Đồng chí Vũ Quang Hùng, Trưởng phòng NN &PTNT huyện Tân Lạc cho biết: Năm 2013, Huyện ủy Tân Lạc ban hành Nghị quyết về phát triển sản xuất bưởi đỏ, bưởi da xanh giai đoạn 2013 - 2020; năm 2014 tiếp tục ban hành Nghị quyết về đưa cây trồng hàng năm vào diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả huyện Tân Lạc giai đoạn 2014 - 2020. Theo đó, người dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, chú trọng thâm canh để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Một mặt, thực hiện quy hoạch sử dụng đất nông - lâm nghiệp để phát triển rau su su, tỏi, quýt ở vùng cao; trồng bưởi đỏ, bưởi da xanh vùng thấp gắn với thu hút đầu tư phát triển công nghệ bảo quản, chế biến, mở rộng thị trường.
Nông dân xã Lũng Vân (Tân Lạc) thu hoạch rau su su, cung cấp ra thị trường.
Từ những chủ trương, quyết sách đã được định sẵn, hàng năm, UBND huyện tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tích cực để nâng cao hiệu quả sử dụng đất canh tác trong sản xuất nông nghiệp. Thực hiện sự chỉ đạo này, trong 9 tháng năm 2017, Phòng NN & PTNT đã thực hiện tốt công tác điều tiết nước hợp lý và gieo trồng theo đúng lịch thời vụ, điều chỉnh cơ cấu cây trồng phù hợp với tình hình thời tiết, bảo đảm nước tưới cho hầu hết diện tích. Theo đó, tổng diện tích gieo trồng 9 tháng qua ước đạt 13.408,2 ha, đạt 98,8% kế hoạch, bằng 101% so với cùng kỳ. Tổng sản lượng cây lương thực có hạt đạt 42.242,1 tấn, đạt 101,3% kế hoạch, đạt 100% so với cùng kỳ. Cây ăn quả có múi (cam, quýt, bưởi) tiếp tục được mở rộng về diện tích bằng các giống cây có năng suất, chất lượng cao với tổng diện tích toàn huyện đạt 1.118 ha, trong đó, diện tích trồng mới ước đạt 5,3 ha.
Cho đến nay, đời sống của người dân huyện Tân Lạc chủ yếu vẫn dựa vào nông nghiệp, tuy nhiên, thói quen, tập quán sản xuất của một bộ phận nhân dân chậm thay đổi. Theo đó, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chưa tạo ra thương hiệu sản phẩm hàng hoá mang bản sắc địa phương; chưa xây dựng được chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản; chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nông sản.
Xác định rõ những điểm nghẽn này, ngành nông nghiệp huyện Tân Lạc luôn chủ động trong công tác tham mưu, chỉ đạo để khai thác hiệu quả diện tích đất nông nghiệp phát triển kinh tế. Theo đó, trong những tháng cuối năm 2017, ngành nông nghiệp huyện sẽ tập trung chỉ đạo sản xuất vụ đông. Thực hiện tốt công tác dự báo tình hình sâu bệnh hại cây trồng và có biện pháp phòng ngừa, xử lý hiệu quả. Đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp trong các khâu gieo trồng, thu hoạch và bảo quản. Xây dựng mô hình liên kết chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ đối với sản phẩm chủ lực của huyện. Tiếp tục thực hiện các chính sách, đề án trên địa bàn huyện như: Chính sách bảo vệ và phát triển đất trồng lúa năm 2017; đề án cải tạo vườn tạp, chính sách theo Quyết định số 915/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết số 12, ngày 18/ 4/2014 của BTV Huyện uỷ về "Đưa cây trồng hàng năm vào diện tích đất lúa kém hiệu quả giai đoạn 2014 - 2020”; Nghị quyết số 10, ngày 10/7/2013 của BCH Đảng bộ huyện về "Sản xuất bưởi đỏ, bưởi da xanh”. Đồng thời, thực hiện tốt hoạt động các chương trình, dự án hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Thúy Hằng
(HBĐT) - Ngày 10/11, tại thành phố Hòa Bình, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Tổng cục Nuôi trồng thủy sản, Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề: "Hiệu quả nuôi cá lồng bền vững trên sông, hồ vùng Trung du miền núi phía Bắc”. Tham dự diễn đàn có đại diện các Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ NN&PTNT, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, một số trung tâm, hiệp hội, nhà khoa học liên quan, đại diện lãnh đạo Sở NN&PTNT, các đơn vị liên quan và nông dân của 07 tỉnh vùng Trung du miền núi phía Bắc.