Những năm 2014 - 2015, mía tím - một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh phải đối diện với thực trạng khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ. Cụ thể là chất lượng sản phẩm giảm, biểu hiện ở màu sắc thâm tím nhạt, vỏ có vết xước, vỏ thịt cứng, năng suất giảm, nhiễm sâu bệnh. Mía không còn ngọt và mềm như trước đây. Do hiệu quả trồng mía tím cao hơn các cây trồng khác trên cùng đơn vị diện tích nên người dân phát triển ồ ạt, không theo quy hoạch dẫn đến cung vượt cầu. Nông dân trồng mía vì thế mà trong những niên vụ gần đây chỉ đủ chi phí đầu tư hoặc bị lỗ.
Trước đó, trong năm 2012 - 2013, nhiều chương trình, đề tài, dự án được triển khai. Đáng kể, cơ quan chuyên môn thuộc Sở NN & PTNT sau khi được tỉnh giao đã phục tráng thành công giống mía tím Hòa Bình và lựa chọn được 105 cá thể đúng giống, thể hiện đúng các đặc điểm thân màu tím đậm, vỏ lóng mịn, không xước, thịt mía mềm, ngọt. Năm 2014 – 2015, Trung tâm ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ tiến hành nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen mía tím Hòa Bình bằng công nghệ Invitro. Từ việc nghiên cứu quy trình sản xuất giống mía tím thành công đã triển khai 2 mô hình ứng dụng đến người dân tại xã Nam Phong (Cao Phong), xã Mỹ Hòa (Tân Lạc). Cho đến năm 2016, Đề án "Thay thế giống mía tím bằng phương pháp nuôi cấy mô tại tỉnh Hòa Bình” khởi động với mục tiêu xây dựng các vườn giống tự cấp cho các hộ gia đình trong những năm tới nhằm khắc phục những tồn tại về chất lượng mía tím, đảm bảo cung ứng giống tốt cho sản xuất, đồng thời là tiền đề để có thể thu hút doanh nghiệp vào đầu tư chế biến các sản phẩm từ mía tím, góp phần ổn định thị trường, tăng thu nhập bền vững cho nông dân.
Mía nuôi cấy mô đang được Trung tâm ứng dụng Khoa học và Công nghệ sản xuất, đáp ứng nhu cầu thay thế giống mía tím của tỉnh đã thoái hóa.
Từ việc tuyển chọn dòng mía tím tốt tại vườn giống gốc đang được lưu trữ, Trung tâm ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ đã khai thác đỉnh sinh trưởng phục vụ nhân giống trong phòng Ivitro. Ngay sau đó, bắt tay vào tổ chức sản xuất cây mía tím bằng phương pháp nuôi cấy mô để cung cấp cho người dân trồng mía trên địa bàn. Xây dựng các vườn nhân giống cấp I, cấp II theo tiến độ nhu cầu của các địa bàn trồng mía tím thay thế giống cũ đã bị thoái hóa. Cũng từ đây, Trung tâm đã áp dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật hiện có để thực hiện đề án, đào tạo tập huấn chuyên sâu đội ngũ cán bộ sản xuất giống, mở lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất giống cho nông dân. Chuyển giao kỹ thuật để tổ chức xây dựng mô hình sản xuất giống cấp I, II tới từng hộ trồng mía theo quy trình.
Trồng mía nuôi cấy mô, người nông dân phải qua các bước, trước hết là đưa giống nuôi cấy mô xuống ruộng. Trải qua 1 vụ, đến kỳ mía được thu thì chặt phần thân để làm giống vụ tiếp theo. Nguồn giống thu vụ 1 chính là giống mô để làm ra mía thương phẩm. Đồng chí Trần Đình Thắng, Giám đốc Trung tâm ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: Mới đầu áp dụng phương pháp, người dân tham gia, thậm chí cán bộ chuyên môn cấp huyện không mấy mặn mà. Chỉ sau khi mía nuôi cây mô chuyển sang giai đoạn xuống giống thương phẩm, cây sinh trưởng vượt trội so với bình thường, các hộ tham gia mô hình mới thấy phấn chấn, vững tin.
Thông thường, vào khoảng tháng 1, 2 hàng năm là vụ xuống giống mía tím. Thời gian từ chăm sóc đến lúc mía thu hoạch được kéo dài từ 11 tháng đến 1 năm. Tuy nhiên, với việc trồng giống mía mô, thời gian đến khi thu hoạch được rút ngắn còn khoảng 9 tháng. Việc cho thu sớm cũng giúp tiêu thụ sản phẩm tốt hơn, giá cao hơn. Một ưu điểm sau khi sử dụng giống nuôi cấy mô chất lượng cao, tiến bộ là năng suất mía nâng lên, chất lượng hoàn toàn có thể thay thế giống mía tím thoái hóa. Hình thức mía thương phẩm có thân màu tím đậm, vỏ lóng mịn, không xước, thịt mía mềm, ngọt. Sâu bệnh hại trên cây mía cơ bản được kiểm soát.
Có một thực tế là để thay thế toàn bộ giống mía tím bằng phương pháp nuôi cấy mô trên địa bàn tỉnh cần khoảng 80 vạn cây giống. Tuy nhiên, với năng lực sản xuất phòng mô hình tại Trung tâm ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ, thời gian để có được số lượng cây giống phải kéo dài trong vài năm nữa. Kể từ năm 2016 đến nay, Trung tâm mới sản xuất và đáp ứng được khoảng trên 20 vạn cây. Hiện, huyện Yên Thủy cơ bản ổn định về số lượng giống mía, Trong đó, huyện đã chỉ đạo 1 HTX chuyên cung cấp giống cho người dân tại xã Lạc Lương trên diện tích mô hình 4 ha. Để thúc đẩy ứng dụng giống mía nuôi cấy mô nhân rộng trong sản xuất, UBND huyện đã hỗ trợ giống để khuyến khích sản xuất. Tại các huyện Tân Lạc, Cao Phong, mô hình mía nuôi cây mô cũng đang trên đà phát triển và lan rộng.