Thông tư số 03/2021/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được đánh giá là hành lang pháp lý quan trọng, giúp các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc phục hồi kinh doanh cũng như giảm áp lực trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng thương mại.
Khách hàng giao dịch tại Chi nhánh Ngân hàng Techcombank.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây đã ban hành Thông tư số 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Thông tư này sẽ có hiệu lực từ ngày 17-5 tới. Theo phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT, Thông tư 03 sẽ giúp giảm bớt áp lực trích lập của các ngân hàng thương mại.
Cụ thể, việc bổ sung quy định phân bổ trích lập dự phòng nợ xấu trong ba năm sẽ giảm bớt chi phí dự phòng cho ngân hàng, nhất là trong năm 2021. Thông tư 01 hiện mới quy định các TCTD phải phân loại và trích lập dự phòng theo thời hạn đã được cơ cấu, có nghĩa là các TCTD sẽ phải thực hiện trích lập như thông thường khi các khoản nợ tái cơ cấu hết thời hạn. Điều này tạo nên áp lực chi phí dự phòng cực lớn cho các ngân hàng thương mại có số dư nợ tái cơ cấu lớn vào thời điểm các khoản nợ hết hạn được gia hạn trả nợ lãi. Nhưng với việc giãn lộ trình trích lập dự phòng, chi phí dự phòng của các ngân hàng sẽ không tăng quá mạnh trong năm 2021, từ đó giúp các ngân hàng thương mại có dư địa cho thu nhập giữ lại để hỗ trợ tăng cường an toàn vốn và thúc đẩy cho vay phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Mặt khác, trước đây, Thông tư 01 của NHNN chỉ cho phép tái cơ cấu với các khoản nợ phát sinh nghĩa vụ từ 23-1-2020 đến sau ba tháng từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch. Việc này gây khó khăn cho các TCTD khi xác định các khoản nợ đủ điều kiện để tái cơ cấu, cũng như theo dõi và hạch toán trong kế toán khi ngày lấy mốc có thể không trùng với kỳ hạch toán kế toán của ngân hàng. Vì vậy, tại Thông tư 03, NHNN đã bổ sung các điều kiện cho phép các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ với các khoản nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ trong khoảng thời gian từ ngày 23-1-2020 đến hết năm 2021.
Nhiều chuyên gia cũng đánh giá, việc sửa đổi này sẽ có nhiều tác động tích cực trong ngắn và dài hạn đối với các ngân hàng thương mại. Theo đó, danh mục nợ tái cơ cấu của các ngân hàng có thể tăng nhẹ trong năm 2021 do điều kiện để cho phép các khoản nợ tái cơ cấu được mở rộng. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng đến lợi suất tài sản của các ngân hàng là không đáng kể. Dẫn chứng của VNDIRECT cho thấy, từ cuối năm 2020, nhiều ngân hàng thương mại đã dừng mở rộng danh mục nợ được tái cơ cấu do những lo ngại về quy định thời gian của Thông tư 01 trước đó. Cụ thể, theo số liệu của NHNN đến giữa tháng 11-2020, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng hơn 341.800 tỷ đồng dư nợ, không tăng nhiều so với con số 321.000 tỷ đồng đã thống kê vào giữa tháng 9 trước đó.
Công ty cổ phần Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng đưa ra nhận định, với việc cho phép cơ cấu lại các khoản nợ phát sinh trong giai đoạn từ ngày 23-1-2020 đến 10-6-2020, các ngân hàng thương mại có thể xem xét mở rộng lượng dư nợ tái cơ cấu với thời hạn giãn nợ tối đa 12 tháng. Bên cạnh đó, việc kéo giãn thời hạn trích lập cho lượng dư nợ tái cơ cấu đến hạn đồng loạt trong năm 2021 sẽ giúp các ngân hàng tránh được tình trạng chi phí trích lập dự phòng tăng đột biến trong một khoảng thời gian ngắn.
Số liệu mới nhất từ NHNN cho thấy, tính đến ngày 5-4-2021, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 262 nghìn khách hàng với dư nợ khoảng 357 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 663 nghìn khách hàng với dư nợ 1,27 triệu tỷ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23-1-2020 đến nay đạt hơn 3,16 triệu tỷ đồng cho 456,6 nghìn khách hàng.
Theo Báo Nhân Dân
(HBĐT) - Sáng 23/4, UBND tỉnh tổ chức buổi làm việc với UBND huyện Yên Thủy bàn giải pháp về thu ngân sách, phát triển CN-TTCN và một số nhiệm vụ khác. Đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc.
(HBĐT) - Nhiệm kỳ 2016 - 2021, với việc tập trung triển khai hiệu quả 1 trong 3 khâu đột phá là "Vận động, phát huy vai trò của phụ nữ tham gia phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm”, Hội LHPN xã Tân Mỹ (Lạc Sơn) đã giúp nhiều hộ hội viên thoát nghèo, đóng góp thiết thực vào quá trình phát triển KT-XH của địa phương.
(HBĐT) - Trong 2 ngày 22 - 23/4, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Công ty TNHH Tư vấn tài chính và kế toán FAC tổ chức Khóa đào tạo cập nhật luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
(HBĐT) - Giai đoạn 2016 - 2020, thu NSNN trên địa bàn có mức tăng bình quân đạt 10,2%/năm (trung bình của cả nước là 8%). Tính chung cả giai đoạn, thu NSNN đạt 17.340 tỷ đồng, bằng 1,66 lần so với thực hiện của giai đoạn 2011 - 2015. Năm 2020, thu NSNN trên địa bàn đạt 4.116 tỷ đồng, bằng 93% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 82% so với chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao.
(HBĐT) - Ngày 22/4, đoàn giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách (HĐND tỉnh) do đồng chí Hoàng Đức Chính, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách làm trưởng đoàn đã giám sát công tác đầu tư phát triển hạ tầng và hoạt động của các dự án đầu tư trong các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh. Tham gia đoàn có đồng chí Võ Ngọc Kiên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo Sở Công Thương, Sở KH&ĐT, Ban Quản lý (BQL) các KCN tỉnh.
(HBĐT) - Ngày 22/4, trong khuôn khổ dự án "Liên minh bình đẳng vì sinh kế của người dân tộc thiểu số", Ban Thường trực UB MTTQ tỉnh phối hợp Tổ chức AOP (tổ chức phi chính phủ của Úc) tổ chức hội thảo Hợp tác phát triển kinh tế vùng hồ Hòa Bình gắn với du lịch cộng đồng và nuôi trồng thủy sản (NTTS). Tham dự có đại diện các sở, ngành, huyện, thành phố và một số xã liên quan.