Chiều 24/5 tại mỏ than Hà Lầm, mỏ than ứng dụng công nghệ hiện đại nhất Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm hỏi, động viên cán bộ công nhân và người lao động Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) nhân dịp Tháng Công nhân năm 2020.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói chuyện với công nhân mỏ Hà Lầm. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Cùng đi với Thủ tướng có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo một số bộ ngành và lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh.

TKV hoạt động trên địa bàn 42 tỉnh thành trên cả nước, trong đó đặc biệt là ở Quảng Ninh, Cao Bằng, Lào Cai, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Thái Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Lâm Đồng, Đắk Nông….

Chủ tịch HĐTV TKV Lê Minh Chuẩn cho biết tổng số lao động của toàn Tập đoàn sau tái cơ cấu đến nay còn 96.500 người, trong 5 năm qua đã giảm 25.000 người, tương đương giảm 20% số lao động so với trước khi tái cơ cấu theo Đề án Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tiền lương dự kiến năm 2020 là 12,5 triệu đồng/người/tháng.

Sản xuất than có doanh thu chiếm 58% tổng doanh thu của Tập đoàn, sản xuất điện bằng 9,4%, sản xuất khoáng sản (đồng, sắt, chì, kẽm, Alumin…) bằng 11,6%...

5 tháng đầu năm 2020, doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 51.313 tỷ đồng, bằng 95 % so với cùng kỳ 2019, dự kiến cả năm đạt 132.000 tỷ đồng. Nộp ngân sách 5 tháng đầu năm đạt 7.200 tỷ đồng, dự kiến cả năm đạt 18.300 tỷ đồng.


Công nhân mỏ Hà Lầm trong buổi làm việc với Thủ tướng. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Năng suất lao động của Tập đoàn tính theo giá trị năm 2019 đạt 1,38 tỷ đồng/người/năm, bình quân trong 5 năm của giai đoạn 2015 - 2019 tăng 13,1%/năm. Năng suất lao động tính theo hiện vật quy đổi đối với sản xuất than năm 2019 đạt 771 tấn/người/năm.

Thợ lò có 25 năm trong nghề với lương bình quân 28 triệu đồng/tháng cho biết đây là ngành đặc thù, làm việc trong môi trường có nhiệt độ cao, tiếng ồn lớn và đề xuất giảm tuổi về hưu đối với nghề lao động nặng nhọc này.

Chị Đoàn Vân Thủy, công nhân Phân xưởng sàng tuyển, chế biến bày tỏ công ty rất quan tâm đến việc bảo đảm an toàn lao động và đời sống công nhân. Chị đã gắn bó với mỏ được 14 năm, có mức lương trung bình 9-10 triệu đồng/tháng.

Trao đổi, thăm hỏi công nhân, Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi thấy đời sống của công nhân mỏ than Hà Lầm tốt. Mỏ than áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ rất hiện đại để tăng năng suất lao động, trước đây khai thác lộ thiên là chính, giờ khai thác lò sâu (âm hơn 300 m).

Dẫn câu thơ của Tố Hữu "Cha trốn ra Hòn Gai cuốc mỏ. Anh chạy vào Ðất Ðỏ làm phu. Bán thân đổi mấy đồng xu…” (trong bài Ba mươi năm đời ta có Đảng), Thủ tướng cho rằng ngày nay, Đảng, Nhà nước quan tâm nhiều đến đời sống công nhân nói chung, đặc biệt là công nhân mỏ. Vì thế, điều kiện lao động, đời sống của công nhân ngày càng cải thiện rõ nét.

Thủ tướng tặng quà cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị TKV, mỏ than Hà Lầm có các biện pháp tiếp tục cải thiện đời sống công nhân mỏ; áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ để nâng cao năng suất lao động, từ đó, tăng thu nhập cho công nhân. Phải kiên quyết, chủ động, trách nhiệm trong việc bảo đảm tuyệt đối an toàn cho công nhân nói chung và công nhân mỏ, hầm lò nói riêng. Tiếp tục quan tâm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Có cơ chế thuận lợi hơn với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, tiếp tục xây dựng nhà ở cho công nhân khi hiện nay chỉ có trên 20% công nhân mỏ có nhà ở, "tôi mong rằng các đồng chí tập trung giải pháp này, để an cư lập nghiệp cho công nhân mỏ”.

Dẫn câu nói của Bác Hồ cách đây 74 năm (1946), trên tàu hải quân Pháp tại vịnh Hạ Long: "Vùng mỏ của nước ta thật đẹp và giàu. Thợ mỏ của ta thật vô cùng anh dũng”, Thủ tướng mong muốn các công nhân trẻ hiểu rõ và phát huy truyền thống của ngành.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Nhân dịp này, Thủ tướng trao 200 suất quà tặng công nhân, lao động tại mỏ than Hà Lầm./.


Theo Chinhphu.vn

Các tin khác


Huyện Lương Sơn: Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng cỏ ngọt

Được triển khai thực hiện tháng 9/2023 với quy mô diện tích khoảng 2ha tại xóm Trại Hòa, xã Cao Sơn (Lương Sơn), đến nay, mô hình trồng cây cỏ ngọt bước đầu cho thấy hiệu quả. Cây cỏ ngọt sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, được kỳ vọng là loại cây trồng giúp nhiều nông dân phát triển kinh tế hiệu quả.

Xây dựng thương hiệu gà Quyết Thắng

Là một trong những "thủ phủ” chăn nuôi gà ri lớn nhất của huyện Lạc Sơn, xã Quyết Thắng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng gà ri trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương, đưa chăn nuôi gà ri thành ngành kinh tế mũi nhọn, giúp người dân cải thiện thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Quý I, tổng Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt trên 63,5 tỷ đồng

Trong quý I/2024, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tích cực phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố tổ chức giải ngân vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân từ nguồn ngân sách của tỉnh cấp năm 2024.

3 tháng, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.306 tỷ đồng

Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh ước thực hiện hết tháng 3/2024 đạt 1.306 tỷ đồng, bằng 32% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 23% so với chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh và bằng 153% so với cùng kỳ.

Toàn tỉnh có gần 5 nghìn lồng nuôi cá

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất thủy sản trong tỉnh ổn định. Hiện toàn tỉnh có diện tích nuôi cá ao, nuôi cá ruộng là 2.695 ha (nuôi kết hợp ở các hồ thủy lợi 1,2 nghìn ha); số lồng nuôi cá có 4.987 lồng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.472 tấn; các cơ sở sản xuất được 9 triệu con cá giống các loại phục vụ cho sản xuất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục