(HBĐT) - Những năm qua, tận dụng tiềm năng, thế mạnh về diện tích đất đồi rộng, người dân ở xã Cao Sơn (Đà Bắc) tập trung phát triển trồng rừng. Hướng đi này đem lại hiệu quả kinh tế khá, giúp bà con nâng cao thu nhập và góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc.
Xã Cao Sơn cách thị trấn Đà Bắc hơn 10 km, được coi là cửa ngõ của các xã vùng cao của huyện. Những năm trở lại đây, Cao Sơn có sự chuyển mình mạnh mẽ trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nhất là việc cải tạo vườn tạp để trồng cây có múi và một số loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn. Cùng với đó, trồng rừng cũng là một hướng phát triển kinh tế được xã rất chú trọng, đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực, khi thu nhập từ trồng rừng đã chiếm tới 45% tổng thu nhập của cả xã.
Đồng chí Đinh Văn Thụ, Chủ tịch UBND xã cho biết: Với địa hình chủ yếu là đồi núi, từ lâu, Cao Sơn đã chú trọng phát triển trồng rừng, với các loại cây trồng như: keo, bồ đề, trẩu, mỡ, xoan lai. Hàng năm, ở những rừng đã khai thác, bà con lại trồng gối, mỗi năm từ 75 - 100 ha. Đến nay, tổng diện tích có rừng của xã là 2.974,24 ha. Từ trồng rừng, nhiều hộ đã có được thu nhập ổn định, thoát nghèo bền vững như hộ các ông: Lý Văn Sưng, Lý Văn Hềnh - xóm Sưng, Đinh Tiến Sinh - xóm Rằng, Xa Văn Hùng - xóm Lanh.
Xóm Bai là 1 trong 4 xóm có diện tích trồng rừng lớn nhất xã. Hiện, một số diện tích đất trồng màu được nhiều hộ chuyển dần sang trồng các loại cây lấy gỗ như: lát, xoan, sưa. Còn trên những triền đồi, nhiều rừng mỡ, bồ đề, keo, trẩu đã cao lớn, có rừng trên chục năm tuổi. Gia đình ông Đặng Văn Hải, xóm Bai có 4 ha đất đồi, hiện đều đã chuyển sang trồng rừng, trong đó, khoảng 2 ha bồ đề trên chục năm tuổi. Đưa chúng tôi đi thăm đồi rừng của gia đình, ông Hải cho biết: Trước khi chuyển sang trồng cây bồ đề, đây là khu vực rậm rạp tre, nứa nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Hiện, rừng bồ đề đã cao lớn, ông Hải kỳ vọng đến tuổi khai thác sẽ đem lại khoản thu nhập lớn cho gia đình. Dưới tán cây bồ đề, gia đình ông còn tận dụng chăn thả trâu.
Những năm qua, nhiều hộ ở xóm Bai cũng như các xóm khác trên địa bàn xã phát triển chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao dưới những tán rừng họ trồng. Đi từ xóm Bai lên xóm Sưng, những triền đồi, cánh rừng được phủ sắc xanh của bồ đề, keo, mỡ, tạo bầu không khí trong lành. Riêng đối với xóm Sưng, xóm của bà con dân tộc Dao, những cây gỗ cổ thụ được bảo tồn và nhiều diện tích rừng được trồng mới. Điều này không chỉ giúp giữ rừng gỗ quý, mà còn tạo nên cảnh sắc thu hút du khách trong và ngoài nước đến thăm quan.
Đồng chí Đinh Văn Thụ, Chủ tịch UBND xã cho biết thêm: Tỷ lệ che phủ rừng của xã đạt khoảng 75% nên xã còn nhiều tiềm năng về phát triển trồng rừng. Những năm qua, bà con trên địa bàn nhận được hỗ trợ về cây giống từ dự án 30a, xã cũng tích cực tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật cho bà con. Trồng rừng góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, đồng thời giúp bà con nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo, đóng góp thiết thực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới. Đến nay, Cao Sơn đã hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới, đến hết năm nay, thu nhập bình quân đầu người của xã dự kiến đạt khoảng 36 triệu đồng/năm.
Viết Đào