Quy hoạch tỉnh xác định đòn bẩy chính để phát triển là đường cao tốc đến Hà Nội. Ảnh chụp tại đường Hòa Lạc - TP Hoà Bình.
Công tác lập quy hoạch được thực hiện trong 9 tháng, bắt đầu từ ngày 12/4/2021, kết thúc vào ngày 12/1/2022, được phân chia 5 giai đoạn cụ thể. Theo Kế hoạch số 01/KH-BCĐ, ngày 29/4/2021 của Ban Chỉ đạo (BCĐ) lập quy hoạch tỉnh, giai đoạn 1 được thực hiện trong 12 tuần (từ ngày 13/4 - giữa tháng 7/2021) với sản phẩm cụ thể là: Đánh giá thực trạng, khoanh vùng các vấn đề trọng tâm và nhiệm vụ tạo đột phá; cấu trúc và đề cương sơ bộ của quy hoạch tỉnh. Theo báo cáo của Sở KH&ĐT - cơ quan đầu mối thực hiện lập quy hoạch tỉnh, đến nay đã hoàn thành hơn 30 cuộc họp giới thiệu với các sở, ban, ngành và các huyện; đã khảo sát tại 2 khu công nghiệp, Nhà máy thủy điện Hòa Bình và khu du lịch hồ Hòa Bình. Kết quả thu thập được 270 tài liệu, đạt 52%; trong đó, các sở, ban, ngành tỉnh thu thập được 250 tài liệu, đạt 82%, các huyện là 38 tài liệu, đạt 18%.
Như vậy, tới nay còn 48% tài liệu cần thu thập, nhưng chưa thu thập được. Nguyên nhân chính là số lượng tài liệu cần thu thập rất lớn, nhiều tài liệu đã được ban hành rất lâu (tài liệu thu thập trong khoảng thời gian từ năm 2010 - 2020), nhưng công tác lưu trữ của nhiều cơ quan, đơn vị không tốt. Bên cạnh tình hình dịch bệnh, còn có cơ quan, đơn vị chưa tích cực phối hợp với đơn vị tư vấn...
Đánh giá của đơn vị tư vấn cho thấy, tăng trưởng kinh tế của tỉnh nhanh, nhưng chưa đạt được như kỳ vọng; cơ cấu kinh tế phụ thuộc nhiều vào sản xuất điện; tiềm năng phát triển du lịch lớn, nhưng tốc độ tăng trưởng chậm. Kết quả thu hút đầu tư còn thấp, đặc biệt là khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Cơ sở hạ tầng có cải thiện, nhưng hạ tầng kết nối còn khó khăn...
Quy hoạch đề ra mục tiêu đưa Hòa Bình trở thành tỉnh hàng đầu trong khu vực Tây Bắc nhờ tăng trưởng GDP với các trụ cột tăng trưởng chính là: Du lịch sinh thái; công nghiệp xanh; nông nghiệp sạch; phát triển đô thị. Nguyên tắc phát triển được xác định là: Tăng trưởng bền vững; kinh tế số; phát triển cơ sở hạ tầng giao thông; hạ tầng Internet; hạ tầng giáo dục, y tế; đổi mới và quy hoạch sáng tạo... Các đòn bẩy chính để phát triển là đường cao tốc đến Hà Nội; kết nối với các tỉnh, thành phố khác, giảm thời gian di chuyển đến các cảng biển nước sâu và sân bay quốc tế. Chú trọng đầu tư kết nối liên huyện; cơ sở hạ tầng xã hội; thúc đẩy chuyển đổi số; xây dựng nền tảng số dữ liệu mở và chính phủ điện tử tỉnh Hòa Bình...
Sở KH&ĐT kiến nghị với Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp tục cung cấp, bổ sung tài liệu, trao đổi, cung cấp thông tin về mong muốn phát triển của ngành, địa phương mình với nhóm tư vấn. Đề xuất với bộ, ngành T.Ư những định hướng phát triển của tỉnh vào quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch ngành quốc gia. Chỉ đạo đơn vị tư vấn hoàn thiện báo cáo đánh giá hiện trạng, ngành, lĩnh vực trọng tâm, nhiệm vụ đột phá, bổ sung thêm phương pháp và cách thức tích hợp các ngành, lĩnh vực vào quy hoạch tỉnh..., để quy hoạch phải đảm bảo mục tiêu: Phát triển bền vững; phát huy lợi thế của địa phương gần Thủ đô Hà Nội; cách mạng công nghiệp 4.0 - kinh tế số.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quách Tất Liêm, dù có 2 tháng triển khai nhưng đơn vị tư vấn và cơ quan đầu mối đã phối hợp thực hiện một khối lượng công việc rất lớn, nhưng cần quyết liệt triển khai hơn nữa mới đáp ứng yêu cầu, để có sản phẩm quy hoạch bảo đảm chất lượng cao trình Chính phủ phê duyệt. Cơ quan tư vấn cần quan tâm thực trạng, định hướng phát triển của tỉnh, như việc quy hoạch khai thác tài nguyên cần quy hoạch hạn chế tối đa các mỏ khai thác khoáng sản, vì ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, đời sống Nhân dân, trong khi đó thu được rất ít ngân sách. Đối với định hướng phát triển giao thông của tỉnh cần tính toán kết nối giao thông đối ngoại, như tuyến Hòa Lạc - TP Hòa Bình mở rộng, cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, nâng cấp toàn hệ thống quốc lộ 12B, quốc lộ 21… bề rộng mặt đường tối thiếu 12 m. Hay cần quy hoạch tối thiểu 400 - 500 ha để phát triển công nghiệp, tập trung vào các huyện: Lương Sơn, Yên Thủy, TP Hòa Bình...
Đồng chí Ngô Văn Tuấn, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng: Quy hoạch tỉnh là một trong những khâu đột phá chiến lược để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Yêu cầu thực hiện rất khẩn trương, đồng thời phải bảo đảm chất lượng, đáp ứng Luật Quy hoạch mới. Việc triển khai công tác quy hoạch tỉnh là một nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh năm 2021, là trách nhiệm và việc phải làm của các sở, ngành, địa phương. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu: Thành viên BCĐ, các sở, ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố phải có trách nhiệm rất cao, phối hợp chặt chẽ với đơn vị tư vấn làm tốt công tác thu thập thông tin, đánh giá thực trạng kết quả làm được, xây dựng định hướng, khát vọng phát triển cho tương lai, xây dựng sản phẩm quy hoạch bảm đảm tiến độ, chất lượng. Văn phòng Tỉnh ủy, UBND tỉnh và cơ quan đầu mối thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ của các sở, ngành, địa phương, lấy đó làm căn cứ để đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương, nhằm xây dựng quy hoạch tỉnh bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu.
"Đơn vị tư vấn tính toán định hướng phát triển của tỉnh là xanh, bền vững; phát triển công nghiệp gắn với phát triển đô thị, dịch vụ; phát triển nông nghiệp cung cấp các sản phẩm nông nghiệp phục vụ Thủ đô Hà Nội; du lịch là mũi nhọn, tập trung phát triển khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình, suối nước khoáng nóng Kim Bôi; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo; xây dựng cơ chế thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ thông tin…” - đồng chí Bí thư Tỉnh ủy lưu ý.
Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có vai trò quan trọng định hướng phát triển cho tương lai, xác định được mục tiêu, đột phá, phương án phát triển các ngành, lĩnh vực, lựa chọn những phương án tối ưu, phù hợp tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Quy hoạch là căn cứ khoa học, công cụ pháp lý quan trọng để chính quyền tỉnh sử dụng trong lãnh đạo, chỉ đạo, thống nhất công tác quản lý Nhà nước và hoạch định chính sách, kiến tạo động lực phát triển, là cơ sở để xây dựng, triển khai các kế hoạch phát triển KT-XH, đầu tư công trên địa bàn, bảo đảm tính khách quan, khoa học; tổ chức không gian phát triển KT-XH bảo đảm tính kết nối giữa quy hoạch quốc gia với quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững… |