Với việc chuyển đổi thành công diện tích đất lúa 1 vụ bấp bênh, kém hiệu quả, nhiều hộ gia đình ở xã Lỗ Sơn (Tân Lạc) từng bước vươn lên thoát nghèo nhờ trồng các loại cây màu có giá trị kinh tế cao.
Đồng chí Bùi Văn Nượm, Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Lỗ Sơn cho biết: Những năm qua, để sớm đưa các Nghị quyết số 10-NQ/HU về "phát triển bưởi đỏ, bưởi da xanh giai đoạn 2013 - 2020” và Nghị quyết số 12-NQ/HU về "đưa cây trồng hàng năm vào diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả giai đoạn 2014 - 2020” của Ban Thường vụ Huyện uỷ vào cuộc sống, Đảng uỷ xã tổ chức nhiều cuộc họp từ xã đến chi bộ để triển khai, tuyên truyền. Đồng thời đề ra chủ trương lãnh đạo, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện. Trên cơ sở đó, UBND xã giao chỉ tiêu kế hoạch cho các xóm tổ chức thực hiện phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế. Nhờ đó, việc triển khai thực hiện các Nghị quyết đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Trao đổi với đồng chí Đinh Thị Huẩn, Trưởng Ban phát triển xã được biết, khi chưa có Nghị quyết số 10-NQ/HU, trên địa bàn xã chưa có ai trồng bưởi đỏ, bưởi da xanh theo hướng hàng hoá. Việc trồng bưởi ở một số gia đình chỉ mang tính tự phát, nhỏ lẻ, trồng xen kẽ với các loại cây trong vườn, chủ yếu để phục vụ nhu cầu của gia đình. Nhằm tạo chuyển biến tích cực, căn bản về chủ trương phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững cũng như để cụ thể hoá Nghị quyết của Huyện uỷ, Lỗ Sơn đã tổ chức quy hoạch "vùng” phát triển cây bưởi. Trong đó, cấp uỷ, chính quyền xã, xóm xây dựng nghị quyết chuyên đề lãnh đạo, chỉ đạo, vận động nhân dân cải tạo, chuyển đổi vườn tạp kém hiệu quả sang trồng bưởi. Nhờ đó từ hơn 1 ha trồng năm 2014, đến nay, diện tích trồng bưởi của Lỗ Sơn đạt 45,5 ha. Cây bưởi có mặt ở hầu hết các xóm, tập trung chủ yếu ở các xóm: Cúng, Tân Sơn, Đồi, Đồi Mới, Bệ. Từ những hiệu quả đạt được, hiện nay, Lỗ Sơn tiếp tục chỉ đạo các xóm tuyên truyền, vận động người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như bưởi, nhãn... vào trồng tập trung theo quy hoạch để thay thế những cây trồng kém hiệu quả.
Cùng với Nghị quyết số 10-NQ/HU, việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/HU của Huyện uỷ Tân Lạc về "đưa cây trồng hàng năm vào diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả” ở Lỗ Sơn cũng đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Theo đó, toàn xã có 205 ha đất lúa. Diện tích đất lúa vụ chiêm 100 ha, vụ mùa 105 ha, năng suất bình quân đạt từ 45 - 50 tạ/ha. Trong đó diện tích đất thiếu nước, kém hiệu quả, sản xuất 1 vụ bấp bênh chiếm khoảng 40%.
Sau khi có Nghị quyết số 12-NQ/HU, Đảng ủy xã Lỗ Sơn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hoá các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết đề ra. Theo đồng chí Bùi Văn Nượm, Chủ tịch UBND xã, sau khi tuyên truyền, vận động và định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhân dân các xóm trong xã đã tích cực chuyển đổi. Từ 250 ha đất lúa ban đầu, đến nay, diện tích đất lúa của xã giảm còn khoảng 100 ha. Toàn bộ diện tích đất lúa kém hiệu quả được chuyển sang trồng các loại cây màu có giá trị kinh tế cao như mướp đắng, bí đỏ, dưa lấy hạt, mía và các loại rau, sản xuất theo hướng an toàn... Nhờ vậy, giá trị trên cùng diện tích canh tác đạt từ 150 - 180 triệu đồng/ha/vụ, tăng gấp nhiều lần so với trồng lúa.
Chị Bùi Thị Thuỷ ở xóm Nghẹ 1, xã Lỗ Sơn cho biết: Trước đây, gia đình có 2.000m2 đất trồng lúa. Sau khi được xã, xóm tuyên truyền, vận động, gia đình tôi chuyển đổi 1.000 m2 sang trồng mướp đắng lấy hạt và trồng rau, màu. Qua thực tế, việc trồng các loại cây màu đem lại giá trị cao gấp 4 - 5 lần so với trồng lúa.
Cũng như gia đình chị Thuỷ, gia đình chị Bùi Thị Hoà ở xóm Chiềng chuyển đổi phần lớn diện tích đất cấy lúa sang trồng các loại cây hàng năm. Nhờ đó, từ chỗ hộ nghèo, gia đình chị Hòa đã từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Mạnh Hùng