Bốc dỡ gạo trên sông Hậu. Ảnh: Nguyễn Luân
Ðây là một tín hiệu vui trong bối cảnh dịch Covid-19 đang tiếp tục ảnh hưởng nặng nề đến các hoạt động giao thương nông sản. Thành quả này cũng đang tạo ra thời cơ mới cho ngành hàng lúa gạo nước ta trong cả sản xuất và xuất khẩu.
Giá cao kỷ lục
Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, tám tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo của Việt Nam không chỉ giữ được đà tăng trưởng về lượng, mà quan trọng hơn là giá xuất khẩu đạt mức cao. Riêng tháng 8-2020, giá trung bình đạt 502,6 USD/tấn, tăng 3,8% so với tháng 7-2020. Tính chung trong tám tháng, giá trung bình đạt 489,2 USD/tấn, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2019. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong tháng 8-2020, loại gạo 5% tấm của Việt Nam đã có lúc vượt giá gạo Thái-lan, vươn lên dẫn đầu thế giới. Trong suốt chặng đường dài xuất khẩu gạo, đây là lần đầu tiên giá gạo Việt Nam cao hơn gạo Thái-lan đến 20 USD/tấn. Giá gạo xuất khẩu tăng cao một phần là do nhu cầu thu mua, tích trữ gạo của nhiều quốc gia trên thế giới tăng lên từ đợt dịch Covid-19, phần khác là nhờ vào chất lượng gạo Việt Nam mấy năm gần đây được cải thiện đáng kể. Ðặc biệt, sự kiện gạo ST 25 được vinh danh là gạo ngon nhất thế giới đã góp thêm một "tín chỉ” về chất lượng và giá trị thương hiệu cho gạo Việt Nam xuất khẩu.
Tuy nhiên, điểm nhấn đáng lưu ý nhất trong hoạt động xuất khẩu gạo tám tháng qua của nước ta lại chính là mức giá xuất khẩu gạo sang thị trường châu Âu đã đạt hơn 1.000 USD/tấn ngay sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1-8-2020. Cụ thể, Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ) đã ký hợp đồng bán 3.000 tấn gạo cho ba khách hàng của Cộng hòa Liên bang Ðức với hai giống gạo thơm là ST 20 và Jasmine với mức giá hơn 1.000 USD/tấn gạo ST 20; 600 USD/tấn gạo Jasmine. Trước khi EVFTA có hiệu lực, giá gạo ST 20 xuất khẩu sang EU khoảng 800 USD/tấn, còn gạo Jasmine là 520 USD/tấn. Mới đây nhất, ngày 22-9, Tập đoàn Lộc Trời tổ chức lễ công bố xuất khẩu hơn 126 tấn gạo thơm sang châu Âu, được hưởng thuế suất 0% theo Hiệp định EVFTA.
Trao đổi ý kiến về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Lê Quốc Doanh cho biết: Năm 2020, ngành hàng lúa gạo đã vươn lên như kỳ tích khi tất cả các vụ đều được mùa, được giá. Với Hiệp định EVFTA, EU đã dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm được hưởng mức thuế suất 0% (trong đó có 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm). Ðây là cơ hội lớn cho ngành hàng lúa gạo, vì tiềm năng của thị trường châu Âu là khá lớn nên khi chúng ta kiểm soát tốt chất lượng gạo xuất khẩu thì sắp tới hạn ngạch chắc chắn sẽ tăng lên. Nhất là khi ngày 4-9 vừa qua, chỉ hơn một tháng sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 103/2020/NÐ-CP quy định về chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang Liên hiệp châu Âu. Nghị định có hiệu lực ngay ngày ký ban hành nên các doanh nghiệp đã có những loại gạo thơm trong danh sách và đơn hàng có thể gửi ngay hồ sơ đến Cục Trồng trọt (Bộ NN và PTNT) để có giấy chứng nhận. Ðiều này có ý nghĩa rất quan trọng với các doanh nghiệp trong việc hoàn tất các thủ tục trong nước để xuất gạo sang châu Âu với mức thuế ưu đãi.
Nắm bắt thời cơ để tăng tốc hiệu quả
Ðến thời điểm này gạo đang là "điểm sáng” trong bức tranh xuất khẩu nông sản năm 2020, bất chấp những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra cũng như những thách thức lớn từ thiên tai, thời tiết như hạn, mặn, bão lũ… Chính vì vậy, quý IV-2020 là thời điểm ngành hàng xuất khẩu gạo "tăng tốc” để về đích với kế hoạch xuất khẩu 6,5 đến 6,7 triệu tấn gạo. Ðể làm được điều này, theo chỉ đạo của Bộ NN và PTNT, năm 2020 diện tích gieo trồng lúa đã đạt 7.364.000 ha với sản lượng dự kiến đạt 43,5 triệu tấn thóc. Suốt thời gian qua, Bộ đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp để hoàn thành kế hoạch sản xuất lúa năm 2020, bảo đảm cân đối các nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh đó, để tiếp tục giữ và đẩy mức giá xuất khẩu lên cao, điều tiên quyết là phải quan tâm đến chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trên cơ sở thực hành sản xuất nông nghiệp tốt với các tiêu chuẩn của VietGAP, Global GAP… cùng rất nhiều yêu cầu kỹ thuật của các đối tác nhập khẩu khác nhau.
Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN và PTNT) Hoàng Trung cho rằng: Thời gian qua, ngành lúa gạo đã có chuyển đổi rất mạnh mẽ theo hướng thực hiện quy trình sản xuất lúa tiên tiến mà Bộ NN và PTNT đã đưa ra và được ứng dụng hiệu quả ở nhiều địa phương. Sự chuyển đổi này cũng bắt nguồn từ những chuyển biến trong nhận thức của nông dân. Hiện nay, hầu hết các hộ trồng lúa đã ứng dụng chương trình "một phải, năm giảm” (sử dụng giống lúa có chứng nhận (một phải) và thực hiện năm giảm (giảm lượng giống gieo sạ, giảm phân bón, giảm nước tưới qua kỹ thuật ngập - khô xen kẽ, giảm số lần sử dụng thuốc trừ sâu, giảm thất thoát sau thu hoạch). Ðây được xem là chiến lược chính để cải thiện tính bền vững của ngành sản xuất lúa gạo ở Việt Nam; chương trình "ba giảm, ba tăng” (giảm lượng giống, giảm thuốc bảo vệ thực vật và giảm phân bón nhưng vẫn tăng năng suất, tăng hiệu quả kinh tế và tăng chất lượng sản phẩm). Ngoài ra, Bộ đang chỉ đạo các địa phương triển khai các đề án quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), đề án liên quan tới các biện pháp sinh học sử dụng trong sản xuất nông nghiệp để bảo đảm hướng tới nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.
Riêng về thị trường châu Âu, để tận dụng hiệu quả lợi thế về ưu đãi thuế quan mà EVFTA mang lại, thì ngoài chín giống lúa thơm của Việt Nam xuất khẩu sang EU hiện được hưởng ưu đãi thuế quan theo hạn ngạch 30.000 tấn, bao gồm: Jasmine 85, ST 5, ST 20, Nàng Hoa 9, VD 20, RVT, OM 4900, OM 5451 và Tài nguyên Chợ Ðào, thời gian tới, Bộ NN và PTNT sẽ phối hợp với các đơn vị rà soát lại danh mục giống lúa thơm đang sản xuất phổ biến để đề xuất chỉnh sửa, bổ sung thêm danh mục chủng loại. Về cơ hội xuất khẩu mặt hàng gạo này, Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường nhấn mạnh: Sản lượng lúa thơm vùng đồng bằng sông Cửu Long ước đạt 5,5 triệu tấn/năm, tương đương khoảng 3,5 triệu tấn gạo thơm. Như vậy, tiềm năng xuất khẩu gạo thơm sang EU còn rất lớn, cho nên điều quan trọng là nỗ lực triển khai thực hiện liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, bảo đảm được những yêu cầu khắt khe nhất từ châu Âu.
Nhiều chuyên gia nông nghiệp cho rằng, sự bứt phá ngoạn mục trong xuất khẩu gạo từ đầu năm đến nay cùng với việc tận dụng nhanh các ưu đãi mà EVFTA mang lại, đang tạo ra thời cơ mới cho cả nền sản xuất và xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam, đưa giá gạo Việt lên cao và tạo ra thương hiệu rõ nét trên thị trường thế giới. Ðể nắm bắt thời cơ này, cần sự liên kết chặt chẽ và bền vững hơn nữa giữa nông dân và doanh nghiệp, giữa các vùng sản xuất và các doanh nghiệp xuất khẩu với nhau. Ðồng thời, liên quan đến vấn đề xuất khẩu trong bối cảnh dịch Covid-19 còn chưa chấm dứt, rất cần các cơ chế, chính sách linh hoạt từ các cơ quan chức năng để hoạt động này không bị gián đoạn, bảo đảm mục tiêu xuất khẩu gạo của cả năm 2020.