Khách hàng tìm hiểu sản phẩm của Chi nhánh Công ty TNHH Dây và cáp điện Trường Thịnh, xã Hòa Sơn (Lương Sơn).
Mặc dù từ đầu năm đến nay, tình hình dịch Covid-19 ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động sản xuất, nhưng đến thời điểm này, XNK trên địa bàn toàn tỉnh dần ổn định.
Thống kê từ đầu năm đến tháng 9/2020, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 645.233 triệu USD, tăng 7,64% so với cùng kỳ, đạt 62,52% kế hoạch năm. Dự kiến đến cuối năm, XNK cả tỉnh đạt trên 1.900 triệu USD, trong đó, xuất khẩu đạt kim ngạch 987 triệu USD, tăng 24,8% so với cùng kỳ, đạt 95,59% kế hoạch năm; nhập khẩu ước đạt 920,5 triệu USD, tăng 44,96% so với cùng kỳ, đạt 105% kế hoạch năm.
Đó là những con số về công nghiệp trong bối cảnh kinh tế khó khăn, dịch bệnh chưa có dấu hiệu khống chế triệt để trên toàn cầu. Theo đánh giá của Sở Công Thương, tình hình XNK chung trên địa bàn tỉnh trong 5 năm qua phát triển với quy mô ngày càng gia tăng, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt mức cao với con số trên 25%. Tính đến năm 2020, xuất khẩu của tỉnh đứng thứ 5 về kim ngạch, đứng thứ 6 về kim ngạch xuất khẩu bình quân đầu người trong vùng.
Mặc dù vậy, theo đánh giá, hoạt động XNK hàng hóa trên địa bàn tỉnh còn phụ thuộc chủ yếu vào khu vực FDI. Số liệu thống kê cho thấy, khu vực FDI chiếm 90,6% tổng kim ngạch xuất khẩu và chiếm 96,3% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu ở các KCN, tập trung vào mặt hàng may mặc, linh kiện điện tử…
Đến năm 2025, tỉnh phấn đấu đạt tổng kim ngạch XNK tăng gấp 2 lần so với hiện nay. Trong đó, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tăng bình quân 18%/năm, tăng trưởng nhập khẩu tăng bình quân 12%/năm.
Theo đồng chí Phạm Tiến Dũng, Giám đốc Sở Công Thương, để đạt được mục tiêu về XNK đề ra, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung chuyển dịch mạnh cơ cấu hàng xuất khẩu theo hướng tăng tỷ trọng sản phẩm chế biến, sản phẩm có GTGT cao. Tập trung đầu tư phát triển một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh như nông, lâm sản chế biến; hạn chế tối thiểu tình trạng xuất khẩu thô, khoáng sản và tài nguyên…
Đồng thời, đẩy mạnh xuất khẩu với tốc độ tăng trưởng bền vững, làm động lực thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Tiếp tục duy trì các sản phẩm xuất khẩu có lợi thế cạnh tranh, tăng cường xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm tinh chế, có GTGT cao.
Tỉnh cũng tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030...
Bên cạnh việc tăng cường, đổi mới công tác xúc tiến thương mại cần đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Chú trọng các chương trình xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, mở rộng thị phần cho các mặt hàng có thế mạnh của tỉnh.
Sở Công Thương cùng các sở, ngành, đơn vị chức năng, các địa phương sẽ thường xuyên tổ chức các hội nghị, hội thảo với sự tham gia của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo chuyên đề, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi liên kết ngành theo chiều dọc, giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước trên địa bàn tỉnh.
Quan tâm đến xây dựng chiến lược phát triển các loại hình dịch vụ logistics, thu hút đầu tư vào kinh doanh dịch vụ logistics, giảm chi phí logistics, thúc đẩy và gắn kết công nghệ thông tin trong logistics, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động XNK. Tập trung, ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho ngành dịch vụ logistics.
Cùng với đó, chú trọng đào tạo ngoại ngữ, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin. Tìm kiếm nguồn tài trợ trong, ngoài nước cho các chương trình đào tạo ngắn hạn. Có sự liên kết giữa các doanh nghiệp XNK với doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp vận tải biển, doanh nghiệp bảo hiểm và ngân hàng để đảm bảo chuỗi cung ứng hiệu quả, nâng cao tính cạnh tranh hàng hóa, dịch vụ.
Hồng Trung