(HBĐT) - Với đặc thù của tỉnh miền núi, độ dốc lớn nên hàng năm, lĩnh vực giao thông vận tải (GTVT) thường xuyên chịu thiệt hại do ảnh hưởng của các loại hình thiên tai lũ quét, ngập, sạt lở, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, gây thiệt hại công trình giao thông, cản trở việc đi lại của người dân và làm mất an toàn giao thông (ATGT). Nhằm đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt trong mùa mưa bão năm nay, Sở GTVT đã sớm tính toán xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai với mục tiêu: Chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.


Đường tỉnh 435 (đoạn TP Hòa Bình - Bình Thanh) đang được đơn vị thi công khẩn trương hoàn thành nhằm đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt trong mùa mưa bão.

Theo Sở GTVT, đối với quốc lộ trên địa bàn tỉnh, hiện hệ thống cầu cống cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại trong mùa mưa bão. Tuy nhiên, một số đoạn có nguy cơ sạt lở cao như dốc Cun, dốc Quy Hậu, dốc Má, Thung Khe, Thung Nhuối (quốc lộ (QL) 6); km 472+700 đường Hồ Chí Minh và ngầm Vụ Bản (thuộc 1 nhánh của QL12B) bị hư hỏng nhưng không ảnh hưởng nhiều đến lưu thông trên tuyến chính. Hệ thống cầu cống trên đường tỉnh hầu hết hoạt động tốt. Các cầu yếu: Ngòi Mại (ĐT.445), Pằng Pan (ĐT.439) đang được đầu tư sửa chữa. Nếu mưa to kéo dài, một số vị trí vượt suối không đảm bảo thoát lũ gây ách tắc giao thông nhiều giờ, có khi 1 - 2 ngày như một số ngầm trên đường tỉnh 433, 438B, 446... Trên ĐT.433, ĐT.448, ĐT.432, ĐT.450, ĐT.435B còn nhiều mái dốc không ổn định, có nguy cơ sạt lở trong mùa mưa bão. Hệ thống đường đô thị, đường giao thông nông thôn, đường chuyên dùng cấp kỹ thuật còn thấp, nền, mặt đường nhỏ hẹp, có một số cầu yếu, mái taluy dốc dễ bị sạt lở gây mất ATGT khi có mưa, bão xảy ra. Ngoài ra còn hệ thống các ngầm thường bị ngập nhiều giờ như: Ngầm Khăm, Bai Vọ, Chám, Vọ, Cuối Thượng...

Với chất lượng hiện trạng hạ tầng giao thông, năm 2021, những vị trí, tuyến đường được ngành chức năng xác định xung yếu gồm: QL 6 đoạn dốc Cun, dốc Quy Hậu, dốc Thung Khe, Thung Nhuối...; tuyến C, đường TSA, đường 12B, ĐT.432, ĐT.433, ĐT.435, ĐT.448 chiều cao và độ dốc mái taluy lớn nên có nguy cơ sạt lở; ĐT.445 có cầu yếu; ĐT.438B nhiều đoạn đang thi công dở dang, hiện dừng hoãn tiến độ; một số đoạn tuyến trên QL 6 và hầu hết các tuyến đường có ngầm đều có nguy cơ tắc đường cục bộ khi mưa lớn kéo dài do nước ngập sâu, chảy xiết.

Do vậy, ngay khi chuẩn bị vào mùa mưa bão, Sở GTVT đã xây dựng phương án, đề nghị UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý, bảo trì các tuyến đường được phân cấp quản lý; kịp thời sửa chữa hư hỏng, gia cường các vị trí xung yếu. Thường xuyên kiểm tra, rà soát các công trình cầu, có phương án cấm qua lại các cầu yếu và cầu, ngầm có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão.

Các nhà thầu quản lý, bảo dưỡng thường xuyên, vận hành khai thác công trình đường bộ tích cực theo dõi, kiểm tra, có biện pháp sửa chữa, gia cố tăng cường những vị trí xung yếu như những đoạn đường nền yếu, đoạn đèo dốc, mái taluy dễ sụt lở; duy tu sửa chữa nền, mặt đường, khơi thông hệ thống rãnh thoát nước, sơn sửa cọc tiêu, cột thủy chí, biển báo hiệu; gia cố lòng cầu, cống, mặt và sân ngầm tràn, thanh thải dòng chảy. Đối với mặt đường bị ổ gà, rãnh bị tắc, hư hỏng phải có giải pháp khắc phục trước mùa mưa bão. Cầu yếu cần kiểm tra chi tiết móng mố, trụ cầu, gối cầu, dầm, các liên kết của cầu thép để phát hiện, khắc phục kịp thời những dấu vết hư hỏng. Chủ động chuẩn bị đá hộc, rọ thép, dầm I, ván mặt cầu... tập kết tại các vị trí trung tâm dễ lấy, dễ vận chuyển. Chuẩn bị nhân lực, thiết bị máy móc thường trực ở những vị trí xung yếu có khả năng gây ra ách tắc giao thông, khi cần thiết có thể ứng cứu kịp thời.

Sở GTVT cũng xây dựng phương án cụ thể thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai đối với các Ban quản lý dự án; nhà thầu quản lý, bảo dưỡng thường xuyên, vận hành khai thác công trình đường thủy nội địa; các đơn vị vận tải, đơn vị trực thuộc.

Đặc biệt, trường hợp xảy ra sự cố ách tắc giao thông trên QL 6, đường Hồ Chí Minh, QL 15, Sở GTVT đã có phương án phân luồng cụ thể để đảm bảo giao thông. Trong đó, riêng với QL 6 được tổ chức phân luồng như sau: Tại km 34+700, QL 6 (Xuân Mai) các phương tiện đi từ Hà Nội có thể rẽ trái theo đường Hồ Chí Minh đến km 463+800, đường Hồ Chí Minh rẽ phải đến ngã Ba Hàng Đồi (km 70+700, QL 21) đi đường 12B đến đỉnh Cun (km 83+689, QL 6) đi Sơn La; hoặc đi đường Hồ Chí Minh đến km 496+664, đường Hồ Chí Minh rẽ phải theo QL 12B đến ngã ba Mãn Đức (km 101+120, QL 6) rẽ trái lên Sơn La.

Tại km 43+737, QL 6 (bãi Lạng, Lương Sơn), các phương tiện đi từ Hà Nội có thể rẽ trái đi theo đường TSA đến Bãi Chạo (Kim Bôi) rẽ phải đi đường 12B đến đỉnh Cun (km83+689, QL 6) rẽ trái đi Sơn La. Các phương tiện từ Hà Nội, Hoà Bình đi Sơn La, Lai Châu có thể đi theo hướng Xuân Mai - Sơn Tây - QL 32 - Phú Thọ - Lai Châu - Sơn La. Hoặc có thể đi đến TP Hoà Bình theo QL 6 cũ (đường Cù Chính Lan) qua cầu Hòa Bình theo QL 70B - Thanh Sơn - QL 32 - Sơn La; từ Lai Châu, Sơn La đi Hà Nội có thể theo QL 6 đến ngã ba Tòng Đậu đi theo QL 15 - đường Hồ Chí Minh - Xuân Mai. Ngoài ra, các phương tiện từ Hà Nội có thể đi theo hướng Đại lộ Thăng Long - đường Hòa Lạc - Hòa Bình để đến TP Hòa Bình khi QL 6 bị ách tắc.

 

Bình Giang


Các tin khác


Huyện Mai Châu: Chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

(HBĐT) - Từ năm 2019, gia đình anh anh Hà Văn Hòa ở xóm Đậu, xã Tòng Đậu (Mai Châu) được hỗ trợ vốn vay ưu đãi 45 triệu đồng để xây dựng chuồng và mua 2 con bò sinh sản. Ngoài ra, anh Hòa còn được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, phòng dịch bệnh cho bò, đến nay, 1 con bò đã sinh sản. Nhờ vậy, cuộc sống của gia đình anh từ chỗ khó khăn đã vươn lên từng bước ổn định. Ngoài gia đình anh Hòa, nhiều hộ ở xã Tòng Đậu cũng được tiếp cận vốn vay ưu đãi để cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển kinh tế.

Vượt khó, đồng lòng thực hiện "mục tiêu kép"

(HBĐT) - "Cơn bão" Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới "sức khỏe" nền kinh tế. Song với mục tiêu không để chuỗi cung ứng, sản xuất bị đứt gẫy; không để ai bị bỏ lại phía sau, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh lãnh đạo, điều hành, tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp thực hiện "mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển KT-XH. Do vậy, vượt qua khó khăn, kinh tế của tỉnh duy trì tăng trưởng khá. Nếu như 6 tháng đầu năm 2020, Hòa Bình chịu mức tăng trưởng âm thì 6 tháng đầu năm nay, tỉnh đạt được con số ấn tượng với tốc độ tăng trưởng ước đạt 16,1% .

Huyện Lương Sơn đánh giá, chấm điểm khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu năm 2021

(HBĐT) - Tổ thẩm định, đánh giá khu dân cư nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu, vườn mẫu huyện Lương Sơn đã tổ chức đánh giá mức độ đạt chuẩn khu dân cư (KDC) NTM kiểu mẫu, vườn mẫu trên địa bàn huyện.

Kiểm soát chất lượng hàng hóa vì người tiêu dùng

(HBĐT) - Trong tháng 5/2021, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 (Cục QLTT tỉnh) phối hợp Công an huyện Đà Bắc, Phòng PA07 (Công an tỉnh) kiểm tra cơ sở kinh doanh do ông Bùi Đình Giang, tiểu khu Bờ, thị trấn Đà Bắc làm chủ. Qua kiểm tra phát hiện 750 đôi giày vải các loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ, 2.100 sạc dự phòng điện thoại và 980 đồng hồ đeo tay không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Tổng giá trị hàng hóa vi phạm (theo giá niêm yết tại cơ sở) gần 130 triệu đồng. Căn cứ theo quy định, vụ việc đã được lực lượng QLTT trình Chủ tịch UBND tỉnh xử phạt 49 triệu đồng.

Huyện Lạc Thủy: Chủ tịch UBND huyện đối thoại trực tiếp với Nhân dân xã Phú Nghĩa

(HBĐT) - Sáng 21/7, UBND huyện Lạc Thủy tổ chức hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND huyện và Nhân dân thôn Lão Nội, Lão Ngoại, xã Phú Nghĩa về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án khu du lịch văn hóa và nghỉ dưỡng Lạc Thủy.

Siết chặt phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp

(HBĐT) - Ngày 20/7, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1237/UBND-KGVX về việc siết chặt công tác phòng, chống dịch (PCD) Covid-19 tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp (SX-KD, KCN) trên địa bàn tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục