Đồng chí Ngô Văn Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy cùng đoàn công tác kiểm tra tiến độ triển khai Dự án Hồ chứa nước Cánh Tạng (Lạc Sơn) - một trong những công trình trọng điểm của tỉnh.
Trong 5 năm (2015-2020), kinh tế của tỉnh duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao, bình quân hằng năm đạt 7,59%; quy mô nền kinh tế được mở rộng. Năm 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt khoảng 54.956 tỷ đồng, gấp 1,65 lần so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Đến hết năm 2020, tỷ trọng ngành CN -XD chiếm 45,58%; dịch vụ chiếm 29,32%; nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 19,98%. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 63,8 triệu đồng, bằng khoảng 92% GDP bình quân đầu người của cả nước. Các chỉ tiêu thu NSNN, tổng vốn đầu tư toàn xã hội, số doanh nghiệp, HTX thành lập và hoạt động có hiệu quả, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu, tỷ lệ đô thị hóa, tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM đều đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết đại hội đề ra.
Cùng với những kết quả đã đạt được, vẫn còn một số hạn chế, yếu kém, đó là: Kinh tế tăng trưởng chưa bền vững, quy mô nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng, khả năng cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế thấp. Chưa thu hút được những dự án lớn có năng lực sản xuất, khả năng cạnh tranh và hàm lượng giá trị gia tăng cao, tạo bước đột phá cho phát triển kinh tế. Công tác quy hoạch chưa đồng bộ, thiếu sự phối hợp giữa các ngành, thiếu tầm nhìn chiến lược. Công tác tổ chức thực hiện quy hoạch và quản lý quy hoạch ở một số lĩnh vực còn hạn chế. Hiệu quả khai thác, sử dụng vốn đầu tư chưa cao. Công nghiệp phát triển chưa mạnh và chưa có nhiều dự án sử dụng công nghệ cao. Khu vực dịch vụ, nhất là du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, năng lực cạnh tranh còn yếu. Hiệu quả sản xuất nông nghiệp còn thấp, chưa hình thành được nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung có quy mô và sản lượng lớn. Chưa thu hút được các nhà đầu tư lớn vào lĩnh vực nông nghiệp. Công tác bồi thường, GPMB một số dự án còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. Việc phân bổ, sử dụng một số nguồn vốn còn dàn trải, thiếu tập trung. Công tác phân cấp quản lý, kiểm tra, đôn đốc hoạt động của các dự án sau khi cấp giấy chứng nhận đầu tư còn hạn chế, nhiều dự án chậm tiến độ, xử lý vi phạm chưa nghiêm. QLNN về tài nguyên, môi trường còn hạn chế, tình trạng ô nhiễm môi trường tại một số nhà máy, cơ sở sản xuất, khu vực nông thôn cải thiện còn chậm.
Thực trạng trên cho thấy, cùng nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan đó là: Năng lực lãnh đạo, quản lý của một số cấp ủy, chính quyền còn hạn chế. Một số địa phương, đơn vị lãnh đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ trọng tâm thiếu quyết liệt. Hiệu lực, hiệu quả quản lý, chỉ đạo, điều hành và chất lượng công vụ của một số ngành chưa đáp ứng yêu cầu. Một số cán bộ chủ chốt chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ được giao. Công tác phối, kết hợp giữa các ban, sở, ngành, địa phương chưa kịp thời, hiệu quả thấp, còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. Công tác dự báo trên một số lĩnh vực chưa sát với tình hình thực tế. Việc cân đối bố trí nguồn lực dành cho đầu tư phát triển, ưu tiên nguồn lực cho vùng động lực chưa được quan tâm đúng mức. Nguồn lực đầu tư cho các chương trình, dự án trọng điểm còn hạn hẹp. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ. Kinh tế của tỉnh còn phụ thuộc nhiều vào lao động giản đơn và khai thác tài nguyên, thiếu các chuyên gia đầu ngành và nhân lực chất lượng cao. Việc phân cấp quản lý một số lĩnh vực như đầu tư, xây dựng, đất đai... chưa tạo ra sự năng động, hiệu quả. Việc bổ sung các chế độ, chính sách phục vụ công tác GPMB bằng còn chậm. Việc kiểm tra, đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở một số địa phương chưa kiên quyết, thiếu chủ động và chưa thường xuyên…
Với vị trí là cửa ngõ kết nối với Thủ đô Hà Nội và vùng Tây Bắc, xu hướng phát triển thành phố vệ tinh, thành phố thông minh của vùng Thủ đô sẽ giúp Hòa Bình mở ra cơ hội rất lớn để phát triển. Trong bối cảnh những thuận lợi, thời cơ và thách thức đan xen, đặt ra yêu cầu đối với nhiệm vụ phát triển KT-XH ngày càng khó khăn, nặng nề đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh ta phải nỗ lực phấn đấu với ý chí, quyết tâm cao nhất để hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ trong những năm tiếp theo. Phấn đấu đến năm 2025, kinh tế tỉnh Hòa Bình đạt mức trung bình của cả nước.
Để đáp ứng mục tiêu yêu cầu đề ra, trước hết là phải nâng cao chất lượng lập quy hoạch, thực hiện và quản lý quy hoạch, lấy quy hoạch làm cơ sở quản lý phát triển. Chú trọng hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư. Theo đó, tập trung CCHC, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính. Hoàn thiện các cơ chế, chính sách, CCHC, nhất là thủ tục hành chính, nâng cao trách nhiệm CB, CC nhằm cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao chất lượng bộ máy dịch vụ công, phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong điều hành, quản lý, thực thi công vụ. Tăng cường tính công khai, minh bạch và nâng cao chất lượng phục vụ của cơ chế một cửa, một cửa liên thông, đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý Nhà nước để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. Tăng cường phân cấp trong quản lý theo hướng rõ việc, rõ người, rõ địa chỉ trách nhiệm, đảm bảo các điều kiện để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, nhất là các chỉ số thành phần về đất đai, chi phí không chính thức, tiếp cận đất đai, tính minh bạch và tiếp cận thông tin.
Tiếp tục quan tâm phát triển kinh tế tư nhân, tạo lập môi trường và điều kiện thuận lợi phát triển mạnh doanh nghiệp. Đẩy mạnh cơ cấu lại các doanh nghiệp Nhà nước để nâng cao hiệu quả hoạt động SX-KD theo cơ chế thị trường. Xây dựng và triển khai thực hiện cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, quan tâm phát triển kinh tế tập thể, chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể sang loại hình doanh nghiệp phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Đẩy mạnh giải quyết việc làm và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế khuyến khích doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường trong hoạt động SX-KD. Tăng cường liên kết với các tập đoàn công nghệ lớn trong và ngoài nước. Đẩy mạnh và đổi mới các hoạt động xúc tiến đầu tư, kêu gọi đầu tư vào những lĩnh vực ưu tiên. Thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, kịp thời giải quyết dứt điểm kiến nghị của doanh nghiệp, nhà đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Bên cạnh đó, tập trung ưu tiên phát triển vùng động lực kinh tế của tỉnh để tạo sự lan tỏa tới các vùng khác của tỉnh. Tăng cường hợp tác, liên kết phát triển kinh tế vùng với các tỉnh, thành phố lân cận và cả nước trên cơ sở phát triển hạ tầng giao thông kết nối, trước hết với thành phố Hà Nội nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, tiêu thụ hàng hóa nông sản và khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển du lịch.
Tăng cường huy động mọi nguồn lực để đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH, trong đó tập trung nguồn vốn cho các công trình trọng điểm, cấp thiết, vốn đối ứng, xây dựng cơ bản, không để xảy ra tình trạng phân bổ vốn dàn trải và phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản. Tăng cường quản lý, phân cấp quản lý đầu tư, thực hiện hiệu quả thanh tra, kiểm tra, giám sát, đảm bảo chất lượng các công trình.
Tập trung triển khai thực hiện Đề án phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình giao thông quan trọng mang tính đột phá trong phát triển KT-XH. Nâng cao chất lượng xây dựng và thực hiện quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng các đô thị theo hướng hiện đại kết hợp với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc và thân thiện với môi trường. Tập trung đầu tư nâng cấp, phát triển hệ thống công trình thủy lợi phục vụ đa mục tiêu. Thu hút các nguồn lực đầu tư vào hạ tầng du lịch, kết nối hiệu quả với hạ tầng giao thông và hạ tầng văn hóa. Tập trung hoàn thiện hạ tầng thương mại, dịch vụ để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Tiếp tục đầu tư cải tạo lưới điện đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho sản xuất và đời sống của người dân. Từng bước xây dựng hạ tầng viễn thông phục vụ chuyển đổi số quốc gia để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Cùng với phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, hiệu quả, sản xuất hàng hóa lớn gắn với thị trường, chú trọng phát triển công nghiệp thực sự trở thành động lực của nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao, bền vững và hiệu quả. Tăng mạnh đầu tư cho hạ tầng công nghiệp, phấn đấu đến 2025 hình thành 1 - 2 khu công nghiệp có quy mô lớn, đưa diện tích đất của các khu, cụm công nghiệp lên khoảng 1% diện tích đất tự nhiên của tỉnh. Khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển nhanh, đa dạng và nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ. Chú trọng đẩy mạnh việc ứng dụng và phát triển KH-CN. Thực hiện tốt công tác giảm nghèo và đảm bảo công bằng xã hội. Quản lý, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh nguồn nước, giữ vững phương châm phát triển nhanh - bền vững của tỉnh là: Xanh - Xanh hơn và xanh hơn nữa. Tăng cường quốc phòng, giữ vững ANCT - TTATXH, đẩy mạnh công tác đối ngoại, hội nhập, tạo môi trường thuận lợi để phát triển.
Với tinh thần Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình phát huy ý chí, khát vọng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động mọi nguồn lực, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, xây dựng tỉnh Hòa Bình phát triển nhanh, bền vững, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.