HTX giống cây trồng Tiến Thắng, thôn Đồng Huống, xã Liên Hòa (Lạc Thủy) tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 12 thành viên.
HTX được hỗ trợ 600 triệu đồng từ chương trình xây dựng NTM đầu tư xây dựng hệ thống tưới tiết kiệm cho 16 ha trồng cây ăn quả. Đây là HTX thực hiện theo Luật HTX năm 2012 được đánh giá hoạt động có hiệu quả trên địa bàn huyện. 2 năm liên tục, HTX được công nhận là điển hình tiên tiến của tỉnh.
Đến nay, huyện Lạc Thuỷ có 27 tổ hợp tác và 37 HTX. Đối với 37 HTX đều thực hiện theo Luật HTX năm 2012, trong đó có 31 HTX dịch vụ nông nghiệp, 3 HTX tiểu thủ công nghiệp, 2 HTX dịch vụ vận tải và 1 HTX thương mại dịch vụ. Các HTX có vốn điều lệ trên 49 tỷ đồng, với 1.160 thành viên, thu nhập bình quân của các thành viên HTX đạt 3 triệu đồng/tháng, nộp ngân sách Nhà nước trên 1 tỷ đồng. Nhìn chung, các HTX đã từng bước khắc phục khó khăn trong tổ chức hoạt động, nâng cao hiệu quả SXKD, hoạt động có nhiều đổi mới, xuất hiện ngày càng nhiều HTX hoạt động hiệu quả, tăng trưởng khá, tạo việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên và người lao động.
Hiện, trên địa bàn huyện có 7/13 xã có mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ớt sừng, bí đỏ, rau sạch là: Lạc Long, Hưng Thi, An Bình, An Lạc, Phú Thành, Liên Hòa, Khoan Dụ; thực hiện 4 chuỗi giá trị, trong đó có 2 chuỗi rau sạch, rau an toàn tại các xã: An Lạc, Khoan Dụ, Đồng Tâm, Lạc Long, Hưng Thi, thị trấn Chi Nê; 1 chuỗi lúa tại các xã: Liên Hòa, Khoan Dụ, Phú Thành; 1 chuỗi gà tại các xã: Phú Thành, Đồng Tâm và các vùng lân cận.
Tuy nhiên, khu vực kinh tế tập thể (KTTT) trên địa bàn huyện vẫn còn một số hạn chế như: Các tổ hợp tác chưa quan tâm đến việc tổ chức SX-KD theo hợp đồng hợp tác, chưa tích lũy vốn để sản xuất; năng lực quản lý, điều hành của cán bộ quản lý tổ hợp tác còn hạn chế, chưa thuyết phục các thành viên góp vốn để tổ chức các hoạt động nhằm tạo ra lợi nhuận cao... Đối với các HTX dịch vụ nông nghiệp chủ yếu dịch vụ đầu vào cho sản xuất của các hộ thành viên, dịch vụ đầu ra còn ít, chưa liên kết được nhiều với các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp Nhà nước để bao tiêu sản phẩm. Các HTX phi nông nghiệp quy mô còn nhỏ, ngành kinh doanh đơn điệu, chưa mạnh dạn đầu tư mở rộng thị trường SX-KD. Đội ngũ cán bộ HTX chưa đáp ứng được yêu cầu HTX kiểu mới thực hiện theo Luật HTX năm 2012, chưa thu hút được nguồn cán bộ trẻ vào làm việc tại các HTX. Cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ KTTT đã được ban hành nhưng vận dụng vào thực tiễn còn nhiều bất cập, chưa thực sự làm đòn bẩy thúc đẩy KTTT phát triển. Ngoài ra, việc huy động vốn để mở rộng hoạt động SX-KD của các HTX gặp nhiều khó khăn do chưa tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi.
Đồng chí Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Thuỷ cho rằng: Trong những năm qua, các loại hình KTTT trên địa bàn huyện đã phát huy tốt vai trò trong việc tập hợp nông dân, tìm kiếm đầu ra cho nông sản, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần phát triển KT-XH, xây dựng NTM tại địa phương. Trong định hướng phát triển KTTT thời gian tới, huyện đặc biệt chú trọng đến việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho các HTX thông qua hỗ trợ xúc tiến thương mại, phát triển thị trường; xây dựng các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới để chuyển giao cho các HTX, tổ hợp tác; tăng cường hỗ trợ công tác khuyến nông, khuyến công, ứng dụng cơ giới hóa trong các khâu sản xuất, thu hoạch, chế biến, đóng gói, bảo quản sản phẩm...; tạo điều kiện cho các HTX, tổ hợp tác được tiếp cận các nguồn vốn tín dụng. Theo đó, có chính sách thu hút, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư chế biến, tiêu thụ các sản phẩm trong nông nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có đủ khả năng chế biến xuất khẩu.
Đinh Thắng