(HBĐT) - Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến "tín dụng đen” - cho vay nặng lãi được đánh giá có diễn biến khá phức tạp. Các đối tượng sử dụng công nghệ cao, thông qua mạng internet cho vay trực tuyến, vay ngang hàng với lãi suất cao, thủ tục đơn giản, kéo theo nhiều hệ lụy đến đời sống xã hội.

 

Agribank Chi nhánh Yên Thủy tạo điều kiện cho các gia đình, cá nhân vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh.

 

Thực trạng "tín dụng đen" trên địa bàn

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh, trên địa bàn tỉnh hiện có 1.153 cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự. Trong đó, có 106 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, với 163 người làm nghề; 128 cửa hàng kinh doanh cho thuê xe ô tô, mô tô, tư vấn hỗ trợ tài chính tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự và vi phạm pháp luật.

Hoạt động "tín dụng đen" được biến tướng ở các cửa hiệu cầm đồ, chỉ cần chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ xe, điện thoại di động, sổ hộ khẩu, sổ đỏ... trong vòng vài tiếng đồng hồ, người vay đã nhận được tiền từ vài triệu đồng đến hàng chục, thậm chí cả trăm triệu đồng. Số tiền được vay do chủ hiệu tự định giá, lãi suất vay tính theo ngày, tuần, tháng tùy theo giá trị món hàng, thường từ 2.000 - 3.000 đồng/1 triệu đồng/ngày (lãi suất có thể lên đến 72- 108%/năm).

Trên địa bàn tỉnh tuy chưa thống kê được đầy đủ số lượng hoạt động cụ thể của loại hình cho vay này. Song "tín dụng đen" vẫn như những đợt sóng ngầm, âm thầm hàng ngày len lỏi vào cuộc sống của người dân và cả doanh nghiệp. Trên thực tế, không ít trường hợp phải bán nhà để trả nợ "tín dụng đen" hoặc bỏ trốn khỏi địa bàn, thậm chí một số doanh nghiệp thua lỗ, phá sản.

Từ tháng 4/2017 đến gần cuối năm 2018, lực lượng chức năng đã phát hiện 36 vụ việc liên quan đến dịch vụ cầm đồ, hoạt động "tín dụng đen”, trong đó, bắt giữ người trái pháp luật 4 vụ, cố ý gây thương tích 9 vụ, cưỡng đoạt tài sản 1 vụ, hủy hoại tài sản 2 vụ, dùng chất bẩn ném vào nhà 12 vụ, uy hiếp tinh thần 8 vụ… gây bức xúc dư luận và ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa phương. Cơ quan công an đã khởi tố 5 vụ, 15 bị can để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Sự vào cuộc của hệ thống ngân hàng

Trao đổi với đồng chí Vũ Thị Song Nguyệt, Phó Giám đốc NHNN tỉnh được biết, thực tế "tín dụng đen" là hoạt động cho vay bất hợp pháp không thông qua hệ thống ngân hàng với mức lãi suất cho vay vượt lãi suất cơ bản của NHNN nhiều lần.

Để hạn chế những mặt trái của tình trạng "tín dụng đen”, ngoài sự vào cuộc của cơ quan chức năng, vai trò của hệ thống ngân hàng toàn tỉnh rất quan trọng. Vì vậy, thời gian qua, NHNN tỉnh đã chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn tăng cường công tác cho vay, nhất là cho vay hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng cá nhân.

Theo đó, Agribank Hòa Bình là ngân hàng có mạng lưới chi nhánh toàn tỉnh. Song song với hoạt động huy động và cho vay vốn, ngân hàng đang triển khai cho vay theo Nghị định số 55 của Chính phủ. Trong 3 năm qua, riêng dư nợ tín dụng theo Nghị định số 55 đạt khoảng 2.500 tỷ đồng. Mới đây, Nghị định số 116 của Chính phủ bổ sung cho vay thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn từ 50 triệu đồng đến tối đa 200 triệu đồng không phải thế chấp. BIDV Hòa Bình cũng sẽ giải ngân cho vay tín chấp đối với cán bộ, công nhân, viên chức, lao động trong tỉnh tính trên tổng thu nhập hàng tháng, chứ không riêng từ lương cơ bản.

Ngoài ra, các ngân hàng như: Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, LienVietPosBank, Ngân hàng Quân đội MB…, ngoài phục vụ nhu cầu về vốn sản xuất, kinh doanh đã có nhiều chương trình cho vay tiêu dùng nhằm hạn chế tình trạng "tín dụng đen” ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội.

Đến cuối năm 2018, tổng dư nợ toàn địa bàn đạt khoảng 21.048 tỷ đồng, tăng 12,46% so cùng kỳ năm trước. Năm 2019, các ngân hàng, tổ chức tín dụng lên kế hoạch tăng trưởng tín dụng khoảng 14%. Thực tế hiện nay, theo đánh giá của NHNN tỉnh, hoạt động cho vay của các ngân hàng trên địa bàn vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn. Thời gian tới, NHNN tỉnh sẽ quyết liệt hơn trong chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng tập trung cho vay, nhất là cho vay liên quan đến các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ nhằm hạn chế tình trạng "tín dụng đen" trên địa bàn.

 

Hồng Trung

 

Quy định của pháp luật về lãi suất cho vay và tội cho vay nặng lãi

* Về mức lãi suất cho vay:

Khoản 1, Điều 468, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

''1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác…

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực”.

* Về cấu thành tội cho vay nặng lãi

Điều 201, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định:

''1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

2. Phạm tội thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

Các tin khác


Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Huyện Lạc Sơn: Tổng đàn vật nuôi có trên 1,3 triệu con

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn, hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện đạt trên 1,3 triệu con.

Đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn thành lập thị xã Lương Sơn

Ngày 26/4, Ban chỉ đạo hoàn thiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn của tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Cựu chiến binh huyện Lạc Thủy thi đua làm kinh tế giỏi

Những năm qua, phong trào "Cựu chiến binh (CCB) thi đua làm kinh tế giỏi" trên địa bàn xã Hưng Thi (Lạc Thủy) có sức lan tỏa sâu rộng, được các hội viên nhiệt tình hưởng ứng. Từ phong trào xuất hiện nhiều CCB điển hình, gương mẫu trong phát triển kinh tế, trở thành tấm gương trong lao động sản xuất, đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục