sử dụng, tuyệt đối kiêng kị làm hòn nục bị ô uế. Không gian nơi đặt hòn nục là nơi quan trọng nhất trong nhà sàn của người Mường, khách đến chơi nhà được gia chủ thân tình tiếp chuyện tại đây. Đây cũng là nơi mâm cơm thường được dọn lên trong những ngày đông giá rét, ông bà, con cháu cùng ngồi quây quần bên bếp lửa sưởi ấm, trò chuyện. Thường người Mường ít khi để bếp lửa nơi đặt những hòn nục bị tắt, nếu không đun nấu thì sẽ ủ than dưới lớp tro, khi cần chỉ thổi lên là được và như vậy, bếp luôn có hơi ấm. Ngọn lửa ấm áp của bếp nhà sàn thể hiện nét sinh hoạt văn hoá đoàn kết, ấm cúng và thân thiện của bà con dân tộc Mường đã được lưu giữ qua bao thế hệ từ hàng trăm năm nay.
Sống gắn bó với đá, đến khi chết đi, đá vẫn là một phần không thể thiếu trong hành trình về với Mường Ma của mỗi cư dân Mường. Theo bước chân ông Bạch Công Tân, chúng tôi cùng tìm về không gian linh thiêng, đượm chút huyền bí của người Mường Động- Khu di tích khảo cổ quốc gia Đống Thếch. ông cho biết: Các cọc đá tại đó tất cả đều là đá tự nhiên, mỗi cọc đá cao đến 2, 3 m, bên trên lại có khắc chữ Nho, được người Mường gọi chung là đá mồ. Một số vùng Mường còn giữ tục chôn đá mồ. Với nữ là 4, nam là 5 hòn đá trồng đầu mộ như chiếc gối vĩnh hằng dành cho người đã khuất.
Tín ngưỡng thờ đá của người Mường còn thể hiện rõ nét trong chiếc túi khót của các ông mo Mường. Nếu 1 lần được khám phá chiếc túi này sẽ thấy bên trong chứa rất nhiều hòn đá nhỏ nhiều màu sắc tựa như những công cụ đồ đá của người nguyên thủy như: rìu đá, mai đá, dao đá... Xung quanh chiếc túi bí hiểm này cũng có rất nhiều truyền thuyết song hầu hết có chung quan điểm rằng: đây là những đồ nhặt được trong hang. Chúng mang hình hài kỳ dị, màu sắc đặc biệt, đa dạng: có hòn màu đen, xanh, trong, trắng, trắng ngọc; có hòn trơn bóng, xù xì... tất cả được coi như vật thiêng, được các ông mo xứ Mường đi đâu cũng mang theo để làm những điều thiện. ông Bạch Công Tân cho biết thêm: Với chiếc túi khót, ông mo Mường được xem là người nắm giữ vật thiêng. Gia đình nào có việc chẳng lành, được gia chủ mời, ông mo đeo túi khót đến. Những hòn đá mang tính thiêng được ông sử dụng linh hoạt để đuổi tà ma, đem lại bình yên cho gia chủ.
Trao đổi về tín ngường thờ đá trong đời sống tâm linh của người Mường, ông Bùi Tú Cao, Trưởng phòng nghiệp vụ văn hóa, Sở VH-TT&DL khẳng định: Ngày nay tín ngưỡng thờ đá vẫn hiện diện trong cộng đồng người Mường ở Hòa Bình nói riêng. Tục thờ đá có nhiều hiển hiện vô cùng phong phú, khó có thể khôi phục diện mạo ban đầu do đặc trưng của tín ngưỡng dân gian là luôn biến đổi và chứa đựng nhiều lớp văn hóa. Nhưng có thể thấy, tục thờ đá luôn hiển hiện trong đời sống tâm linh của người Mường, vượt ra khỏi ranh giới của sự mê tín, nó có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là cách để người Mường giáo dục con cháu có lối sống đúng, sống đẹp.
Hải Yến
(HBĐT) - Trong thiết chế xã hội cổ truyền của dân tộc Mường, mỗi xóm, bản đều có những người được coi là thủ lĩnh tinh thần và rất am hiểu phong tục, tập quán truyền thống dân tộc gắn với nghi lễ trong cuộc sống. Đó chính là ông Mo được ví như những người “giữ lửa” cho dân tộc Mường.
(HBĐT) - Từ việc tiếp cận trực quan nhiều lễ mo tang rồi suy ngẫm, rút ra những giá trị tinh túy và ý nghĩa sâu sắc trong lễ Mo tang của người Mường, chúng tôi nhận thức được mo thuộc loại nghi thức vòng đời; là nghi thức được tổ chức trong đám tang. Mo là một kho bách khoa của người Mường về lịch sử, địa lý, nhân học, triết học, văn hóa, nghệ thuật diễn xướng mang tính sân khấu dân gian. Âm nhạc, múa, mỹ thuật, kiến trúc, thi ca, văn hóa ẩm thực...
(HBĐT) - Một nhiếp ảnh gia ở Hà Nội đánh tiếng rằng: Có phải cử nhân văn hóa Bùi Thanh Bình, chủ nhân của nhà sàn Mường Động (suối khoáng Hạ Bì - Kim Bôi) nay đã thành lập Bảo tàng tư nhân di sản văn hóa Mường không? Lên mạng tìm tên bảo tàng không có gì. Đem thắc mắc này đến gặp anh - Giám đốc Bùi Thanh Bình khẳng định: Mới có giấy phép hoạt động bảo tàng ngoài công lập do UBND tỉnh cấp từ tháng 1/2014, mọi chuyện cũng mới khởi đầu thôi mà.
(HBĐT) - Không chỉ được nhiều người biết đến bởi rượu cần, mật ong hay cơm lam ống nứa, Hòa Bình còn nổi tiếng với đặc sản măng các loại, trong đó có măng khô.
(HBĐT) - Chá Chiêng là lễ hội tín ngưỡng của dân tộc Thái (Hòa Bình) do ông Mùn lớn - người có uy tín trong cộng đồng người Thái tổ chức.
(HBĐT) - Trong kiến trúc nhà sàn của người Thái đen, “cột thiêng” có vai trò vô cùng quan trọng, được coi như trụ cột, chứa đựng linh hồn của ngôi nhà, là biểu tượng cho sự bền vững của một gia đình.