Nông dân huyện Tân Lạc tự hào làm giàu trên mảnh đất quê hương bởi bưởi đỏ Tân Lạc đã trở thành thương hiệu, tăng cao giá trị và thu nhập.
Với kinh nghiệm của nhà vườn, ông không nề hà giúp đỡ, trao đổi với các hội viên nông dân trong, ngoài xã chung ý chí làm giàu, xây dựng vùng bưởi hàng hóa mang lại thu nhập ngày càng cao, bền vững. Nhờ đó, tại nơi ông sinh sống có hơn 30 hộ nông dân cùng trồng bưởi đỏ. Phát huy vai trò là chi hội trưởng chi hội nông dân năng động, ông tập hợp những người chung sở thích trồng bưởi lập nên Tổ hợp tác trồng bưởi xóm Tân Hương 1 nhằm cùng trao đổi kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Trên rẻo đất vùng cao Tân Lạc, một điển hình nông dân khác cũng đáng khâm phục về ý chí làm giàu là ông Bùi Văn Đon ở xóm Xôm, xã Nam Sơn. Tiên phong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở mảnh đất sỏi đá, khô cằn, ông Xôm đã mạnh dạn trồng quýt cổ với trên 700 gốc. Năm 2016 là năm đầu tiên vườn quýt của gia đình ông thu quả bói. Với 4 tấn quả, ông thu về 80 triệu đồng. Vụ quýt năm 2017, sản lượng đi vào ổn định, năng suất quả cao hơn, ông đạt doanh thu khoảng 300 triệu đồng. Từ hộ có mức sống trung bình, ông trở thành hộ nông dân SX -KD giỏi, là tấm gương tiêu biểu để nhân dân các dân tộc ở trong, ngoài xã thăm quan, học tập kinh nghiệm phát triển kinh tế, cải thiện và nâng cao thu nhập.
"Nông dân SX-KD giỏi chính là động lực mạnh mẽ để cán bộ, hội viên tích cực tham gia sản xuất, vươn lên” - đồng chí Bùi Thế Dân, Chủ tịch Hội Nông dân huyện khẳng định. Cho đến nay, hàng trăm gương SX -KD giỏi đã xuất hiện cùng với phong trào thi đua nông dân SX -KD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện. Bưởi đỏ, bưởi da xanh, cam, quýt trở thành cây trồng có múi chủ lực mang lại cuộc sống no ấm cho các hộ dân. Vùng trồng bưởi đỏ, bưởi da xanh phát triển mạnh ở các xã: Thanh Hối, Đông Lai, Tử Nê, Tuân Lộ, Phong Phú, Mãn Đức và thị trấn Mường Khến, bình quân thu nhập của các hộ trồng cam, bưởi tiêu biểu đạt từ 500 - 900 triệu đồng /năm, có hộ đạt trên 1 tỷ đồng /năm. Trong phong trào có các điển hình như ông Bùi Văn Nhơn - chi hội xóm Đông 2, xã Thanh Hối; bà Nguyễn Thị Nguyệt - chi hội xóm 3, xã Tử Nê; ông Trần Hồng Năng - chi hội xóm Tân Lai, xã Đông Lai; ông Bùi Văn Phích - chi hội xóm Bo, xã Gia Mô; ông Nguyễn Văn Chiến - phố Lâm Lưu, xã Phú Cường; bà Trần Thị Hà - khu 1B, thị trấn Mường Khến…
Phong trào đã đi vào nề nếp và phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Hàng năm, số hội viên đăng ký bình quân trên 10.000 hộ, số hộ đạt tiêu chí SX -KD giỏi các cấp chiếm gần 50% tổng số hộ đăng ký. Năm 2017, toàn huyện có 4.788 hộ đạt, trong đó 17 hộ đạt cấp T.ư, 471 hộ đạt cấp tỉnh, 1.750 hộ đạt cấp huyện và 2.550 hộ đạt cấp cơ sở. Cùng với phát động phong trào, các cơ sở Hội vận động nông dân đóng góp ủng hộ quỹ "Ngày vì người nghèo”, tương trợ, giúp đỡ 312 hội viên thoát nghèo trong giai đoạn 2013 - 2018. Thông qua tự giúp nhau bằng ngày công, vốn, kinh nghiệm làm ăn, vật tư, cây, con giống đã hỗ trợ trên 1, 8 tỷ đồng, hơn 5.000 cây giống cho 255 hội viên nghèo và vận động quyên góp xây dựng, bàn giao 11 nhà "Mái ấm nông dân”.
Bùi Minh