Đồng chí Nguyễn Đức Hân, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Trong những năm gần đây, Đồng Tâm đẩy mạnh phát triển chăn nuôi các con vật đặc sản, được thị trường ưa chuộng. Trong đó đã có một số mô hình mới như nuôi nhím, nuôi hươu hay nuôi lợn bản địa. Các mô hình này đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực, đang được bà con nhân rộng. Ngoài những mô hình mới, ở Đồng Tâm, nuôi dê từ lâu đã đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân. Với địa hình có đồi núi, thuận lợi cho việc chăn thả và địa bàn tiếp giáp với tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, những nơi tiêu thụ mạnh nên nuôi dê ngày càng phát triển. Hiện nay, xã có khoảng 100 hộ ở 10/16 thôn, xóm đang duy trì nuôi dê, tổng số đàn xấp xỉ 2.000 con.
Đồng Tâm đang nuôi 3 loại dê gồm: dê núi, dê Boer và dê Bách Thảo. Trong đó, dê được nuôi nhiều nhất ở các xóm: Ngọc Lâm, Đại Đồng, Đồng Đễ, Đồng Danh. Nhiều hộ ở các xóm này có đàn dê lên tới 50 – 60 con. Điển hình như các hộ: Trịnh Ngọc Hùng, Nhữ Văn Vũ, Phạm Văn Tới ở xóm Ngọc Lâm; hộ ông Vũ Văn Hùng (thôn Đại Đồng), Nguyễn Văn Nhàn ở thôn Đồng Đễ.
Nuôi dê đã và đang trở thành hướng đi đem lại hiệu quả kinh tế cao ở xã Đồng Tâm (Lạc Thủy). Ảnh: Đàn dê gần 60 con của gia đình ông Nguyễn Văn Nhàn, thôn Đồng Đễ.
Trước đây, hộ ông Nguyễn Văn Nhàn, thôn Đồng Đễ chỉ có 5 con dê giống. Hàng ngày, buổi sáng, gia đình ông thả dê lên núi, còn chiều thì lùa về chuồng. Nhờ điều kiện chăn thả phù hợp, đàn dê phát triển nhanh, đến nay, gia đình ông Nhàn đã có 60 con dê, trong đó 20 con dê sinh sản. Nhờ nuôi dê mà mỗi năm đem lại cho gia đình ông nguồn thu nhập ổn định.
Bà Nguyễn Thị Liên, vợ ông Nhàn chia sẻ: "Nuôi dê rất phù hợp lại không vất vả như các con vật khác. Muốn dê phát triển nhanh thì mình cần phải nắm được các kỹ thuật cơ bản trong chăm sóc và phòng các loại bệnh dê hay gặp. Nói chung, với con dê thì buổi sáng thả lên núi, đến chiều chúng tự về chuồng. Mình chỉ cho dê uống nước muối, ăn thêm cám, ngô là chúngphát triển tốt”.
Ở thôn Đồng Đễ, gia đình anh Nguyễn Anh Công tập trung phát triển chăn nuôi gà Lạc Thủy với quy mô hàng nghìn con mỗi lứa. Dù vậy, để tận dụng đồi núi sau nhà, nhiều năm nay, anh Công duy trì nuôi đàn dê hơn chục con. Anh cho biết, với những lợi thế về đầu ra, trong thời gian tới, gia đình sẽ tăng đàn dê để có thêm thu nhập.
Ở thôn Ngọc Lâm, gia đình bà Bùi Thị Lan là một trong những hộ chăn nuôi dê tiêu biểu. Trước đây, khi đầu ra của con dê còn nhiều bấp bênh, gia đình bà Lan chỉ nuôi với quy mô nhỏ lẻ. Sau này, thị trường ổn định, giá bán của dê Đồng Tâm thường cao hơn so với vùng khác nên gia đình bà Lan quyết định vay ngân hàng để xây dựng chuồng trại, mua thêm dê giống về nuôi. Đến nay, đàn dê của gia đình bà Lan đã tăng lên gần 60 con, mỗi năm, con dê đem lại nguồn thu nhập ổn định trên 100 triệu đồng.
Với hiệu quả nuôi dê đem lại, đồng chí Nguyễn Đức Hân, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm cho biết thêm: Trong thời gian tới, xã sẽ quy hoạchvà phát triển vùng chăn nuôi dê, áp dụng khoa học – kỹ thuật để chăm sóc dê tốt hơn. Cùng với các xã khác trong huyện phát triển hơn nữa để hướng tới xây dựng thương hiệu dê Lạc Thủy, coi đây là một trong những hướng quan trọng để nâng cao thu nhập cho người dân, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí trong xây dựng NTM.
Viết Đào