Những năm qua, vấn đề đền bù, GPMB là vướng mắc lớn nhất trong công tác thu hút đầu tư của tỉnh. Ảnh: Dự án Khu nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái hồ Hòa Bình, xã Suối Hoa (Tân Lạc) chậm tiến độ khởi công một phần do công tác GPMB.
Thực hiện khát vọng phát triển, tỉnh xác định hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh (MTĐTKD) là một trong bốn đột phá chiến lược. Không thể phủ nhận, năm 2021, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã nỗ lực đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành theo hướng nắm việc, sát việc, vì sự hài lòng của doanh nghiệp (DN). Đặc biệt, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, DN, Chủ tịch UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác chỉ đạo triển khai các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách và các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh; thành lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho DN, HTX, hộ kinh doanh và người dân ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; thành lập BCĐ phục hồi sản xuất tại các khu vực sản xuất công nghiệp trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, lãnh đạo tỉnh thường xuyên tổ chức các cuộc họp, buổi đối thoại, làm việc trực tiếp với các nhà đầu tư (NĐT), DN để kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC), thủ tục đầu tư và SX-KD. Trong năm, UBND tỉnh cũng ban hành nhiều văn bản quan trọng tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các DN, NĐT đến tìm hiểu cơ hội đầu tư và triển khai các dự án tại tỉnh... Những nỗ lực này được DN đánh giá chính quyền tỉnh tiếp tục phát huy tinh thần năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề cho DN và đã vận dụng pháp luật linh hoạt nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, cũng như có thái độ tích cực đối với hoạt động SX-KD thuộc khu vực kinh tế tư nhân. Điều này được thể hiện 2/10 chỉ số thành phần (CSTP) là: "Tính năng động và tiên phong của chính quyền", "Chính sách hỗ trợ DN" đã tăng điểm so với năm 2020.
Tuy vậy, về mặt bằng chung, MTĐTKD của tỉnh còn nhiều điểm nghẽn. Trong đó vấn đề tiếp cận đất đai khó khăn, đền bù giải phóng mặt bằng chậm, kéo dài thời gian giải quyết TTHC, DN phải mất những khoản chi phí không chính thức, thông tin thiếu minh bạch... là những rào cản lớn nhất, gây bức xúc cho DN, NĐT. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến Chỉ số PCI của tỉnh năm 2021 ở trạng thái rơi tự do.
Theo Hiệp hội DN tỉnh, qua họp bàn, nắm bắt thông tin, các DN, NĐT phản ánh: Tỉnh đã đẩy mạnh hoạt động chính quyền điện tử, chuyển đổi số. Tuy nhiên, các DN, NĐT tiếp cận được tài liệu, văn bản của tỉnh trên môi trường mạng còn rất khó khăn và cần phải có mối quan hệ để có được tài liệu. Điều này thể hiện Hòa Bình là một trong những tỉnh sụt giảm lớn nhất cả về điểm số và thứ hạng chỉ số Tính minh bạch, tiếp cận thông tin (là năm thứ tư giảm điểm, thấp nhất trong 10 CSTP, xếp ở vị trí 59, giảm tới 28 bậc so với năm 2020). Năm 2021, tỉnh thu hút các NĐT rất tốt, nhiều NĐT lớn đã đến Hoà Bình nghiên cứu, triển khai những dự án tầm cỡ, song đã khiến các DN, NĐT trong tỉnh có tâm lý không được coi trọng, cho rằng các dự án, đất đai ưu tiên thuận lợi hơn cho DN ngoài tỉnh. Đây cũng là một trong những nguyên nhân để chỉ số "Cạnh tranh bình đẳng” ở vị trí thấp, xếp thứ 9/10 CSTP. Ngoài ra, chi phí không chính thức diễn ra phổ biến, DN phải chi trả chi phí không chính thức để giải quyết TTHC, thanh tra, kiểm tra, đất đai...
Đặc biệt, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Nguyễn Cao Sơn nhấn mạnh: Công tác đền bù, GPMB gặp rất nhiều khó khăn, mất thời gian, mất cơ hội đầu tư cho DN. Nguyên nhân do có nơi chính quyền cấp cơ sở gây nhũng nhiễu bằng cách kích động người dân tạo áp lực, gây khó khăn cho DN. Cán bộ làm công tác GPMB không chủ động, thiếu trách nhiệm trong công việc. Cơ quan quản lý đất đai chuyên môn hạn chế, kéo dài thủ tục vì không biết xử lý hồ sơ đất đai thế nào, sợ trách nhiệm không làm việc. Trung tâm đo đạc kéo dài thời gian xử lý trích đo bản đồ đất đai, không có thời hạn trả hồ sơ, dẫn đến chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho DN...
Thực tế từ nhiều năm qua, Chỉ số Tiếp cận đất đai của tỉnh vẫn là "căn bệnh trầm kha chưa có thuốc đặc trị". Năm qua, CSTP này xếp thứ 62 cả nước, so với năm 2020 giảm 16 bậc. Trong 14 chỉ tiêu nhỏ, có đến 7 chỉ tiêu có thứ hạng từ 60 - 63, đó là: Thời gian chờ đợi để có CNQSDĐ lâu nhất nước với 90 ngày (xếp thứ 63); DN cho rằng công tác GPMB chậm (xếp thứ 63); DN có nhu cầu được cấp GCNQSDĐ nhưng không có do TTHC rườm rà/lo ngại cán bộ nhũng nhiễu (xếp thứ 62); "Việc cung cấp thông tin dữ liệu về đất đai không thuận lợi, nhanh chóng” xếp thứ 61; địa phương có tình trạng "thiếu quỹ đất sạch” xếp thứ 61; cán bộ nhận hồ sơ và giải quyết TTHC về đất đai không hướng dẫn đầy đủ, chi tiết (xếp thứ 60); những phiền hà của thủ tục đất đai là nguyên nhân khiến 81% DN phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh (xếp thứ 61).
Trao đổi về những yếu kém, vừa qua, tại cuộc họp Ban chỉ đạo PCI tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quách Tất Liêm thẳng thắn: Đối với lĩnh vực đất đai, DN, NĐT kêu rất nhiều. Trong khâu đo đạc thường kéo dài 2 - 3 tháng. Thời gian cấp GCNQSDĐ kéo dài, thậm chí có chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai ở một số huyện, cán bộ đòi chi phí cho mỗi sổ, nếu không có thì sinh sự đủ thứ. Ngoài ra, thủ tục đất đai từ Sở TN&MT đến một số huyện chưa ăn khớp, dẫn đến chậm. Khi NĐT đã GPMB thì phải hoàn thiện sớm các thủ tục cho họ để giao đất nhưng trên thực tế, công việc này không được đồng bộ. Việc giao đất, cấp QSDĐ và ngay cả tính giá đất cũng chậm, cách phân bố cán bộ trong cơ quan lại chưa hợp lý, kéo theo chi phí thời gian kéo dài. Do vậy, phải nghiêm túc nhìn nhận, khẩn trương chấn chỉnh thưc trạng này.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh thông tin thêm: Một số sở, ngành cũng liên quan đến NĐT. Có trường hợp NĐT từ năm 2020 đến nay đã 4 lượt nộp hồ sơ mà vẫn chưa cấp được giấy chứng nhận đầu tư. Thực tế có những việc không cần xin ý kiến nhưng vẫn cứ xin, trở thành "bệnh đi xin” vì không ai muốn chịu trách nhiệm. Từ việc này dẫn đến NĐT đến phải chạy vạy nhiều nơi, nhiều lần và lại phải chi phí.
Dưới góc nhìn của DN, ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP T&T 159 chia sẻ: Phấn đấu để cho môi trường đầu tư tốt hơn thông qua đánh giá NLCT hàng năm là cuộc chạy đua của tất cả các địa phương. Trong bối cảnh các tỉnh, thành phố chạy nước rút mà chúng ta lại chạy marathon thì quả thực rất khó khăn để đạt được kỳ vọng tăng điểm và thứ hạng PCI. Hòa Bình trong thời gian tới phải hết sức nỗ lực, quyết liệt hơn nữa, phải cố gắng với mỗi CSTP và từng chỉ tiêu nhỏ để cải thiện MTĐTKD, nâng cao NLCT của mình.
Trong các CSTP được đánh giá có chỉ số gia nhập thị trường và chi phí không chính thức ở mức thấp. Kết quả Chỉ số NLCT cấp huyện và các sở, ngành (DDCI) áp dụng thử nghiệm năm 2021 cũng thể hiện tương đối rõ vấn đề này và đánh giá khá trùng với Chỉ số PCI. "Đây là những CSTP hết sức quan trọng, liên quan trực tiếp từng ngày, từng giờ đến sự ảnh hưởng, cảm nhận của các DN. Cho nên chúng ta phải hết sức nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá chân thực. Trên tinh thần xây dựng, cộng đồng DN mong muốn đội ngũ lãnh đạo, nhất là các cơ quan trực tiếp tiếp nhận hồ sơ để tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh phải thay đổi nhận thức về trách nhiệm công việc của mình trong quá trình thực thi công vụ. Cụ thể là cần chú trọng tới yếu tố con người, nâng cao năng lực, trình độ, chất lượng công vụ, nếu chúng ta không giải quyết được mấu chốt này thì sẽ mãi tụt dốc. Nếu lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành có nỗ lực, kỳ vọng đến đâu đi nữa mà đội ngũ cán bộ, công chức không làm tốt thì sẽ rất khó đạt được mục tiêu" - ông Hà Văn Thắng bày tỏ.
(Còn nữa)
Hoàng Nga