(HBĐT) - "Các chủ đầu tư chủ động giải ngân vốn đầu tư công (GNVĐTC) theo kế hoạch vốn giao năm 2022, không được để bê trễ, phấn đấu đến ngày 30/6 tới giải ngân đạt 50% kế hoạch vốn giao. Phải đẩy mạnh thu ngân sách Nhà nước (NSNN), GNVĐTC vì kết quả của 2 nhiệm vụ này có ý nghĩa quyết định đến chỉ tiêu tăng trưởng 9% trong năm nay...". Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh, bởi hiện tại, tiến độ GNVĐTC của tỉnh ở mức trung bình so với cả nước và kết quả tăng trưởng kinh tế trong quý I chưa đạt như mong muốn.


Nhờ kịp thời bố trí vốn đầu tư, dự án đường nối từ đường Trần Hưng Đạo đến phường Dân Chủ kết nối quốc lộ 6 (TP Hòa Bình) đã được triển khai các hạng mục thi công.

Kế hoạch vốn đầu tư nguồn NSNN năm 2022 của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ giao 3.393,9 tỷ đồng; số vốn đã được HĐND tỉnh thông qua trên 4.192 tỷ đồng. Thực hiện Quyết định số 3045/QĐ-UBND, ngày 21/12/2021 và Quyết định số 512/QĐ-UBND, ngày 18/3/2022 của UBND tỉnh, đến hết tháng 4, UBND tỉnh đã phân bổ và giao chi tiết đến từng dự án đạt 100% kế hoạch VĐTC đã được HĐND tỉnh thông qua. Cụ thể, vốn ngân sách địa phương đã phân bổ 2.668,5 tỷ đồng (vốn trong cân đối ngân sách tỉnh 1.869,7 tỷ đồng; vốn tăng thu ngân sách địa phương 798,9 tỷ đồng); vốn ngân sách T.Ư phân bổ 1.524,2 tỷ đồng (vốn trong nước 1.101,6 tỷ đồng, vốn nước ngoài (ODA) 422,6 tỷ đồng).

Nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch VĐTC, không để dồn vào các tháng cuối năm, ngay từ đầu năm 2022, UBND tỉnh đã đôn đốc, chỉ đạo quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân; tập trung vào công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) thực hiện dự án; tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng VĐTC. Đồng thời, UBND tỉnh đã tổ chức họp giao ban định kỳ với các ngành, các ban quản lý dự án và các huyện, thành phố để nắm tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn. Sát sao chỉ đạo thực hiện các thủ tục liên quan đến công tác chuẩn bị đầu tư, GPMB, đặc biệt đối với các dự án trọng điểm.

Tính đến ngày 15/4, giải ngân kế hoạch VĐTC năm 2022 của tỉnh đạt 577,2 tỷ đồng, bằng 14% kế hoạch vốn giao. Trong đó, vốn ngân sách tỉnh giải ngân 497,6 tỷ đồng, bằng 19% kế hoạch; vốn ngân sách T.Ư giải ngân 79,6 tỷ đồng, mới đạt 5% kế hoạch vốn được giao (vốn trong nước 71,7 tỷ đồng, bằng 7% kế hoạch; vốn nước ngoài 7,8 tỷ đồng, chỉ bằng 2% kế hoạch vốn giao).

Kết quả giải ngân nhìn chung còn chậm, một số nguồn vốn đạt rất thấp, nhất là các dự án ODA. Theo Quyết định số 409/QĐ-UBND, ngày 8/3/2022 của UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch vốn từ nguồn Chính phủ vay về cho địa phương vay lại năm 2022, tổng số vốn đã phân bổ cho các dự án là 591.373 triệu đồng, trong đó, vốn ODA cấp phát 422.571 triệu đồng, vốn vay lại 53.721 triệu đồng, vốn đối ứng ngân sách T.Ư 20 tỷ đồng, vốn đối ứng ngân sách địa phương 95.081 triệu đồng. Trong 14 dự án ODA được giao kế hoạch vốn có tới 11 dự án chưa thực hiện giải ngân, vì vậy có nguy cơ rất lớn không đạt tiến độ.

Để đẩy mạnh GNVĐTC, tạo lực đẩy cho tăng trưởng và phục hồi kinh tế sau đại dịch, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, Ban quản lý dự án chuyên ngành của tỉnh và các chủ đầu tư trong thời gian tới: Tập trung triển khai giải ngân theo Chỉ thị số 03/CT-UBND, ngày 18/1/2022 về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán NSNN tỉnh năm 2022. Theo đó, đảm bảo giải ngân đến ngày 30/6 đạt trên 50%, đến ngày 30/9 đạt trên 70% và đến ngày 31/1/2023 đạt 100% kế hoạch vốn giao. Muốn vậy cần khẩn trương triển khai thực hiện dự án theo thông báo kế hoạch VĐTC. Chủ động có giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc (nếu có) trong quá trình tổ chức thực hiện dự án, bao gồm bồi thường, GPMB, đấu thầu… để đẩy nhanh tiến độ thi công. Lựa chọn nhà thầu có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm để triển khai dự án đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng công trình, hàng hóa, dịch vụ.

Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ sau khi có khối lượng được nghiệm thu, làm thủ tục thanh toán ngay với Kho bạc Nhà nước (KBNN), không dồn vào cuối năm. Đối với các dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng phải khẩn trương phê duyệt quyết toán, giải ngân hết số vốn cho các nhà thầu theo nội dung hợp đồng. Đồng thời sớm hoàn thành thủ tục để thu hồi vốn ứng trước, thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản của các dự án được giao kế hoạch vốn năm 2022. Kịp thời gửi hồ sơ các dự án sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để KBNN ghi thu, ghi chi theo tiến độ thực hiện đảm bảo đúng quy định. Nâng cao trách nhiệm trong việc quản lý, theo dõi thực hiện kế hoạch VĐTC. Kịp thời đề xuất phương án điều chỉnh kế hoạch vốn.

Chủ tịch UBND tỉnh giao KBNN nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát chi, chỉ cho phép giải ngân đối với các dự án bảo đảm đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư công và các quy định hiện hành khác có liên quan. Giao Sở Tài chính phối hợp các cơ quan liên quan đẩy mạnh thu từ nguồn sử dụng đất, xổ số kiến thiết để bố trí vốn cho các dự án kịp thời triển khai thực hiện. Sở KH&ĐT chủ trì phối hợp Sở Tài chính, KBNN thường xuyên theo dõi, tổng hợp tình hình thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022; kịp thời tham mưu, đề xuất các giải pháp đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn giao.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu người đứng đầu cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm đối với kết quả giải ngân của dự án do mình làm chủ đầu tư; tiếp tục xác định kết quả GNVĐTC là tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu và tập thể, cá nhân liên quan.


Bình Giang


Các tin khác


Dịp nghỉ lễ 4 ngày, các sân bay cả nước đón hơn 1,1 triệu hành khách

Cục Hàng không Việt Nam vừa báo cáo Bộ Giao thông Vận tải công tác phục vụ nhằm bảo đảm an toàn, an ninh hàng không trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 vừa qua.

Xăng tăng giá nhẹ

Từ 15 giờ ngày 4/5, giá xăng tăng nhẹ, mỗi lít xăng E5RON92 tăng 334 đồng/lít, xăng RON95-III tăng 442 đồng/lít.

32 sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm

(HBĐT) - Năm 2022, toàn tỉnh có 32 sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Trong đó, các huyện: Yên Thủy, Lạc Thủy, Lạc Sơn mỗi địa phương 3 sản phẩm; Kim Bôi, Tân Lạc, Mai Châu, TP Hòa Bình mỗi địa phương 2 sản phẩm; Đà Bắc 5 sản phẩm, Cao Phong 4 sản phẩm, Lương Sơn 6 sản phẩm.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 14.650 tỷ đồng

(HBĐT) - Từ đầu năm đến nay, các hoạt động thuộc Chương trình bình ổn thị trường, cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh. Hoạt động lưu thông hàng hóa và dịch vụ có mức tăng trưởng khá cao; hàng hóa cung ứng trên thị trường phong phú, giá cả hợp lý, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của Nhân dân.

Sôi nổi phong trào thi đua sáng tạo trong công nhân doanh nghiệp FDI

(HBĐT) - Những năm qua, phong trào thi đua tại các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh được thực hiện xuyên suốt, có chiều sâu. Từ phong trào xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, say mê lao động, thi đua sáng tạo, có nhiều sáng kiến, giải pháp cải tiến kỹ thuật, góp phần nâng cao năng suất lao động, tăng lợi nhuận, giúp doanh nghiệp ngày càng phát triển, yên tâm với môi trường thu hút đầu tư của tỉnh.

Kỳ vọng tương lai thành phố bên sông Đà

(HBĐT) - TP Hòa Bình trong những năm qua đã, đang từng bước nỗ lực, khẳng định được vai trò, vị thế của một đô thị trung tâm, tạo tiền đề quan trọng trong xây dựng và phát triển tỉnh là vùng kinh tế trọng điểm của Thủ đô Hà Nội. Hiện nay, mỗi năm thành phố được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào hạ tầng, phát triển KT-XH trên mọi lĩnh vực nhằm xứng tầm là đô thị vệ tinh của Thủ đô Hà Nội và là trái tim của cả tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục